Tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam có được phép thành lập chi nhánh hoạt động ở nước ngoài không?
Tôi muốn hỏi tổ chức khoa học và nghệ là gì? Trường hợp tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký hoạt động tại Việt Nam muốn thành lập chi nhánh tại nước ngoài thì có được phép thực hiện không? Nếu được thì có phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục nào không? Mong nhận được giải đáp, xin cảm ơn.
Tổ chức khoa học và công nghệ là gì? Tổ chức khoa học và công nghệ bao gồm những hình thức hoạt động nào?
Theo khoản 11 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013 định nghĩa về tổ chức khoa học và công nghệ như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
11. Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, tại Điều 9 Luật Khoa học và công nghệ 2013 quy định về hình thức và phân loại đối với tổ chức khoa học và công nghệ như sau:
– Hình thức của tổ chức khoa học và công nghệ được quy định như sau:
+ Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định;
+ Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo quy định của Luật giáo dục đại học;
+Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.
– Tổ chức khoa học và công nghệ được phân loại như sau:
+ Theo thẩm quyền thành lập, tổ chức khoa học và công nghệ gồm các loại quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này;
+ Theo chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ gồm tổ chức nghiên cứu cơ bản, tổ chức nghiên cứu ứng dụng, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ;
+ Theo hình thức sở hữu, tổ chức khoa học và công nghệ gồm tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ được quy định như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ được quy định như sau:
* Quyền của tổ chức khoa học và công nghệ được quy định tại Điều 13 Luật Khoa học và công nghệ 2013 bao gồm:
– Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập được Nhà nước giao biên chế.
– Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ.
– Thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc, văn phòng đại diện, chi nhánh trong nước và ở nước ngoài để hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Hợp tác, liên doanh, nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân; góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để hoạt động khoa học và công nghệ và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
– Công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật báo chí, Luật xuất bản và quy định khác của pháp luật.
– Tư vấn, đề xuất ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước với cơ quan có thẩm quyền.
– Tham gia hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
– Được chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.
* Nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ theo Điều 14 Luật Khoa học và công nghệ 2013 như sau:
– Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ theo đúng lĩnh vực đã được quy định trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
– Thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký kết, nhiệm vụ khoa học và công nghệ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao.
– Thực hiện dân chủ, bình đẳng, công khai trong việc sử dụng kinh phí và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
– Bảo đảm kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản thường xuyên theo chức năng của mình; sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ đúng pháp luật.
– Đăng ký, lưu giữ và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
– Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về khoa học và công nghệ.
– Bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong tổ chức mình; giữ bí mật nhà nước về khoa học và công nghệ.
Tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam có được phép thành lập chi nhánh hoạt động ở nước ngoài không?
Tổ chức khoa học và công nghệ tại Việt Nam có được thành lập chi nhánh ở nước ngoài không?
Theo Điều 13 Thông tư 03/2014/TT-BKHCN quy định về việc tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam thành lập chi nhánh ở nước ngoài, cụ thể như sau:
Điều kiện, hồ sơ và trình tự, thủ tục đề nghị thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài của tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP.
Đơn đề nghị thành lập theo Mẫu 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 03/2014/TT-BKHCN.
– Tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập chi nhánh ở nước ngoài có đơn đề nghị kèm theo các tài liệu chứng minh đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Tính đến thời điểm đề nghị thành lập chi nhánh đã có thời gian hoạt động tối thiểu là 03 năm;
+ Có đề án thành lập chi nhánh ở nước ngoài có tính khả thi; mục tiêu, phương hướng hoạt động rõ ràng, phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Chấp hành đúng chế độ báo cáo tình hình hoạt động hằng năm đối với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ và các nghĩa vụ khác đối với nhà nước;
+ Tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Không vi phạm các điều cấm của pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan.
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị và các tài liệu kèm theo, Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản thông báo về việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều này.
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài, tổ chức khoa học và công nghệ phải thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ.
Như vậy, tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Tổ chức khoa học và công nghệ muốn thành lập chi nhánh ở nước ngoài phải có đơn đề nghị thành lập chi nhánh ở nước ngoài và đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật.