Tìm việc làm sinh viên cần lưu ý những gì? – Joboko
01/12/2021 10:30
Sinh viên đi làm thêm vì nhiều mục đích khác nhau như trang trải học phí, trải nghiệm và học hỏi từ môi trường thực thế. Hầu hết sinh viên đều đã, đang hoặc có dự định đi làm vào thời gian rảnh nhưng có một số lưu ý bạn cần ghi nhớ khi tìm việc làm sinh viên.
Có rất nhiều nhà tuyển dụng thuộc nhiều lĩnh vực tuyển sinh viên làm các công việc bán thời gian (part time). Một số vị trí việc làm sinh viên phổ biến nhất hiện nay là gia sư, cộng tác viên viết bài/chạy quảng cáo, phục vụ, trợ giảng, v.v. Một số bạn cũng có thể chọn làm tài xế hoặc shipper. Mỗi vai trò sẽ có yêu cầu và các nhiệm vụ, môi trường làm việc khác nhau nhưng nhìn chung đều không yêu cầu quá cao và có thời gian linh hoạt để bạn sắp xếp, điều chỉnh dựa trên chương trình học.
Sinh viên làm thế nào để tìm được việc làm tốt?
Nội Dung Chính
Những lưu ý khi tìm việc làm sinh viên
Sinh viên dễ tìm việc làm thêm nhưng vấn đề là bạn luôn phải đối mặt với nguy cơ lừa đảo, bị lừa tiền, bị quỵt lương hoặc làm quá vất vả. Để đối phó với những nguy cơ như thế, bạn hãy lưu ý:
1. Tìm hiểu kỹ các thông tin tuyển dụng
Với các vị trí tuyển part time, tuyển sinh viên như gia sư, phục vụ, bán hàng, v.v. thì các chủ cửa hàng hoặc các trung tâm, nhà hàng thường tuyển dụng trực tiếp theo hình thức treo biển tuyển ở ngay phía bên ngoài, đăng tuyển trên website hoặc đơn giản nhất là qua Facebook. Nếu đang tìm việc làm sinh viên thì có lẽ bạn cũng đã thấy chỉ với từ khóa cơ bản, có rất nhiều kết quả liên quan trong nhiều lĩnh vực khác nhau cho bạn lựa chọn.
Điều cần chú ý lúc này là bạn không thể cứ rải CV xin việc hàng loạt ngay khi thấy có việc mình muốn. Thay vào đó, bạn hãy bình tĩnh tìm hiểu các thông tin về nhà tuyển dụng. Những hội nhóm, diễn đàn thường có những chia sẻ từ những nhân viên hiện tại và nhân viên cũ. Qua thông tin có được, bạn có thể hình dung về môi trường và biết rằng họ có trả lương đúng hạn hay không, có cách cư xử với nhân viên làm thêm thế nào.
2. Không “mờ mắt” vì các thông báo tuyển dụng việc nhẹ lương cao
Nhiều sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên mới đi học ở những thành phố lớn rất dễ bị lừa chỉ vì thấy những tin tuyển dụng việc nhẹ lương cao rồi hấp tấp ứng tuyển. Bạn nên nhớ rằng không có công việc nào dễ dàng như thế, mọi người đều phải chăm chỉ và nỗ lực mới có thể nhận lương tương xứng. Lời khuyên ở đây là bạn hãy giữ được sự tỉnh táo trước khi ra quyết định, tốt nhất là làm những việc mà có mô tả đầy đủ công việc, các yêu cầu và lương thưởng tương đương với mức phổ biến trên thị trường.
3. Từ chối ngay khi được yêu cầu đóng tiền trước khi đi làm
Một trong những “mánh khóe” mà nhiều kẻ lừa đảo sử dụng nhằm vào sinh viên làm thêm là đưa ra đề nghị làm việc với các điều kiện lý tưởng sau đó yêu cầu bạn đóng một khoản tiền nhỏ – thường là vài trăm nghìn. Những lý do được đưa ra là: Tiền đồng phục làm việc, tiền phí đào tạo sẽ được trả lại sau này, v.v.
Đây là một dấu hiệu lừa đảo mà khi tìm việc làm sinh viên bạn phải nhận biết được. Không có nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, tử tế nào lại bắt ứng viên đóng tiền trước khi đi làm. Ngay khi thấy yêu cầu này thì bạn nên từ chối ngay lập tức.
Khi tìm việc làm thêm, sinh viên cần lưu ý điều gì?
4. Có thỏa thuận hoặc hợp đồng lao động bằng giấy là tốt nhất
Các công việc làm bán thời gian, việc làm sinh viên hầu như đều chỉ thỏa thuận bằng miệng, rất ít khi có hợp đồng hay giấy tờ chính thức. Điều này dẫn đến nguy cơ sinh viên bị lừa đảo. Giả sử, bạn thỏa thuận làm 1 tháng 26 buổi, mỗi buổi 4 tiếng và mỗi tiếng 25 nghìn nhưng đến cuối tháng, cửa hàng chỉ trả 20 nghìn/tiếng. Không có hợp đồng thì bạn sẽ không thể bảo vệ quyền lợi của mình.
Hợp đồng với sinh viên, nhân viên làm thêm thường chỉ có ở những doanh nghiệp lớn. Đổi lại, có một cách đơn giản hơn nhưng cũng hữu ích, đó là yêu cầu người sử dụng lao động gửi thỏa thuận qua email. Dù không có chữ ký nhưng với email mời làm việc chính thức thì bạn vẫn sẽ có cơ sở để xử lý nếu xảy ra bất đồng, tranh chấp về chế độ và lương.
Việc làm sinh viên đa dạng, giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm, kiếm được một khoản thu nhập nhỏ để san sẻ cho bố mẹ hay mua sắm sách vở, những món đồ bạn thích. Để tìm việc làm sinh viên hiệu quả và tránh bị lừa, bạn cần tỉnh táo trước khi gửi CV và quyết định đi làm ở đâu.