Tìm hiểu về rau diếp cá

Những thông tin về diếp cá

Rau diếp cá thuộc họ Lá giấp (Saururaceae). Tên khoa học: Herba Houttuyniae cordatae. Nhiều người còn gọi loài thực này là: lá giấp, rau giấp cá, ngư tinh thảo.

Mô tả cây

Đây là loại cây thảo sống lâu năm. Khi trưởng thành, cây cao từ 20 đến 40 cm. Rau diếp cá mọc quanh năm có thân và rễ mọc ngầm trong đất. Lá cây mọc cách (so le), theo hình trái tim, đầu nhọn.

Thân cây rau có màu lục hoặc tím đỏ. Cụm hoa nhỏ mọc ở phần ngọn. Bên ngoài được bao bởi 4 lá bắc màu trắng, bên trong có nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Quả nang, hạt hình trái xoan.

Phân bố

Rau diếp cá phân bố khắp châu Á. Phổ biến ở các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam. Loại cây nổi tiếng với công dụng hỗ trợ khắc phục táo bón này chủ yếu sinh trưởng và phát triển ở nơi ẩm ướt, có nhiều bóng mát.

Hình ảnh rau diếp cá – loại thực vật thân thuộc với người Việt Nam.

Thành phần hóa học của rau diếp cá

Theo nghiên cứu của Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, trong rau diếp cá có khoảng 0,0049% tinh dầu với thành phần chủ yếu là methylnonylketon, decanonylacetaldehyde, chất myrcen và một ít alcaloid là cordalin…

Ngoài ra, trong lá còn có quercetin (0,2%), trong hoa và quả thì có isoquercitrin.

Tác dụng của diếp cá

Khắc phục táo bón, khó tiêu, đầy bụng

Trong rau chứa nhiều chất xơ với tác dụng điều hòa nhu động ruột, hỗ trợ giảm chứng táo bón hiệu quả.

Lợi tiểu, trị tiểu buốt

Chất quercetin và isoquercitrin trong diếp cá có tác dụng lợi tiểu mạnh và làm vững bền mao mạch. Vì vậy, loại thực vật này hỗ trợ những người gặp vấn đề tiểu tiện như khó tiểu, tiểu buốt rất hiệu quả.

Hỗ trợ giảm triệu chứng trĩ

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng rau diếp cá có nhiều thành phần hỗ trợ tốt trong việc điều trị bệnh trĩ.

● Chất chống oxy hóa quercetin có khả năng tiêu trừ các gốc tự do và tăng độ bền cho thành mạch.

● Decanonyl acetaldehyde có tác dụng kháng sinh, kháng nấm, vi khuẩn mạnh. Nhờ đó, diếp cá có thể giúp hỗ trợ phòng ngừa tình trạng viêm búi trĩ, hỗ trợ quá trình phục hồi, tái tạo các cơ quan bị tổn thương.

Tính kháng khuẩn cao

Tinh dầu trong loại rau này có khả năng ức chế một số loại virus như: virus HSV-1 (gây bệnh Herpes), virus gây bệnh cúm, virus HIV-1 (HIV chủng 1 ở người); cùng các loại vi khuẩn khác như: tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ, nấm…

Do đó, nhiều người thường dùng rau diếp cá với công dụng sát trùng, kháng viêm cho cơ thể như mẩn ngứa.

Bên cạnh đó, rau diếp cá còn có công dụng trong việc khắc phục kinh nguyệt không đều, đau mắt, nhặm mắt, viêm ruột, kiết lỵ…

Theo Y học cổ truyền

Tính vị: cay chua, mùi tanh, tính mát, hơi độc, tán khí, tán ứ.

Công dụng: thanh nhiệt (tán nhiệt) giải độc, lợi tiểu tiện, sát trùng.

Cách dùng rau diếp cá

Diếp cá thường được dùng bằng cách ăn sống trực tiếp cùng với các loại thịt, cá, hải sản hoặc nấu chín. Bên cạnh đó, nhiều người còn giã nát, lấy phần nước để uống và phần bã để đắp (tùy theo công dụng).

PV