Tính khoa học và cách mạng trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh | TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẾN TRE

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga

                                                                          Khoa Xây dựng Đảng

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là một công việc khó khăn, nghiên cứu phương pháp Hồ Chí Minh còn khó khăn và phức tạp hơn, song đó là sự khó khăn, phức tạp tinh tế, bởi lẽ phương pháp Hồ Chí Minh là phương pháp ở tầm tư tưởng, ở triết lý nhân sinh và hành động, ở sự gắn liền khoa học, cách mạng và nhân văn trong con người và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh là một lĩnh vực chuyên biệt, là một bộ phận trong hệ thống phương pháp Hồ Chí Minh. Phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh được biểu hiện thông qua một số đặc trưng cơ bản: Tính khoa học và cách mạng, tính đại chúng và nghệ thuật, sự kết hợp giữa lời nói và hành động. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đặc trưng về tính khoa học và cách mạng trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh:

Một là, tính khoa học trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh

Tính khoa học trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh là cụm từ dùng để chỉ tính hợp quy luật của phương pháp tuyên truyền này, thể hiện ở chỗ Người biết lựa chọn, kế thừa và kết hợp tính ưu việt của các phương pháp tuyên truyền khác nhau, nhất là phương pháp tuyên truyền của học thuyết Mác-Lênin, đồng thời vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam.

Tính khoa học trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, tính khoa học xuất phát từ tính chất khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm, đường lối của Đảng.

Xuất phát từ nội dung tuyên truyền mang bản chất khoa học – hoạt động truyền bá, phát triển học thuyết Mác-Lênin, truyền bá quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng nên phương pháp tuyên truyền cũng mang tính khoa học.

Khi thực hiện quá trình tuyên truyền, Hồ Chí Minh cho rằng phải thường xuyên coi trọng vấn đề tổng kết và chú ý rút kinh nghiệm từng việc, từng đợt để thấy rõ cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai nhằm tiếp tục bổ sung hoàn thiện nội dung, đồng thời làm cho phương pháp tuyên truyền ngày càng phù hợp hơn với thực tế.

Thứ hai, Hồ Chí Minh luôn lựa chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.

Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn đã trở thành vấn đề mang tính nguyên tắc trong quan niệm của Hồ Chí Minh, Người đã khẳng định: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” (HCM Toàn tập, t8, tr.496, H, 2002.). Đối với phương pháp tuyên truyền, Người chỉ rõ phải luôn bám sát thực tiễn, phân tích thực tiễn bằng sự am hiểu sâu sắc về lý luận, làm chủ lý luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn ở trình độ cao.

Khi truyền bá học thuyết Mác-Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, Hồ Chí Minh đề cập vấn đề lý luận và trình bày chúng không gò bó, phụ thuộc vào câu chữ, khái niệm trình bày hết sức thực tế, linh hoạt, mềm dẻo, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ của nhân dân. Bác đã chú trọng sử dụng cách tuyên truyền có hình tượng, đặc biệt là dùng phép so sánh, trên cơ sở hai sự vật có những nét tương đồng nhất định nào đó đem chúng đối chiếu với nhau, để gợi ra những hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mỹ trong nhận thức của người tiếp nhận. Điều đáng lưu ý, những hình ảnh mà Hồ Chí Minh đem ra so sánh bao giờ cũng gần gũi, thân quen, gắn liền với đời sống hằng ngày của nhân dân. Chẳng hạn, khi đề cập bản chất ăn bám, bóc lột của bọn đế quốc với người lao động ở chính quốc và thuộc địa, Hồ Chí Minh đã dùng hình ảnh con đỉa hai vòi; khi luận giải về vấn đề dân chủ chuyên chính và mối quan hệ giữa dân chủ và chuyên chính, Bác dùng hình ảnh cái hòm đựng của cải thì phải có cái khóa; khi kêu gọi đoàn kết để chống giặc, Bác dùng hình ảnh hòn đá, con cáo và tổ ong; khi giải thích nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, Bác so sánh lý luận như cái tên (hoặc viên đạn), thực hành như cái đích để bắn, có tên không bắn hoặc bắn lung tung thì cũng như không có tên…

Thông qua những hình ảnh so sánh đó, vấn đề trừu tượng trở nên cụ thể, hoặc vấn đề cụ thể càng trở nên cụ thể hơn, vấn đề khó hiểu trở thành dễ hiểu. Cách tuyên truyền này phù hợp với đặc điểm quá trình nhận thức của đối tượng mà vẫn không xa rời yêu cầu khoa học, đồng thời đây chính là sự kế thừa sáng tạo cách nói ví von của người Việt Nam.

 Thứ ba, Hồ Chí Minh sử dụng người thật, việc thật để tuyên truyền.

Theo Hồ Chí Minh, tuyên truyền bằng sự thật là phải nói rõ sự thật, nói đúng sự thật, không được tô hồng cũng không được bôi đen và phải tuyên truyền bằng người thật, việc thật. Song, cũng cần hiểu đúng về “sự thật”, đặt nó trong mối quan hệ với lợi ích giai cấp, thông tin về sự thật đến mức nào là vừa, sự thật đó có lợi hay có hại cho cách mạng. Trong tuyên truyền có khen, có chê, biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu, biểu dương phải đúng và có chừng mực, khi chê hay phê phán không được thiên lệch, không để kẻ thù lợi dụng sơ hở của ta để kích động, lừa gạt, lôi kéo quần chúng nhân dân nói xấu Đảng.

Để tuyên truyền đúng sự thật, Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ tuyên truyền ngoài việc tích cực học tập phải nghiên cứu thực tế, bám sát phong trào, bám sát cơ sở, bám sát đối tượng. Rõ ràng đây chính là quá trình đi vào thực tiễn, tích lũy tri thức làm giàu vốn hiểu biết của mình để lắng nghe, nắm tình hình, thu thập tư liệu, tài liệu cho chắc chắn. Người dạy: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết và “Không hiểu rõ, biết rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. (HCM Toàn tập, t5, tr.302-306, H, 2002).

Hai là, tính cách mạng trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh

Tính cách mạng trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh xuất phát từ bản chất giai cấp của học thuyết Mác-Lênin. Trong xã hội có giai cấp, hoạt động tuyên truyền bao giờ cũng mang tính giai cấp. Tính đảng là biểu hiện cao nhất của tính giai cấp, là tính giai cấp ở trình độ cách mạng triệt để nhất, sâu sắc nhất, tự giác nhất.

Tính cách mạng trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh chỉ sự biến đổi theo chiều hướng tiến bộ, phương pháp tuyên truyền trở thành vũ khí phê phán, đấu tranh và tăng cường bồi dưỡng cho nhân dân thế giới quan mácxít giúp nhận thức, đánh giá đúng các sự kiện, hiện tượng thúc đẩy hành động cách mạng tích cực, tự giác, triệt để vì lợi ích của giai cấp và dân tộc.

Tính cách mạng trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh thể hiện ở phương pháp đấu tranh bảo vệ lợi ích của dân tộc và của những người bị áp bức, bóc lột dưới chế độ thực dân, đế quốc, đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong đấu tranh, Người chú ý đến từng trọng điểm, khai thác trên nhiều bình diện, tiến hành đã kích, phê phán, đấu tranh với những chứng cứ cụ thể, lý lẽ đanh thép hết sức thuyết phục để kết tội và tấn công trực tiếp vào kẻ thù. Đồng thời, Hồ Chí Minh đã làm cho tiếng nói của mình trở thành tiếng nói của những người cùng khổ, tiếng nói đau thương, phẫn nộ, tiếng nói của công lý để bảo vệ quyền tự quyết của dân tộc, vạch trần bản chất của chế độ thực dân, đế quốc.

Ngoài ra, tính cách mạng còn biểu hiện ở phương pháp thúc đẩy nhân dân đấu tranh xóa bỏ lối sống cũ đã lỗi thời, lạc hậu, chống chủ nghĩa cá nhân nhằm hình thành ý thức xã hội chủ nghĩa và xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Hồ Chí Minh đã tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống mới. Lời chỉ dẫn của Người không chỉ là thao tác gạn đục khơi trong, bảo tồn, nâng niu những giá trị của nếp sống cũ mà còn là quá trình tổng hợp những yếu tố tích cực, tiến bộ, hợp lý và thống nhất giữa cái cũ và cái mới theo hướng phát triển.

Nhìn chung, chúng ta có thể khẳng định rằng, tính khoa học và tính cách mạng trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh có mối liên hệ khắng khít và tác động biện chứng lẫn nhau, tính khoa học càng cao thì tính cách mạng càng sâu sắc, càng triệt để và ngược lại.  

Phương pháp Hồ Chí Minh nói chung, phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh nói riêng càng đọc càng thấm thía. Khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rằng nhiều luận điểm của Người vừa là sự thể hiện quan điểm, tư tưởng vừa là ngụ ý chỉ dẫn về phương pháp. Phương pháp Hồ Chí Minh vừa ở bên trong tư tưởng để xác lập cơ sở lý thuyết của bản thân nó lại vừa vượt ra khỏi tư tưởng để biến thành hành động thực tiễn. Không dừng lại ở tư tưởng, qua các tác phẩm, văn phẩm của Người, để nhận thức một cách thấu đáo phương pháp Hồ Chí Minh nói chung và phương pháp tuyên truyền nói riêng, chúng ta cần tìm hiểu trong cuộc đời, con người, sự nghiệp Hồ Chí Minh – một nhà tuyên truyền kiệt xuất.

Nghiên cứu phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh thôi thúc chúng ta hành động. Học tập phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh là học những phương pháp quý báu về nhận thức, tư duy, hành động, học tính khoa học và cách mạng, vận dụng một cách linh hoạt vào hoạt động giảng dạy ở nhà trường, phù hợp với đối tượng học viên. Vì vậy, việc nghiên cứu phương pháp tuyên truyền nói chung và phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh nói riêng càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt.

Ngoài tư cách là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, người giảng viên Trường Chính trị còn là một nhà tuyên truyền cách mạng, trang bị cho học viên, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở, các ban ngành, những kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật và nhà nước, xây dựng thế giới quan, phương pháp luận mácxít, định hướng để học viên vận dụng vào thực tiễn công tác ở đơn vị. Nhất là trong giai đoạn nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, ứng dụng thiết bị đèn chiếu, phương pháp giảng dạy tích cực, giảng viên đã trở thành một nhà tuyên truyền thực thụ với sự phối hợp nhuần nhuyễn các nhóm phương pháp dùng lời nói trực tiếp, phương pháp trực quan, sử dụng các phương tiện kỹ thuật làm khâu trung gian góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường và hoàn thành tốt nhiệm vụ của cấp trên giao./.