Tóc máu là gì, có nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh?

Cắt tóc máu ở trẻ sơ sinh là vấn đề mà nhiều gia đình có con nhỏ quan tâm. Nhiều người cho rằng cắt tóc máu sớm sẽ giúp tóc sẽ mọc nhanh và dày hơn. Vậy mẹ có nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh hay không và cần lưu ý gì khi cắt tóc máu?

Tóc máu là lớp tóc đầu tiên của trẻ

Tóc máu là lớp tóc đầu tiên của trẻ

Tóc máu là gì?

Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược TPHCM, tóc máu là lớp tóc đầu tiên của trẻ sơ sinh, đã được hình thành từ khi em bé còn trong bụng mẹ. Bắt đầu từ tuần thai thứ 24 trở đi, tóc máu được hình thành và cứ thế phát triển dài ra cho đến khi em bé chào đời.

Tóc máu có chức năng bảo vệ thóp non nớt của trẻ, giữ ấm phần đầu, lớp tóc này cũng sẽ rụng dần đi để chuẩn bị cho lớp tóc thực thụ sau này.

Có nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh?

Nhiều gia đình cho rằng cắt tóc máu sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nên rất băn khoăn trong việc nên hay không cắt tóc máu ở trẻ sơ sinh và nếu cắt thì nên cắt vào thời điểm nào?

Cần phải hiểu rằng việc cắt tóc cho trẻ, chỉ giống như cắt cỏ, có nghĩa là chỉ cắt được phần thân tóc trên da đầu, và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến số lượng nang tóc (là rễ để mọc tóc dài ra) nằm ở dưới da đầu.

Chưa có bằng chứng khoa học nào cụ thể cho thấy rằng việc cắt tóc máu sớm sẽ giúp tóc trẻ mọc dày và đen hơn. Theo nghiên cứu khoa học, tóc trẻ sơ sinh mọc thưa, dày, xoăn hay thẳng đều là do yếu tố di truyền.

Tóc máu ở trẻ sơ sinh cũng có cấu trúc như tóc bình thường nên sẽ có sự rụng tự nhiên, nhưng quá trình này diễn ra không đồng đều. Vì thế, sợi tóc nào dài ra trước sẽ rụng trước, đương nhiên tóc mới sẽ mọc trước và sợi nào dài ra sau sẽ rụng sau, tóc trưởng thành thay thế cũng sẽ mọc sau.

Ở trẻ sơ sinh sau khoảng 3 tháng tuổi, vùng tóc sau đầu của trẻ sẽ tự rụng, tự thay tóc mới, mà dân gian chúng ta gọi là rụng tóc vành khăn. Đây hoàn toàn là một hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh.

Thực sự việc cắt tóc máu sớm hay muộn cũng không ảnh hưởng gì đến vấn đề sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, chỉ nên cắt tỉa bớt tóc cho trẻ nếu có những sợi tóc dài gây vướng víu, khó chịu, nhất là tóc ở vùng gần mắt, vành tai, cổ.

Nếu tóc máu không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ thì không nên cắt. Vì dưới 1 tuổi, thóp của trẻ vẫn chưa liền, việc cắt tóc máu làm mỏng tóc không có lợi cho việc giữ ấm cho trẻ và bảo vệ thóp. Bên cạnh đó, nếu động tác cắt không cẩn thận có thể gây trầy xước, tổn thương vùng da đầu non nớt của trẻ.

IMG_6831

Những lưu ý khi cắt tóc máu cho bé

Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng Sài Gòn chia sẻ, tuy rằng việc cắt tóc máu là hoàn toàn không cần thiết, nhưng nếu tóc quá dày và dài gây ngứa cũng như khó chịu cho bé. Mẹ có thể cắt tóc để đảm bảo sự thoải mái cho trẻ và cần tuân thủ những lưu ý sau đây:

+ Không cắt tóc cho bé khi bé chưa đủ 5 tháng tuổi.

+ Nếu bé mới ốm dậy hay trong người mệt mỏi, không khỏe thì không nên cắt tóc cho bé.

+ Không cắt tóc khi bé đang bứt rứt khó chịu, quấy khóc.

+ Cố gắng cắt tóc cho bé càng nhanh càng tốt vì bé chưa ý thức được lời người lớn nói. Trẻ ngọ nguậy không chịu ngồi yên dễ dẫn đến bị thương do dụng cụ cắt tóc chạm vào.

+ Không nên cắt tóc khi bé đang ngủ. Nhiều người nghĩ việc cắt tóc trong lúc ngủ sẽ dễ dàng do bé không ý thức được. Tuy nhiên trẻ có thể thức giấc và sẽ hoảng sợ cũng như quấy khóc.

+ Cần tắm lại cho trẻ bằng nước ấm sau khi cắt tóc xong để bé không bị ngứa hay khó chịu do vụn tóc bám lại trên da.

Mẹ nên nắm vững những kiến thức về tóc máu trên đây để chăm sóc tốt cho trẻ trong giai đoạn đầu quan trọng. Ngoài ra, nếu mẹ còn phân vân điều gì khác trong quá trình nuôi con, đừng ngại tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.