Tình cũ – hãy để ngủ yên

Trước khi kết hôn, ai chẳng từng có một thời để thương để nhớ. Có người xem đó như kỷ niệm đẹp và xếp vào quá khứ, chú tâm xây dựng cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp khi gặp lại người xưa đã không kiềm chế được cảm xúc, lạc lối, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Đến khi bừng tỉnh thì mọi chuyện đã đi quá xa, khắc phục hậu quả thật không dễ dàng.

Trước khi cưới vợ, anh N ở quận Ninh Kiều, có mối tình sâu đậm với V, bạn làm chung cơ quan. Chỉ vì chút hiểu lầm của người lớn mà cả hai chia tay nhau trong đau khổ, dằn vặt. Vài năm sau, theo ý muốn của mẹ, anh N lập gia đình, rồi V cũng lên xe hoa với đối tác làm ăn, theo chồng sinh sống ở Bình Dương. Lúc về làm dâu, chị C, vợ anh N, có nghe mẹ chồng kể về chuyện này nhưng chị cũng không để ý lắm vì nghĩ mọi việc đã qua.

Thắm thoát gần 14 năm trôi nhanh, vợ chồng anh N hạnh phúc với 2 con trai sinh đôi học giỏi, ngoan ngoãn, kinh tế ổn định. Còn V ly hôn, về Cần Thơ sống một mình. Sau đó, chị C có nghe bạn bè kể thường xuyên thấy chồng mình và V đi cà phê, ăn uống… Mọi người cảnh báo chị coi chừng lửa gần rơm. Vốn rất tin tưởng chồng và nền tảng gia đình đã cùng nhau gầy dựng, chị C bỏ ngoài tai những lời dị nghị. Có đôi lần chị giả vờ hỏi thăm người cũ của chồng thì anh tỏ vẻ dửng dưng, nói không biết, còn thể hiện sự quan tâm đến vợ con nhiều hơn. Một lần gia đình có việc đột xuất cần số tiền lớn, chị C ra ngân hàng rút thì tiền không còn bao nhiêu vì anh N đã rút nhiều lần gần hết. Đến lúc này mọi chuyện mới vỡ lỡ, anh N thừa nhận đầu tư tiền cho V mở cửa hàng quần áo và hai người tái hợp gần 3 năm.

Ban đầu anh N chỉ định an ủi khi người cũ chưa vượt qua được cú sốc ly hôn. Những lần gặp gỡ, bao kỷ niệm ùa về trong tiếc nuối, V chủ động tìm cách nối lại tình cảm và chấp nhận đứng trong bóng tối. Trong cơn say tình, anh N đã lạc lối. Sợ vợ biết, anh vẫn đóng tròn vai người chồng, người cha trách nhiệm. Khi sự việc phơi bày, anh N hối lỗi, hứa sẽ cắt đứt với V nhưng sự tổn thương đối với chị C quá lớn, làm sao có thể chữa lành. Thương con thơ và nặng nghĩa với má chồng, chị C không ly hôn nhưng tình cảm vợ chồng nguội lạnh.

Thời sinh viên, H và D ở quận Bình Thủy là một cặp xứng đôi trong lớp. Sau khi tốt  nghiệp đại học, H quyết định ở lại TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, còn D về quê xin việc làm, rồi mỗi người lập gia đình, có cuộc sống riêng. Thông qua mạng xã hội, nhóm bạn ngày xưa liên lạc được với nhau và tổ chức kỷ niệm 15 năm ra trường. Ngày gặp lại, H không còn là chàng trai dáng vẻ thư sinh năm nào mà phát tướng, đi xe hơi sang trọng với bộ đồ vest lịch lãm, còn D theo thời gian, càng đẹp mặn mòi. Sau bữa tiệc, H rủ D đi cà phê ôn lại kỷ niệm xưa. Sau hôm đó, H thường xuyên nhắn tin hỏi han, nhắc nhở D giữ gìn sức khỏe, còn nhiều lần gởi quà, khi mỹ phẩm, lúc quần áo, thậm chí còn chuyển tiền để D mua sắm. H than hôn nhân không hạnh phúc, bao năm qua chỉ thương nhớ D, mong được bù đắp. D cũng tâm sự vợ chồng không cùng quan điểm sống, chồng nhậu nhẹt, vô tâm…

Những lời có cánh và sự săn đón của người cũ khiến D xao động, bắt đầu ngầm so sánh và cảm thấy chán người chồng lúc nào cũng chỉ biết sửa xe, quần áo lấm lem dầu nhớt, tính tình cộc cằn. D ăn diện hơn và thường xuyên chat với H, xao nhãng chuyện nhà. Có mấy lần H xuống Cần Thơ, D xin nghỉ làm đưa người cũ đi chơi. Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra, một buổi tối, chồng D đưa cho vợ một xấp giấy in các cuộc trò chuyện của D và tình cũ, bảo vợ, nếu sống chung khổ quá thì cứ ly hôn. Người phát hiện vụ việc là bạn cùng lớp với D, đã từng cảnh báo hậu quả nhưng cô không nghe nên đã tìm cách báo cho chồng D giải quyết vì không muốn bạn tiếp tục phạm sai lầm. Sự việc đổ bể, D nhận lỗi với chồng và khẳng định chưa đi quá giới hạn, xin cho cơ hội sửa sai. D khóa luôn facebook, chấm dứt liên lạc với H. Nhờ cha mẹ hai bên khuyên giải, chồng D chấp nhận tha thứ để giữ gia đình cho con, nhưng tình cảm với vợ không còn như xưa.

Dân gian có câu “tình cũ không rủ cũng tới”. Vì vậy, ứng xử với người cũ như thế nào để không ảnh hưởng đến các mối quan hệ hiện tại là điều không đơn giản, phụ thuộc vào bản lĩnh của mỗi người. Thường khi gặp lại người cũ, các bên có sự quan tâm tìm hiểu cuộc sống của nhau, khơi gợi kỷ niệm. Đối với người đã có gia đình, cần biết kiểm soát cảm xúc, chỉ nên dừng lại ở mức giao tiếp thông thường và hành xử đúng mực, thể hiện rõ ranh giới. Các cung bậc tình cảm ngày xưa dù có sâu đậm thế nào chăng nữa thì cũng là quá khứ, như một trang sách đã khép lại. Nếu đối phương có ý nối lại tình xưa thì cần dứt khoát ngay từ đầu trước sự “tấn công” qua tin nhắn, quà cáp, sự săn đón… Cuộc sống thực tại mới là điều đáng quý, cần suy nghĩ sáng suốt, đừng dại dột đánh đổi những gì đang có bằng những niềm vui phù phiếm. Hãy cùng bạn đời chung tay xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái, trân trọng, yêu thương nhau, đừng để kẻ thứ 3 dù mới hay cũ, có cơ hội xen vào hạnh phúc.

KIỀU CHINH