Tìm hiểu về 05 loại vốn của doanh nghiệp

Tìm hiểu về 05 loại vốn của doanh nghiệp

>>>So sánh các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam cụ thể nhất

>>>Toàn bộ văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2014 mới nhất

Bất kể doanh nghiệp ở hình thức nào thì một trong những điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó là phải có lượng vốn nhất đinh. Nguồn vốn chính là nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp Vốn của các doanh nghiệp có thể thuộc sở hữu nhà nước, cá nhân hoặc tập thể. Sở hữu cá nhân nếu số vốn đó nằm trong doanh nghiệp tư nhân. Sở hữu tập thể nếu số vốn đó nằm trong công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần. Vốn trong các doanh nghiệp nhà nước hình thành từ nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp thuộc sở hữu nhà nước.

Hiện nay, khi doanh nghiệp thành lập và đi vào hoạt động sẽ hình thành một số loại vốn sau:

>>>Vốn điều lệ

Luật doanh nghiệp 2014 đã đưa ra định nghĩa vốn điều lệ tại khoản 29 Điều 4 như sau: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.”

Theo đó, vốn điều lệ là số vốn do các nhà đầu tư làm vốn do các nhà đầu tư làm vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Số vốn này được ghi trong điều lệ công ty.

Đây là loại vốn bắt buộc phải có khi thành lập doanh nghiệp. Trong các loại vốn khi thành lập công ty, vốn điều lệ được doanh nghiệp tự do đăng kí; mà không bị ràng buộc với các quy định khác của pháp luật.

Về mức vốn điều lệ: Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu hoặc mức vốn điều lệ tối đa là bao nhiêu khi doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh bình thường. Tùy từng loại hình mà doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trên số vốn điều lệ. Do đó, nên đăng kí vốn sao cho phù hợp với khả năng của công ty. 

>>>Vốn pháp định

Là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp do pháp luật quy định đối với một số ngành nghề.

Đối với một số lĩnh vực kinh doanh, pháp luật có quy định mức tối thiểu đối vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, bắt buộc các nhà đầu tư nếu muốn kinh doanh các ngành nghề này thì phải bỏ ra muốn kinh doanh các ngành nghề này thì phải bỏ ra một số vốn đầu tư ban đầu tối thiểu phải bằng mức quy định của pháp luật về vốn đầu tư ban đầu đối với ngành nghề mà nhà đầu tư đăng ký kinh doanh (như 1 lời chứng minh mình có đủ khả năng tham gia vào hoạt động kinh doanh các mặt hàng có giá trị, có tính chất đặc biệt, và có thể chịu trách nhiệm với hoạt động của mình để khách hang an tâm). Ví dụ như:

+ Kinh doanh bất động sản cần vốn pháp định tối thiểu 20 tỷ đồng;

+ Kinh doanh dịch vụ hàng không vốn pháp định tối thiểu 30 tỷ đồng;

+ Kinh doanh bảo hiểm sức khỏe có vốn pháp định tối thiểu 300 tỷ đồng;

Theo đó, vốn pháp định có đặc điểm là loại vốn cố định, được doanh nghiệp tạo lập ngay khi đăng kí ngành nghề kinh doanh và được pháp luật quy định cụ thể về mức vốn tối thiểu.

Lưu ý: Cần phân định được vốn pháp định là một phần của vốn điều lệ 

Vốn pháp định có thể có hoặc không, nếu có thì bắt buộc các nhà đầu tư sáng lập doanh nghiệp phải góp một số vốn để cùng đầu tư sản xuất kinh doanh không nhỏ hơn số vốn pháp định này. Trong khi đó, vốn điều lệ là một phần của số vốn sản xuất kinh doanh, số vốn này do các nhà đầu tư tự nguyện cùng góp vào để làm vốn sản xuất kinh doanh. 

Pháp luật Việt Nam quy định thời hạn góp đủ vốn đối với doanh nghiệp mới thành lập là 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (khoản 2 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014). Trường hợp hết thời hạn trên mà công ty chưa góp đủ số vốn đã đăng ký thì phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.

>>>Vốn ký quỹ

Ký quỹ là một trong những biện pháp bảo đảm mà có thể thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên hoặc phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhiều trường hợp pháp luật bắt buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện biện pháp ký quỹ tại ngân hàng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình. Cụ thể, đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải ký quỹ tại ngân hàng.

Như vậy, có thể hiểu vốn ký quỹ là số vốn trong vốn bắt buộc tuy nhiên doanh nghiệp phải có một khoản tiền ký quỹ thực tế trong ngân hàng, nhằm đảm bảo sự hoạt động của doanh nghiệp. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp nhằm đảm bảo giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh. 

Một vài ví dụ doanh nghiệp phải có vốn ký quỹ như:

– Kinh doanh dịch vụ lữ hành: Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng. Còn, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng;

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.

(Nghị định 168/2017/NĐ-CP)

– Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Vốn pháp định là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng).  Đối với số vốn được góp bằng tiền, phải có xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Số tiền ký quỹ phải bằng số vốn góp bằng tiền của các thành viên sáng lập và chỉ được giải toả sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ. (Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ)

– Kinh doanh dịch vụ sản xuất phim: Vốn pháp định là 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng). Đối với số vốn được góp bằng tiền phải có xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Số tiền ký quỹ phải bằng số vốn góp bằng tiền của các thành viên sáng lập và chỉ được giải tỏa sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. (Nghị định 54/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 142/2018/NĐ-CP).

– Kinh doanh  dịch vụ chứng thực chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong giao dịch điện tử: Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam hoặc có giấy bảo lãnh của một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam không dưới 5 (năm) tỷ đồng, hoặc cam kết mua bảo hiểm để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ và thanh toán chi phí tiếp nhận và duy trì cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy phép. (Nghị định 130/20018/NĐ-CP)

>>>Vốn cố định

Vốn cố định của doanh nghiệp là một bộ phận đầu tư ứng trước về tài sản cố định và tài sản đầu tư cơ bản, mà đặc điểm luân chuyển từng phần trong nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh và hoàn thành một vòng tuần hoàn khi tài sản cố định hết thời gian sử dụng. Theo đó, các loại tài sản này là những tài sản có giá trị lớn, thời gian sử dụng kéo dài qua rất nhiều chu kì kinh doanh của doanh nghiệp, ví dụ như: máy móc, thiết bị, công xưởng, công nghệ,…

Giá trị của doanh nghiệp phần lớn được tích lũy dưới hình thức vốn cố định khi mà quy mô của vốn cố định quyết định quy mô của tài sản cố định nhưng các đặc điểm của tài sản cố định lại ảnh hưởng đến sự vận động và công tác quản lý cố định. Vậy nên, doanh nghiệp muốn quản lý vốn cố định một cách hiệu quả thì phải quản lý sử dụng tài sản cố định một cách hữu hiệu.

>>> Vốn lưu động

Vốn lưu động là số tiền ứng trước về tài sản lưu động và tài sản lưu thông nhằm đảm bảo cho quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên liên tục.. Tài sản lưu động là những tài sản ngắn hạn, thường xuyên luân chuyển trong quá trình kinh doanh. Tài sản lưu động tồn tại dưới dạng dự trữ sản xuất (nguyên vật liệu, bán thành phẩm, công cụ, dụng cụ…), sản phẩm đang trong quá trình sản xuất (sản phẩm dở dang), thành phẩm, chi phí tiêu thụ, tiền mặt… trong giai đoạn lưu thông. Quá trình vận động của vốn lưu động là một chu kỳ khép kín từ hình thái này sang hình thái khác rồi trở về hình thái ban đầu với giá trị lớn hơn giá trị ban đầu. Chu kỳ vận động của vốn lưu động là cơ sở đánh giá khả năng thanh toán và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Điều khác biệt lớn nhất giữa vốn lưu động và vốn cố định là: vốn cố định chuyển dần giá trị của nó vào sản phẩm thông qua mức khấu hao, còn vốn lưu động chuyển toàn bộ giá trị của nó vào giá trị sản phẩm theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh.