Tinh thần thọ học, tu tập Tứ diệu đế
Trong ĐTKVN, kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, bài kinh Như Lai thuyết, trang 612, Đức Phật đã dạy về phương pháp nhận thức, tu tập và chứng nghiệm về Tứ thánh đế như sau:
“Đây là Thánh đế về Khổ, này các Tỳ kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Đây là Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri, này các Tỳ kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
“Đây là Thánh đế về Khổ Tập, đây là Thánh đế về Khổ Diệt, đây là Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ Diệt cần phải tu tập…, này các Tỳ kheo, đối với các pháp… từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sanh, trí sanh… quang sanh. “Đây là Thánh đế về Con đường đưa đến Khổ Diệt đã được tu tập, này các Tỳ kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh”.
Và chính Đức Phật đã khẳng định:
“Cho đến khi nào, này các Tỳ kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật không thanh tịnh ở nơi Ta, thời này các Tỳ kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm Thiên giới, với quần chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên và loài người. Ta không chứng tri (xác nhận) đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác.
“Và cho đến khi nào, này các Tỳ kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến khi ấy, này các Tỳ kheo, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm Thiên giới với quần chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên và loài người, Ta mới chứng tri (xác nhận) đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát nơi Ta. Đây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa”.
Tóm lại, đối với pháp Tứ diệu đế, tinh thần tu học thật sự của người con Phật cần phải trải qua ba giai đoạn:
1. Thị chuyển: Tự mình thọ học, thông suốt về mặt lý luận, nhận thức Tứ diệu đế hoặc Tứ thánh đế là chân lý chắc chắn không sai, thấy rõ nỗi khổ đau của chính mình và mọi người trong cuộc sống, chỉ cho chúng sanh thấy rõ thực tướng những nỗi khổ đau để tự mình giác ngộ tu tập.
2. Khuyến chuyển: Căn cứ vào nhận thức lý luận mà mình đã thấu suốt dẫn đến hành động thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày về ý nghĩa, lời nói và hành động của chính mình; tự mình hiểu rõ nỗi khổ đau, ý thức cuộc sống và khích lệ chúng sanh nhận rõ thực tướng những nỗi khổ đau, ý thức tự mình làm chủ cuộc sống mình, không bao giờ hành động sai lệch trong cuộc sống.
3. Chứng chuyển: Còn gọi là “chứng ngộ”. Giai đoạn này, hành giả đệ tử Phật có khả năng thực hành, hợp nhất được giữa lý luận và thực tiễn, đạt đến chỗ hoàn thiện chính mình ngay trong cuộc sống, dứt trừ hết mọi khổ đau.
Mỗi đế có 3 chuyển: Thị chuyển, Khuyến chuyển và Chứng chuyển. Bốn đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo… có 12 hành tướng như vậy.
Và trong phẩm Kotigama (một địa danh xứ Vajji), bài kinh Minh, trang 627, Đức Phật đã nhấn mạnh về nguồn gốc của sự tái sanh (tức nguồn gốc mọi sự khổ) và ý nghĩa sâu xa của sự đoạn tận, chấm dứt tái sanh:
“Do không như thật thấy
Bốn sự thật bậc Thánh
Phải lâu ngày luân chuyển
Trải qua nhiều đời sống”.
“Khi chúng được thấy rõ
Mầm tái sanh nhổ sạch
Gốc khổ được đoạn tận
Nay không còn tái sanh”.
Đến đây, chúng ta có thể kết luận bằng bài kệ tụng tán thán của ngài Xá Lợi Phất đối với pháp Tứ diệu đế của Đức Phật:
“Phật thấu triệt các pháp
Thấy vô lượng thiện đức
Khổ, Tập, Diệt, Đạo đế
Khéo hiển thị, phân biệt”.
(Trung A Hàm, tập 1, tr.394)