TikTok – Facebook phản ánh khác biệt trong văn hóa doanh nghiệp: Các công ty châu Á đề cao hiệu suất, phương Tây chú trọng phát triển bản thân

TikTok và Facebook là hai công ty hàng đầu thế giới, cũng chính là đại diện tiêu biểu cho văn hóa doanh nghiệp điển hình giữa khu vực châu Á và phương Tây.

Lucas Ou-Yang từng là một kỹ sư làm việc tại Facebook và Snap, hai trong số những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Sau này, ông đã rời khỏi Facebook và chuyển qua làm việc tại TikTok, ứng dụng thuộc sở hữu của kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance. Vừa qua, ông đã có những chia sẻ về sự khác biệt giữa văn hóa doanh nghiệp giữa các công ty công nghệ Mỹ và Trung Quốc, theo Business Insider.

 Có sự khác nhau rõ rệt giữa văn hóa doanh nghiệp tại Facebook và TikTok. (Ảnh: Economy Media).

Sự khác biệt trong các cuộc họp nội bộ

Tại ByteDance, phần lớn cuộc họp có quy mô lớn hơn với khoảng trên 50 người tham dự và có từ 2 – 3 người thuyết trình. Theo đánh giá, những cuộc họp theo kiểu truyền thống này tương đối thích hợp với kiểu quản lý từ trên xuống của các công ty Trung Quốc.

Ngược lại, các doanh nghiệp Mỹ chuộng mô hình họp nhóm nhỏ hoặc thảo luận 1:1, lý do là vì cơ cấu tổ chức tại các công ty này lớn hơn và ít tách biệt hơn. Ví dụ, một số bộ phận có thể có tới 200 thành viên, nhưng cũng chỉ báo cáo duy nhất cho một người quản lý.

Ngoài ra, các nhân viên cũng phải giao tiếp với nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới với các múi giờ khác nhau. Do đó, phong cách họp trực tuyến cũng trở nên phổ biến hơn.

Với các công ty Trung Quốc, đa số nhân viên không muốn bật video khi họp trực tuyến. Thay vào đó, họ thích để các hình avatar hoạt hình.

Chi phí nhân công

Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào nhân lực vì chi phí nhân công tại quốc gia này rẻ hơn so với Mỹ. Ngược lại, các doanh nghiệp công nghệ phương Tây nhấn mạnh vào vai trò thụ động cũng như cách tiếp cận theo dữ liệu.

Chẳng hạn, chính TikTok cũng từng thành lập một quỹ sáng tạo trị giá khoảng 200 triệu USD, cung cấp kinh phí cho các nhà sáng tạo nội dung tại Mỹ đưa sản phẩm lên nền tảng này. Dù không có quá nhiều điểm nổi bật khi mới ra mắt, nhưng sau khi nhận thấy sự thành công của chiến dịch này, cả Instagram lẫn YouTube đều đã làm theo.

Đây cũng là một trong số những lý do giúp các công ty công nghệ Trung Quốc có thể tiến nhanh và thâm nhập sâu vào các thị trường mới.

9:9:6

Xét về mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhìn chung TikTok vẫn còn tệ hơn so với Mỹ. Đặc biệt, các nhân viên Trung Quốc thường miêu tả sự khác biệt này bằng phương châm “9:9:6”, có nghĩa là làm việc từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày/tuần.

Dù thực tế các đồng nghiệp tại Mỹ không làm việc theo kiểu này, nhưng nhiều khi họ vẫn phải tham gia các buổi họp trực tuyến vào buổi tối với các đồng nghiệp tại châu Á do chênh lệch múi giờ.

Điều này khác với mô hình làm việc truyền thống của các công ty đa quốc gia, nơi những đồng nghiệp Mỹ “bàn giao” công việc còn lại cho các nhóm tại Trung Quốc, Đông Âu hoặc Ấn Độ vào lúc 5h chiều.

Lý thuyết và thực hành

Những công ty Trung Quốc có xu hướng ít tập trung vào quy trình và tài liệu. Các tài liệu như hướng dẫn sử dụng hay đánh giá sản phẩm thường không được những công Trung Quốc ưu tiên. Thay vào đó, họ nhắm tới việc tạo ra các sản phẩm cụ thể rõ ràng hơn.

Dù cách tiếp cận có phần thực dụng này đem đến hiệu quả cao hơn, nhưng việc thiếu kiến thức thông qua tìm hiểu tài liệu có thể gây ra những tác động về lâu dài cho doanh nghiệp.

Số lượng thành viên trong nhóm

Theo Lucas Ou-Yang, một trong những điều ông cảm thấy sốc nhất khi chuyển từ Facebook sang TikTok là cấu trúc tổ chức. Trong khi các doanh nghiệp Mỹ thường khuyến nghị một nhóm nên có tối đa khoảng 10 người thì các nhóm tại công ty Trung Quốc lên tới 200 người. Do đó, đôi khi xảy ra tình trạng người quản lý còn không rõ mặt nhân viên và ngược lại.

Cuộc cạnh tranh nhân tài tại thị trường tỷ dân rất khốc liệt, do đó ByteDance thường giữ bí mật về các bản đánh giá cá nhân.

Trong khi các công ty công nghệ Mỹ muốn các kỹ sư hoặc quản lý sản phẩm tập trung vào từng phần của sản phẩm tổng thể thì lao động tại các công ty Trung Quốc lại có xu hướng làm bất cứ việc gì mà lãnh đạo giao. Vì vậy, hiếm có ai trở thành chuyên gia ở một lĩnh vực cụ thể.

Văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp châu Á đặt nặng tính cấp bậc. Việc từ chối tham gia các cuộc họp cùng cấp trên ở Trung Quốc bị đánh giá nghiêm trọng hơn so với các doanh nghiệp Mỹ. Bên cạnh đó, những người đứng đầu thường chỉ tập trung vào đầu ra thay vì hỗ trợ nhân viên phát triển bản thân.

Với các doanh nghiệp Mỹ, thường là các doanh nghiệp đa quốc gia, cho nên việc trao đổi giữa các bộ phận ở từng khu vực có thể có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ,… Tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ phổ thông, nhưng vẫn có nhiều trường hợp không thể diễn tả đầy đủ ý nghĩa.

Theo ông Lucas Ou-Yang, nếu một người có ít hơn 5 năm kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó, việc gia nhập các công ty Trung Quốc có thể sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc gia nhập một doanh nghiệp phương Tây.