Tội phạm sử dụng mạng Internet trên địa bàn tỉnh Bình Dương có diễn biến phức tạp

Tội phạm sử dụng mạng internet có diễn biến phức tạp

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương (PA05 tỉnh Bình Dương) cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tiếp nhận 44 tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao, gây thiệt hại tài sản của người dân gần 100 tỷ đồng.

Kể từ khi Công an tỉnh thành lập các “Tổ tuần tra đặc biệt 171”, một số loại tội phạm đã giảm, nhất là các loại tội phạm về trật tự xã hội. Theo đó, các loại tội phạm về trật tự xã hội giảm hơn 50% so với tháng trước đó (chỉ có 12 vụ so với 26 vụ), các loại tội phạm đường phố, hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông… cũng giảm.

Tổ tuần tra đặc biệt 171 gồm nhiều lực lượng của Công an Bình Dương, trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát giao thông, ngoài ra còn có cảnh sát hình sự, cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, cảnh sát 113, cảnh sát cơ động…Ở cấp tỉnh, có 5 tổ tuần tra đặc biệt 171, và công an mỗi huyện, thị có ít nhất 1 tổ tuần tra.

Tội phạm sử dụng mạng Internet trên địa bàn tỉnh Bình Dương có diễn biến phức tạp Đại tá, TS Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng mạng internet để thực hiện các hành vi phạm tội như: Trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, mại dâm, cho vay lãi nặng, mua bán trái phép các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy… lại có diễn biến phức tạp; Tội phạm mua, bán giấy tờ giả diễn tra tràn lan trên các trang mạng xã hội diễn ra tràn lan, đây là những nguyên nhân trực tiếp phát sinh nhiều loại tội phạm khác gây mất an ninh trật tự.

Theo PA05 tỉnh Bình Dương, nguyên nhân khiến tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tăng cao là do suy thái về kinh tế, nhất là trong bối cảnh sau dịch COVID-19, xung đột của Nga – Ukaraina,… khiến nhiều doanh nghiệp phải phá sản, ảnh hưởng trực tiếp đến những người có thu nhập thấp, công nhân ở các doanh nghiệp trên địa bàn.

Từ đó, người dân tham gia tiếp cận các nền tảng mạng xã hội, với thời lượng truy cập tăng cao. Người dân cũng tham gia các hoạt động kinh doanh, tìm kiếm việc làm, giao lưu diễn ra nhiều. Tuy nhiên, ý thức cảnh giác, kỹ năng tham gia môi trường mạng còn hạn chế nên hầu hết những tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến tội phạm công nghệ cao người dân trình báo tới Cơ quan Công an đều đã có những tổn thất về tài sản thiệt hại từ vài chục triệu đồng tới hàng tỷ đồng.

Tội phạm sử dụng mạng Internet trên địa bàn tỉnh Bình Dương có diễn biến phức tạp Toàn cảnh hội nghị

Qua công tác theo dõi, đấu tranh, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Bình Dương nhận thấy có một số thủ đoạn phổ biến như: Giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép, yêu cầu khác nhau như bị ghi hình phạt nguội vi phạm trật tự giao thông đường bộ, gây tai nạn bỏ chạy, phục vụ điều tra,… làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng cung cấp.

Ngoài ra, còn nhiều thủ đoạn khác như chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội của bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; Kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan rồi chiếm đoạt; Lừa đảo thông qua các ứng dụng vay tiền, nhân viên ngân hàng, công ty tài chính giả mạo, với các thủ đoạn hứa hẹn cho vay với lãi suất thấp, giải ngân nhanh, tuy nhiên khi bị hại đồng ý vay thì các đối tượng lấy nhiều lý do khác nhau như: Sai số tài khoản nhận tiền, bảo hiểm khoản vay,… để yêu cầu bị hại chuyển tiền.

Một thủ đoạn lừa đảo nữa cũng khiến nhiều người mắc bẫy chính là tuyển cộng tác viên các sàn thương mại điện tử (Shoppee, Tiki, Sendo, Lazada…) làm các nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng tăng tương tác, doanh số… theo các đơn hàng bất kỳ mà chúng gửi sau đó chiếm đoạt; Lừa đảo thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo giả mạo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản)…

Tội phạm sử dụng mạng Internet trên địa bàn tỉnh Bình Dương có diễn biến phức tạp Thượng tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Dương

Trong các hành vi lừa đải nêu trên, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thông qua hình thức tuyển cộng tác viên online mang tính phổ biến nhất, thường được các đối tượng sử dụng để thu hút, tiếp cận và chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Người dân cần nâng cao cảnh giác trước các hành vi lừa đảo

Tại hội nghị, Thượng tá Bùi Phạm Hải, Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bình Dương cảnh báo người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo trong các lĩnh vực đất đai, trong đó phổ biến là các công ty bất động sản vẽ ra các dự án “ma”, dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng nhưng đã huy động vốn trái phép…

Cũng theo Thượng tá Bùi Phạm Hải, các hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt lên đến 20 năm tù.

Tội phạm sử dụng mạng Internet trên địa bàn tỉnh Bình Dương có diễn biến phức tạp Thượng tá Bùi Phạm Hải, Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bình Dương

Để không bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet… cho bất kỳ ai không quen biết.

Đặc biệt, cơ quan Công an không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội, khi cần làm việc Cơ quan Công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc thông qua Công an địa phương. Cơ quan Công an, Cơ quan nhà nước không yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, để xác minh; Không gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội.

Người dân tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng Internet. Cùng với đó, người dân không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Cần cảnh giác đối với những lời mời, chào đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường.

Tội phạm sử dụng mạng Internet trên địa bàn tỉnh Bình Dương có diễn biến phức tạp Các đại biểu tham dự hội nghị

Trong mọi trường hợp, người dân không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng; Không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.

Khi gặp các vụ việc có dấu hiệu trục lợi, lừa đảo trên không gian mạng, người dân trình báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Bình Dương, số điện thoại: 0274.3815505 để xử lý hoặc được hướng dẫn kịp thời. Đồng thời, thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.