Tỉnh Thái Bình: Làng nghề làm bánh Cáy nổi tiếng đất Thái Bình
Tỉnh Thái Bình: Làng nghề làm bánh Cáy nổi tiếng đất Thái Bình
22/08/2022 – Lượt xem: 156
Nếu như bánh đậu xanh là món ăn đặc sản của tỉnh Hải Dương, bánh nhãn của tỉnh Hưng Yên thì bánh cáy Làng Nguyễn là một đặc sản nổi tiếng của miền quê lúa Thái Bình, mang dấu ấn bản sắc văn hóa rõ rệt nhất của đất và người nơi đây.
Theo các cụ kể lại, Làng Nguyễn hay còn gọi là làng Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, là ngôi làng nổi tiếng về rối nước và nghề làm bánh cáy. Theo truyền thuyết dân gian ở đây, xưa kia bánh cáy là loại bánh được ăn vào dip Tết, do Bà Nguyễn Thị Tần con gái đời thứ 6 tộc họ Nguyễn Công, làng Nguyên Xá làm ra. Bà Nguyễn Thị Tần sinh năm 1724. Năm 1739 bà được vào triều được phong làm quan. Bà đã tạo ra một loại bánh mới có tên là bánh ngũ vị dâng lên vua. Nhà Vua ăn khen ngon liền hỏi tên mới biết là bánh ngũ vị nhưng khi nhìn những màu sắc đẹp mắt của bánh thấy giống trứng của con cáy nên đặt tên là Bánh Cáy. Từ đó, vào dịp tết dân làng Nguyễn lại được dâng Bánh Cáy lên tiến Vua và nghề làm bánh cáy được lưu truyền, phát triển ở àng Nguyễn cho đến ngày nay.
Từ những nguyên liệu đồng quê như thóc, gạo, lạc, vừng, qua bàn tay tài hoa của những người dân nơi đây đã tạo nên món bánh Cáy nổi tiếng. Bánh có nguyên liệu chính là gạo nếp (nếp cái hoa vàng) và nhiều nguyên liệu đi kèm khác. Bánh cáy ngon là vừa đủ độ dẻo, ngọt, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi, cắn miếng bánh thấy lạ miệng khi trong đó có mứt bí, gừng tươi cay nồng. Sự kết hợp các loại nguyên liệu này tạo nên một hương vị đặc trưng của vùng đất Thái Bình.
Hiện nay, ở xã Nguyên Xá có hàng trăm hộ sản xuất bánh Cáy, mỗi một hộ gia đình mang một phong cách và đặc trưng riêng, dù đều cùng học theo một tổ nghề.
Ngày nay xã hội phát triển, thị trường có rất nhiều loại bánh ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng khiến nghề làm bánh Cáy đôi lúc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên để đáp ứng kịp thị hiếu người tiêu dùng, nhiều cơ sở làm bánh Cáy đã đầu tư trang bị máy móc, nâng cấp cơ sở làm bánh, công nghệ hiện đại vào sản xuất bánh cáy để thay thế một số công đoạn làm thủ công trước đây.
Do nhu cầu đa dạng của thị trường nên những chiếc bánh cáy đã có sự phong phú về mẫu mã, song những hương vị riêng vốn có hàng trăm năm nay vẫn không hề thay đổi. Kết hợp áp dụng kỹ thuật với kinh nghiệm làm bánh lâu đời, người làng Nguyễn giữ vững chất lượng, thương hiệu bánh cáy của làng nghề truyền thống, nhờ đó tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, thị trường được mở rộng ở nhiều địa phương trong cả nước.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Nguyễn hiện nay vẫn giữ nguyên được nét văn hóa và thương hiệu của một làng nghề truyền thống không bị mai một bởi thời gian.
Những năm qua, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, vay vốn để các hộ phát triển nghề truyền thống, trong đó có sản xuất bánh cáy; đồng thời quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề. Tranh thủ các dịp hội chợ, giao lưu, xã tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; hàng năm, phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất. Nhờ nguồn thu nhập từ làm nghề và kinh doanh sản phẩm làng nghề, đến nay, hầu hết các hộ dân trong xã có kinh tế khá, giàu. Ðây cũng là động lực để những người thợ làm bánh cáy làng Nguyễn tiếp tục gắn bó, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống món ăn cổ truyền của quê hương.