Tìm hiểu về Chuỗi Giá Trị của Michael Porter

Bài 4.3: Tìm hiểu về Chuỗi Giá Trị của Michael Porter

Bất kỳ một doanh nghiệp nào mang lại giá trị cho khách hàng càng nhiều, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp đó càng cao. Để làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ cần xác định rõ đâu là những giá trị trong chính các sản phẩm và dịch vụ của mình để không ngừng cải thiện nó. Mô hình chuỗi giá trị của Michael Porter đóng vai trò như một công cụ quản lý chiến lược giúp cho doanh nghiệp thực hiện được điều này dễ dàng hơn bao giờ hết.

Khái niệm

Chuỗi giá trị là một khái niệm để chỉ sự kết hợp một loạt các công đoạn và công việc mang tính hệ thống của một doanh nghiệp trong việc tạo ra lợi nhuận dựa trên các sản phẩm và dịch vụ của mình. Nó bao gồm tất cả các bước từ khâu chọn nguyên vật liệu cho đến khâu sản xuất và tiếp thị sản phẩm đến người dùng cuối.

Nhìn thấy được tầm quan trọng của chuỗi giá trị, Michael Porter giáo sư của trường Harvard Business School đã phát triển một Công cụ quản lý chiến lược giúp cho việc phân tích chuỗi giá trị trong một tổ chức hay doanh nghiệp bất kỳ. Công cụ này được biết đến với tên gọi Chuỗi giá trị của Michael Porter hay Mô hình phân tích chuỗi giá trị của Porter. Về định nghĩa, trong cuốn sách Competitive Advantage phát hành năm 1985 của chính mình, Porter diễn giải: chuỗi giá trị là một tập hợp các hoạt động của doanh nghiệp trong việc tạo ra giá trị cho khách hàng của họ.

Mô hình phân tích chuỗi giá trị của Porter

Điểm mạnh của mô hình phân tích này nằm ở chính cách thức mà nó hoạt động. Đó chính là giữ sự tập trung của nguồn lực doanh nghiệp vào các hệ thống và hoạt động kinh doanh xoay quanh trọng tâm là khách hàng thay vì các danh mục kế toán và chi tiêu của các phòng ban.

Chuỗi giá trị là một tập hợp các hoạt động của doanh nghiệp trong việc tạo ra giá trị cho khách hàng của họ (Ảnh: Smartsheet)

Mô hình Chuỗi Giá Trị của Michael Porter giúp kết nối các hệ thống với mỗi một hoạt động của doanh nghiệp và cho thấy khả năng ảnh hưởng của hoạt động đó lên chi phí và biên độ lợi nhuận. Nhờ vào việc phân tích chuỗi giá trị như vậy mà doanh nghiệp thấy rõ được đâu là nơi nơi sản sinh ra giá trị và đâu là nơi đang mang lại sự thua lỗ để có thể đưa ra các biện pháp phù hợp để cải thiện.

Các hoạt động của chuỗi giá trị

Theo Mô hình chuỗi giá trị của Michael Porter, các hoạt động của doanh nghiệp được xếp vào hai loại, đó là Hoạt động chính và Hoạt động hỗ trợ. Nhóm những Hoạt động chính bao gồm những hoạt động có tác dụng gần như tức thì lên sản xuất, bảo dưỡng hay việc bán và hỗ trợ liên quan đến sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Và nhóm hoạt động hỗ trợ bao gồm các hoạt động và quy trình có tác động bổ trợ giúp cho các hoạt động chính được hiệu quả hơn.

Các hoạt động chính

#1. Hậu cần đầu vào (Inbound Logistics)

Bao gồm tất cả những quy trình liên quan đến việc tiếp nhận, lưu trữ và phân phối nội bộ các nguyên vật liệu thô sẽ được sử dụng cho sản phẩm hay dịch vụ. Ở phần này, việc giữ mối quan hệ với những nhà cung cấp là mấu chốt của việc tạo ra giá trị.

#2. Vận hành (Operations)

Bao gồm tất cả những hoạt động góp vào việc chuyển hóa các nguồn đầu vào của sản phẩm hay dịch vụ thành các bán thành phẩm hay các sản phẩm hoàn chỉnh. Hệ thống điều hành đóng vai trò chính trong việc tạo ra giá trị ở phần này.

#3. Hậu cần đầu ra (Outbound Logistics)

Bao gồm tất cả những hoạt động liên quan đến việc phân phối sản phẩm và dịch vụ cuối cùng đến cho khách hàng. Những hoạt động có thể bao gồm như lưu kho sản phẩm, bảo quản sản phẩm, xử lý đơn hàng, hệ thống phân phối và vận chuyển.

#4. Tiếp thị và bán hàng (Marketing and Sales)

Tất cả những quy trình và hoạt động nào liên quan đến việc đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường, kể cả việc quản lý và xây dựng các mối quan hệ với khách hàng. Các hoạt động có thể bao gồm hoặc liên quan như quảng cáo, khuyến mãi, tổ chức bán hàng, quản lý các kênh phân phối, định giá và quản lý sản phẩm cuối cùng.

#5. Dịch vụ (Service)

Đây là những hoạt động cần thiết để giữ và duy trì giá trị của sản phẩm hay dịch dịch vụ ở mức tốt nhất với khách hàng dựa trên chính nền tảng của công việc Thu mua. Ở nhóm hoạt động này, Mô hình chuỗi dịch vụ lợi nhuận (Service Profit Chain Model) có thể được sử dụng như một mô hình thay thế. Các hoạt động có thể bao gồm như đào tạo khách hàng, cài đặt và hướng dẫn sử dụng sản phẩm, bảo trì, bảo hành và sửa chữa.

Mô hình chuỗi dịch vụ lợi nhuận (Service Profit Chain Model)

Mô hình chuỗi dịch vụ lợi nhuận (Service Profit Chain Model)

Các hoạt động hỗ trợ

#1. Mua hàng (Procurement)

Đây là hoạt động với mục tiêu kiếm về được đầy đủ các nguyên vật liệu cho việc sản xuất ra sản phẩm hoặc dịch vụ. Công đoạn này sẽ liên quan đến nguồn cung, giá thành và chất lượng của nguyên liệu vật liệu được mua.

#2. Phát triển công nghệ (Technology Development)

Bao gồm các hoạt động liên quan đến quản lý và xử lý thông tin, cũng như việc xây dựng và đảm bảo hạ tầng cơ sở kiến thức cho doanh nghiệp. Những hoạt động này tạo ra giá trị khi giúp tối ưu và giảm thiểu chi phí cho công nghệ thông tin mà vẫn giữ được sự cập nhật về kỹ thuật và công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp. Không chỉ sử dụng cho quá trình sản xuất ra thành phẩm mà công nghệ còn có thể được áp dụng cho nhiều hoạt động và quy trình khác nhau như nghiên cứu và phát triển, tìm kiếm lead và thu thập thông tin khách hàng tiềm năng, bao bì và đóng gói sản phẩm, tiếp thị và cung cấp dịch vụ đến khách hàng, v.v.

#3. Quản lý nguồn nhân lực (Human Resource Management)

Không thể nào phủ nhận yếu tố con người luôn có vai trò quyết định trong hầu hết các tổ chức hay doanh nghiệp. Đây là những hoạt động liên quan đến nhân sự như tuyển dụng,đào tạo, tạo động lực, khen thưởng, khích lệ và giữ nhân viên. Nếu doanh nghiệp nào tạo được lợi thế vượt trội về mặt nhân sự, doanh nghiệp đó nhiều khả năng sẽ gặt hái được nhiều thành công và tạo được nhiều giá trị cho khách hàng.

#4. Cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp (Firm Infrastructure)

Những hệ thống hỗ trợ giúp cho doanh nghiệp duy trì hoạt động thường nhật như bộ phận kế toán, bộ phận pháp lý, bộ phận quản trị hay quản lý và điều hành tổng thể là những ví dụ nằm trong nhóm hoạt động Cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp. Đây cũng là những hoạt động mà doanh nghiệp có thể tận dụng để tạo nên lợi thế cạnh tranh hay trong việc tạo ra thêm giá trị.

Ứng dụng của Chuỗi Giá Trị của Michael Porter

Có thể nói nguyên lý chính của Chuỗi giá trị của Michael Porter chính là các tổ chức và doanh nghiệp tồn tại để tạo ra thật nhiều giá trị cho khách hàng. Dựa trên các phân tích, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xác định được phần nào của quy trình kinh doanh bị khiếm khuyết cần được loại bỏ và phần nào cần được cải thiện tốt hơn để mang lại thật nhiều giá trị cho khách hàng.

Theo vị giáo sư người Mỹ, việc tạo ra nhiều các giá trị sẽ thêm vào giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh nhờ vào khả năng nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, việc phân tích chuỗi giá trị và áp dụng những cải tiến nhằm cắt giảm các chi phí, tối ưu hóa công suất và năng lực cũng có thể mang lại các giá trị gia tăng khác nhau cho doanh nghiệp, kể cả việc giúp tăng biên độ lợi nhuận.

Ứng dụng trong Sản xuất

Hiện nay các doanh nghiệp sử dụng Mô hình phân tích chuỗi giá trị Porter trong sản xuất và kinh doanh với mục đích giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị của sản phẩm đầu ra tới tay người tiêu dùng. Điều này mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội và lợi thế cạnh tranh trên thị trường rõ rệt hơn so với đối thủ khi sản phẩm tạo ra giá trị lớn hơn so với chi phí sản xuất.

Chất lượng và số lượng sản phẩm được tăng cao đồng nghĩa thu nhập của người nông dân cũng tăng theo

Chất lượng và số lượng sản phẩm được tăng cao đồng nghĩa thu nhập của người nông dân cũng tăng theo.

Lấy ví dụ về sản xuất nông nghiệp, với chuỗi giá trị là mối liên kết giữa người nông dân sản xuất ra nguyên liệu lá trà thô cung cấp cho tập đoàn Unilever. Khi người nông dân trồng trà được liên kết trực tiếp để cung cấp sản phẩm của mình cho các công ty thu mua cùng với sự cam kết về mức giá và độ ổn định của nguồn hàng. Về phía các nông dân, họ được đảm bảo đầu ra nên chỉ cần tập trung vào đảm bảo chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất như cam kết. Chất lượng và số lượng sản phẩm được tăng cao đồng nghĩa thu nhập của người nông dân cũng tăng theo.

Còn ở phía công ty sản xuất trà, tập đoàn Unilever với hơn 53.000 nhà cung cấp tại hơn 150 quốc gia trên toàn thế giới thì mối liên kết này mang lại cho họ sự đảm bảo và ổn định về nguồn nguyên vật liệu. Điều này giúp cho họ tiết kiệm được chi phí trong việc tìm kiếm nhà cung cấp cũng như những rủi ro tổn hao khi thiếu hụt nguyên vật liệu khiến nhà máy không hoạt động hết công suất.

Ứng dụng trong Marketing

Khi ứng dụng vào trong tiếp thị và bán hàng, chuỗi giá trị lúc này sẽ bao gồm việc cung cấp các dịch vụ và phương tiện để thúc đẩy khách hàng mua sản phẩm. Những hoạt động lúc này tương ứng với các hoạt động tiếp thị truyền thống bao gồm quảng cáo, chương trình khuyến mãi, các kênh bán và phân phối sản phẩm, v.v. Mục tiêu của chuỗi giá trị lúc này là đưa sản phẩm đến được tay của nhóm khách hàng mục tiêu theo cách tiện lợi và nhanh chóng nhất.

Một trong những điển hình về việc ứng dụng mô hình chuỗi giá trị của Michael Porter phải kể đến chính là sự thành công của “đế chế thời trang” ZARA trong khâu Tiếp thị và bán hàng. ZARA được cho là thương hiệu ít quan tâm đến mở rộng tiếp thị hay chạy các chương trình khuyến mãi. Thay vào đó, họ sử dụng các chiến lược thương mại thông minh một cách đầy hiệu quả.

ZARA có chính sách giữ cho các sản phẩm may mặc được trưng bày và bán chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này giúp khơi dậy sự tò mò với hứng thú của khách hàng và thường xuyên quay lại cửa hàng để tìm kiếm các sản phẩm mới hoặc các sản phẩm giảm giá. Với “chiêu” này, khách hàng bị thúc ép phải đưa ra quyết định mua sản phẩm thật nhanh hoặc là sản phẩm sẽ sớm bị bán hết.

Chiến lược thông minh ở đây đó là công ty ZARA còn duy trì công việc kinh doanh với 3 dòng sản phẩm hoàn toàn riêng biệt. Đó là các sản phẩm dành cho nam giới, nữ giới và trẻ nhỏ. Điều này đảm bảo rằng mỗi dòng sản phẩm có thể thực hiện các thay đổi theo trend của thị trường một cách nhanh chóng mà không bị vướng bận bởi các dòng sản phẩm còn lại. Quy trình thu mua, bán hàng, thiết kế và tiếp thị cũng được thực hiện theo cách khác nhau ở mỗi dòng sản phẩm.

Ứng dụng trong Điều hành và tổ chức

Một điển hình khác về ứng dụng chuỗi giá trị trong điều hành và sản xuất có thể kể đến trường hợp của Starbucks. Công ty này thuê các quản lý kinh doanh để làm việc tại văn phòng chính. Họ cũng có cả những quản lý cửa tiệm thường trực sẵn sàng để hỗ trợ trong việc giám sát các cửa tiệm và đảm bảo rằng dịch vụ khách hàng tại đây luôn ở mức tốt nhất với những nhân viên chuyên nghiệp mang tạp dề xanh.

Đội ngũ nhân viên với tận tụy được cho là chìa khóa dẫn đến sự thành công và phát triển của công ty

Đội ngũ nhân viên với tận tụy được cho là chìa khóa dẫn đến sự thành công và phát triển của công ty Starbucks

Việc điều hành ở Starbucks chủ yếu là điều hành về nhân sự. Đội ngũ nhân viên với tận tụy được cho là chìa khóa dẫn đến sự thành công và phát triển của công ty này trong những năm qua. Các nhân viên của công ty luôn được khích lệ bằng các lợi ích thiết thực. Nhiều chương trình đào tạo dành cho nhân viên về văn hóa làm việc giúp giữ cho họ luôn ở trạng thái được khích lệ và vì vậy làm việc hiệu quả hơn. Tỉ lệ nhân viên bỏ việc hoặc nhảy sang làm cho các thương hiệu đối thủ tại Starbucks là cực kỳ thấp. Điều này càng cho thấy công tác điều hành và quản lý nguồn nhân lực tại công ty là ở múc tuyệt vời.

Tạm kết

Việc xác định chuỗi giá trị trong bất kỳ một doanh nghiệp hay tổ chức nào cũng là điều tất yếu để hướng đến việc giảm thiểu chi phí và tăng cường biên độ lợi nhuận. Bằng các ứng dụng Chuỗi giá trị của Michael Porter một cách khéo léo, phù hợp và linh động sẽ giúp cho doanh nghiệp đi trước và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường. Hy vọng những thông tin cơ bản nhất về mô hình chuỗi giá trị của Michael Porter của chúng tôi mang lại cho các bạn những thông tin hữu ích và giá trị.