Tìm công bằng cho lương bác sĩ

Khi bác sĩ giỏi kéo nhau ra làm bệnh viện tư để có thu nhập tốt hơn, bệnh nhân nghèo sẽ phải chấp nhận khám với các bác sĩ kém.

Dạo gần đây, trên VnExpress, tôi thấy xuất hiện những bài viết về chủ đề lương giáo viên cũng như cán bộ y tế. Thực tế cho thấy, lương của các nhóm ngành này thật sự rất thấp so với những công sức mà họ bỏ ra. Nếu phải đem so sánh giữa lương của giáo viên và y bác sĩ, thì tôi cho rằng các nhân viên y tế chịu thiệt thòi hơn.

Hiện nay, các trường đại học thuộc khối ngành Sư phạm đều miễn học phí cho các sinh viên. Người học Sư phạm hầu như không cần đóng học phí gì, chỉ có yêu cầu khi tốt nghiệp phải phục vụ trong nghề giáo ở các nơi theo phân công thôi. Còn bác sĩ vừa phải tốn tiền học phí cao, thời gian học lại lâu, cũng như khối lượng kiến thức rất lớn. Nhưng ra đi làm, đồng lương mà họ nhận lại thấp.

Tại sao lại có nghịch lý: học phí trường y tăng, trong khi lương bác sĩ lại thấp, nhưng năm nào điểm chuẩn vào các trường Y khoa cũng đều cao chót vót? Có phải tất cả sinh viên ngành Y đều mơ ước đến một tương lai, khi mình đi làm, có nhiều kinh nghiệm vững chuyên môn rồi, sẽ ra mở phòng khám tư để kiếm tiền bù lại? Nhưng thử hỏi, sau khi mở phòng khám tư, các bác sĩ đó có còn chuyên tâm cho công việc ở các bệnh viện công – nơi mà bảo hiểm y tế được áp dụng và chi phí khám chữa bệnh thấp, đồng nghĩa với mức lương trả cho y bác sĩ rất bèo bọt?

Như vậy, có phải tiêu cực trong ngành Y sẽ càng ngày càng tăng khi lương của các y bác sĩ không đủ sống? Rồi sau đó, người giỏi sẽ ra làm bệnh viện tư để có thu nhập tốt hơn. Đến khi chỉ còn các bác sĩ tay nghề kém trụ lại trong các bệnh viện công thì sự phân cấp trong xã hội sẽ ngày một lớn. Lúc này, người giàu sẽ chi nhiều tiền để được khám bác sĩ giỏi ở bệnh viện tư, còn người nghèo sẽ phải chấp nhận khám các bác sĩ kém ở bệnh viện công lập.

>> Kêu ca lương bác sĩ, giáo viên ‘không đủ sống’

Tương tự với ngành Giáo dục, khi mà mức lương không đủ trang trải cho cuộc sống, các giáo viên phải bắt buộc làm thêm ngoài giờ để mưu sinh. Lúc này, giáo viên cũng sẽ không toàn tâm toàn ý dành cho học sinh trên lớp, lúc nào cũng nghĩ đến dạy thêm, làm thêm để đủ tiền duy trì cuộc sống cá nhân. Những giáo viên môn chính sẽ làm đủ mọi cách để học sinh phải đi học thêm bên ngoài nếu muốn hiểu hết bài học, hay đạt điểm cao trong các bài kiểm tra. Áp lực khi đó lại dồn vào các bậc phụ huynh, khi phải gồng gánh thêm chi phí tiền học thêm của con mình. Và tiêu cực lại bắt đầu nảy sinh.

Nếu lương bác sĩ cũng như giáo viên được tăng lên để đảm bảo cuộc sống, họ sẽ trân trọng công việc hiện tại hơn. Mặt khác, những ai có biểu hiện tiêu cực, khi bị phát hiện, sẽ phải sa thải khỏi ngành. Điều này sẽ giúp cho xã hội phát triển công bằng hơn, bộ máy y tế, giáo dục trong sạch hơn.

Nhìn sang các nước phát triển trên thế giới, lương của bác sĩ và giáo viên luôn rất cao so với mặt bằng chung các ngành nghề của xã hội. Vì một bên là nghề “trồng người”, quyết định đến tương lai của cả một đất nước; một bên là nghề cứu người, nắm giữ sinh mạng của cả một thế hệ. Thế nên, tôi mong xã hội ta sẽ có cái nhìn đa chiều, công tâm với nghề y và nghề giáo. Đừng chỉ nhìn vào những tiêu cực trong thái độ của người làm nghề mà phớt lờ đi những thứ mà họ xứng đáng được nhận.

Lê Phong

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.