Tỉnh Nghệ An: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước bước đột phá trong cải cách hành chính
(PLVN) – Công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử đã được chú trọng trong những năm tại các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Nghệ An với mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Chuyển đổi số vì người dân, vì doanh nghiệp
Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong việc tháo gỡ các nút thắt, tạo động lực cho sự phát triển, Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác này, trong đó xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá. Trong những năm qua, nhiều giải pháp đã được các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đưa ra nhằm xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng xây dựng chính quyền số.
UBND tỉnh đã tiến hành hợp nhất Cổng dịch vụ và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh (TTHC) Nghệ An nhằm thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 18 sở, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 3 cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn với hơn 1.300 TTHC được tiếp nhận tại trung tâm.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được đưa vào hoạt động từ 2020, và được kiểm soát chặt chẽ qua Cổng dịch vụ và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Ở cấp huyện, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông để tiếp nhận và giải quyết TTHC theo quy định.
Mới đây, UBND tỉnh đã đưa vào vận hành khai thác Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh. Hệ thống đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng CNTT trong công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành. Từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Việc xây dựng Đề án đô thị thông minh đã đạt được một số kết quả như đưa vào vận hành 9 phân hệ giám sát…
Văn phòng UBND tỉnh đã rà soát, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.917 dịch vụ công, trong đó có 873 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, 386 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3. Ở cấp tỉnh, có 21 sở, ngành cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 724 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, 301 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3.
Năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An lựa chọn chủ đề “Tập trung chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước” để từng bước hướng đến chính quyền số, nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã tích cực xây dựng bộ máy chính quyền vì Nhân dân phục vụ. Trong đó, chú trọng thực hiện Nghị quyết số 05/NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5158/QĐ-UBND ban hành Chương trình cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn này là cải cách TTHC, nâng cao chất lượng dịch vụ công, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Chỉ thị số 05/CT-UBND chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương thực hiện số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; đảm bảo tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh dưới dạng điện tử đạt từ 90%-95%; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Phấn đấu luôn giữ vị trí Top 30 cả nước về Chính phủ số
Ngày 26/4 vừa qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2022, UBND tỉnh đã nghe, cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quan điểm là phải tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Quá trình chuyển đổi số phải bảo đảm an toàn thông tin mạng, hướng tới xã hội số an toàn.
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và sự chung tay của toàn dân. Doanh nghiệp, người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thúc đẩy chuyển đổi số trong xã hội, từ đó, tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Chuyển đổi số cần được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí nguồn lực…
Về hạ tầng số: 100% cơ quan Đảng, chính quyền các cấp kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây. Về chính quyền số: 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ chuyên trách CNTT.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính…; Về xã hội số: Trên 50% người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 sẽ hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và dịch vụ số đồng bộ 3 cấp; hoạt động giao dịch giữa các cơ quan của chính quyền, giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp cơ bản được thực hiện trên các nền tảng công nghệ số. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 85% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).