Tình hình sử dụng Y học cổ truyền trong chữa trị một số chứng bệnh thông thường của người dân thành phố Quy Nhơn năm 2016 | Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa

Tình hình sử dụng Y học cổ truyền trong chữa trị một số chứng bệnh thông thường của người dân thành phố Quy Nhơn năm 2016

Lê Văn Trung và cộng sự 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

          Y học cổ truyền (YHCT) là các phương pháp, cách tiếp cận, kiến thức và niềm tin về sức khỏe kết hợp các loại thuốc dựa trên thực vật, động vật và khoáng sản, liệu pháp tâm linh, kỹ thuật thủ công và bài tập, áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp để điều trị, chẩn đoán và phòng ngừa bệnh tật và duy trì hạnh phúc [1]. Y học cổ truyền đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống y tế và góp một phần không nhỏ trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân của nước ta. YHCT ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới ngay cả ở các nước tiên tiến, nơi có nền y học hiện đại (YHHĐ rất phát triển.

          Ở Việt Nam, việc sử dụng YHCT để điều trị bệnh đã được nhân dân sử dụng trước hàng ngàn năm như là nền Y học duy nhất để chăm sóc sức khỏe của người dân cho đến khi có nền Y học hiện đại du nhập vào. Tình hình sử dụng YHCT trong chữa trị bệnh của người dân cũng có thay đổi theo tình hình xã hội [2]. Trong những năm gần đây theo một số công trình nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sử dụng YHCT trong chữa bệnh có khác nhau theo từng địa phương. Nghiên cứu của Ngô Đình Thống (2013) ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ người dân sử dụng YHCT trong điều trị bệnh 56,7% [3], cũng một nghiên cứu khác của tác giả khảo sát tình hình sử dụng thuốc YHCT ở Hà Tĩnh, Bình Định, Đăklăk năm 2010 từ 65,8% đến 68,9% [4], [5], [6].

Mạng lưới YHCT tại thành phố Quy nhơn trong những năm qua có những phát triển đáng kể. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh của Tỉnh cũng như Trung Ương được hình thành cùng với sự phát triển mạng lưới YHCT ở các trạm y tế đã góp phần  nâng cao sự hiểu biết và sử dụng các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng YHCT. Tuy vậy những năm gần đây xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi, cuộc sống vật chất của đa số người dân đã được cải thiện, có sự phân hóa của xã hội nên cũng đã dẫn đến sự khác nhau rõ rệt giữa người giàu và người nghèo, giữa thành thị và nông thôn. Những người nghèo ít khả năng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bằng phương pháp YHHĐ. Vì vậy việc củng cố mở rộng và phát triển nền YHCT Việt Nam là rất cần thiết. Hiện tại thành phố Quy nhơn chưa có nghiên cứu khảo sát việc sử dụng YHCT của người dân, để từ đó có thể đưa ra những bằng chứng giúp xây dựng những giải pháp để củng cố và mở rộng mạng lưới YHCT tại thành phố Quy Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung. Vì vậy chúng tôi thực hiện đề tài “Tình hình sử dụng y học cổ truyền trong chữa trị một số chứng bệnh thông thường của người dân thành phố Quy Nhơn năm 2006” với mục tiêu:  mô tả tình hình sử dụng YHCT trong chữa trị một số chứng bệnh thông thường của người dân thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến sử dụng YHCT của người dân tại địa điểm nghiên cứu.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Người dân đại diện hộ gia đình từ 18 tuổi trở lên của các hộ gia đình có người bị bệnh trong thời gian 6 tháng tính đến thời điểm nghiên cứu (tháng 5/2016) tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tình nguyện tham gia vào mẫu nghiên cứu. Địa điểm nghiên cứu: thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Thời gian nghiên cứu: từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2016.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

          Thiết kế nghiên cứu: đề tài được thiết kế theo phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang trên mẫu ngẫu nhiên.

          Cỡ mẫu: áp dụng công thức ước lượng tỷ lệ trong nghiên cứu ngang:

Trong đó: n: cỡ mẫu; Z2α /2): giá trị thu được từ bảng Z ứng với α = 0,05 (Z=1,96); p: tỷ lệ ước đoán của một nghiên cứu trước đó (tỷ lệ sử dụng YHCT trong chữa bệnh theo nghiên cứu của Ngô Đình Thống là 56,7%), nên chọn p = 0,56 [3]; c: sai số mong muốn (chọn 0,05), d: hệ số thiết kế (chọn d= 2). Thay vào công thức trên tính được n = 650.

Cách chọn mẫu: chọn mẫu chùm theo nhiều giai đoạn: Giai đoạn 1: chọn ngẫu nhiên 6 phường/xã đại diện 3 vùng sinh thái của thành phố Quy Nhơn: 2 phường trung tâm thành phố; 2 phường (xã) vùng ven biển, đầm hồ, ruộng muối; 2 phường vùng ven núi, gò đồi. Giai đoạn 2: tại mỗi phường (xã) được chọn, bốc thăm để chọn ngẫu nhiên 3 thôn/tổ dân phố. Tổng cộng có 18 thôn/tổ dân phố được chọn. Giai đoạn 3: tại mỗi thôn/tổ dân phố, dựa trên danh sách hộ gia đình có người mắc bệnh, sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đơn để cho đến khi đủ số đối tượng của mẫu nghiên cứu.

Dụng cụ thu thập số liệu: sử dụng phiếu phỏng vấn tình hình sử dụng và hiểu biết về YHCT trong chữa trị một số chứng bệnh thông thường; phiếu được thiết lập dựa vào các bộ câu hỏi về thông tin chung của gia đình, về tình hình mắc bệnh và sử dụng YHCT khi bị bệnh, về sự hiểu biết YHCT và cây thuốc nam, về nhu cầu sử dụng YHCT. Phương pháp thu thập thông tin: phỏng vấn người dân đại diện hộ gia đình tại nhà, điền các thông tin thu được vào phiếu điều tra được thiết kế sẳn. Quan sát thực tế tại hộ gia đình về vườn cây thuốc nam và thực hành chữa bệnh bằng YHCT.

          Xử lý số liệu: số liệu được nhập và xử lý trên phần mềm SPSS 20.0. Sử dụng test khi bình phương để so sánh 2 hoặc nhiều biến định tính. Chọn ngưỡng ý nghĩa thống kê, α = 0,05. Nếu p < 0,05: có ý nghĩa thống kê.

Đạo đức nghiên cứu: nghiên cứu được sự đồng ý của Phòng Y tế thành phố Quy Nhơn cho phép tiến hành. Những số liệu trong bộ câu hỏi có mục đích nghiên cứu y học chứ không có mục đích nào khác và được tôn trọng giữ bí mật với những thông tin nhạy cảm. Nghiên cứu này không làm ảnh hưởng gì tới phong tục tập quán, truyền thống văn hoá của các đối tượng nghiên cứu.

III. KẾT QUẢ

3.1. Tình hình sử dụng y học cổ truyền của người dân

Bảng 1. Sử dụng dịch vụ y tế của người dân khi bị bệnh

Dịch vụ y tế                                                           Số luợng                        Tỷ lệ %                        Y học cổ truyền đơn thuần                                         82                                12,6  Y học hiện đại                                                            340                               52,3Kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại                228                               35,1Tổng cộng                                                                  650                               100,0

Tỷ lệ người dân sử dụng YHCT 47,7%; trong đó có 12,6% người dân sử dụng YHCT đơn thuần và 35,1% người dân sử dụng YHCT kết hợp với YHHĐ.

Bảng 2. Lý do sử dụng YHCT của người dân

Lý do người dân sử dụng YHCT                         Số luợng              Tỷ lệ % Do bệnh nhẹ                                                               192                                61,9                 Do mắc bệnh mãn tính                                               158                                51,0Nhằm bồi bổ cơ thể                                                      46                                14,8Nguồn thuốc YHCT sẳn có, dễ kiếm                         146                                47,1Do chi phí thấp                                                           111                                35,8Do ít tác dụng phụ                                                      103                                33,2Do bệnh nặng                                                                 3                                  1,0Do thói quen                                                                   9                                  2,9

Người dân sử dụng YHCT với lý do bệnh nhẹ chiếm tỷ lệ cao 61,9% và với lý do bệnh nặng chỉ chiếm 1,0%. Đặc biệt có 47,1% người dân sử dụng YHCT là do thuốc YHCT sẵn có và dễ kiếm.

Bảng 3. Phương pháp YHCT người dân lựa chọn để sử dụng

Phương pháp YHCT                                              Số luợng                        Tỷ lệ % Phương pháp dùng thuốc YHCT                                  162                                52,3Các phương pháp không dùng thuốc YHCT                  35                                11,2Kết hợp cả hai phương pháp                                         113                                36,5Tổng cộng                                                                     310                               100,0

Có 52,3% người dân chọn phương pháp dùng thuốc YHCT để chữa trị bệnh, trong khi đó chỉ có 11,2% người dân chọn phương pháp chữa trị bệnh không dùng thuốc YHCT.

Bảng 4. Hình thức sử dụng YHCT của người dân

Hình thức sử dụng YHCT                                  Số luợng                        Tỷ lệ % Uống thuốc YHCT                                                       267                                   86,1Cạo gió, chích lễ                                                           173                                  55,8Xông hơi, khói thuốc                                                      83                                  26,8Cứu, giác hơi                                                                  30                                     9,7Châm cứu, thủy châm                                                   127                                   41,0Xoa bóp bấm huyệt                                                         50                                   16,1Bó, chườm thuốc ngoài                                                   23                                     7,4Các hình thức khác                                                          33                                   10,6

Uống thuốc YHCT là hình thức sử dụng YHCT được người dân dùng nhiều nhất 86,1%. Chỉ có 7,4% người dân dùng phương pháp bó thuốc, chườm thuốc YHCT bên ngoài.

3.4. Một số yếu tố liên quan đến sử dụng YHCT của người dân

Bảng 5. Hình thức sử dụng YHCT của người dân

Có mối liên quan (p < 0,05) giữa tình trạng sử dụng YHCT của người dân với những yếu tố: hiểu biết sử dụng YHCT, được cung cấp kiến thức YHCT và được hướng dẫn của trạm y tế về YHCT.

IV. BÀN LUẬN

4.1. Tình hình sử dụng y học cổ truyền của người dân

          Trong nghiên cứu của chúng tôi có 47,7% người dân sử dụng YHCT để chữa trị chứng bệnh khi ốm đau; trong đó 12,6% sử dụng YHCT đơn thuần và 35,1% sử dụng YHCT kết hợp với YHHĐ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với nghiên cứu của Wassie và cộng sự, 70,9% người dân thành phố Merawi (Ethiopia) có sử dụng YHCT [7]. Một số nghiên cứu gần đây ở nước ta cho thấy tỷ lệ người dân sử dụng YHCT trong điều trị bệnh cũng cao hơn kết quả của chúng tôi như nghiên cứu của Ngô Đình Thống tại Quảng Bình (65,9%) [3] và theo Phạm Vũ Khánh và cộng sự, tại tỉnh Hải Dương năm 2011 có 69,4% người dân sử dụng YHCT [5].Sự khác nhau về kết quả trong các nghiên cứu trên có lẽ do khác nhau về văn hóa, phong tục tập quán…vì đặc điểm của YHCT gắn liền với phong tục tập quán, nền văn hóa, dân tộc. Tuy nhiên từ kết quả của nghiên cứu này, ngành YHCT của thành phố Qui Nhơn có những giải pháp để nâng cao tỷ lệ sử dụng YHCT trong cộng đồng ngang tầm với các địa phương khác trong nước cũng như trên Thế giới.

          Lý do sử dụng YHCT: lý do người dân lựa chọn hàng đầu trong sử dụng YHCT là do mắc bệnh mãn tính (51,0%), bệnh nhẹ (61,9%), nguồn thuốc YHCT sẵn có, dễ kiếm (47,1%). Điều này cũng phù hợp với ưu điểm của YHCT so với YHHĐ là sắn có, an toàn ít tác dụng không mong muốn, hiệu quả bền vững nhất là đối với các bệnh lý mãn tính Sự lựa chọn này cho thấy hiểu biết của người dân về YHCT đã được nâng cao nên có sự lựa chọn đúng đắn trong các phương pháp điều trị khi bị bệnh; bệnh mãn tính điều trị bằng YHCT có lợi thế vì tác dụng bền vững, ít bị ảnh hưởng do tác dụng phụ của thuốc như YHHĐ [8].

          Phương pháp sử dụng YHCT: kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có 52,3% người dân sử dụng YHCT bằng cách dùng thuốc YHCT; phù hợp với nghiên cứu của Ngô Đình Thống, 50,6% người dân tỉnh Quảng Bình dùng thuốc YHCT đơn thuần để chữa bệnh [3]. Điều này có thể được lý giải là nguồn thuốc tự nhiên của Việt Nam rất phong phú, có khoảng 3200 loài, 1200 chi, 300 họ thực vật có thể làm thuốc chữa bệnh. Mặt khác việc sử dụng thuốc nam trong chữa bệnh là hình thức phổ biến và dễ sử dụng hơn các phương pháp khác, chỉ cần hướng dẫn sơ bộ có thể áp dụng được; ngược lại các phương pháp không dùng thuốc phải được đào tạo và thực hành mới có thể áp dụng đúng và có hiệu quả.

          Có nhiều hình thức của YHCT người dân đã sử dụng trong chữa bệnh như uống thuốc YHCT là hình thức chủ yếu (86,1%), cạo gió, chích lễ (55,8%); châm cứu, thuỷ châm (41,0%), xông hơi, khói thuốc (26,8%), xoa bóp bấm huyệt (16,1%), bó, chườm thuốc ngoài (7,4%). Kết quả này cũng tương tự như nghiên cứu của Ngô Đình Thống người dân đã sử dụng trong chữa bệnh như uống thuốc YHCT là hình thức chủ yếu chiếm 74,4%, châm cứu, thuỷ châm (40,4%) [3].

4.2. Một số yếu tố liên quan đến sử dụng y học cổ truyền của người dân tại địa điểm nghiên cứu

          Có mối liên quan giữa hiểu biết sử dụng YHCT, hiểu biết cây thuốc YHCT và cung cấp kiến thức YHCT với tỷ lệ sử dụng YHCT, p < 0,05; phù hợp với nghiên cứu của Hoàng Thị Hoa Lý [4]. Kết quả này cho thấy ngành y tế cần phải truyền thông mạnh mẽ kiến thức sử dụng YHCT, hiểu biết cây thuốc YHCT trong cộng đồng mới mong nâng cao tỷ lệ sử dụng YHCT của người dân.

Kết quả nghiên của chúng tôi cho thấy vai trò hướng dẫn của trạm y tế có giá trị nhất định, Trong số những người đã sử dụng YHCT trong chữa bệnh có 49,7% đã được cán bộ y tế xã hướng dẫn về YHCT và ngược lại 76,2% những người không sử dụng chưa được cán bộ y tế xã hướng dẫn về sử dụng YHCT. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

V. KẾT LUẬN

          Tình trạng sử dụng YHCT trong cộng đồng thành phố Quy Nhơn ở mức trung bình, trong đó chủ yếu là dùng hình thức uống thuốc YHCT. Người dân hiểu biết cây thuốc YHCT, biết sử dụng YHCT, được cung cấp kiến thức YHCT đã có ảnh hưởng đến sử dụng YHCT để chữa trị một số chứng bệnh thông thường trong cộng đồng thành phố Quy Nhơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. World Health Organization (2013). Tranditional medicine-Report by the Secretariat. Geneva- Switzerland; pp: 1-4.

2.Nguyễn Thiên Bảo. Đánh giá thực trạng sử dụng dịch vụ Y học Cổ truyền tại các trạm y tế, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc năm 2010. Luận văn thạc sĩ Y tế công cộng. Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội, 2010: 30-63.

3.Ngô Đình Thống (2013),Nghiên cứu tình hình sử dụng y học cổ truyền trong chữa trị một số chứng bệnh thông thường của người dân huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình,Luận án chuyên khoa II, chuyên ngành Quản lý Y tế, Trường Đai học Y Dược Huế.

4.Hoàng Thị Hoa Lý (2015), Đánh giá thực trạng và hiệu quả can thiệp y học cổ truyền tại tuyến xã ở 3 tỉnh Miền Trung, Luận án tiến sĩ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội.

5.Phạm Vũ Khánh, Hoàng Thị Hoa Lý và cộng sự, Thực trạng sử dụng Y học Cổ truyền tại tuyến xã ở tỉnh Hải Dương. Tạp chí Y học Thực hành 2013; 865(4): 14-17.

6. Phạm Vũ Khánh, Hoàng Thị Hoa Lý. Thực trạng sử dụng Y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng ở tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định và ĐăkLăk. Tạp chí Y học Thực hành 2012; 834(7): 66-69.

7. Wassie S.M, Aragie L.L, Taye B.W, and Mekonnen L.B. Knowledge, Attitude, and Utilization of Traditional Medicine among the Communities of Merawi Town, Northwest Ethiopia: A Cross-Sectional Study. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine 2015; Vol 2015: 1-8. http://dx.doi.org/10.1155/2015/138073.