Tìm giải pháp ngăn trục lợi từ cổ phần hóa
TP – Việc trục lợi từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã từng bị xử lý. Một trong những nguyên nhân dẫn đến trục lợi là xác định giá trị sử dụng đất. Để giải quyết thực trạng này, một hội thảo đã được tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội…
Bộ trưởng “bóc mẽ” việc lợi dụng cổ phần hóa
Tại Hội thảo Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chậm trễ, nhiều vướng mắc. Theo đó, một trong những vướng mắc của CPH là xác định giá trị DN, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Điều này cũng là nguyên nhân của một số vụ án hình sự thời gian qua. Khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc hậu cổ phần hoá của 45 doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp tăng bình quân 2,8 lần. Việc chậm cổ phần hóa, thất thoát, lãng phí có nguyên nhân từ định giá đất. Nghị định 44 quy định về giá đất có 5 phương pháp xác định giá (đất), cho ra 5 kết quả khác nhau. Thậm chí phương pháp xác định giá trị thặng dư giá đất của doanh nghiệp cũng cho ra giá trị khác nhau. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ TN&MT để sửa lại nghị định này.
“Có tình trạng, do nộp tiền thuê đất 1 lần nên sau CPH, DN chuyển mục đích sử dụng đất sang nhà ở đô thị, công trình khác. Có DN chạy theo lợi nhuận (từ chênh lệch giá đất) đã vay vốn hoạt động không hiệu quả, đóng cửa và chuyển mục đích sử dụng đất khiến người lao động ra đường, máy móc bán tháo, nền sản xuất bị thu hẹp. Quy định về CPH cần có giải pháp xử lý tình trạng này”, ông Hồ Đức Phớc cho biết.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho rằng, còn tồn tại nhiều vấn đề về hậu cổ phần hóa. Một số DN sau CPH không tiếp tục duy trì việc làm cho lực lượng lao động đã được đào tạo hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động để khai thác lợi thế đất đai.
“Vẫn còn trường hợp nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần của DNNN chỉ nhằm vào những khu đất vàng của DN (hơn là để kinh doanh tốt hơn). Khi đã nắm được DN, nhà đầu tư tìm cách chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất kinh doanh kiếm lời, không tập trung vào đầu tư phát triển DN theo nội dung đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh chính”, ông Hùng nhận định.
Đề nghị tách giá trị đất khỏi giá trị doanh nghiệp
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu một số vướng mắc liên quan đến đất đai khi xác định giá trị doanh nghiệp trong quá trình CPH. Theo ông Nam, việc tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp gây khó cho doanh nghiệp, bởi giá thị trường thay đổi liên tục. Cùng với đó, sự thay đổi của chính sách CPH khiến DN sợ sai do chính sách không rõ ràng.
“Khi đánh giá giá trị doanh nghiệp để thoái vốn, DN sợ nhất “ông” đất”, đại diện EVN nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong quá trình CPH những đơn vị lớn có hàng nghìn mảnh đất cần sắp xếp xử lý. Có những mảnh không thể nào được phê duyệt. Do đó, cơ quan chức năng phải xem xét phương án sử dụng đất và quy định về đất đai trong CPH doanh nghiệp nhà nước.
“Quy định về đất đai phải đồng bộ chứ không riêng chỉ trong quá trình CPH. Nếu sửa Luật Đất đai thì phải đồng bộ, phải tách bạch, phải có quy định đừng để anh em sợ mà không dám làm”, ông Long kiến nghị.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, mục đích sử dụng đất tại doanh nghiệp nhà nước có trước khi CPH. Nếu doanh nghiệp không sử dụng đất (theo phương án đã phê duyệt-PV) cần trả lại cho địa phương, chứ không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các DN xử lý được câu chuyện đất đai vì chủ động chuyển sang thuê đất trả tiền hằng năm và khi CPH sẽ yêu cầu công ty cổ phần cam kết tiếp tục thuê đất trả tiền hằng năm, sử dụng đất cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ có chính sách hạn chế nhà đầu tư nào chỉ nhắm vào bất động sản. Đối với kiến nghị tách giá trị đất đai ra khỏi giá trị của doanh nghiệp khi CPH và xác định giá đúng quy định pháp luật, ông Tiến cho biết, đây là 2 vấn đề vướng mắc mà Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu hoàn thiện.
“Định hướng tách hay không tách quyền sử dụng đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp phải rà soát kỹ để tránh thất thoát trong CPH. Từ đó, đảm bảo quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng đất, tránh lãng phí. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ lắng nghe thêm ý kiến nhà đầu tư, công ty tư vấn nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN”, ông Tiến nói.
Đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) kiến nghị, cần sửa quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hướng sau khi được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án “giữ lại tiếp tục sử dụng” thì việc quản lý, sử dụng nhà, đất thực hiện theo pháp luật về đất đai, doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc sửa đổi Luật Đất đai theo hướng, doanh nghiệp chuyển sang CPH chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hằng năm và không được chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Năm 2021, cả nước thực hiện CPH 4 doanh nghiệp, với tổng giá trị 333 tỷ đồng và thoái vốn tại 18 DN, với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng. Năm 2021, Quốc hội đặt mục tiêu nguồn thu từ CPH 40.000 tỷ đồng nhưng kết quả chỉ thu được khoảng 3.000 tỷ đồng.