Tìm hiểu về tư cách pháp nhân của các loại hình doanh nghiệp hiện nay
Trong hoạt động kinh doanh thương mại thì những doanh nghiệp nào có tư cạch pháp nhân thì thường sẽ tạo được niềm tin cho phía đối tác nhiều hơn. Vậy liệu rằng tất cả các doanh nghiệp đểu có tư cách pháp nhân? Trong bài viết dưới đây, Luật Bravolaw xin gửi tới quý khách hàng thông tin về tư cách pháp nhân của các loại hình doanh nghiệp.
Nội Dung Chính
Pháp nhân là gì?
Pháp nhân được quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự 2015. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, luật khác có liên quan. Theo đó, pháp nhân có thể được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Để xác định một loại hình doanh nghiệp có tư các pháp nhân hay không phải dựa vào việc doanh nghiệp đó có thỏa mãn các điều kiện của pháp nhân hay không.
Tư cách pháp nhân của các loại hình doanh nghiệp?
Công ty TNHH một thành viên
Khoản 2 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.” Tư cách pháp nhân của công ty TNHH một thành viên được thể hiện như sau:
- Thành lập công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty).
- Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Khoản 3 Điều 77 Luật doanh nghiệp quy định chủ sở hữu công ty phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
- Cơ cấu quản lý công ty do tổ chức làm chủ sở hữu thì được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây: (1) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; (2) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Đối với công ty có chủ sở hữu công ty là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020 thì phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp khác do công ty quyết định. Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, tiêu chuẩn, điều kiện, miễn nhiệm, bãi nhiệm, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên thực hiện tương ứng theo quy định tại Điều 65 của Luật Doanh nghiệp 2020. Trong trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do 1 cá nhân là chủ sở hữu thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
- Công ty TNHH một thành viên có người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo pháp luật này sẽ nhân danh công ty để thực hiện các giao dịch của công ty, tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Khoản 2 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.” Tư cách pháp nhân của công ty TNHH hai thành viên trở lên được thể hiện như sau:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân.
- Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên có người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo pháp luật này sẽ nhân danh công ty để thực hiện các giao dịch của công ty, tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.
Công ty cổ phần
Khoản 2 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.” Tư cách pháp nhân của công ty cổ phần được thể hiện như sau:
- Thành lập công ty cổ phần do ít nhất 3 cá nhân, tổ chức thành lập và được gọi là cổ đông.
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp (điểm c, khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020)
- Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần có thể là 1 trong hai mô hình được quy định tại Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát hoặc mô hình gồm có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.
- Công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo pháp luật này sẽ nhân danh công ty để thực hiện các giao dịch của công ty, tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.
Công ty hợp danh
Khoản 2 Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.” Tư cách pháp nhân của công ty hợp danh được thể hiện như sau:
- Công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.
- Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
- Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty.
- Cơ cấu tổ chức của công ty hợp danh bao gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, tài sản của danh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân không được tách bạch với nhau nên không thỏa mãn điều kiện về pháp nhân.
Như vậy, trong các loại hình doanh nghiệp nêu trên thì chỉ có doanh nghiệp tư nhân là không có tư cách pháp nhân mà các doanh nghiệp còn lại đều có tư cách pháp nhân do đều thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự 2015.
Không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng có tư cách pháp nhân, Luật Bravolaw đã giới thiệu đến quý khách hàng sơ nét về tư cách pháp nhân của các loại hình doanh nghiệp hiện nay. Để hiểu rõ hơn về tư cách pháp nhân quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi theo số 1900 6296 để được hỗ trợ tư vấn.