Tìm hiểu về tục thờ “Bà, Cậu” ở Nam Bộ

Tùy theo tập quán tín ngưỡng từng vùng miền, hầu hết ngư dân, chủ phương tiện đưa rước hành khách, mua bán trên sông rạch ở các tỉnh Nam Bộ đều tin tưởng vào sự hiển linh của “Bà, Cậu”.

Đến nay có nhiều giai thoại nói về danh xưng “Bà, Cậu” với nhiều nguồn gốc, điển tích khác nhau. Có người cho rằng Bà và Cậu chỉ là một người phụ nữ tên Cậu rất linh thiêng và sống ở trên sông, biển.

Làm thuyền giấy rước “Bà, Cậu”.

Một giả thiết khác được nhiều người tán đồng là “Bà” ở đây mang tên Thiên Hậu, vị “nữ thần” này cai quản sông nước để giúp đỡ người dân khi gặp hoạn nạn, không gây bão lũ để người dân yên ổn làm ăn. Cạnh đó còn trừ khử những loại người hung ác, gian tà. Còn “Cậu” ở đây là nói về hai người con của bà tên Tài và Quý, những người luôn ở bên bà để cứu nạn những người không may gặp nạn trên sông, biển.

Có ý kiến cho rằng:  Bà, Cậu được thờ trên tàu, ghe của những người làm nghề liên quan đến sông nước là đức Phật Bồ Tát, vì đây là vị thần linh gần gũi nhất với đời sống cư dân Nam Bộ. Và còn khá nhiều giả thiết về nguồn gốc của “Bà, Cậu” trong suy nghĩ người dân.

Dù hình tượng, quan niệm về “Bà, Cậu” chưa thống nhất nhưng hầu hết những người thờ cúng đều rất tin tưởng và duy trì lệ cúng rất thường xuyên. Thông thường, bàn thờ “Bà, Cậu” trên ghe, tàu luôn được đặt ở nơi trang trọng trong khoang sinh hoạt. Trên bàn thờ luôn có nhang, hoa tươi, trái cây các loại. Trước mỗi chuyến khởi hành chủ phương tiện đều thắp nhang khấn vái để được mua may, bán đắt, đi đường suôn sẻ, không gặp xui xẻo, ma quỷ đeo bám… 

Một ngôi miếu thờ ở Cái Răng (TP Cần Thơ).

Nhiều người sau mỗi chuyến đi mua bán, đánh bắt có lời to còn tổ chức cúng vái “Bà, Cậu” rất trang trọng. Riêng về ngày cúng thường xuyên thường tổ chức vào ngày 16 âm lịch hàng năm với hai mục đích: cúng vái “Bà, Cậu” phù hộ cho gặp được những điều may mắn. Cạnh đó còn cúng vái những oan hồn “cô hồn cát đản” không theo quấy rối.

Về lễ vật để cúng kiến, thông thường chủ nhà sẽ cúng vịt luộc cùng các món ăn phụ khác. Lý giải vì sao phải cúng vịt mà không là loại gia súc, gia cầm khác, ông Võ Văn Tám, 67 tuổi ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết “…Sở dĩ dân miền sông nước miền Tây thường cúng Bà Cậu bằng vịt vì quan niệm con vịt luôn luôn nổi và bơi lướt nhanh trên mặt nước. “Bà, Cậu” không ăn vịt mà dùng vịt để cưỡi đi giúp các ghe, tàu mỗi khi gặp sóng to, gió lớn, vượt qua các chướng ngại để đi đến nơi về đến chốn an toàn…”.

Làm Lân trong lễ hội cúng “Bà, Cậu”.

Tùy theo đặc điểm riêng, chủ ghe, tàu ngoài việc cúng “Bà, Cậu” tại phương tiện của mình, họ còn tham gia cúng tại các cơ sở thờ tự khác như: lăng, miễu, am thờ… do chính quyền địa phương tổ chức cúng “Bà, Cậu” kết hợp với các lễ hội khác như lễ nghinh Ông ở Sông Đốc (Cà Mau); Gành Hào (Bạc Liêu); Thạnh Hải (Bến Tre); Cái Răng (TP Cần Thơ)… về ngày cúng thì mỗi nơi mỗi khác nhưng về nghi thức cúng bái thì có rất nhiều nét tương đồng. Nhiều địa phương còn tổ chức lễ cúng hàng năm rất hoành tráng thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, thưởng lãm.

Ông Lê Quang Trinh, 88 tuổi, trưởng ban tế tự Miễu bà phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết “…Lễ hội cúng “Bà, Cậu” tại đây tổ chức rất qui mô, kéo dài 2 đến 3 ngày với nhiều hoạt động lễ, hội và các trò chơi dân gian, tuy rầm rộ nhưng luôn tiết kiệm và không xảy ra nạn mê tín dị đoan…”.

Tập quán tôn sùng, thờ cúng “Bà, Cậu” đã trở thành nét văn hóa tâm linh vốn có tự lâu đời đã và đang được người dân vùng nước Nam Bộ duy trì cho đến nay bằng sự thành kính chân tâm.