Tips phỏng vấn xin việc cho sinh viên mới ra trường
Sinh viên mới ra trường luôn muốn tìm được công việc ổn định với mức thu nhập tốt. Vượt qua vòng CV, nhiều bạn gặp khó khăn trong vòng phỏng vấn. Bài viết này đưa ra một số mẹo để các bạn sinh viên mới ra trường vượt qua vòng phỏng vấn một cách dễ dàng hơn.
Kỹ năng Kỹ năng phỏng vấn giúp sinh viên mới ra trường gây ấn tượng với nhà tuyển dụng
Trước khi phỏng vấn
1. Tìm hiều về công ty
Nắm rõ các thông tin chính về công ty có thể giúp các bạn sinh viên mới ra trường tự tin bước vào cuộc phỏng vấn xin việc đầu tiên của mình. Các yếu tố bạn nên tìm hiểu bao gồm lịch sử hình thành và phát triển, sản phẩm / dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, sứ mệnh và mục tiêu.
Ngoài ra, người mới ra trường có thể tham khảo website công ty, các bài đăng trên mạng xã hội và thông cáo báo chí trước buổi phỏng vấn xin việc để có thêm thông tin cần thiết, cũng như cho thấy vì sao bạn lại phù hợp với môi trường và định hướng của công ty.
2. Chuẩn bị câu trả lời cho các câu hỏi cơ bản
Chuẩn bị thật kĩ câu trả lời cho các câu hỏi cơ bản, đặc biệt là phần giới thiệu bản thân sẽ giúp sinh viên mới ra trường tự tin hơn khi bắt đầu phỏng vấn.
Đối với câu giới thiệu, người xin việc cần đưa ra khái quát những thông tin về cá nhân có liên quan, hữu ích cho vị trí mà mình ứng tuyển như: công việc hiện tại, trình độ học vấn, mục tiêu sự nghiệp,… thay vì chỉ đọc lại những thông tin đã có trong CV. Bạn có thể cân nhắc giới thiệu bản thân theo trình tự thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai cũng như gói gọn trong tối đa 2 phút.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thường đưa ra một vài câu hỏi tình huống. Bạn có thể tham khảo những bài chia sẻ về chính công việc đó trên Youtube, các bài blog posts
3. Soạn sẵn câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Một cuộc phỏng vấn là một cuộc trò chuyện hai chiều. Ngoài việc chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn, bạn cũng cần biết cách đặt câu hỏi. Dưới đây là một số câu hỏi để hỏi lại người phỏng vấn.
- Bạn có thể mô tả một số trách nhiệm hàng ngày đi kèm với công việc này không?
- Nếu tôi ở vị trí này, hiệu quả công việc của tôi sẽ được đánh giá như thế nào?
- Vị trí này cần phối hợp với các phòng, ban nào khác?
- Những thách thức nào bạn gặp phải trong vai trò của mình?
Trong buổi phỏng vấn xin việc
1. Luôn đến đúng giờ
Việc trễ hẹn cho thấy bạn là người thiếu chuẩn bị và thiếu trách nhiệm với công ty. Đồng thời điều này gây lãng phí thời gian cho cả hai bên. Nếu không rõ địa chỉ, hãy tìm đường đến công ty trước đó 1 ngày và đến trước giờ phỏng vấn 10-15 phút.
2. Trang phục chỉn chu
Ngoại hình là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến ấn tượng của nhà tuyển dụng. Cho dù bạn có kinh nghiệm như thế nào, nếu sinh viên xuất hiện trong buổi phỏng vấn cùng áo phông và quần jean, thì sẽ bị người tuyển dụng đánh giá là thiếu tinh tế và tôn trọng. Trang phục chỉnh tề, gọn gàng thể hiện sự tôn trọng và nghiêm túc đối với công ty và vị trí bạn đang ứng tuyển, đồng thời tạo thiện cảm với người đối diện. Ghi nhớ những quy tắc trang phục sau:
- Trang phục lịch sự, không phản cảm
- Mùi hương nước hoa (nếu có) nhẹ nhàng
- Túi xách (nếu có) nên đơn giản và kích cỡ vừa đủ
- Không đội mũ che ngũ quan
3. Thái độ chuyên nghiệp, cầu tiến
Tự tin trả lời phỏng vấn xin việc không chỉ góp phần tạo nên bầu không khí chuyên nghiệp hơn mà còn tạo uy tín với nhà tuyển dụng của bạn. Biểu hiện bằng những ngôn ngữ nhìn thẳng vào mắt người đặt câu hỏi, giọng nói có chừng mực và rõ ràng, dễ hiểu và mạch lạc. Nếu bạn đang lo lắng, hãy hít một hơi thật sâu trước khi nói để lấy lại sự tự tin.
Đừng trả lời “Tôi không biết” khi được hỏi về một chủ đề mà bạn không biết. Vì nó tạo ra những cảm xúc tiêu cực. Thay vào đó, hãy trả lời bằng “Tôi chưa có sự tìm hiểu” hoặc “Tôi sẽ xem xét nó” để cho nhà tuyển dụng thấy thái độ cầu tiến và sự học hỏi của bạn.
4. Trả lời rõ ràng, trung thực
Nhà tuyển dụng không chỉ chú ý đến nội dung câu trả lời mà còn chú ý đến cách trả lời câu hỏi, giọng điệu và năng lượng trong từng câu nói. Trả lời bằng giọng điệu rõ ràng, tự tin và tràn đầy năng lượng tích cực. Không ai hoàn hảo 100%, việc bạn trung thực và dũng cảm thừa nhận điểm yếu của mình cũng có thể “ngầm” giúp bạn nổi bật hơn các ứng viên khác.
Tham khảo thêm các kỹ năng mềm sinh viên cần trang bị khi ra trường tại đây.
Sau khi phỏng vấn
Sau buổi phỏng vấn, bạn có thể gửi email cảm ơn đến công ty đã dành thời gian phỏng vấn. Trong trường hợp được yêu cầu gửi thông tin bổ sung, sinh viên nên làm việc đó một càng sớm càng tốt.
Trên đây là những mẹo phỏng vấn xin việc dành cho sinh viên mới ra trường. Bên cạnh việc đáp ứng đủ yêu cầu của công việc về mặt kiến thức và kĩ năng, các bạn có thể áp dung những mẹo này để nâng cao tỉ lệ trúng tuyển.