Tìm hiểu sự ảnh hưởng của lạm phát tới thu nhập gia đình
Có bao giờ bạn tự hỏi: Lạm phát sẽ tác động trực tiếp tới thu nhập của bạn và gia đình như thế nào không?
Lạm phát là gì?
Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.
Lạm phát có 3 mức độ
- Lạm phát tự nhiên là lạm phát một con số. Lạm phát tự nhiên làm cho giá cả biến động tương đối. Trong thời kỳ này nền kinh tế bình thường, đời sống của người lao động ổn định. Sự ổn định đó được biểu hiện: giá cả tăng lên chậm, lãi suất tiền gửi không cao, không xảy ra tình trạng mua bán hàng hoá với số lượng lớn
- Lạm phát phi mã là lạm phát xảy ra khi giá cả tăng tương đối nhanh với tỷ lệ 2 hoặc 3 con số một năm. Ở mức phi mã, giá cả chung tăng lên nhanh chóng, gây biến động lớn về kinh tế, các hợp đồng được chỉ số hoá. Lúc này người dân tích trữ hàng hoá, vàng bạc, bất động sản và không bao giờ cho vay tiền ở mức lãi suất bình thường.
- Siêu lạm phát là tình trạng lạm phát cao, có tác động phá hoại nền kinh tế nghiêm trọng. Thông thường, tốc độ tăng giá chung ở mức 3 chữ số hàng năm thì gọi là siêu lạm phát. Khi , tiền mất giá nghiêm trọng, và lượng cầu về tiền tệ giảm đi đáng kể, lâu dài sẽ gây những ảnh hưởng cực kỳ xấu đối với nền kinh tế.
Trong thực tế, các quốc gia chỉ kỳ vọng lạm phát chỉ xảy ra khoảng 5% trở xuống. Bạn thử nghĩ đi, một năm tăng trưởng kinh tế kỳ vọng khoảng 12% thì tiền mất giá tầm 5% là vừa đủ đẹp. Tính ra quốc gia đó có 6% tăng trưởng thực sự.
Chỉ số đo lường lạm phát?
Các nhà kinh tế thường dùng hai chỉ tiêu để đánh giá lạm phát của nền kinh tế: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) biểu thị sự biến động về mặt bằng giá chung của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra trong lãnh thổ kinh tế của quốc gia.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá theo thời gian của các mặt hàng trong “rổ” hàng hóa và dịch vụ đại diện.
GDP được tính trên giỏ hàng hoá thay đổi, do vậy nó phản ánh được sự thay thế giữa các hàng hoá, dịch vụ với nhau. Mặc dù vậy, nó không phản ánh được sự giảm sút phúc lợi của người tiêu dùng trong trường hợp phải tiêu dùng ít hơn một loại hàng nào đó. Ví dụ: do sau dịch cúm gà, giá gà trở nên quá đắt so với giá thịt lợn nên người tiêu dùng sẽ mua ít thịt gà hơn và mua nhiều thịt lợn hơn. Phúc lợi của người tiêu dùng đã giảm xuống do họ phải tiêu dùng thịt gà ít hơn nhưng GDP không phản ánh được điều này cho dù nó phản ánh được sự thay thế giữa thịt gà và thịt lợn.
CPI chỉ phản ánh mức giá của hàng tiêu dùng còn GDP phản ánh giá của cả hàng hoá do doanh nghiệp, chính phủ mua. Vì thế GDP được coi là phản ánh đúng hơn mức giá chung.
Tuy nhiên, trên thực tế, số liệu thống kê cho thấy sự khác biệt giữa CPI và GDP không lớn.
Ảnh hưởng của lạm phát tới thu nhập và tích luỹ gia đình
Giữa thu nhập thực tế và thu nhập danh nghĩa của người lao động có quan hệ với nhau qua tỷ lệ lạm phát.
Thu nhập thực tế = thu nhập danh nghĩa * (1 – tỷ lệ lạm phát)
Khi lạm phát tăng lên mà thu nhập danh nghĩa không thay đổi thì làm cho thu nhập thực tế của người lao động giảm xuống.
Có thể thấy lạm phát là một hiện tượng phổ biến của các nền kinh tế, tác động đến mọi nhóm dân cư nhưng tỷ lệ lạm phát cao ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đối tượng người lao động có thu nhập thấp, chủ yếu sống bằng tiền lương như: công nhân, người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội… Đó là vì, thu nhập của những người này phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tiền lương (thu nhập danh nghĩa cố định) mà họ nhận được, nên một khi lạm phát cao, sức mua của tiền tệ bị giảm mạnh thì lập tức thu nhập thực tế của họ bị giảm sút.
Khi lạm phát xảy ra, nếu như thu nhập danh nghĩa không thay đổi, phần chi tiêu cho các chi phí hàng ngày tăng thêm do ảnh hưởng của lạm phát thì tích luỹ của gia đình cũng giảm xuống.
Đối với các cách tích luỹ thì không nên tích luỹ bằng cách giữ tiền trong nhà, do tiền không thể tự sinh ra tiền được, tiền để trong nhà càng lâu thì giá trị càng giảm.
Tuỳ vào mức độ lạm phát khác nhau và mục đích tích luỹ khác nhau, bạn có thể chia nhỏ các khoản tiền bạn tích luỹ được để gửi tiết kiệm ở Ngân hàng với các kỳ hạn khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn: Tối đa tiền lãi tiết kiệm: Những khoản tiền nhàn rỗi lâu dài nên gửi với kỳ hạn dài để hưởng mức lãi suất cao hơn. Còn đối với những khoản tiền chuẩn bị cần dùng đến, bạn nên sử dụng kỳ hạn gửi ngắn từ 1 tháng trở xuống; linh hoạt rút tiền gửi mà không cần tất toán tiền trước hạn: Khi chia nhỏ sổ tiết kiệm, bạn chỉ cần rút 1 trong số những sổ tiết kiệm đang có. Như vậy, với những số tiết kiệm còn lại bạn vẫn được hưởng đầy đủ lãi suất.
Ngoài phương thức gửi tiết kiệm, bạn có thể tích luỹ bằng cách mua vàng, ngoại tệ, đầu tư bất động sản… Nhưng cách này có thể giúp bạn gia tăng được khoản tích luỹ nhanh hơn (lãi suất sinh lời thường cao hơn so với tỷ lệ lạm phát) khi gửi tiết kiệm ngân hàng, tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn các rủi ro. Do vậy bạn cần cân nhắc kỹ khi quyết định tích luỹ như thế nào để giảm thiểu sự ảnh hưởng của lạm phát và mức độ rủi ro là thấp nhất nhé.