Tìm được mộ bố khi thăm Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9
Quảng TrịThăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, ông Phùng Văn Sỹ rà tên những người trong ngôi mộ tập thể, rồi vỡ òa khi nhìn thấy tên cha Phùng Văn Môn.
Đầu tháng 7, ông Sỹ (xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cùng đoàn cán bộ xã đến thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (TP Đông Hà). Sau khi thắp hương ở đài tưởng niệm trung tâm, cả đoàn tỏa đi khu mộ tỉnh Thái Bình để thắp hương cho người thân. Ông cũng cầm nén hương, miệng khấn “bố sống khôn chết thiêng, phù hộ cho con tìm được mộ bố”.
Ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, có 10.000 liệt sĩ đang yên nghỉ. Ông Sỹ không biết phải rẽ hướng nào nên cứ bước đi, rồi dừng chân trước một ngôi mộ tập thể. Lần đọc từng cái tên trong danh sách 112 liệt sĩ Sư đoàn 320, tim ông như thắt lại, đôi mắt ngấn nước khi đọc hàng chữ “liệt sĩ Phùng Văn Môn” với đầy đủ thông tin năm sinh, quê quán, cấp bậc, đơn vị, thời gian hy sinh.
Để chắc chắn, ông Sỹ lần giở tập hồ sơ cũ về người bố liệt sĩ mà ông luôn mang bên mình mỗi khi đến viếng các nghĩa trang liệt sĩ. “Thấy tất cả thông tin trùng khớp, tôi òa khóc không nói nên lời vì sau bao năm đằng đẵng chờ đợi, tìm kiếm, gia đình cũng tìm được bố tôi”, ông Sỹ kể lại.
Ông Phùng Văn Sỹ kể việc tìm được mộ bố ở Nghĩa trang Đường 9.
Bố ông – liệt sĩ Phùng Văn Môn – lên đường tòng quân khi người con trai duy nhất mới 2 tuổi. Ông về thăm nhà một lần, để lại chiếc mũ tai bèo làm kỷ vật, rồi vĩnh viễn không trở lại. Năm 1969, gia đình nhận được giấy báo tử của Sư đoàn 320 báo tin liệt sĩ Phùng Văn Môn hy sinh ngày 2/2/1968 tại mặt trận phía Nam. Giấy ghi “thi hài liệt sĩ Môn được an táng chu đáo”, nhưng không đề rõ nơi hy sinh và chôn cất.
Đến tuổi trưởng thành, ông Sỹ đi nhiều nơi, tìm gặp các cựu binh Sư đoàn 320 để hỏi thông tin nơi cha mình nằm lại. Ông cũng đến gia đình người ký giấy báo tử, nhưng manh mối thu nhận được không nhiều. Gia đình ông vào Bình Dương, Đà Nẵng, đi tìm ở vùng rừng núi, tìm kiếm thông tin trên Internet, thậm chí tin vào lời nhà ngoại cảm nhưng vẫn vô vọng. Đến lúc tưởng chừng mất hết hy vọng thì niềm vui lại đến với gia đình ông.
Ông Phùng Văn Sỹ kể về hành trình 20 năm tìm mộ bố. Ảnh: Hoàng Táo
Tìm thấy cha, ông Sỹ lập tức trở về quê, vay mượn người thân thêm chút tiền làm lộ phí rồi ngày 14/7 cùng mẹ và 16 người thân là chú bác, con cháu thuê ôtô vào Quảng Trị. Dưới cái nắng đổ lửa giữa tháng 7, mẹ ông, bà Phạm Thị Hoa, 81 tuổi, đặt bàn tay gầy guộc, nhăn nheo lên ngôi mộ tập thể của 112 liệt sĩ Sư đoàn 320. Áp người vào ngôi mộ, đôi mắt bà nhòe đi vì “đau xót do không thể đón ông về quê”.
“Nhưng tôi cũng an lòng vì ông được nằm chung với đồng đội, ở một nghĩa trang khang trang, và từ nay con cháu biết phần mộ để đến hương khói”, người vợ liệt sĩ nhắn nhủ với người chồng nằm dưới mộ, đã cách biệt 54 năm.
Gạt nước mắt, bà Hoa sắp xếp 112 bộ áo quần bộ đội bằng giấy để “hóa”, “gửi” xuống cho chồng cùng đồng đội của ông. Nghiêng mình trước ngôi mộ tập thể, bà xin phép được mang một ít chân hương về quê nhà, để rước vong linh của chồng về với tổ tiên.
Bà Phạm Thị Hoa, vợ liệt sĩ Phùng Văn Môn, bên ngôi mộ tập thể có thi hài chồng. Ảnh: Nguyễn Nga
Bà Hoa cho biết “đã yên lòng” sau hơn nửa thế kỷ khắc khoải, mong ngóng tìm được nơi yên nghỉ của chồng. “Tôi tuổi đã cao, không biết còn vào với ông được mấy lần. Việc hương khói sau này đành nhờ con cháu”, bà nói.
Còn ông Sỹ thì cho biết, khi về quê “sẽ viết thư gửi thân nhân của các liệt sĩ nằm chung ngôi mộ của bố để báo tin, vì biết đâu họ cũng chung hoàn cảnh, đang tìm người thân như tôi”.
Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 nằm bên cạnh đường quốc lộ 9, trên một vùng đồi thuộc phường 4, thị xã Ðông Hà; cách trung tâm thị xã gần 6 km về phía Tây. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 anh hùng, liệt sĩ với đầy đủ của ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bộ đội chủ lực phần lớn là các sư đoàn 308, 304, 312, 968, 324, 320…