Tình yêu học trò
Tuổi học trò là tuổi đẹp nhất, hồn nhiên, trong sáng. Trong mỗi em vừa nảy sinh tình yêu thẩm mỹ, đạo đức – nhân cách, vừa nảy sinh tình yêu đẹp giữa bạn bè cùng trang lứa. Vậy tình yêu nam – nữ nảy sinh trong học sinh nên có hay không?
Đối với học sinh THPT, tình yêu chỉ là liều thuốc bổ trợ trên con đường thành đạt (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
1. Trước hết phải khẳng định rằng, tình yêu nam – nữ xuất phát trong lứa tuổi học sinh THPT (thậm chí THCS cũng có) là điều tự nhiên, nếu ta không muốn nói đó là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Vậy những người làm giáo dục phải hành động như thế nào trước quy luật tất yếu này. Đó là vấn đề, là cách tiếp cận, cách giải quyết tình huống không dễ với tất cả giáo viên.
Khi mỗi học sinh đã dồn tâm huyết, nhiệt tình vào đích hướng tới tất yếu những tình cảm, tình yêu sẽ chỉ là liều thuốc bổ trợ cho các em trên con đường thành đạt.
Tình yêu nam – nữ tuổi học trò buổi đầu xuất hiện chúng đều đẹp. Cả hai tâm hồn đến với nhau không vì lợi ích kinh tế, không vì tư lợi cá nhân. Ở đây chỉ thuần khiết hai tâm hồn, hai trái tim đồng cảm. Từ tình yêu thuở ban đầu ấy, các em cố gắng vượt qua mọi trở lực cuộc sống, vươn lên. Nhiều học sinh đã học giỏi hơn, ngoan hơn, chăm chỉ hơn và cuối khóa học đã thi đỗ vào những ngành nghề mình chọn… Tuy nhiên cuộc sống luôn có hai mặt của một vấn đề. Mặt tốt và mặt xấu. Nó thống nhất nhau như hai mặt đối lập, không thể tách, không thể loại trừ. Người làm giáo dục cần tiếp cận vấn đề này từ góc độ nào? Phản ứng theo chiều hướng loại bỏ, không đồng thuận hay định hướng, uốn nắn kịp thời khi phát hiện.
Cần chấp nhận thực tế
Tình yêu lứa tuổi học đường xuất hiện hoàn toàn tự nhiên xét về góc độ giải phẫu sinh lý, khi cơ thể các em bắt đầu trưởng thành, các hormone giới tính hình thành mạnh mẽ thì “lực hấp dẫn” cũng bắt đầu xuất hiện với các hiện tượng “nhớ nhớ, thương thương”. Ai trải qua thời áo trắng cũng đều ít nhất một lần cảm thấy con tim mình rung lên từng nhịp, đầu óc quay cuồng như bị say nắng khi bắt gặp một đối tượng cùng “tần sóng” cảm xúc với mình. Sự rung động, cảm xúc tích cực, cộng hưởng xuất phát từ hai trái tim, đó là quy luật tự nhiên mà không thể ép buộc hay ngăn cản. Các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh cần chấp nhận một thực tế như vậy để thấy rằng việc định hướng giá trị trong tình yêu hướng đến sự trong sáng, tích cực cho các bạn trẻ với một tâm hồn còn non nớt là điều rất quan trọng để có thể “vẽ đường cho hươu chạy đúng” trên cánh đồng tình yêu nhiều sắc màu.
ThS. Đào Lê Hòa An
(Giám đốc chiến lược Trung tâm
Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt)
2. Trong nhiều năm làm giáo dục, chúng tôi nhận thấy, vẫn tồn tại một số sai lầm trong quan niệm về tình yêu nam – nữ ở độ tuổi này cũng như cách tiếp cận và hướng giải quyết. Theo đó, phần lớn giáo viên cùng các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đều không đồng thuận vì đây là hành động sai lầm của tuổi học trò. Thứ nhất, họ quan niệm tình yêu nam – nữ chỉ xuất hiện ở tuổi trưởng thành, có công việc và thu nhập ổn định. Ở độ tuổi này, họ cho rằng chưa đủ độ chín, ưa khám phá những điều mới lạ và thích cảm giác lạ trong tình yêu. Thứ hai, đây là độ tuổi phải học, học để trưởng thành, có nghề nghiệp, công việc ổn định, nếu tình yêu nam – nữ xuất hiện sẽ ảnh hưởng tới việc học, phân tán tư tưởng không tập trung vào vấn đề chính, đó là học tập. Thứ ba, do chưa đủ độ “chín” về nhận thức, tình cảm cộng với tâm lý hiếu kỳ, tò mò, thích khám phá những cảm xúc mới lạ, không ít em đã ngộ nhận về những cảm xúc, rung động của mình và cho đó là tình yêu… Tất cả những vấn đề đưa ra như trên đều có lý nhưng thiếu chữ tình. Chúng ta đang quan niệm đúng nhưng xét đến cùng lại sai lầm. Những người làm giáo dục cần phải tìm hiểu và tiếp cận sâu hơn nữa để phân biệt xúc cảm ban đầu của tuổi mới lớn và quan niệm tình yêu đích thực ở một số học sinh. Một giáo viên đứng lớp nếu thiếu đi tấm lòng vì học sinh thân yêu thì cách giải quyết vấn đề này đơn thuần là phát lệnh cấm. Chúng ta đều biết mọi điều cấm sẽ gây sự tò mò muốn biết và tâm lý chung muốn vượt qua giới hạn để xem chuyện gì phía bên kia ranh giới. Hơn nữa đây là lứa tuổi ưa khám phá, tìm hiểu, nếu phát lệnh cấm sẽ tạo cho các em ức chế về tâm lý và sẽ nảy sinh những vấn đề khác mà chúng ta không lường hết được hậu quả. Vậy hướng tiếp cận những đối tượng này như thế nào, hướng giải quyết ra sao? Đây là một vấn đề mà giáo viên cần quan tâm.
3. Trong giáo dục, chúng tôi nhận thấy càng khắt khe bao nhiêu càng nảy sinh tư tưởng chống đối mạnh bấy nhiêu. Câu chuyện tình yêu giữa Romeo và Juliet dạy trong chương trình lớp 10, chắc hẳn những người đứng lớp không quên. Điều quan trọng là giáo viên cần phân biệt hai dạng xúc cảm của tuổi mới lớn: Thứ nhất là những rung động tâm lý, xao xuyến trước đối tượng khác giới; thứ hai là những học trò đã tìm thấy những chỗ thiếu, còn yếu ở chính bản thân mình mà chỉ đối tượng “kia” mới có. Họ là người bù đắp cho chính mình, làm cho mình cân bằng và hoàn thiện.
Như vậy, chúng ta cần định hướng tùy vào từng trường hợp cụ thể. Trước hết chúng ta không được ngăn cấm nhưng cũng không khuyến khích dù ở bất cứ trường hợp nào. Sau đó mỗi giáo viên phải biết hướng học sinh vào quỹ đạo chung nhất của lứa tuổi, nhiệm vụ chính của người học sinh là gì? Đưa ra những mức phấn đấu cho từng giai đoạn cụ thể không để tình cảm, tình yêu ảnh hưởng đến việc học. Hơn nữa nên mở cho người học con đường tương lai tốt đẹp. Cốt yếu, giáo viên phải phát hiện được trong mỗi học sinh điểm nào là ưu thế để định hướng tương lai. Khi mỗi học sinh đã dồn tâm huyết, nhiệt tình vào đích hướng tới tất yếu những tình cảm, tình yêu sẽ chỉ là liều thuốc bổ trợ cho các em trên con đường thành đạt.
ThS. Nguyễn Thanh Du
(GV Trường THPT Ngô Gia Tự, tỉnh Đắk Lắk)