Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng và những hệ quả của nó
- Nghiên cứu triết học
- Triết học Văn hóa
Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng và những hệ quả của nó
Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học đã dự báo về khả năng phát triển mạnh mẽ có tính chất bùng nổ và mở rộng quy mô ảnh hưởng toàn thế giới của các phương tiện truyền thông đại chúng, dẫn tới việc thu nhỏ không gian và thời gian thông tin – truyền thông trên phạm vi toàn thế giới, hình thành “làng thông tin toàn cầu”. Những dự báo đó đã dần trở thành hiện thực từ những năm giữa thế kỷ XX khi nhân loại bước vào cuộc cách mạng khoa học – công nghệ lần thứ ba – cuộc cách mạng tin học, với sự ra đời của mạng máy tính Internet, hệ thống cáp quang và hệ thống vệ tinh địa tĩnh.
- Thực chất của toàn cầu hóa truyền thông đại chúng
Thực chất của toàn cầu hóa truyền thông đại chúng là quá trình phát triển mạnh mẽ, mở rộng quy mô hoạt động, phạm vi ảnh hưởng ra toàn cầu của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Có thể thấy nội dung của toàn cầu hóa truyền thông đại chúng được phản ánh ở những tiến trình thực tiễn sau:
1.1. Sự phát triển nhanh chóng về sức mạnh của các loại hình phương tiện và các chủ thể chi phối truyền thông đại chúng là nội dung đầu tiên của toàn cầu hóa truyền thông đại chúng.(*)
Sự ra đời của báo chí in hiện đại vào cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII đã đánh dấu bước khởi đầu của kỷ nguyên truyền thông đại chúng trong tiến trình phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, trong suốt 3 thế kỷ tồn tại và phát triển của mình (từ thế kỷ XVII đến hết thế kỷ XIX), báo in đã vận hành một cách chậm chạp với “những bước chân của người đi bộ”. Nó chỉ dần trở nên phổ biến ở Tây Âu – cái nôi ra đời của báo in cùng Bắc Mỹ và một số quốc gia, khu vực có liên hệ mật thiết với các quốc gia phương Tây. Ngay cả ở khu vực này thì báo chí cũng chỉ mới là thứ sản phẩm của văn hóa thành thị, cái thứ mà người dân nông thôn vẫn còn xa lạ. Thậm chí, đến tận cuối thế kỷ XIX, ở một số quốc gia, lãnh thổ trên thế giới, người ta vẫn chưa thấy sự hiện diện của báo in, chưa hình dung ra báo in là gì.
Tuy nhiên, khi nhân loại bước sang thế kỷ XX, tình hình đã khác hẳn. Sự ra đời của phát thanh (radio), truyền hình (television) ở nửa đầu thế kỷ, đặc biệt là sự xuất hiện của máy tính điện tử cá nhân (person computer) và tiếp theo là mạng máy tính toàn cầu (Internet) đã tạo ra bước nhảy vọt có tính chất bùng nổ trong lĩnh vực truyền thông đại chúng. Vào thời điểm hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng, như báo in, phát thanh, truyền hình, quảng cáo, các loại băng, đĩa âm thanh, hình ảnh, v.v. đã hiện diện trong đời sống thường nhật, trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa không thể thiếu đối với tuyệt đại bộ phận người dân trên toàn hành tinh. Hàng tỷ người ở các quốc gia, lãnh thổ trên thế giới đang hàng ngày, hàng giờ làm việc, giải trí thông qua và bằng Internet.
Cùng với sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các loại hình phương tiện truyền thông đại chúng, các chủ thể truyền thông đại chúng cũng phát triển mạnh mẽ về quy mô, sức mạnh ảnh hưởng. Có thể mô tả lộ trình phát triển quy mô của các chủ thể truyền thông đại chúng trên thế giới như sau:
– Ở thời điểm cuối thế kỷ XIX, thế giới chủ yếu chỉ biết đến những tờ báo độc lập, hoạt động trong phạm vị địa phương, thành phố cụ thể và ở một số ít quốc gia phát triển phương Tây mới có những tờ báo có phạm vi ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc.
– Đầu thế kỷ XX, bắt đầu hình thành những nền tảng đầu tiên của những tập đoàn truyền thông ảnh hưởng trong phạm vi quốc gia.
– Giữa thế kỷ XX, các tập đoàn truyền thông bắt đầu quá trình mở rộng tầm hoạt động, quy mô ảnh hưởng ra phạm vi toàn cầu.
– Cuối thế kỷ XX, các tập đoàn truyền thông khổng lồ đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa; bắt đầu sự hội tụ, tích hợp các loại hình truyền thông và các loại hình dịch vụ sống trên mạng Internet.
– Đầu thế kỷ XXI, truyền thông đa loại hình bắt đầu chi phối hoạt động sống của con người trên phạm vi toàn cầu.
Các tập đoàn truyền thông Mỹ dẫn đầu thế giới về quy mô và sức mạnh tiền bạc cũng như phạm vi ảnh hưởng. Theo số liệu thống kê năm 2008, Tập đoàn Walt Disney có 150.000 nhân viên với doanh thu 37,843 tỷ USD. Số liệu tương tự của 4 tập đoàn truyền thông hàng đầu khác của Mỹ như sau: News Corp: 64.000 nhân viên, 32,996 tỷ USD; Time Warner: 86.400 nhân viên, 17,2 tỷ USD; Viacom: 11.500 nhân viên, 14,625 tỷ USD; Gannet Inc: 41.500 nhân viên, 6,767 tỷ USD. Chỉ riêng tập đoàn mẹ Time Warner đã kiểm soát 6 công ty con với quy mô như những tập đoàn trực thuộc (AOL, Time Broadcasting, Warner Bros, HBO, Ubu, Time Inc), trong đó có những tên tuổi hiện diện hàng ngày trên toàn thế giới, như các kênh truyền hình CNN, TNT, Cartoon Network, TBS… thuộc Time Broadcasting, các kênh truyền hình giải trí Cinemax, HBO thuộc HBO.
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đại chúng, thông tin về mọi sự kiện đang diễn ra ở bất cứ đâu trên hành tinh đều có thể được ngay lập tức tung lên các phương tiện truyền thông đại chúng để đưa đến người nhận ở mọi quốc gia, khu vực. Trên thực tế, thế giới ngày nay đã trở nên nhỏ bé như một “ngôi làng truyền thông”, nếu xét theo khoảng cách không gian và thời gian vận hành dòng thông tin.
1.2. Sự quy chuẩn hóa công nghệ truyền thông diễn ra trên phạm vi toàn cầu – một yếu tố quan trọng tạo nên quá trình toàn cầu hóa truyền thông đại chúng.
Quá trình quy chuẩn hóa công nghệ truyền thông diễn ra dưới tác động chủ yếu của hai yếu tố: sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và sức ép của việc mở rộng quy mô hoạt động, phạm vi ảnh hưởng của truyền thông đại chúng mà về thực chất, là nhu cầu mở rộng thị trường của các chủ thể truyền thông đại chúng. Chính những tiến bộ khoa học của thế kỷ XX đã cho phép phá bỏ rào cản của các hệ kỹ thuật truyền hình khác nhau, dẫn đến việc các máy thu của cả thế giới, dù do bất cứ quốc gia, công ty nào sản xuất, đều có thể thu nhận được các chương trình phát đi của mọi đài phát sóng truyền hình và ngược lại. Mặt khác, các chủ thể truyền thông muốn mở rộng thị trường của mình buộc phải tìm ra các giải pháp kỹ thuật công nghệ chuẩn phổ biến.
Có thể nhận thấy quá trình quy chuẩn hóa công nghệ truyền thông diễn ra trong lĩnh vực truyền hình. Vào những năm 70 của thế kỷ XX, trên thế giới đã tồn tại các hệ kỹ thuật truyền hình khác nhau, như PAL, SECAM, NTSC, OIRT mà đặc điểm phân biệt giữa chúng là mật độ đường phân ngang hình ảnh. Các sản phẩm máy thu hình đều sản xuất theo tiêu chuẩn đơn hệ và đương nhiên, chỉ thu được chương trình phát sóng của một hệ kỹ thuật tương ứng. Để giải quyết sự bất tiện này, người ta đã tìm giải pháp sản xuất các máy thu đa hệ. Chỉ trong thời gian khoảng một thập kỷ, hầu như máy thu hình đa hệ đã thay thế toàn bộ các máy thu hình đơn hệ. Khi truyền hình chuyển sang kỹ thuật số (digital), sự khác biệt về hệ kỹ thuật không còn là trở ngại cho việc phổ biến các sản phẩm máy thu hình. Ngày nay, về cơ bản, máy thu hình sản xuất ở bất cứ đâu đều có thể dùng cho mọi quốc gia, khu vực.
1.3. Môi trường truyền thông – điều kiện, đồng thời là kết quả của quá trình toàn cầu hóa truyền thông đại chúng.
Môi trường toàn cầu của truyền thông đại chúng bao gồm sự mở rộng phạm vi của cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mở rộng công chúng, mở rộng không gian nguồn tin của truyền thông đại chúng ra toàn cầu.
Trước hết là việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã cho phép người ta mở rộng và hình thành một môi trường truyền thông đại chúng đồng nhất trên phạm vi toàn cầu mà hầu như không có hàng rào kỹ thuật, địa lý hay hàng rào quốc gia nào có thể ngăn cản. Ngày nay, hệ thống vệ tinh nhân tạo bao quanh không gian trái đất đã mang thông tin đồng thời đến mọi nơi, vào mọi lúc trên toàn địa cầu. Internet, truyền hình, phát thanh truyền qua hệ thống vệ tinh đến với mọi cư dân trái đất nếu có nhu cầu và phương tiện tiếp nhận, bất chấp biên giới quốc gia và hàng rào “lửa”. Với truyền thông đại chúng toàn cầu hóa, thì trên thực tế, đã không còn khái niệm biên giới cứng của các quốc gia.
Cùng với tiến bộ khoa học – kỹ thuật, sự tăng lên nhanh chóng của các quan hệ quốc tế về chính trị, kinh tế và văn hóa đã dần hình thành công chúng toàn cầu của truyền thông đại chúng. Rào cản ngôn ngữ được khắc phục từng bước qua việc trình độ văn hóa cư dân nâng cao, ngày càng nhiều người biết và có thể sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp và làm việc. Thậm chí, có những thứ ký hiệu mà cư dân cả thế giới đều có thể hiểu được mà không cần biết tiếng nước ngoài. Dễ nhận thấy nhất là hình ảnh. Công chúng trẻ em vẫn thích thú xem phim hoạt hình mà đâu cần phiên dịch.
2. Các yếu tố điều kiện của toàn cầu hóa truyền thông đại chúng
Trên cơ sở nghiên cứu nội dung và tính chất của tiến trình toàn cầu hóa truyền thông đại chúng, có thể chỉ ra những yếu tố quan trọng nhất chi phối và thúc đẩy tiến trình này là: Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật và công nghệ lần thứ ba; quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới; tiến trình hội nhập quốc tế; yêu cầu giải quyết các vấn đề toàn cầu.
2.1. Những thành tựu, tiến bộ to lớn của cuộc cách khoa học, kỹ thuật và công nghệ lần thứ ba (cuộc cách mạng tin học) – là một trong số những yếu tố có vai trò quyết định đối với tiến trình toàn cầu hóa truyền thông đại chúng.
Trước tiên, phải nói đến sự ra đời và phát triển của máy tính điện tử và những thành tựu to lớn trong lĩnh vực tin học. Vào thập niên cuối của nửa đầu thế kỷ XX, sự ra đời của máy tính đã báo hiệu sự bắt đầu của một cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật và công nghệ dẫn đến những đảo lộn trong đời sống nhân loại nói chung và thay đổi căn bản hình dung về truyền thông đại chúng nói riêng. Máy tính điện tử đã mở ra những khả năng mới trong công nghệ in ấn với việc chế bản điện tử. Nó đã bỏ lại đằng sau toàn bộ công nghệ in cũ với những keo, lô, chì, chữ, trên nền lao động thủ công để tạo sự đột phá có tính cách mạng về tốc độ, năng suất in ấn và chất lượng của các sản phẩm in, trong đó có sách, báo và tạp chí.
Năm 1968, phát minh mới về kết nối mạng máy tính đã được đăng ký tại Mỹ. 13 năm sau, mạng máy tính thế giới – Internet ra đời đã mở ra khả năng kết nối toàn cầu các máy tính cá nhân, cũng có nghĩa là tạo ra theo cấp số nhân về tích lũy, khai thác thông tin trong các máy tính. Hơn thế nữa, nó còn đưa tới việc thực hiện trên thực tế việc kết nối cư dân toàn thế giới trở thành một “làng truyền thông toàn cầu”. Theo thống kê của Asia Digital marketing Yearbook, tính đến năm 2007, cả thế giới đã có đến 1,1 tỷ người sử dụng Internet, trong đó 20 quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu chiếm gần 80% số người sử dụng Internet toàn cầu. Mỹ là nước đứng đầu danh sách với 211 triệu người, chiếm gần 70% dân số sử dụng Internet. Việt Nam tuy mới chính thức phổ biến Internet nhưng đã trở thành quốc gia đứng thứ 17 thế giới với 17,5%, tức là trên 14 triệu người.
Sự phát triển của công nghệ thông tin và cùng với nó là những tiến bộ to lớn trong kỹ thuật truyền thông, những giải pháp công nghệ tiên tiến, như mạng cáp quang, hệ thống vệ tinh nhân tạo, kỹ thuật số (digital), truyền hình độ nét cao (HD), công nghệ 3G, công nghệ in hiện đại, v.v. đã thúc đẩy sự đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng, dung lượng, năng lực, sự hấp dẫn, sự thuận tiện trong sử dụng của truyền thông đại chúng.
2.2. Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng vừa là hệ quả, vừa là động lực thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới.
Nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XX đã có những bước phát triển nhanh chóng về năng suất, tốc độ. Thời kỳ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến những năm đầu thế kỷ XXI, mức tăng trưởng GDP ở một số nước tăng lên cả chục lần. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các giải pháp công nghệ tiên tiến cho phép tăng nhanh năng suất lao động, chất lượng và sự đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa. Những rào cản trên thị trường khu vực và quốc tế dần bị dỡ bỏ. Hệ thống tài chính và thị trường vốn liên kết toàn cầu, sự hình thành thị trường lưu thông hàng hóa toàn thế giới càng thúc đẩy nhanh vòng quay đồng vốn, mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà sản xuất. Trong điều kiện đó, các công ty, tập đoàn kinh tế nhanh chóng bành trướng sức mạnh, quy mô, nhiều tập đoàn trở thành cơ cấu đa quốc gia, cơ cấu kinh tế toàn cầu.
Sự phát triển của kinh tế, một mặt, tạo tiền đề vật chất, nguồn lực cho việc đầu tư phát triển và tiêu thụ sản phẩm truyền thông đại chúng. Mặt khác, sự phát triển kinh tế cũng dẫn đến việc mở rộng, tăng nhanh nhu cầu truyền thông đại chúng, phục vụ cho thông tin quảng bá hàng hóa, dịch vụ, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho việc mở rộng đầu tư sản xuất. Như vậy, quá trình toàn cầu hóa kinh tế và quá trình toàn cầu hóa truyền thông đại chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa là điều kiện, tiền đề, vừa là hệ quả phát triển của nhau.
2.3. Về chính trị, tiến trình hội nhập quốc tế cũng là một điều kiện quan trọng của quá trình toàn cầu hóa truyền thông đại chúng.
Năm 1945, sự ra đời của Liên hợp quốc đã được coi như một giải pháp lý trí mà nhân loại buộc phải lựa chọn sau bài học xương máu của hai cuộc chiến tranh thế giới. Đã đến lúc các quốc gia trên thế giới phải ngồi lại với nhau, cùng hợp tác giải quyết các vấn đề chính trị một cách hòa bình, tránh đổ máu. Đến lượt mình, chính Liên hợp quốc đã trở thành một cơ chế để thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa các vấn đề chung của nhân loại, cũng như các vấn đề của từng khu vực, từng quốc gia. Cùng với sự ra đời Liên hợp quốc, nhiều hình thức, cơ chế liên kết, hợp tác ở các khu vực, liên khu vực hay nhóm nước có cùng hoàn cảnh, gần gũi nhau về thể chế hay có cùng một mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội nào đó đã xuất hiện. Đó là: Tổ chức các nước không liên kết (NAM), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức các nước châu Mỹ, Tổ chức các nước Nam Á, Khối Liên hiệp Anh, Tổ chức các nước nói tiếng Pháp, Tổ chức các nước Hồi giáo, Diễn đàn kinh tế thế giới Đavốt, G8, G20, v.v.. Ngoài các tổ chức có thiết chế hoạt động thường xuyên, còn xuất hiện nhiều hình thức giao tiếp, liên kết, hợp tác song phương, đa phương, các cơ chế làm việc đột xuất giữa các quốc gia một cách sinh động, đa dạng
Các hình thức, thiết chế hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng phong phú đã tác động, ảnh hưởng đến tiến trình vận động, tính chất hay cách thức giải quyết của các vấn đề, sự kiện. Hình thức phổ biến nhất là nó tạo ra sự quan tâm, chú ý của dư luận quốc tế hay khu vực, tùy theo quy mô, tính chất của vấn đề, sự kiện. Đó cũng chính là động lực, là yếu tố tác động mạnh mẽ vào việc hình thành các điều kiện của môi trường truyền thông đại chúng, kích thích để dẫn tới việc mở rộng các nhu cầu về thông tin truyền thông.
2.4. Yêu cầu giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng là một điều kiện cho sự phát triển truyền thông đại chúng với quy mô toàn thế giới.
Sự phát triển của các lĩnh vực đời sống hiện đại, đặc biệt là công nghiệp cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã dẫn đến hệ quả là sự hình thành những vấn đề toàn cầu, những vấn đề có phạm vi hoạt động toàn thế giới, ảnh hưởng đến mọi quốc gia, dân tộc và chỉ có thể giải quyết được trên quy mô toàn cầu. Đó là các vấn đề trải ra trên rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, cạn kiệt nguồn năng lượng, hiệu ứng nhà kính – trái đất nóng lên và nước biển dâng, đến những vấn đề về vũ khí hạt nhân, tội phạm ma túy, nghèo đói và thiếu lương thực, xung đột vũ trang và nạn khủng bố, v.v..
Việc giải quyết các vấn đề toàn cầu đang đặt ra trước nhân loại những yêu cầu bức xúc. Tuy nhiên, việc tìm ra và đi đến thống nhất về phương thức, nguồn lực, cơ chế để giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề toàn cầu lại là không dễ dàng. Đặc biệt khó khăn là việc tìm ra tiếng nói chung giữa tất cả các quốc gia với những thể chế chính trị đa dạng, những lợi ích khác biệt nhau nhiều khi đến mức đối kháng. Trong điều kiện đó, truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng, trở thành công cụ chuyển tải thông tin, thúc đẩy nhận thức thống nhất, trách nhiệm và giải pháp giải quyết các vấn đề toàn cầu. Có thể nói, đây là kênh thông tin có sức mạnh to lớn nhất, có điều kiện thuận lợi nhất để liên kết các dân tộc, các quốc gia đi tới tiếng nói, hành động chung. Đến lượt mình, truyền thông đại chúng có cơ hội mở rộng quy mô, tăng cường sức mạnh ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
3. Hệ quả của quá trình toàn cầu hóa truyền thông đại chúng
3.1. Những hệ quả tích cực.
Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng là một quá trình khách quan, là lôgíc tất yếu của tiến trình phát triển của nhân loại và những hệ quả của nó cơ bản, chủ yếu mang tính tích cực. Có thể thấy những hệ quả tích cực chính sau đây:
– Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng mở ra môi trường thông tin rộng lớn, thuận tiện nhất, giúp cho các dân tộc, các quốc gia và cư dân toàn thế giới tăng cường khả năng giao lưu, tăng cường hiểu biết, xích lại gần nhau. Điều này cũng có nghĩa là, nó giúp cho nhân loại nhân lên sức mạnh của mình trong việc thống nhất nhận thức, hành động, tạo ra áp lực mạnh mẽ cho việc giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đặt ra, từ mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên đến các vấn đề trong quan hệ giữa con người với con người ở những quy mô, phạm vi khác nhau.
– Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng tạo ra một môi trường học tập toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho mọi cư dân trái đất có thể tiếp thu tri thức nhân loại, nâng cao trình độ hiểu biết cho mình. Chưa bao giờ nhân loại có môi trường học tập thuận lợi như ngày nay, khi mà qua phát thanh, truyền hình, sách báo, tạp chí, mạng Internet, mọi người trên trái đất đều có được cơ hội khai thác toàn bộ kho tàng tri thức của nhân loại. Đó là một trường học mở cửa cho tất cả những ai mong muốn học tập và nâng cao trình độ hiểu biết.
– Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng trở thành môi trường, điều kiện thúc đẩy sự phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Ảnh hưởng có tính chất động lực này thể hiện ở việc truyền thông đại chúng cung cấp cho cư dân toàn cầu một cách nhanh chóng, toàn diện và phong phú nhất tất cả những thông tin về những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới nhất, tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức đều có thể cập nhật, nâng cao hiểu biết, thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ ấy vào đời sống. Mặt khác, toàn bộ những kết quả của việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ trên thế giới cũng nhanh chóng được giới thiệu, được phân tích, đúc kết kinh nghiệm thực tế, tạo điều kiện cho cho việc hưởng thụ rộng rãi những kết quả đó. Đến lượt mình, việc hưởng thụ ấy lại trở thành động lực thúc đẩy phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
– Hệ thống truyền thông đại chúng toàn cầu hóa trở thành nguồn thông tin sinh động, phong phú, toàn diện và có tính thời sự, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của mọi quốc gia. Để có được chính sách đúng đắn, có hiệu quả, thì điều kiện đầu tiên chính là thông tin. Chỉ có với hệ thống thông tin đầy đủ mới có khả năng phân tích, đánh giá tình hình đầy đủ, chính xác, đưa ra những dự báo hợp lý, trên cơ sở đó đưa ra quyết định hành động đúng đắn. Truyền thông đại chúng toàn cầu phản ánh sinh động nhất, đầy đủ nhất bức tranh hiện thực của đời sống xã hội. Ngoài ra, đó cũng là nguồn dữ liệu thông tin được tích lũy với khối lượng, dung lượng khổng lồ, không chỉ có ý nghĩa quan trọng với những nhà hoạch định chính sách, mà còn rất cần thiết đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học, cũng như tất cả những ai ham hiểu biết, có mong muốn nâng cao trình độ hiểu biết.
– Hệ thống truyền thông đại chúng toàn cầu cũng là công cụ để dự báo, điều hành và xử lý những dịch vụ đời sống của cư dân mọi quốc gia, dân tộc. Xã hội càng phát triển, các loại dịch vụ càng trở nên phong phú, sinh động hơn, thậm chí trở thành những ngành hoạt động khổng lồ và có ý nghĩa quan trọng hơn cả nhiều ngành sản xuất vật chất của xã hội. Một loạt các loại hình, yêu cầu dịch vụ hiện đại đã được xử lý, giải quyết thông qua vai trò của hệ thống truyền thông đại chúng toàn cầu. Đó là các dịch vụ quảng cáo, bán hàng, cung cấp dịch vụ; các dịch vụ thanh toán, trao đổi tài chính, nguồn vốn; các dịch vụ văn hóa, giải trí, tâm lý, du lịch; các dịch vụ về giáo dục, đào tạo, tư vấn, v.v..
3.2. Những hệ quả tiêu cực.
Cùng với những hệ quả tích cực kể trên, quá trình toàn cầu hóa truyền thông đại chúng cũng đồng thời mang lại những hệ quả tiêu cực. Có thể nhận thức những tác động có tính tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa truyền thông đại chúng với những thể hiện sau đây:
– Quá trình toàn cầu hóa truyền thông đại chúng diễn ra trong tình trạng không công bằng do sự phát triển không đều của truyền thông đại chúng ở những quốc gia, khu vực khác nhau. Ở các nước có nền kinh tế phát triển, các loại hình phương tiện cũng như các chủ thể truyền thông đại chúng phát triển trước và mạnh mẽ do có điều kiện thuận lợi mọi mặt, có nguồn lực to lớn cả về tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, tiến bộ khoa học lẫn trình độ đội ngũ chuyên gia. Trên thực tế, quá trình phát triển toàn cầu hóa truyền thông đại chúng trước hết và căn bản là toàn cầu hóa các công ty, tập đoàn truyền thông đại chúng của các nước phương Tây, các nước có nền kinh tế phát triển nhất.
– Sự lưu hành những thông tin xấu, bất lợi, có tính chất tiêu cực đối với những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn truyền thống cũng đang là một nguy cơ của xã hội hiện đại. Cùng với dòng chảy những thông tin có giá trị tốt, toàn cầu hóa cũng đồng thời với việc mở toang cánh cửa kiểm soát của các quốc gia cho những thông tin tiêu cực, bất lợi, trái với những giá trị đích thực và các truyền thống bản địa tốt đẹp. Đặc biệt, hệ quả phức tạp là sự đổ bộ xô bồ những thông tin có tính chính trị nhưng không có định hướng nhận thức rõ ràng, dẫn đến sự nhiễu loạn, làm mất phương hướng của dư luận xã hội, thậm chí dẫn đến những tác động tư tưởng tiêu cực, bất lợi cho sự ổn định chính trị – xã hội, một điều kiện không thể thiếu để bảo đảm cho sự phát triển của mỗi quốc gia.
– Khả năng lợi dụng hệ thống truyền thông đại chúng để can thiệp vào các vấn đề, các tiến trình, sự kiện chính trị – xã hội, phục vụ cho những mục đích chính trị, vụ lợi. Đây là hiện tượng rất phổ biến và cũng dễ nhận thấy trong đời sống chính trị quốc tế hiện đại. Ý đồ của hành vi này là thúc đẩy những cải biến xã hội để phục vụ cho những mục tiêu chính trị, như tạo ra môi trường, thị trường, cạnh tranh quyền lực, thế lực chính trị, thúc đẩy việc hình thành những điều kiện thuận lợi hơn cho những liên kết chiến lược của những lực lượng có cùng mục đích. Nguồn thông tin can thiệp chính trị thường được khai thác từ hai phía, – bên ngoài quốc gia và ngay trong nội bộ mỗi quốc gia. Nguồn thông tin bên ngoài bao gồm nguồn thông tin quốc tế, những luận điểm, quan niệm, giá trị từ bên ngoài. Nguồn thông tin từ bên trong là sự khai thác ngay từ những vấn đề, sự kiện, những ý kiến, tâm tư của nội bộ xã hội, thông thường được phản ánh rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đã được sửa chữa, được hướng theo chiều hướng nhận thức phù hợp với mục đích đưa thông tin.
– Những ảnh hưởng tiêu cực về văn hóa do dòng chảy các sản phẩm phi văn hóa và sự áp đặt các giá trị văn hóa ngoại lai, phi truyền thống dẫn đến sự nhất thể hóa tiêu cực về văn hóa, sự phá hoại và thậm chí, còn dẫn đến cái chết của một số nền văn hóa bản địa. Theo nguyên tắc chung, nguồn thông tin truyền thông của nước nào thì mang theo các giá trị văn hóa của nước ấy. Về thực chất, toàn cầu hóa truyền thông đại chúng, trước hết là mở rộng phạm vi và quy mô ảnh hưởng của truyền thông đại chúng các nước giàu mạnh, phát triển. Mặt khác, chính các nước công nghiệp phát triển phương Tây cũng muốn bành trướng ảnh hưởng văn hóa như một thứ sức mạnh mềm nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế và bành trướng quyền lực chính trị của mình. Điều ấy tất yếu dẫn đến dòng chảy văn hóa một chiều không công bằng, ảnh hưởng tiêu cực đến các nền văn hóa của các nước nghèo, chậm phát triển.
Những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa truyền thông đại chúng chỉ là thứ yếu, phái sinh so với vai trò động lực phát triển của nó. Tuy nhiên, nếu không hạn chế kịp thời, những hệ quả tiêu cực ấy sẽ dẫn đến những hậu quả xấu, phức tạp cho các quốc gia, dân tộc, thậm chí cả sự đổ vỡ các nền văn hóa.
Tóm lại, toàn cầu hóa truyền thông đại chúng chính là một sản phẩm của tiến trình phát triển xã hội. Nó là kết quả trực tiếp của sự phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, của sự tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế cũng như sự mở rộng các nhu cầu về thông tin, dịch vụ của xã hội hiện đại. Đến lượt mình, toàn cầu hóa truyền thông đại chúng lại trở thành một yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhân loại, của xã hội loài người nói chung. Vì thế, toàn cầu hóa truyền thông đại chúng cũng chính là một quá trình có tính quy luật, không thể đảo ngược và phù hợp với lôgíc phát triển của xã hội. Vấn đề đặt ra là phải nhận thức đúng bản chất của quá trình toàn cầu hóa truyền thông đại chúng, đề ra những chính sách kịp thời, hợp lý nhằm khai thác tốt nhất những ảnh hưởng tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của nó để làm cho truyền thông đại chúng thực sự trở thành một động lực của sự phát triển xã hội hiện đại.
(*) Giáo sư, tiến sĩ. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Các tin khác:
- Tìm hiểu hoạt động kinh doanh và văn hoá kinh doanh cổ truyền của người Việt Nam
(24/08/2021)
- Đặc sắc tư duy quân sự Việt Nam thời phong kiến
(17/08/2021)
- Quan niệm về hạnh phúc dưới dạng lý tưởng của nó trong tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam
(22/07/2021)
- “Tu thân” của Nho giáo và đối thoại văn hoá
(24/06/2021)
- Một số vấn đề cần quan tâm trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội
(05/04/2021)
- Xây dựng đạo đức kinh doanh – Cơ sở cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
(16/02/2021)
- Tiếp cận triết học đối với văn hoá lãnh đạo, quản lý
(16/02/2021)
- Giao tiếp liên văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa: Một số vấn đề triết học
(11/10/2018)
- Bước ngoặt tinh thần trong triết học
(11/10/2018)
- Quan điểm của L.Phoiơbắc về văn hóa và con người
(17/09/2018)
Xem tin phát hành ngày: