Tiết kiệm năng lượng theo khuyến cáo của giới chuyên gia năng lượng
Đôi nét về bảo toàn và tiết kiệm năng lượng:
Tạp chí năng lượng trực tuyến Mỹ Energysage (ESC) số cuối tháng 5-2022 cho biết: Về cơ bản, tiết kiệm năng lượng là thực hành sử dụng ít năng lượng hơn để giảm chi phí và giảm tác động đến môi trường. Điều này có nghĩa, sử dụng ít điện, khí đốt hoặc bất kỳ dạng năng lượng nào khác nhận được từ công ty tiện ích tới gia đình hay doanh nghiệp tiêu thụ. Với nguồn năng lượng hữu hạn sẵn có trên hành tinh, việc tiết kiệm năng lượng khi có thể, sẽ có lợi cho cá nhân và cho cả hệ thống năng lượng chung.
Tiết kiệm năng lượng so với hiệu quả năng lượng, hai khái niệm này có điểm khác biệt. Tiết kiệm năng lượng là hoạt động cố gắng sử dụng ít năng lượng hơn vì các lý do chi phí và môi trường, còn hiệu quả năng lượng có nghĩa, sử dụng các sản phẩm cụ thể được thiết kế để sử dụng ít năng lượng hơn. Hai khái niệm này vốn tương tự nhưng liên quan đến các phương pháp khác nhau. Ví dụ, tiết kiệm năng lượng bao gồm sử dụng các thiết bị thông minh và bóng đèn tiết kiệm năng lượng trong nhà của các gia đình.
Tại sao phải tiết kiệm năng lượng ngay từ đầu? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm, vì nó tiết kiệm tiền bạc, tăng giá trị tài sản và bảo vệ môi trường thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản. Đây là những lợi ích to lớn mà mỗi người có thể đạt được từ việc tiết kiệm năng lượng, bất kể động cơ, cách thức. Đơn giản bằng cách sử dụng giới hạn hay hướng tới lối sống có ý thức về năng lượng hơn, chúng ta sẽ có tận hưởng được mọi thứ đặc quyền từ việc sử dụng năng lượng hiệu quả mang lại.
Chiến lược tiết kiệm năng lượng theo khuyến cáo của giới chuyên gia năng lượng:
1. Điều chỉnh hành vi hàng ngày:
Để giảm tiêu thụ năng lượng trong nhà và tăng tiết kiệm năng lượng, không nhất thiết phải đi ra ngoài và mua các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Bảo tồn năng lượng có thể đơn giản như tắt đèn hoặc thiết bị khi không dùng đến. Bạn cũng có thể sử dụng các thiết bị tiêu tốn ít năng lượng hơn bằng cách thực hiện các công việc gia đình thủ công, chẳng hạn như phơi quần áo thay vì cho vào máy sấy hoặc rửa bát đĩa bằng tay.
Các điều chỉnh hành vi có khả năng tiết kiệm tiện ích cao nhất là giảm nhiệt trên máy điều nhiệt vào mùa đông và sử dụng máy điều hòa không khí ít hơn vào mùa hè. Chi phí sưởi ấm và làm mát chiếm gần một nửa hóa đơn điện nước trung bình của một ngôi nhà, do đó, việc giảm cường độ và tần suất sưởi ấm và làm mát này mang lại khoản tiết kiệm không hề nhỏ.
2. Thay bóng đèn bằng bóng tiết kiệm điện:
Bóng đèn sợi đốt truyền thống tiêu thụ một lượng điện quá lớn và phải được thay thế thường xuyên hơn so với các giải pháp thay thế tiết kiệm năng lượng khác. Bóng đèn sợi đốt Halogen, đèn huỳnh quang compact (CFL) và bóng đèn điốt phát quang (đèn LED) sử dụng ít điện hơn (từ 25 – 80%) và có tuổi thọ cao hơn (từ 3 đến 25 lần so với bóng đèn truyền thống). Mặc dù bóng đèn tiết kiệm năng lượng đắt hơn, nhưng việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tuổi thọ lâu hơn nên về lâu dài sẽ hiệu quả hơn.
3. Sử dụng ổ cắm điện thông minh:
“Phụ tải ma”, hoặc điện được sử dụng bởi các thiết bị điện tử khi chúng bị tắt hoặc ở chế độ chờ hay dự phòng, là một nguồn lãng phí năng lượng lớn. Trên thực tế, người ta ước tính, 75% năng lượng được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử gia dụng được tiêu thụ khi chúng bị tắt, điều này có thể tốn tới 200 USD mỗi năm cho một gia đình. Các ổ cắm điện thông minh (smart power strips), còn được gọi là dải nguồn tiên tiến, loại bỏ vấn đề phụ tải ảo bằng cách ngắt nguồn điện cho các thiết bị điện tử khi chúng không được sử dụng. Các dải điện thông minh có thể được đặt để tắt vào một thời điểm đã định, trong khoảng thời gian không hoạt động, thông qua công tắc từ xa hoặc dựa trên trạng thái của thiết bị “chính”.
4. Lắp đặt bộ điều nhiệt có thể lập trình hoặc thông minh:
Bộ điều nhiệt lập trình có thể được đặt để tự động tắt hoặc giảm sưởi và làm mát trong thời gian ngủ hoặc đi vắng. Khi lắp đặt bộ điều nhiệt lập trình sẽ loại bỏ việc sử dụng năng lượng lãng phí từ việc sưởi ấm và làm mát mà không cần nâng cấp hệ thống HVAC (viết tắt từ cụm từ tiếng Anh Heating, Ventilating, and Air Conditioning).
Trung bình, một bộ điều nhiệt có thể lập trình có thể giúp chủ nhà tiết kiệm 180 USD mỗi năm. Bộ điều nhiệt lập trình có nhiều kiểu khác nhau có thể được đặt phù hợp với lịch trình hàng tuần của gia chủ. Các tính năng bổ sung của bộ điều nhiệt lập trình bao gồm chỉ báo khi nào cần thay bộ lọc không khí hoặc các sự cố hệ thống HVAC, điều này giúp cải thiện hiệu quả của hệ thống sưởi và làm mát của gia đình.
5. Mua các thiết bị tiết kiệm năng lượng:
Trung bình, các thiết bị chiếm khoảng 13% tổng mức sử dụng năng lượng của hộ gia đình. Khi mua một thiết bị, nên chú ý đến hai con số: Giá mua ban đầu và chi phí vận hành hàng năm. Mặc dù các thiết bị tiết kiệm năng lượng có thể có giá mua trả trước cao hơn, nhưng chi phí vận hành của chúng thường thấp hơn (9 – 25%) so với các dòng máy thông thường.
Tại Mỹ, chuyên gia của ESC khuyến cáo, khi mua một thiết bị tiết kiệm năng lượng, nên tìm đến thiết bị có nhãn ENERGY STAR. Đây là sự đảm bảo của liên bang, rằng thiết bị sẽ tiêu thụ ít năng lượng hơn trong quá trình sử dụng và khi ở chế độ chờ so với các mẫu tiêu chuẩn. Mức tiết kiệm năng lượng khác nhau tùy theo từng thiết bị cụ thể. Ví dụ, máy giặt được chứng nhận ENERGY STAR tiêu thụ ít năng lượng hơn 25% và ít nước hơn 45% so với máy giặt thông thường, trong khi tủ lạnh ENERGY STAR chỉ sử dụng ít hơn 9% năng lượng.
6. Giảm chi phí đun nước:
Đun nóng nước là một yếu tố chính góp phần vào tổng mức tiêu thụ năng lượng của gia đình. Thay vì mua một máy nước nóng tiết kiệm năng lượng, thì có 3 phương pháp để giảm chi phí đun nước là sử dụng ít nước nóng hơn, vặn nhỏ bộ điều nhiệt trên máy nước nóng hoặc cách nhiệt cho máy nước nóng và nên đặt đường ống nóng và đường ống nước lạnh cách xa 6 feet (trên 1,8m).
Nếu đang xem xét thay thế máy nước nóng bằng một mô hình hiệu quả, thì cần lưu ý hai tiêu chí: Loại máy nước nóng đáp ứng nhu cầu và loại nhiên liệu sử dụng. Ví dụ, máy nước nóng không có bình chứa tiết kiệm năng lượng, là một lựa chọn không hợp lý cho các gia đình đông người vì chúng không thể xử lý nhiều lần và đồng thời nước nóng. Máy nước nóng hiệu quả có thể tiết kiệm năng lượng hơn từ 8% đến 300% so với máy nước nóng lưu trữ thông thường.
7. Lắp đặt các cửa sổ tiết kiệm năng lượng:
Cửa sổ là nguồn lãng phí năng lượng không nhỏ, đôi khi lên tới 10 – 25% tổng hóa đơn sưởi ấm/làm mát của căn phòng. Để tránh thất thoát nhiệt qua cửa sổ, có thể thay thế cửa sổ một cửa bằng sản phẩm hai cửa.
Đối với những ngôi nhà ở những vùng lạnh hơn, cửa sổ đầy khí với lớp phủ “low-e” có thể giảm đáng kể chi phí sưởi ấm của ngôi nhà. Ngoài ra, cửa sổ chống bão bên trong hoặc bên ngoài có thể làm giảm lượng nhiệt thất thoát không cần thiết từ 10 đến 20%. Bạn đặc biệt nên xem xét các cửa sổ chống bão nếu khu vực của bạn thường xuyên trải qua các hiện tượng thời tiết cực đoan.
8. Nâng cấp hệ thống HVAC:
Hệ thống HVAC là hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí trong không gian căn hộ hoặc trong xe cộ. Bao gồm thiết bị sưởi, thông gió và điều hòa không khí. Chỉ riêng hệ thống sưởi đã chiếm tới hơn 40% việc sử dụng năng lượng trong gia đình. Tại Mỹ, do nhiệt độ hai vùng khác nhau nên các lò sưởi bằng khí đốt ENERGY STAR dùng cho phía Bắc và Nam có các thông số kỹ thuật khác nhau. Nếu dùng cho phía Nam có thể giúp tiết kiệm đến 12% hóa đơn sưởi ấm, hoặc trung bình là 36 USD. Còn các lò dùng cho phía Bắc lại tiết kiệm năng lượng nhiều hơn tới 16% so với các model cơ sở. Điều này có nghĩa, tiết kiệm trung bình 94 USD mỗi năm cho hóa đơn sưởi ấm của người Mỹ nếu sống ở phía Bắc.
Về điều hòa không khí, trung bình nó chỉ chiếm 6% tổng mức sử dụng năng lượng của ngôi nhà. Hệ thống điều hòa không khí ENERGY STAR hiệu quả hơn 8% các kiểu máy thông thường. Hệ thống nên được tích hợp với hệ thống sưởi. Có nghĩa, nên mua lò sưởi và điều hòa không khí mới cùng một lúc để đảm bảo điều hòa hoạt động ở mức hiệu quả về mặt năng lượng. Nâng cấp thành phần thứ ba của hệ thống HVAC là thông gió để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong căn hộ. Hệ thống thông gió bao gồm một mạng lưới các ống dẫn, phân phối không khí nóng và lạnh khắp ngôi nhà. Nếu các ống dẫn này không được bịt kín hoặc cách nhiệt thích hợp, lãng phí năng lượng dẫn đến có thể làm tăng thêm hàng trăm đô la vào chi phí sưởi ấm và làm mát hàng năm. Cách nhiệt và bảo trì hệ thống thông gió thích hợp có thể giảm chi phí sưởi ấm và làm mát lên đến 20%.
9. Bảo ôn, cách nhiệt cho ngôi nhà:
Thích nghi với khí hậu hoặc phong hóa, hay bịt kín các lỗ rò rỉ không khí xung quanh nhà là cách làm tuyệt vời để giảm chi phí sưởi ấm và làm mát của căn hộ. Các nguồn rò rỉ không khí phổ biến nhất vào nhà là lỗ thông hơi, cửa sổ và cửa ra vào. Vì luồng nhiệt tự nhiên truyền từ các khu vực ấm sang các khu vực mát hơn, nên những khe hở nhỏ này có thể làm cho hóa đơn sưởi ấm tăng nhanh. Cần đảm bảo rằng không có vết nứt hoặc khe hở giữa tường và lỗ thông hơi, cửa sổ hoặc khung cửa, gác mái,… Tất cả cần được cách nhiệt đầy đủ.
Cách nhiệt tốt còn giúp giữ nhiệt cho cả mùa hè lẫn mùa đông. Mức độ chịu nhiệt được khuyến nghị hay còn gọi là “giá trị R” cho vật liệu cách nhiệt, nó tùy thuộc vào nơi chủ nhân đang sống. Ở những vùng khí hậu ấm hơn, giá trị R được khuyến nghị thấp hơn nhiều so với các tòa nhà nằm ở các vùng lạnh. Mức độ bảo ôn nhiệt nên lắp đặt tùy thuộc vào diện tích của ngôi nhà. Tầng áp mái, tường, sàn, tầng hầm,… nên sử dụng vật liệu cách nhiệt khác nhau theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, như ở Mỹ nêu trên trang web về cách nhiệt của Bộ Năng lượng.
10. Giặt quần áo bằng nước lạnh:
Giặt quần áo là công việc nhà cần thiết và là một phần trong thói quen hàng tuần của hầu hết mọi người. Đây cũng là cách tiêu tốn nhiều năng lượng, nếu sử dụng nước ấm. Trên thực tế, phần lớn năng lượng được sử dụng trong quá trình giặt quần áo hướng đến nước ấm. Có thể có nhiều lợi ích kinh tế khi sử dụng nước lạnh, người tiêu dùng có thể tiết kiệm hơn 50 USD/năm bằng cách giảm nhiệt độ nước giặt của họ xuống 15 độ. Thậm chí, có báo cáo cho rằng giặt bằng nước lạnh có thể tăng tuổi thọ cho quần áo do không bị tác động vì nước nóng.
11. Thay bộ lọc không khí trong gia đình:
Nhiều thiết bị trong nhà sử dụng bộ lọc, bao gồm cả hệ thống HVAC. Các hệ thống này thường đi kèm với các khuyến cáo thay thế bộ lọc thường xuyên. Làm như vậy không chỉ tránh phải sửa chữa điều hòa mà còn tiết kiệm tiền điện. Qua các nghiên cứu cho thấy việc thay thế định kỳ các bộ lọc có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng của hộ gia đình lên đến 15%. Lý do, khi bộ lọc sạch thì hiệu quả sẽ tăng lên, giảm căng thẳng cho hệ thống lọc.
12. Sử dụng lò vi sóng thay vì bếp:
Cùng với các công việc gia đình khác, hâm nóng thức ăn là một quá trình cần thiết và cũng là việc làm gia tăng hóa đơn tiền điện. Tùy thuộc vào sở thích, bếp có thể bảo quản hương vị của thực phẩm tốt hơn một chút. Tuy nhiên, không phụ thuộc vào mùi vị, có bằng chứng cho thấy, lò vi sóng tiết kiệm năng lượng nhiều hơn. Lò vi sóng, trong khi sử dụng nhiều điện, nhưng lại ngắn về thời gian nên tiết kiệm được nhiều điện.
13. Sử dụng ánh sáng tự nhiên:
Chiếu sáng chiếm một lượng đáng kể chi phí năng lượng nên nếu sử dụng ánh sáng từ mặt trời sẽ là cách giảm mức tiêu hao năng lượng cho ngôi nhà. Nếu có thể, nên để cửa sổ quay mặt về hướng Bắc và Nam thay vì hướng Đông và Tây. Điều này cho phép ánh sáng chiếu nhiều hơn, tạo ra nhiệt vào mùa đông.
14. Trang phục phù hợp với thời tiết từng mùa:
Để tiết kiệm năng lượng vào mùa đông nên mặc ấm trong nhà thay vì sưởi ấm, còn mùa hè nên mặc mát để ít phải sử dụng máy lạnh. Thay bộ lọc không khí thường xuyên để giảm tiêu thụ năng lượng trong những tháng trời lạnh.
KHẮC NAM – CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THEO: ESC – 5/2022)
Link tham khảo:
1/ https://www.energysage.com/energy-efficiency/101/ways-to-save-energy/