Tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc : Những điểm du lịch tuyệt đẹp
Năm 2018, Tứ Xuyên là tỉnh đông thứ tư về số dân, đứng thứ sáu về kinh tế Trung Quốc với 83 triệu dân, tương đương với Đức và GDP đạt 4.068 tỉ NDT (615,4 tỉ USD) tương ứng với Đài Loan. Tỉnh Tứ Xuyên có một lịch sử lâu dài, cảnh quan đẹp, sản vật phong phú, từ xưa đã được gọi là Thiên phủ chi quốc; quốc gia của trời đất thiên phủ). Phía tây Tứ Xuyên là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số như người Tạng, người Di và người Khương.
Vị trí địa lý tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc
Bồn địa Tứ Xuyên được các dãy núi bao quanhTứ Xuyên nằm ở khu vực Tây Nam Trung Quốc, ở thượng du của Trường Giang, nằm sâu trong nội địa. Chiều dài đông-tây của Tứ Xuyên là 1.075 km, chiều dài bắc-nam là 921 km, diện tích trên 484 nghìn km². Khu vực tây bộ Tứ Xuyên là một bộ phận của cao nguyên Thanh-Tạng, phần lớn đông bộ Tứ Xuyên thuộc bồn địa Tứ Xuyên. Theo chiều kim đồng hồ từ phía bắc, Tứ Xuyên lần lượt giáp với Cam Túc, Thiểm Tây, Trùng Khánh, Quý Châu, Vân Nam, khu tự trị Tây Tạng và Thanh Hải.
Núi non là loại địa hình chủ yếu của Tứ Xuyên và chiếm 77,1%, tiếp đến là gò đồi (12,9%), đồng bằng (5,3%) và cao nguyên (4,7%). Tứ Xuyên có đặc điểm tây cao đông thấp một cách rõ rệt, các cao nguyên ở tây bắc và núi non ở tây nam cao trên 4.000 m so với mực nước biển, các bồn địa và gò đồi ở phía đông cao từ 1000-3000 mét so với mực nước biển. Địa hình Tứ Xuyên phức tạp và đa dạng, bao gồm bồn địa Tứ Xuyên với diện tích trên 160.000 km² (song chia sẻ với Trùng Khánh); cao nguyên Thanh-Tạng và dãy núi Hoành Đoạn ở phía tây; phía nam liền với cao nguyên Vân-Quý. Phía bắc bồn địa Tứ Xuyên là Mễ Thương Sơn và đây cũng là ranh giới tự nhiên giữa Tứ Xuyên với Thiểm Tây, phía nam bồn địa là Đại Lâu Sơn, phía đông bồn địa là dãy núi Vu Sơn, phía tây bồn địa là Cung Lai Sơn, phía tây bắc bồn địa là Long Môn Sơn, đông bắc là Đại Ba Sơn, đông nam bồn địa là Đại Lương Sơn. Đỉnh cao nhất tại Tứ Xuyên là Cống Ca Sơn thuộc dãy núi Đại Tuyết Sơn với cao độ 7.556 mét so với mực nước biển. Đứt gãy Long Môn Sơn là nguyên nhân gây nên trận động đất Tứ Xuyên vào năm 2008, đứt gãy này nằm ở ranh giới phía đông của cao nguyên Thanh Tạng. Tại khu vực đứt gãy, độ cao tăng từ 600m so với mực nước biển tại khu vực phía nam bồn địa Tứ Xuyên lên đến độ cao trên 6500 m của cao nguyên Thang Tạng trong một khoảng cách dưới 50 km.
Khí hậu tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc
Sông băng Hải Loa Câu bên dưới Cống Ca Sơn, đỉnh núi cao nhất Tứ XuyênDo ảnh hưởng của địa hình và gió mùa, khí hậu trong tỉnh Tứ Xuyên có sự đa dạng. Nói chung, bồn địa Tứ Xuyên ở đông bộ Tứ Xuyên có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, song tại khu vực cao nguyên phía tây do chịu ảnh hưởng của địa hình nên khí hậu biến đối dần từ cận nhiệt đới đến cận hàn đới với các vùng đất đóng băng vĩnh cửu, trong đó khu vực tây nam có khí hậu cận nhiệt đới bán ẩm còn khu cực tây bắc có khí hậu hàn đới cao nguyên núi cao. Khu vực bồn địa Tứ Xuyên có từ 900-1600 giờ nắng mỗi năm, là khu vực có số giờ nắng thấp nhất Trung Quốc. Do điều kiện khí hậu đa dạng, Tứ Xuyên có nhiều loại đất, tài nguyên động thực vật và cảnh quan địa lý khác nhau, tạo thuận lợi cho phát triển một nền nông-lâm nghiệp và du lịch đa dạng.
Bồn địa Tứ Xuyên có nhiệt độ trung bình năm là từ 14-19°C, cao hơn khoảng 1°C so với các vùng cùng vĩ độ ở trung hạ du Trường Giang. Trong đó, tháng lạnh nhất là tháng 1 với nhiệt độ không khí bình quân là từ 3-8°C, tháng nóng nhất là tháng 7 với nhiệt độ bình quân là 25-29°C, nhiệt độ mùa xuân và mùa thu gần với nhiệt độ trung bình năm, Khu vực có bốn mùa rõ rệt, trong năm có từ 280-300 ngày không có sương giá. Vùng cao nguyên phía tây đại bộ phận có nhiệt độ trung bình năm thấp hơn 8°C, nhiệt độ trung bình tháng 1 là khoảng -5°C và nhiệt độ tháng 7 là từ 10-15°C, suốt cả năm không có mùa hè, mùa đông kéo dài. Tuy nhiên, tại vùng núi tây nam Tứ Xuyên, nhiệt độ bình quân của vùng thung lũng là 15-20°C, còn của vùng núi là 5-15°C.
Đại bộ phận bồn địa Tứ Xuyên có lượng giáng thủy hàng năm là từ 900–1200 mm, trong đó những nơi nằm gần vùng núi bao quanh thì có lượng mưa cao hơn những nơi nằm sâu trong bồn địa, khu vực giáp núi phía tây của bồn địa có lượng mưa lớn nhất toàn tỉnh với 1.300-1.800 mm, vì thế thành phố Nhã An còn được gọi là “vũ thành”, Liễu Tông Nguyên từng thuyết pháp “Thục khuyển phệ nhật” (Chó đất Thục sủa mặt trời, ý chỉ nhọc công làm điều vô ích). Theo mùa, lượng giáng thủy vào mùa đông là thấp nhất, chỉ chiếm từ 3-5% tổng lượng mưa hàng năm, mùa hè có lượng giáng thủy lớn nhất, chiếm 80% tổng lượng mưa hàng năm. Đại bộ phận vùng cao nguyên phía tây Tứ Xuyên có lượng mưa thấp, lượng giáng thủy hàng năm là từ 600–700 mm, trong đó thung lũng sông Kim Sa chỉ có 400 mm, là khu vực khô hạn nhất của tỉnh. Tại các khu vực có một mùa mưa rõ ràng, mùa này sẽ diễn ra trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, lượng mưa chiếm 70-90% của cả năm; tháng 11 đến tháng 4 là mùa khô. Khu vực tây nam Tứ Xuyên có lượng giáng thủy khác biệt lớn, có một mùa mưa rõ ràng. Trong nhiều năm, lượng giáng thủy bình quân của Tứ Xuyên là 488,975 tỉ m³.
Kinh tế tại Tứ Xuyên Trung Quốc
Năm 2011, tổng GDP của Tứ Xuyên là 2.102,67 tỉ NDT, tăng trưởng 15% so với năm trước, còn thu nhập bình quân đầu người là 21.633 NDT, tăng trưởng 15,9% so với năm trước. Thu nhập có thể chi phối (sau khi đã nộp các khoản thuế và phí) của cư dân đô thị là 17.899 NDT, thu nhập thuần của cư dân nông thôn là 6.128,6 NDT, lần lượt tăng trưởng 15,8% và 20,5% so với năm trước. Cũng trong năm 2011, tỷ lệ các khu vực trong nền kinh tế Tứ Xuyên là: khu vực một đạt 298,35 tỉ NDT, tăng trưởng 4,5%; khu vực hai đạt giá trị 1.102,79 tỉ NDT, tăng trưởng 20,7%; khu vực ba đạt giá trị 701,53 tỉ NDT, tăng trưởng 10,9%. Tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của ba khu vực lần lượt là 4,3%:, 70,0% và 25,7%. Kết cấu ba khu vực kinh tế của Tứ Xuyên vào năm 2011 tương ứng là 14,2:52,4:33,4.
Nông nghiệp: Tứ Xuyên từ xưa đã có tiếng là “Tỉnh giàu có”. Đây là một trong những nơi sản xuất nông nghiệp chính của Trung Quốc. Sản lượng ngũ cốc gồm lúa gạo và lúa mì của Tứ Xuyên đứng hàng đầu toàn Trung Quốc năm 1999. Thu hoạch từ các loại cam chanh, mía đường, khoai lang, lê và hạt cải dầu cũng đáng kể. Tứ Xuyên còn sản xuất lượng thịt lợn lớn nhất trong tất cả các tỉnh và đứng thứ nhì về sản lượng nong tằm tại Trung Quốc năm 1999.
Khoáng sản: Tứ Xuyên là một tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản. Tỉnh có hơn 132 loại khoáng sản có tiềm năng với trữ lượng của 11 loại; Trong số đó Tứ Xuyên có trữ lượng vanadium, titanium, và lithium lớn nhất Trung Quốc. Riêng tỉnh Tứ Xuyên đã có trữ lượng 13,3% quặng sắt, 93% quặng titanium, 69% vanadium, 83% cobalt của toàn quốc.
Công nghiệp: Tứ Xuyên là một trong các vùng kỹ nghệ chính của Trung Quốc. Ngoài kỹ nghệ nặng như than, năng lượng, và sắt thép, tỉnh đã thiết lập được một ngành sản xuất nhẹ gồm vật liệu xây dựng, làm gỗ, thực phẩm và dệt lụa. Thành Đô và Mân Giang là trung tâm sản xuất hàng dệt may và đồ điện tử. Đức Dương, Phàn Chi Hoa, và Nghi Tân là trung tâm sản xuất cơ khí, kỹ nghệ luyện kim và rượu (theo thứ tự). Sản lượng rượu Tứ Xuyên chiếm 21,9% tổng sản lượng toàn quốc vào năm 2000.
Công nghệ cao: Những bước tiến kinh tế vĩ đại đã góp phần phát triển Tứ Xuyên nhanh chóng thành một trung tâm công nghệ cao hiện đại qua nhiều cách như khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước trong ngành điện tử và công nghệ thông tin (như nhu liệu), máy móc và luyện kim (bao gồm xe hơi), thủy điện, dược phẩm, lương thực và giải khát. Công nghệ chế tạo xe hơi là một ngành quan trọng nắm chủ chốt của công nghệ chế tạo máy móc tại Tứ Xuyên. Đa số các công ty sản xuất xe hơi có trụ sở ở Thành Đô, Mân Giang, Nam Sung, và Lô Châu. Các ngành kỹ nghệ quan trọng khác tại Tứ Xuyên còn có kỹ nghệ không gian và quốc phòng. Một số tên lửa của Trung Quốc (tên lửa Trường Chinh) và vệ tinh nhân tạo đã được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương nằm trong thành phố Tây Xương.
Cảnh đẹp tại Tứ Xuyên – Những địa điểm du lịch nổi tiếng khó có thể bỏ qua