Tìm hiểu phong tục ngày Tết miền Bắc cực thú vị

Phong tục ngày Tết Nguyên đán ở miền Bắc – Trung – Nam có khá nhiều điểm khác nhau thú vị. Bạn đã hiểu rõ về phong tục ngày Tết miền Bắc chưa? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Việt Nam vẫn luôn tự hào là quốc gia có truyền thống văn hóa đa dạng cùng các phong tục địa phương độc đáo. Trong đó, Tết cổ truyền âm lịch là một trong những nét thú vị, thu hút khách du lịch. Phong tục ngày Tết miền Bắc có nhiều điểm khác biệt so với miền Trung và miền Nam. 

 Phong tục ngày Tết miền Bắc ra sao?

Tết miền Bắc có những gì?

Người dân miền Bắc rất coi trọng các phong tục truyền thống, từ đời này truyền đời sau. Do đó, dịp Tết cổ truyền, miền Bắc thường “ăn” Tết khá to và đủ đầy. Từ ngày lễ Ông Công Ông Táo tới lễ tất niên… tất cả đều được chuẩn bị rất chỉn chu. Đây cũng là dịp để gia đình quây quần bên nhau, trò chuyện vui vẻ sau một năm nhiều bộn bề sắp qua đi. Vậy Tết miền Bắc có những gì?

Thời tiết ngày Tết

Vào dịp Tết Nguyên đán, thời tiết ở miền Bắc thường vẫn lạnh, đặc biệt vào sáng sớm và đêm muộn. Thậm chí, nhiều năm còn có thể có mưa phùn. Do đó, vào ngày Tết, người dân vẫn thường mặc trang phục ấm áp như áo len, áo khoác dạ, quần tất… và đặc biệt chuộng trang phục màu đỏ. 

Áo dài Tết được ưa chuộng. Ảnh: Hải Triều

Thời tiết có phần khắc nghiệt hơn khi lên các tỉnh vùng núi phía Bắc. Nếu dự định ghé miền Bắc trong chuyến du lịch Việt Nam vào dịp Tết Âm lịch, bạn nhớ chú ý mang quần áo ấm. 

Bánh chưng

Tết miền Bắc có những gì? Chắc chắn không thể thiếu bánh chưng. Chẳng biết từ bao giờ, bánh chưng đã trở thành biểu tượng trong mâm cỗ ngày Tết của các gia đình người dân miền Bắc. 

Thấy bánh chưng là thấy Tết. Ảnh: Bazan Travel

Khác với bánh tét của miền Nam, bánh chưng có hình dáng vuông vức, dày dặn, tượng trưng cho đất, là lời cảm tạ của con người tới trời đất và cầu mong một năm mới bình an, mùa màng bội thu. Bánh chưng đã trở thành nét đẹp trong phong tục ngày Tết miền Bắc hàng trăm năm qua. 

Bánh chưng được làm từ các nguyên liệu hết sức gần gũi, thân quen với đời sống người nông dân, nào là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, hành, lá dong, hạt tiêu, lạt giang, ở nhiều nơi có thể thêm quả gấc. 

Gia đình cùng quây quần gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Quang Hải

Tết miền Bắc có những gì? Để gói được chiếc bánh chưng ngon không phải điều quá khó khăn nhưng lại tốn công sức và thời gian. Những chiếc lá dong được chọn lọc rất kỹ càng, phải là lá tươi, sau đó đem rửa sạch sẽ rồi mới được đem gói ghém với các nguyên liệu khác. Đỗ xanh phải bỏ vỏ cùng với gạo nếp được ngâm nhiều tiếng hoặc để qua đêm thì lúc gói mới mềm và ngon. 

Bánh chưng – món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Ảnh: ramseysattheclub

Những chiếc bánh chưng gói xong sẽ được buộc lạt tre mỏng trước khi luộc. Bánh chưng luộc ngon và đảm bảo độ chín nhất là từ 10 – 12 tiếng đồng hồ. Hình ảnh những gia đình ngồi sum vầy bên nồi bánh chưng đang sôi, lửa cháy phập phùng, tiếng cười nói rộn ràng dường như đã trở thành hình ảnh không thể thiếu trong dịp Tết miền Bắc. 

Ở miền Bắc, có nhiều làng nổi tiếng về gói bánh chưng như làng Bờ Đậu (Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), làng Dòng (Huyện Lâm Thảo, tỉnh Phú Thọ) hay làng Tranh Khúc (Huyện Thanh Trì, Hà Nội)… 

Hoa đào

Một phong tục ngày Tết miền Bắc nữa chính là sắm những cây hoa đào đỏ thắm, trang trí nhà cửa, ban thờ. Mỗi dịp Tết đến, xuân về là nhà nhà, người người đều tất tả ra chợ hoa để lựa chọn cho mình những cành đào đẹp nhất, bởi thấy đào là thấy Tết. 

Hoa đào – nét đẹp trong ngày Tết miền Bắc. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Tết miền Bắc có những gì? Cây đào ngày Tết gắn với truyền thuyết xa xưa, ở một vùng quê hẻo lánh có cây đào cổ thụ lâu đười mọc trên núi cao. Một ngày nọ, tai ương xui xẻo bất ngờ ập đến ngôi làng vào đúng dịp Tết Âm lịch. Khi đó, trên cây đào cổ xuất hiện hai vị thần bảo vệ ngôi làng, vượt qua khó khăn. Từ đó, cứ dịp Tết, dân làng lại chưng hoa đào với mong muốn được che chở, bảo vệ và bình an trong năm mới. 

Các vườn đào dịp Tết đông người đến chụp ảnh. Ảnh: Dân trí

Nếu hoa mai của miền Nam có sắc vàng rực rỡ thì hoa đào ở miền Bắc lại mang màu hồng lãng mạn và đằm thắm hơn. Hoa đào miền Bắc có rất nhiều giống và màu sắc từ hồng phai tới hồng thắm, chịu lạnh tốt, thường nở vào đúng dịp Tết. Nhiều gia đình sẽ sắm những cây đào to để trang trí sân, trong phòng khách hoặc những cành đào nhỏ để trên ban thờ… Người ta quan niệm, hoa đào nở càng to, càng nhiều, càng đẹp bởi chúng tượng trưng cho sự sinh sổi, nảy nở, tài lộc trong năm mới. 

Đào được người dân trang trí trong nhà để mong tài lộc. Ảnh: daidoanket

Vào dịp giáp Tết, khách du lịch Hà Nội hay bất kỳ các địa phương miền Bắc nào đều sẽ thấy hoa đào được bày bán rất nhiều. Ở vùng Tây Bắc, hoa đào còn nở rực trời, thu hút rất nhiều khách thăm quan, trở thành điểm nhấn thơ mộng giữa núi rừng hùng vĩ. 

Mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả trong phong tục ngày Tết miền Bắc cũng mang nét đặc trưng riêng, khác các loại quả của miền Trung và miền Nam. Nhưng dù là loại quả gì, mâm ngũ quả cũng để thể hiện lòng báo hiếu với ông bà, tổ tiên, và mong muốn một năm mới may mắn, thịnh vượng đến với gia đình. 

Mâm ngũ quả miền Bắc rất được chú trọng. Ảnh: Báo giao thông

Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường tượng trưng cho thuyết ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Các loại quả đều có màu sắc nổi bật, rực rỡ nhưng khi xếp với nhau lại tạo nên một tổng thể rất chỉn chu và hòa hợp. Năm loại quả thường có trên mâm ngũ quả là chuối, bưởi, phật thủ, quýt, táo, thanh long… 

Mâm ngũ quả ngày Tết hiện nay được biến tấu với nhiều loại quả hơn. Ảnh: luxury

Trong đó, loại quả bắt buộc phải có là chuối. Nải chuối được lựa chọn rất kỹ, cong nhẹ ôm lấy những loại trái cây khác, thể hiện sự nảy nở, sinh sôi. Cùng với thời gian, mâm ngũ quả ngày nay trong các gia đình có thể có thêm nhiều biến tấu như nho, lê nhập khẩu, mãng cầu… mong một năm sung túc, may mắn. 

Các món ăn năm mới

Món ăn ngày Tết miền Bắc cũng rất đa dạng, phong phú. Một số món thường có trong mâm cơm Tết ở miền Bắc như: 

Dưa hành: Mỗi dịp Tết đến, bà con miền Bắc có câu nói cửa miệng: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Quả thật là vậy, dưa hành đã trở thành món ăn quen thuộc trong dịp đầu năm của nhiều gia đình. Dưa hành được muối chua, ăn giòn và giúp mâm cỗ thêm phong phú, có dau, có dưa hơn. 

Thịt gà luộc: Một món ăn ngày Tết miền Bắc mà nhà nào cũng có là thịt gà luộc. Người ta thường chọn gà rất kỹ, lựa chọn những con gà ngon nhất, béo nhất bởi gà luộc là món quan trọng trong mầm cỗ cúng và cũng tượng trưng cho một cuộc sống ấm no, thịnh vương. 

Gà luộc là món không thể thiếu trên mâm cỗ Tết. Ảnh: Eva

Xôi gấc: Trong phong tục ngày Tết miền Bắc, người ta vẫn quan niệm rằng màu đỏ là biểu tượng của sự may mắn, phát tài. Do đó, trong bữa cơm tất niên hay mâm cỗ cúng đều không thiếu món xôi gấc với màu đỏ tự nhiên, ăn lại dẻo thơm, không bị ngấy. Là thức ăn quan trọng mỗi dịp Tết nên xôi gấc được các mẹ, các bà chuẩn bị rất công phu, từ việc lựa gấc để có màu đỏ đẹp tới việc đồ xôi, đơm xôi, trang trí lên ban thờ sao cho đẹp… 

Canh măng khô: Canh măng khô với móng giò và xương là món ăn giàu dinh dưỡng, lại đậm đà, là món ăn ngày Tết miền Bắc khá phổ biến ở nhiều nơi. Các nguyên liệu nấu canh măng ngày Tết cũng rất dễ tìm, đơn giản và quen thuộc trong cuộc sống thường nhật. Người ta có thể ăn cùng miến hoặc cơm đều rất thơm ngon, khó quên. 

Canh măng cho mâm Tết miền Bắc. Ảnh: 2DEP

Nem rán: Để làm nem rán, bạn cần chuẩn bị nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt xay, nấm hương, miến, cà rốt, rau thơm… tùy theo sở thích. Nem được rán vàng ruộm lớp bên ngoài và phải lật nem thật đều tay để không bị cháy xém. Nem rán ăn ngon nhất khi còn nóng, chấm cùng nước mắm pha loãng, vừa ngon vừa ấn tượng. 

Nem rán giòn ngày Tết. Ảnh: Thời đại

Giò thủ: Mỗi dịp xuân đến, giò thủ lại trở thành món ăn ngày Tết miền Bắc vừa ngon vừa dân dã trong mâm cơm gia đình. Giò thủ được làm từ nguyên liệu chính là tai heo, ăn giòn giòn, dai dai, rất bon miệng. Ngày Tết, cắn một miếng giò thủ, thêm dưa hành muối chua thì còn gì bằng. 

Đi chùa đầu năm

Người miền Bắc đi chùa đầu năm để mong muốn một năm may mắn, an bình. Ảnh: phuongduyenn

Người dân còn đi xin chữ ông đồ đầu năm để treo tại vị trí trang trọng nhất trong nhà. Trải qua hàng trăm năm, nét văn hóa này vẫn chưa bao giờ thay đổi trong phong tục của người Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung. 

Khắp các tỉnh thành miền Bắc đều có các ngôi chùa linh thiêng. Do đó, việc đi chùa dịp năm mới đã trở thành phong tục ngày Tết miền Bắc. Tại Thủ đô, khách du lịch Hà Nội có thể ghé thăm chùa Trấn Quốc. Với tuổi đời hơn 1500 năm, đây là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và lâu đời của Hà thành. Chùa tọa lạc ngay tại Hồ Tây, không gian rộng lớn cùng kiến trúc đẹp mắt, là điểm đến du xuân của nhiều gia đình dịp Tết. 

Chùa Trấn Quốc nổi tiếng với khách du lịch. Ảnh: vanessafeelsalive

Ngoài ra, chùa Hương ở huyện Mỹ Đức cũng là ngôi chùa nổi tiếng cho khách du lịch Hà Nội dịp Tết. Chùa Hương cách trung tâm thành phố khoảng 50km, từ tháng 1 tới tháng 4 là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc. Cảm giác lênh đênh trên những chiếc đò, thả hồn vào cảnh sông núi kỳ vĩ, thật khoan khoái và bình yên. 

Văn Miếu – Quốc Tử Giám – địa điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng cũng là nơi xin chữ đầu năm, mong một năm bình an, may mắn với người dân Hà thành hoặc khắp các nơi đổ về. 

Ở miền Bắc có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Ảnh: phuongduyenn

Chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)… đều là những ngôi chùa nổi tiếng không chỉ bởi linh thiêng mà còn bởi vị thế cùng kiến trúc độc đáo, cho bạn du xuân. 

Những điều kiêng kị trong dịp Tết Nguyên đán ở miền Bắc

Người miền Bắc có quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Do đó, trong các ngày Tết, họ thường kiêng kỵ một số điều sau: 

+ Kiêng quét nhà: Trong 3 ngày Tết đầu, họ thường kiêng quét nhà bởi quan niệm đó là quét hết tài lộc, vận may đi.

+ Kiêng làm vỡ bát đĩa hay làm cháy thức ăn: Người miền Bắc thường rất cẩn thận trong nấu ăn vào ngày Tết. Họ kiêng không rán cháy thức ăn hoặc làm vỡ bát đĩa bởi cho rằng đó là điềm xui xẻo.

Miền Bắc có nhiều điều kiêng kỵ ngày Tết. Ảnh: Check in Vietnam

+ Xông nhà: Họ thường chọn những người có tuổi hợp với gia chủ để xông nhà đầu năm và thường kiêng kỵ những người có tang, “nặng vía” xông nhà đầu tiên trong năm mới. 

+ Tránh nói những điều xui xẻo: Người miền Bắc kiêng nói những từ xui xẻo, liên quan tới chết chóc, đen đủi để tránh “dông cả năm”. 

Trên đây là phong tục ngày Tết miền Bắc, một trong những nét thú vị tạo nên bản sắc văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. 

 Theo Dulichvietnam

Sưu tầm Ngô Diệp 

Người miền Bắc thường có tục lệ đi chùa đầu năm để mong một năm bình yên, an khang thịnh vượng và những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình. Ngay sau giây phút đón giao thừa, trong thời khắc chuyển giao năm cũ với năm mới, nhiều gia đình sẽ tiến hành tới chùa thắp hương đầu năm mới. Đây không chỉ là lúc để bày tỏ ước nguyện mà còn giúp họ được bình yên, thanh thản, hòa quyện vào chốn tâm linh.