“Tôi đã 3 lần mất con rồi, xin trời đừng bắt tội thêm đứa nữa !”
3 lần sinh con thì cả 3 đều chết, đấy lá hệ quả mà người chồng trở về sau khi tham gia chiến trường ở Cam Pu Chia năm 1968. Khi sinh anh, tuy không đoản mệnh như các em trai của mình, nhưng anh sống không ra hồn người, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, lúc nhớ lúc quên. Người vợ của anh, đã có với anh một mặt con, rồi cũng bỏ anh đi để tìm cuộc sống mới.
Anh lúc này, đã hơn 40 tuổi, vẫn ngây ngô khờ dại như đứa trẻ. Nhưng anh đáng thương hơn, khi đang trong tình cảnh “một phần sống, chín phần chết” nếu như không được mổ tim. Hoàn cảnh mà tôi được gặp tại Khoa C6, Viện Tim Mạch, thuộc Bệnh viện Bạch Mai khi mẹ của anh đích thân cầu cứu với sự thảng thốt: “Tôi đã mất 3 đứa con rồi, tôi không muốn lần thứ 4 phải “đầu bạc khóc mái đầu xanh” nữa. Thương nó lắm nhưng giờ không biết làm sao”.
Bị giãn động mạch chủ, hở van động mạch chủ nặng, sự sống của bệnh nhân Hoàng Văn Hiếu đang tính từng giờ
Anh tên là Hoàng Văn Hiếu, sinh năm 1977, quê ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Gần 1 tháng nay, anh đang nằm ở Phòng C6, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai với chỉ định phẫu thuật tim sớm để cứu tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Trưởng phòng C6, Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai cho biết:” Bệnh nhân có bệnh lý giãn động mạch chủ và hở van động mạch chủ. Thông thường van động mạch chủ hở từ 50 đến 55mm là có nguy cơ vỡ, nhưng bệnh nhân Hiếu hở đến 70mm nên cần phải mổ gấp vì có thể vỡ và tử vong bất kỳ lúc nào, chi phí phẫu thuật cho bệnh nhân từ 70 đến 100 triệu đồng”.
Bà Nguyễn Thị Bưởi, mẹ của anh Hiếu thở dài: “Nhà chỉ có sào ruộng, bao nhiêu năm nay cày cấy còn chưa đủ ăn thì lấy đâu ra mấy chục triệu để phẫu thuật tim cho con ? Tôi cũng đang tính bí quá thì bán nhà, nhưng bán rồi thì 2 vợ chồng tôi và thằng Hiếu sẽ ở đâu ?”.
Bên giường bệnh, bà Bưởi giơ tay lau dòng nước mắt bắt đầu chảy ướt khuôn mặt. Anh Hiếu là con đầu của bà, nhưng người không được bình thường do di chứng chất độc da cam chồng mắc phải khi chiến trường trở về. 3 người con trai kế sau đó của bà lần lượt chết ngay từ khi vừa mới sinh ra. Nỗi đau nhìn con trai đầu khôn khôn dại dại, các con khác chết đoản mệnh khiến bà Bưởi như phát điên. Cũng may trời không lấy hết của bà, 2 người con nữa của bà sinh ra khỏe mạnh bình thường.
“2 chú út giờ đều đi làm ăn xa, một chú đang là bộ đội biên phòng đóng quân ở tỉnh Đắc Lắc, một chú làm cán bộ y tế ở tỉnh Thái Nguyên. Thấy anh trai bệnh tình như thế, cũng chỉ gửi được về dăm đồng chứ không giúp được gì hơn vì hoàn cảnh đều khó khăn lắm”, bà Bưởi nói thêm.
Giờ đây trong cảnh tiến thoái lưỡng nan, muốn phẫu thuật thì không có tiền, xin về nhà thì chỉ có đường chết. “3 lần mất con rồi nên tôi sợ phải mất thêm một đứa nữa. Giá như tôi có thể đổi được mạng sống mình cho con, tôi cũng cam lòng”, bà Bưởi chua xót.
Nỗi buồn của bà Bưởi là nỗi buồn của những nạn nhân sau chiến tranh, mà thời gian đã 50 năm trôi qua vẫn đầy ám ảnh.
Để ưu tiên tập trung cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân, mọi sự quan tâm, trao đổi và ủng hộ vui lòng liên hệ về: Phòng CTXH bệnh viện Bạch Mai, ĐT: 0243.2151.883 hoặc gửi về tài khoản Bệnh viện Bạch Mai, số 0541101065007, tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thăng Long, 34 Láng Hạ, Ba Đình, HN, ghi rõ ủng hộ bệnh nhân Hiếu (40 tuổi) đang điều trị tại C6 Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai.
Xin trân trọng cảm ơn!