Tính thực tiễn kinh doanh trong phát minh của nhà khoa học Lại Bá Ất, người gọi vốn thành công 6 triệu USD trên Shark Tank Việt Nam
Trước khi xuất hiện trên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam, nhà khoa học Lại Bá Ất trước khi lên sóng tại Shark Tank Việt Nam mùa 3 đã có nhiều phát minh, sáng chế.
Trong khuôn khổ Shark Tank Việt Nam mùa 3 tập 11, nhà khoa học Lại Bá Ất kể ông từng làm nhà nông, nhà giáo, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, nhà sáng chế và hiện tại đang là nhà khoa học.
Cục sở hữu trí tuệ (SHTT) công nhận nghiên cứu của ông là sáng chế độc quyền vào tháng 6/2018. Ngoài ra, cũng theo thông tin từ Cục SHTT, ông đứng tên 19 đơn xin cấp bằng sáng chế/giải pháp hữu ích đứng tên Lại Bá Ất.
Hãy cùng nhìn lại những phát minh trong quá khứ của nhà khoa học Lại Bá Ất và tính ứng dụng trong thực tiễn kinh doanh.
Thiết bị cứu hộ, cứu hỏa
Ở thời điểm năm 2008, ông Lại Bá Ất đã bắt đầu giới thiệu tới mọi người phát minh thiết bị cứu hộ cứu hỏa. Theo thông tin từ báo Sức Khỏe Đời Sống, thiết bị này chính là một cabin trông tương đối giống một khoang thang máy phục vụ trong lĩnh vực xây dựng. Khi cần thiết, khoang cabin này có thể kéo dài ra tới gần 10m.
Theo ông, để thiết kế được thiết bị, nhà khoa học đã phải mất 18 tháng và hơn 1 tỉ đồng. Mục đích của thiết bị là cứu hộ các tòa nhà cao tầng trong trường hợp khẩn cấp.
“Các anh còn nhớ vụ 11/9 ở Mỹ chứ? Nhà cháy mà lính cứu hỏa phải chạy cầu thang bộ trong tòa nhà thì vừa chậm, vừa nguy hiểm chứ còn gì nữa. Xe thang thì chỉ vươn không quá 12 tầng, mà tòa nhà thì hàng trăm tầng, nước ta nhà vài chục tầng bây giờ cũng đâu có ít. 300 lính cứu hỏa chết trong vụ ấy đấy”, ông Ất nói.
Thiết bị cứu hộ, cứu hỏa của ông Lại Bá Ất sau đó đã được bán sắt vụn. Ảnh: Nhân Dân
Nhà khoa học khẳng định thiết bị vận hành bằng động cơ và có thể chạy được 3-4 m trong 1 giây và rẻ hơn hơn so với các dòng sản phẩm tương đương ở Israel có giá 1 triệu USD ở thời điểm đó. Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy rất ủng hộ sáng kiến của ông.
Tuy nhiên sau đó ứng dụng của ông không được nhân rộng và theo báo Nhân Dân, hệ thống cứu hộ, cứu hỏa của ông Lại Bá Ất nay đã được bán sắt vụn ở thời điểm năm 2011.
Đập thủy điện thông minh
Sau sáng chế hệ thống cứu hộ, ông Ất tiếp tục đến Cục SHTT để đăng kí phát minh đập thủy điện thông minh. Mục đích của phát minh này là nhằm chống hạn ở đồng bằng sông Hồng. Một chuyên gia ở Viện Khoa học thủy lợi đã nhận định đây là một dự án có cơ sở khoa học.
Theo tính toán, các thùng sắt được đặt song song ngang dòng sông. Đồng thời, chúng được chằng néo xuống sông có chiều cao lớn hơn khoảng cách từ đáy sông đến mặt nước.
Các thùng này sẽ được đưa tới địa điểm xây đập rồi đánh chìm xuống lòng sông. Khe hở giữa các thùng được lấp đầy bằng các bao cát. Cát được lấy từ đáy sông bơm vào các bao này.
Khi dỡ đập, các bao này được xé ra cho cát chảy vào lòng sông. Với hệ thống đập mềm trên, mực nước lúc cần có thể dâng lên từ 2-3m. Đương nhiên trước đó nhà khoa học đã tính toán kĩ về khả năng chịu lực và an ninh thủy lợi.
Theo thông tin từ Đại Đoàn Kết, chi phí để đầu tư cho con đập thông minh mà ông Ất đề nghị rơi vào khoảng 150-160 tỉ đồng để áp dụng cho sông Hồng ở thời điểm 2011. Tuy nhiên cho tới hiện tại ứng dụng của ông vẫn chưa được ứng dụng như tính toán của ông.
Tuabin gió
Trên sóng Shark Tank Việt Nam, nhà khoa học Lại Bá Ất đưa ra đề nghị 6 triệu USD để đổi lấy 5% cổ phần của dự án chế tạo tuabin gió. Theo ông, 6 triệu USD là số tiền cần thiết để xây dựng một tuabin gió để chứng minh cho cả thế giới thấy rằng mô hình của ông có năng suất về kinh tế cao hơn so với các mô hình tuabin hiện tại trên thế giới.
Sau thời gian thương thuyết, ông Ất đã nhận đầu tư từ Shark Việt, tuy nhiên thời hạn giải ngân cũng chia theo đợt và nhà đầu tư cũng có những yêu cầu đặc thù.
Nhà khoa học Lại Bá Ất gọi vốn thành công 6 triệu USD từ Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Việt sẽ đầu tư trước 5 tỉ đồng để đối lấy 50% giá trị dự án. Số tiền 5 tỉ đồng này sẽ được dùng để chế tạo một tuabin gió cỡ nhỏ, qua đó có thể kiểm chứng công thức về khí động lực học của nhà khoa học Bá Ất có thể áp dụng vào thực tiễn hay không.
Phần còn lại của 6 triệu USD sẽ được giải ngân sau nếu mọi chuyện diễn ra đúng theo dự kiến.
Trước đó, công trình nghiên cứu “Phương pháp xác định và điều khiển độ nghiêng mặt cánh tuabin gió có tốc độ quay cố định” đã được Cục SHTT cấp phép bằng sáng chế/giải pháp hữu ích vào năm 2018.
Hiện tại, dự án tuabin gió của nhà khoa học Lại Bá Ất cần phải vượt qua vòng thẩm định của Shark Việt trước khi kí kết hợp đồng hợp tác đầu tư.