Tiền mê là gì? Tiền mê có nguy hiểm không? Bao lâu thì tỉnh?

Tiền mê là giai đoạn đầu tiên trong các bước gây mê. Vậy tiền mê là gì? Tiền mê có nguy hiểm không? Kể từ lúc thực hiện tiền mê đến khi kết thúc cuộc gây mê, bao lâu thì tỉnh?

tiền mê

Tiền mê là gì?

Trong gây mê, tiền mê là giai đoạn trước khi gây mê. Nếu tình trạng bệnh nhân không tốt sẽ được các bác sĩ cho sử dụng một số loại thuốc tiền mê để hỗ trợ bệnh nhân an tâm cho cuộc gây mê. Loại thuốc mà người bệnh được sử dụng là loại thuốc an thần (tùy loại uống hay chích) trước khi gây mê. Nhưng không phải trường hợp nào cũng sử dụng thuốc và phải được bác sĩ chỉ định cho phù hợp từng cá nhân người bệnh.

Nếu tình trạng của người bệnh ổn định, bác sĩ sẽ tiếp tục trấn an tâm lý, giải thích tình trạng, giúp bệnh nhân hiểu những điều sẽ trải qua trong quá trình phẫu thuật. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ và tin tưởng bác sĩ để cuộc phẫu thuật an toàn.

Trong lịch sử chuyên ngành gây mê, tổ tiên của chúng ta sử dụng nhiều phương pháp để đối phó với cơn đau trong lúc mổ gồm: những bài thuốc, các mẹo dân gian truyền miệng hoặc các phương pháp bạo lực như: trói chặt người bệnh, cho bệnh nhân uống rượu, hút thuốc phiện, hay thậm chí là đánh vào đầu để người bệnh hôn mê trước khi phẫu thuật.

Kết quả là đã có nhiều ca tai biến xảy ra khiến bệnh nhân tử vong ngay trong cuộc mổ. Những phương pháp giảm đau mang tính đối phó, phản khoa học cũng khiến tỉ lệ thành công của cuộc mổ rất thấp. Đa phần, người thầy thuốc thời đó chọn phương pháp này vì không còn bất cứ lựa chọn nào khác để chữa bệnh.

Trải qua rất nhiều cột mốc định hình, kỹ thuật gây mê ngày nay đã phát triển ở một tầm cao mới, mỗi ca mổ đều có ekip gây mê chuyên nghiệp. Các bác sĩ dễ dàng thực hiện các thao tác phẫu thuật mà không cần phải thực hiện những phương pháp cổ xưa. Trong bất kỳ ca phẫu thuật nào dù nặng hay nhẹ, quá trình gây mê luôn được kiểm soát nghiêm ngặt. Từ loại thuốc, liều lượng thuốc, các dụng cụ phòng mổ, gây mê… luôn yêu cầu tính chính xác cao và tiệt khuẩn cho ca mổ an toàn.

Gây mê và gây tê gọi chung là phương pháp vô cảm, giúp cho người bệnh không còn đau khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật. Một cuộc gây mê sẽ được chia thành nhiều giai đoạn: tiền mê, khởi mê, duy trì mê, tỉnh mê.

Khâu khám tiền mê là một việc cần thiết và bắt buộc trước khi phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ khám tổng trạng sức khỏe của người bệnh. Thông qua việc thực hiện các xét nghiệm lâm sàng để xem xét chất lượng máu, các chức năng hoạt động của các cơ quan như tim, gan, phổi, thận,…  trong cơ thể người bệnh, qua đó các bác sĩ sẽ đánh giá xem cơ thể người bệnh có thể thực hiện ca mổ ngay được không, hay phải sắp xếp vào thời điểm thích hợp.

Tiền mê có nguy hiểm không?

Các yếu tố sẽ được đánh giá trước và sau khi khám tiền mê bao gồm:

  • Các chỉ số về tim mạch, hệ hô hấp, chỉ số phân tích trong máu, huyết áp…
  • Người bệnh có đang mắc các bệnh hoặc có tiền sử mắc bệnh mạn tính nào không.
  • Các bệnh về tâm lý, lo âu, hay căng thẳng thần kinh.
  • Đánh giá giới tính, độ tuổi, cân nặng.
  • Đối với nữ giới cần xem xét người bệnh có đang mang thai hay không.

tiền mê có nguy hiểm không

Các nhóm thuốc tiền mê có tác dụng an thần, giảm căng thẳng, kích động, lo âu và gây ngủ, thường có tác dụng trong vòng 24 giờ. Sau khi thuốc hết tác dụng thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi tiêm thuốc tiền mê cho bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý các yếu tố:

  • Tình trạng hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, chức năng gan, thận;
  • Thời gian tính từ bữa ăn gần nhất của người bệnh;
  • Trạng thái tâm lý và mức độ căng thẳng thần kinh của bệnh nhân;
  • Các tiền sử bệnh lý trong quá khứ và hiện tại. Người bệnh có từng có tiền sử dị ứng với các thành phần nào không? Người bệnh cũng cần cân nhắc dùng thuốc nếu như người nhà cũng có tiểu sử dị ứng với thành phần của thuốc;
  • Bệnh nhân mắc một số bệnh mạn tính như: ung thư, suy hô hấp, suy tim, suy thận nặng,… không được chỉ định dùng thuốc gây mê trong nội soi;
  • Căn cứ hàm lượng phải dựa vào tuổi tác và cân nặng hiện tại của người bệnh.

Các yếu tố này sẽ được các bác sĩ xem xét và cân nhắc trước khi quyết định liều dùng cũng như phương pháp dùng cho bệnh nhân. Để quá trình tiền mê gây mê hiệu quả, bệnh nhân cần theo sát hướng dẫn của bác sĩ và phối hợp.

Tiền mê có hại không?

Sau khi đánh giá sức khỏe và có chỉ định sử dụng thuốc tiền mê, các bác sĩ sẽ tiêm hoặc cho bệnh nhân uống thuốc tiền mê. Thuốc tiền mê sẽ giúp bệnh nhân an thần, giảm đau, chống lo lắng, gây ngủ, giảm tiết, ức chế phản xạ có hại. Đa phần hàm lượng những loại thuốc tiền mê được điều chỉnh để phù hợp với thể trạng người bệnh, nên thường không gây ảnh hưởng nhiều. Một số ít trường hợp người bệnh có thể xảy ra những tình trạng như:

  • Ảnh hưởng về tâm lý: Buồn ngủ, hoang mang, run sợ, lo lắng, có cảm giác chán nản,…
  • Ảnh hưởng về hệ hô hấp như: Rối loạn nhịp thở, suy hô hấp do rối loạn nhịp thở, ngừng thở, hôn mê gây tụt lưỡi tắc đường thở, tắc do đờm,…
  • Ảnh hưởng về thần kinh:  Xuất hiện các vấn đề về thị lực, lú lẫn, các vấn đề về trí nhớ, chóng mặt hoặc ngất xỉu, buồn ngủ, run rẩy bàn tay và ngón tay, và các vấn đề về vận động cơ bắp
  • Ảnh hưởng về hệ tiêu hóa: Táo bón, khó đi tiểu, khô miệng, ăn không ngon.

Đối với những trường hợp gây tê, phẫu thuật nhỏ thì bệnh nhân có thể về nhà trong ngày. Còn trong mê toàn thân để thực hiện các ca phẫu thuật lớn phải nằm lại bệnh viện. Nếu xuất hiện bất cứ triệu chứng nào, người bệnh hoặc người nhà phải thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời. Những đối tượng xuất hiện các yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ rủi ro:

  • Tuổi tác cao
  • Mắc bệnh tiểu đường hoặc một số bệnh về thận
  • Tiền sử gia đình hoặc bản thân bị dị ứng với thành phần trong thuốc mê
  • Đang mắc các bệnh về tim như: xơ vữa, cao huyết áp hoặc đột quỵ
  • Bệnh phổi như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
  • Thừa cân, béo phì (chỉ số BMI cao)
  • Có tiền sử động kinh hoặc rối loạn thần kinh
  • Mắc chứng ngưng thở khi ngủ
  • Hút thuốc lá, thường xuyên sử dụng rượu bia

Tiền mê bao lâu thì tỉnh?

Những loại thuốc sử dụng trong tiền mê cũng là các loại thuốc thuộc nhóm gây mê. Thời gian hồi tỉnh của bệnh nhân tùy thuộc vào việc gây mê trong cuộc mổ. Lúc trước thời gian hồi tỉnh sau gây mê khá dài (khoảng 30 – 45 phút), nhưng hiện tại hầu như bệnh nhân có thể hồi tỉnh ngay sau ca mổ chỉ vài phút, nguyên nhân là do có các loại thuốc thế hệ mới có tính chất đào thải rất nhanh và kinh nghiệm chuyên môn, tay nghề cao của bác sĩ đã điều chỉnh,

Các nhóm thuốc trong gây mê có thể tồn tại trong cơ thể đến 24 giờ. Đối với những người bệnh sau phẫu thuật, cần tĩnh dưỡng nghỉ ngơi, không nên quay lại sinh hoạt hoặc làm việc ngay, đặc biệt không được lái xe khi chưa chắc chắn cơ thể đã hết thuốc mê.

Vì sao cần tiền mê?

Tiền mê là một bước rất quan trọng để kiểm tra sức khỏe và tinh thần của người bệnh trước ca mổ. Trước phẫu thuật, tâm lý bệnh nhân rất căng thẳng, vì vậy việc trao đổi giữa bác sĩ gây mê với người bệnh và người thân bệnh nhân có ý nghĩa rất lớn trong việc làm giảm sự lo lắng trước ca mổ. Đối với các bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng thuốc, thuốc tiền mê cũng có hiệu quả giúp người bệnh giảm thiểu lo âu để cuộc phẫu thuật diễn ra suôn sẻ hơn.

vì sao cần tiền mê

Những loại thuốc tiền mê nào đang được sử dụng?

Với mỗi loại thuốc tiền mê được sử dụng sẽ mang đến những công dụng hỗ trợ hữu ích cho người bệnh khi thực hiện phẫu thuật.

1. Công dụng chính của thuốc tiền mê

Các nhóm thuốc tiền mê được sử dụng trước gây mê:

  • Chống tiết: dùng để hạn chế tiết dịch ở miệng, họng và ở hệ hô hấp. Giảm thể tích và dịch dạ dày, giảm thiểu tổn hại nếu dịch dạ dày trào ngược lên cổ họng và bệnh nhân hít vào đường thở.
  • Chống lo lắng, căng thẳng, giảm tiết nhiều mồ hôi trước khi mổ.
  • Giảm đau mạnh, giảm đau cấp tính và đau mạn tính, dùng làm thuốc tiền mê và trong chấn thương.
  • Giảm buồn nôn. Một số người bệnh có thể nôn ói sau ca mổ.
  • Kiểm soát chức năng cơ thể. Giữ nhịp đập của tim và huyết áp ổn định hơn.
  • Bổ sung cho quá trình gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ.

2. Các nhóm thuốc tiền mê được sử dụng nhiều nhất

Các nhóm thuốc tiền mê được sử dụng trong các bệnh viện bao gồm: thuốc giảm đau trung ương, thuốc kháng histamin tổng hợp, thuốc an thần, thuốc giảm tiết. Cụ thể:

2.1 Nhóm thuốc giảm đau trung ương

Các thuốc giảm đau trung ương được dùng làm thuốc tiền mê do giúp giảm đau mạnh (thuốc làm thay đổi cảm nhận đau và làm tăng ngưỡng đau), an thần, gây ngủ. Các thuốc giảm đau trung ương thường là các dẫn xuất từ opioid hoặc các chất bán tổng hợp loại opi. Một số thuốc được sử dụng phổ biến là:

  • Morphin: Nhóm thuốc giảm đau mạnh nhất, được sử dụng trong tiền mê để giảm những cơn đau mạnh do chấn thương nghiêm trọng, hoặc có thể là đau do ung thư hoặc đau tim.
  • Fentanyl: Fentanyl được sử dụng trong các phẫu thuật nhỏ hoặc phẫu thuật ngắn ở bệnh nhân ngoại trú.
  • Pethidin: là thuốc giảm đau trung ương có tính chất giống với morphin, nhưng thuốc có tác dụng nhanh hơn và thời gian tác dụng ngắn hơn morphin.

2.2 Nhóm thuốc kháng histamin tổng hợp

Nhóm thuốc kháng histamin là những loại thuốc cổ điển, tác dụng phụ gây buồn ngủ trong thời gian ngắn hoặc sử dụng cho các bệnh nhân phẫu thuật có tiền sử điều trị loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày – thực quản. Hiện có 2 loại thuốc kháng histamin H1 và thuốc kháng histamin H2 được sử dụng tại các bệnh viện:

  • Thuốc kháng histamin H1

Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1: gồm các thuốc như promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin, hydroxyzine…

Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2: gồm các thuốc như loratadin, cetirizin,   fexofenadin…

  • Thuốc kháng histamin H2:

Thuốc kháng histamin H2 điển hình như cimetidin, famotidin, ranitidin…

2.3 Nhóm thuốc an thần

Nhóm thuốc an thần có tác dụng an thần, ức chế thần kinh trung ương, giảm căng thẳng, kích động, chống lo âu và gây ngủ. Các loại thuốc thường được sử dụng làm thuốc tiền mê bao gồm:

  • Nhóm thuốc Benzodiazepin: bao gồm các loại thuốc Diazepam, Midazolam tiêm tĩnh mạch.
  • Nhóm thuốc Barbiturat: Thuốc thường được dùng trong tiền mê là phenobarbital qua đường tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Ngày nay nhóm thuốc này ít được dùng trong tiền mê phẫu thuật mà chủ yếu dùng an thần trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có can thiệp.
  • Nhóm thuốc Phenothiazine: các thuốc thường được sử dụng là Alimemazin, Promethazin, Clopromazin.

2.4 Nhóm thuốc giảm tiết

Thuốc giảm tiết giúp bệnh nhân giảm bài tiết tuyến nước bọt và phế quản, đồng thời giảm tiết dịch dạ dày. Thuốc được sử dụng trong tiền mê là Atropin. Liều tiền mê ở người trưởng thành là từ 0.2-1mg, tiêm 30-60 phút trước khi gây mê.

Những điều cần biết trước giai đoạn tiền mê

Trước những ca phẫu thuật, thông thường các bác sĩ đã kiểm tra sức khỏe và đánh giá khả năng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe trước phẫu thuật, cũng như trước gây mê và tiền mê, người bệnh và người nhà bệnh nhân cần lưu ý:

  • Tránh ăn uống trong 8 giờ trước phẫu thuật.
  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia trong một thời gian trước ca mổ.
  • Ngừng dùng các sản phẩm bổ sung kể cả thảo dược từ 1-2 tuần trước khi phẫu thuật hoặc theo chỉ định từ bác sĩ.
  • Không dùng các thuốc điều trị rối loạn cương dương ít nhất 24 giờ trước khi làm thủ thuật.
  • Nếu đang sử dụng các loại thuốc điều trị, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn.
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái trước phẫu thuật.

Tiền mê là bước đầu tiên nhưng là yếu tố quyết định sự thành công của ca phẫu thuật. Quy trình này đòi hỏi các bác sĩ, điều dưỡng phải có chuyên môn cao, tỉ mỉ, dày dặn kinh nghiệm. Do đó, bên cạnh đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, tiền mê cần phải được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, trang bị đầy đủ máy móc, nhằm giảm thiểu biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.