‘Tiền nhiều để làm gì!? Đừng nói vậy, tôi không tin đâu”
Ảnh minh họa: Imagenesmi
Tôi không bao giờ tin vào những lời nói kiểu như “tiền nhiều để làm gì?”, “tiền có mang lại hạnh phúc hay không?” hoặc “sống không cần tiền”… Nếu không từng bôn ba, thành – bại vì tiền, họ sẽ không đủ cảm xúc để phán những câu kiểu như vậy.
Không thể phủ nhận chuyện cuộc sống vẫn còn có những giá trị mà chưa chắc tiền bạc chen chân vào được. Tuy nhiên, gom tất cả điều đó mà phán bằng những câu hỏi tu từ về tiền bạc kiểu như trên, thì không ổn.
Khi đặt câu hỏi “Tiền nhiều để làm gì?”, không biết ông chủ cà phê Trung Nguyên còn nhớ câu chuyện ông từng bộc bạch trên một tờ báo về thời ông còn tay trắng, người thân mổ ruột thừa nhưng ông không có nổi 2 triệu để lo viện phí. Chính điều này đã hình thành nên động cơ để ông phải làm giàu.
Đây là câu chuyện đẹp dành cho những người muốn sống có ích. Trong một khoảnh khắc hay hoàn cảnh nào đó, chẳng có điều gì cũng như chẳng có lời “chân lý” nào đủ mạnh để mang lại hạnh phúc bằng việc có tiền, khi bạn đang rất cần.
Một xã hội dù có văn minh hay chậm phát triển như thế nào đi nữa, luôn cần phải có tiền để phát triển. Con người cũng vậy. Lúc mà bạn đang thuyết giáo về những vấn đề kiểu như “tiền bạc có phải là mục tiêu của cuộc sống hay không”, bạn hãy nhớ về thời khắc mà bạn khát tiền nhất.
Tôi tin, không ai có thể phủ nhận được sức mạnh cũng như tầm quan trọng của tiền bạc. Và không ai có thể sống mà không cần tiền, dù là cách này hay cách khác. Bạn không thể chinh phục một cô gái nếu rỗng túi. Bạn không thể chủ động giành lại cuộc sống cho người thân nếu trong người chẳng có xu nào.
Thậm chí khi ly hôn, bạn muốn giữ lại những gì mình xứng đáng được hưởng như phần tài chính nào đó, cũng chẳng có gì sai, vì tiền bạc phải minh bạch.
Tôi cũng hiểu rằng, sức mạnh của tiền bạc là vô biên, có thể mua mọi thứ, ngay cả tình yêu. Nhưng tôi vẫn luôn tin vào những giá trị khác có thể chiến thắng được sức mạnh của vật chất, dù giá trị đó không hề phủ nhận tầm quan trọng của tiền bạc.
Chỉ tuần rồi thôi, dư luận cảm thấy ấm áp khi cô lao công ở bệnh viện Chợ Rẫy nhặt được hơn một trăm triệu đồng, và cô trả lại cho người mất ngay tại bệnh viện, hay vợ chồng một anh công nhân ở Bình Định đã phải nhờ đến bạn đọc hỗ trợ để cứu con mình lúc ngặt nghèo nhất.
Dù con của anh chị vẫn phải tiếp tục điều trị, anh chị đã dùng hết số tiền tiếp theo mà bạn đọc gửi về để chia sẻ cho hoàn cảnh những ca cấp cứu khác, còn anh chị lại tiếp tục đi làm công nhân để tự lo cho con…
Trong yêu đương cũng vậy. Dù tiền có thể mua được cái gọi là tình yêu, bạn hẳn cũng từng chứng kiến có những người từ chối danh vọng, vật chất từ người khác để được về với tình yêu của mình. Tiền mua được yêu đương, nhưng tâm trạng khi yêu thì tiền đâu mua được.
Cái gì mua được bằng tiền, thì đều rẻ tiền. Hiểu được điều đó, chúng ta mới biết trân trọng mà ấm áp hơn trước một suy nghĩ, nghĩa cử, hành động xuất phát từ bản chất tình thương, bất chấp tiền bạc. Điều này mới tạo ra hạnh phúc.
Tiền quan trọng vì nó có thể tạo ra hạnh phúc, nhưng không phải hạnh phúc nào cũng được tạo ra bởi bản chất của tiền bạc.
Theo bạn, có tiền nhiều để làm gì? Tiền mua được gì? Tiền có gắn kết được tình yêu không? Khi nào tiền vô nghĩa? Ly hôn yêu cầu chia tiền có gì xấu? Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến về địa chỉ email [email protected].
Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút khi đăng bài. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tỏ tình bằng xe Lamborghini và cái kết đắng