Tiền Giang có gì chơi?

Tiền Giang là vùng đất đặc trưng của văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ. Nằm dọc sông Tiền thơ mộng, mảnh đất này nổi tiếng bởi sự trù phú và phong cảnh hữu tình. Đến với địa điểm du lịch Tiền Giang, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều điều thú vị như đi chợ nổi hay khám phá miệt vườn, những món ăn đặc trưng của vùng sông nước và đặc biệt là cảm nhận được cái tình người ấm áp, bình dị – một nét đặc trưng của con người và văn hóa miền Tây. Tiền Giang có gì chơi? Cùng khám phá ngay những địa điểm du lịch nổi tiếng dưới đây để giúp bạn sắp xếp được lịch trình hợp lý trong hành trình du lịch Tiền Giang sắp tới nhé.

2

Chợ nổi Cái Bè – Tiền Giang

Sau những bộn bề bon chen của chốn thị thành, du khách có thể về những điểm du lịch bình dị, dân dã đầy thú vị. Chợ nổi Cái Bè có thể là sự lựa chọn tuyệt vời cho những chuyến tham quan ngày nghỉ, ngày lễ Tết đối với du khách thị thành, du khách trong và ngoài nước. Chợ nổi Cái Bè nằm trên đoạn sông Tiền Giang giáp ranh giữa Tiền Giang, Vĩnh Long Bến Tre. Chợ nổi Cái Bè được biết đến là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam bộ, thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang-minChợ nổi Cái Bè - Tiền Giang-min

Du khách có thể đến tham quan chợ nổi này vào bất cứ thời gian nào bởi vì chợ hoạt động cả ngày lẫn đêm, với nhiều loại hàng hóa phong phú, đa dạng, từ những đồ dùng nhu yếu phẩm bình thường đến các loại vải, quần áo, các loại gia cầm, thủy hải sản và đặc biệt là tập hợp những chiếc ghe, xuồng đầy ấp các loại trái cây theo mùa. Đến với chợ nổi Cái Bè để cảm nhận một không khí tấp nập, giản dị, dân quê mà cũng nồng ấm tình người của người dân nơi đây. Nhộn nhịp, tấp nập và đa dạng các sản phẩm, hoa quả, trái cây để thưởng thức và mang về làm quà.

Bạn có thể đến chợ nổi bằng nhiều phương tiện như xe máy, ô tô cá nhân, xe khách… nhưng thú vị nhất vẫn là đi bằng xe máy, điều ấy sẽ mang lại cho bạn trải nghiệm mới mẻ cùng nhiều kỷ niệm khó quên. Để đến chợ nổi Cái Bè bạn có thể di chuyển từ tỉnh lộ 864 dọc theo bờ sông Tiền đến hết đường là đến bến An Ninh. Từ đây bạn thuê thuyền, đò đến với chợ nổi Cái Bè. Hoặc bạn đi theo QL1A qua Cai Lậy đến thị trấn Cái Bè rồi thuê thuyền, đò đi khám phá chợ nổi Cái Bè.

3

Miệt vườn Cái Bè – Tiền Giang

Miệt vườn Cái Bè Tiền Giang là tên một địa điểm du lịch miệt vườn ở Tiền Giang rất nổi tiếng nằm bên bờ Bắc sông Tiền, thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Trên khu vực đất rộng 1500ha ven bờ Bắc sông Tiền này có trồng rất nhiều loại cây ăn trái, đủ chủng loại nên mới có tên gọi là miệt vườn Cái Bè.

Miệt vườn Cái Bè - Tiền Giang-minMiệt vườn Cái Bè - Tiền Giang-min

Đặc biệt, cây ăn trái ở đây phát triển rất xanh tốt, ra trái quanh năm, trái nào trái nấy đều căng tròn, mọng nước và ngọt thanh. Theo lời kể của người dân địa phương thì cây ăn trái ở đây ngon ngọt đều nhờ vào lượng phù sa màu mỡ sông Tiền bồi đắp hàng năm. Trái cây ở miệt vườn Cái Bè đa dạng, đủ chủng loại, khiến du khách thích thú khi đến tham quan

Nhận thấy rằng du lịch vườn trái cây đang trở thành xu hướng của khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, người dân sinh sống ở khu vực Cái Bè cho mở những tour du lịch tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn. Nhưng có một điều mà họ không ngờ là khách du lịch đến tham quan miệt vườn Cái Bè ngày càng đông. Nhiều du khách còn thích thú check – in ngay tại vườn để làm sinh động thêm bộ ảnh du lịch Tiền Giang cho riêng mình. Không chỉ có du khách trong nước mà cả khách du lịch nước ngoài cũng thích đến miệt vườn Cái Bè để khám phá vẻ đẹp của vườn trái cây nơi đây.

4

Cồn Thới Sơn – Tiền Giang

Cồn Thới Sơn hay còn gọi là cồn Lân, là một trong 4 cồn Long, Lân, Quy, Phụng. Cồn Thới Sơn tọa lạc tại xã Thới Sơn, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Khi đến với cồn Thới Sơn, du khách sẽ được trải nghiệm những dịch vụ du lịch hoàn toàn dân dã, đậm chất miền Tây từ những mô hình du lịch sinh thái của những người nông dân nơi đây. Dạo quanh cồn Thới Sơn, chúng ta sẽ được ngắm nhìn những vườn trái cây sai trĩu quả như: Sapoche, bưởi, chôm chôm, nhãn, xoài… Tại đây khách tham quan sẽ được thưởng thức những đặc sản trái cây theo mùa, uống nước trà mật ong, và đắm chìm trong những điệu buồn, du dương của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.

Cồn Thới Sơn - Tiền Giang-minCồn Thới Sơn - Tiền Giang-min

Sự hấp dẫn, quyến rũ của cồn Thới Sơn khiến bạn quên đi sự ồn ào, ngột ngạt của phố phường. Xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp. Tản bộ men theo những con đường đá uốn lượn, qua những vườn cây trái xum xuê. Ngồi trong những nhà vườn nhấm nháp tách trà mật ong thơm ngọt và lắng nghe đàn ca tài tử. Ðêm trăng, gió, sóng nước mênh mang. Đi thuyền trên sông, ngắm trăng lên, hoặc cùng bạn ngồi đối ẩm trong tiếng ca mượt mà, sâu lắng của thôn nữ.

5

Cù Lao Tân Phong – Tiền Giang

Tân Phong là một xã cù lao nằm giữa sông Tiền thuộc địa phận huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cồn Tân Phong quanh năm cây trái tốt tươi, trĩu quả đặc biệt là vào mùa chôm chôm chín, khắp cù lao “nhuộm” màu đỏ rực. Chỉ mất 10 phút để đi phà đến cồn Tân Phong, vừa đặt chân lên cồn khách sẽ lập tức cảm nhận được không gian xanh mát của những vườn cây. Với khí hậu trong lành, yên lĩnh những mái nhà xinh xinh ẩn hiện trong vườn cây rậm rạp, một con rạch nhỏ hiền hòa vắt qua giữa lòng cù lao… Tân Phong thực sự là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.

Cù Lao Tân Phong - Tiền Giang-minCù Lao Tân Phong - Tiền Giang-min

Trên con đường rợp bóng cây, nhiều du khách đạp xe vòng quanh đường làng, hoặc chèo ghe len lỏi giữa những con rạch chằng chịt, ngắm nhìn cảnh sắc thanh bình của vùng quê miệt vườn. Du khách cũng có thể ghé các làng nghề thủ công làm bánh ướt, bánh rế, làm nón, sản phẩm từ lục bình, chằm lá… Hành trình khám phá cồn Tân Phong sẽ đem đến cho du khách sự trải nghiệm vô cùng thú vị giữa làng quê, sông nước thanh bình.

6

Cồn Tân Long – Tiền Giang

Cồn Tân Long hay Cồn Rồng là một trong bốn cù lao trên sông Tiền được đặt tên theo bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Cồn Lân, hay còn gọi là cù lao Thới Sơn, thuộc địa phận xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cồn Long (hay cù lao Tân Long) cũng thuộc TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Còn cồn Quy, cồn Phụng thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Cồn Tân Long - Tiền Giang-minCồn Tân Long - Tiền Giang-min

Từ một gò đất, nổi lên giữa lòng sông và được bồi đắp phù sa quanh năm để trở thành gò đất đồi… vậy mà đến nay, cồn Tân Long đã trở thành điểm du lịch Tiền Giang hấp dẫn du khách gần xa. Tuy không nổi bật như ba cồn còn lại nhưng đến với cồn Long bạn sẽ được thưởng thức vô vàn các loại trái cây đặc sản của miền tây Nam Bộ như sầu riêng, chôm chôm, xoài, vú sữa,… Chôm chôm được xem là đặc sản xứ cồn, dễ tróc, dày cơm, ngọt và rất giòn. Đúng vụ chôm chôm (khoảng tháng 5 và 6 âm lịch), du khách thỏa thích vào vườn, tự tay bẻ và thưởng thức tại vườn, hoặc mắc võng nằm dưới những tàn cây.

Trên con đường rợp bóng cây, nhiều du khách đạp xe vòng quanh đường làng, hoặc chèo ghe len lỏi giữa những con rạch chằng chịt, ngắm nhìn cảnh sắc thanh bình của vùng quê miệt vườn. Du khách cũng có thể ghé các làng nghề thủ công làm bánh ướt, bánh rế, làm nón, sản phẩm từ lục bình, chằm lá…

Với du khách ở lại một đêm, sẽ có dịp trải nghiệm một đặc sản của xứ cù lao: tắm cồn. Khi hoàng hôn buông xuống, người dân địa phương thường ra sông tắm và lặn bắt ốc gạo – đặc sản của cồn Tân Phong. Cù lao có nhiều bãi bồi nên an toàn. Du khách vẫy vùng, lặn ngụp đùa giỡn với những làn sóng lăn tăn, nhất là còn có thể mò bắt ốc gạo. Ốc gạo luộc chín chấm với nước mắm sả ớt là món ăn được yêu thích sau khi tắm cồn. Ngoài ra còn vô số món ăn đậm chất Miền Tây đang chờ bạn thưởng thức.

7

Biển Tân Thành – Tiền Giang

Sau khi hả hê ngắm nhìn cảnh buôn bá trên sông, thưởng thức những món ăn dân dã hấp dẫn, tuyệt vời, chúng ta có thể tìm đến những địa điểm tham quan mới yên tĩnh và trải lòng với thiên nhiên. Khu du lịch biển Tân Thành là một trong những điểm đến không thể bỏ qua. Khu du lịch biển Tân Thành thuộc huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, nằm cách thành phố Mỹ Tho 50 km theo hướng quốc lộ 50.

Biển Tân Thành - Tiền Giang-min (1)Biển Tân Thành - Tiền Giang-min (1)

Bãi biển Tân Thành hay còn gọi là bãi biển Gò Công, có bãi cát dài 7km, nhìn ra biển là khu du lịch Cồn Ngang cách bờ khoảng 1 giờ đi đò máy. Cồn Ngang có hình vòng cung với hai đầu là hai bãi cát lớn, hiện đang được đầu tư trở thành khu du lịch với nhiều dịch vụ như nghỉ biển, tắm nắng, thể thao trên nước… Đến với khu du lịch biển Tân Thành, du khách sẽ được thưởng thức các loại hải sản nổi tiếng do chính những người dân tại đây nuôi dưỡng, đó là con nghêu, con móng tay, sò huyết và các loại tôm, ốc… được chế biến thành những món giản dị mà cực ngon. Đặc biệt nơi đây còn là địa điểm tuyệt vời để bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp hút hồn của hoàng hôn và bình minh.

Để đi đến biển Tân Thành nếu bạn ở khu vực miền Bắc, Trung, Đông Nam Bộ thì từ TP. Hồ Chí Minh bạn chạy theo quốc lộ 50 hướng qua Cần Giuộc, Cần Đước – Long An. Tiếp đó, qua cầu Mỹ Lợi tới thị xã Gò Công. Từ đây, đi theo tỉnh lộ 862 thêm 15km nữa là đến bãi biển Tân Thành. Còn các bạn ở khu vực miền tây thì cứ chạy theo quốc lộ 1A, hướng về Sài Gòn. Khi đến vòng xuyến hướng Sài Gòn – Mỹ Tho, theo cung đường QL50 hướng về phía đông. Đến địa phận thị xã Gò Công thì hỏi bà con đường DT862, đây là đường gần nhất đến biển Tân Thành.

8

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác – Tiền Giang

Tiền Giang là một tỉnh miền Nam gây dấu ấn trong lòng những người yêu thích du lịch không chỉ bởi những miệt vườn cây trái trĩu quả mà còn nhờ những địa điểm mang đậm dấu ấn tâm linh của người dân Nam Bộ. Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác trong lòng người dân Tiền Giang cũng có một vị trí đặc biệt như vậy.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác - Tiền Giang-minThiền viện Trúc Lâm Chánh Giác - Tiền Giang-min

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác là một trong những ngôi chùa nổi tiếng tại Tiền Giang. Thiền viện tọa lạc tại xã Thạnh Tân, huyện mới Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Lối kiến trúc của Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác gần với thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt tuy nhiên được xây dựng trên một hệ thống đê bao cao 3,7m để ngăn lũ dâng. Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác có tổng diện tích khoảng 30 ha, theo mô hình truyền thống các thiền viện hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, 25 hạng mục đã và sẽ xây dựng gồm 2 khu vực nội và ngoại viện, 4 Tăng đường, 1 thiền đường, 10 thất chuyên tu, không có khu cho Ni nhưng có nhà khách nữ.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác ra đời, bên cạnh việc trở thành trung tâm tu học, còn tạo điểm nhấn quan trọng nhằm thu hút khách tham quan, góp phần làm thay đổi diện mạo một xã nghèo của huyện Tân Phước. Ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, không chỉ để thưởng ngoạn kiến trúc đẹp đẽ của ngôi chùa, ta còn cảm nhận được tấm lòng thành kính hướng đến Phật tổ của người dân miền Tây chân chất, thật thà.

9

Chùa Vĩnh Tràng – Tiền Giang

Đến du lịch tỉnh Tiền Giang có một địa điểm du khách không thể không ghé qua, đó chính là chùa Vĩnh Tràng thuộc xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm Mỹ Tho khoảng 3 km. Là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây, hàng năm thu hút đông đảo du khách xa gần tìm đến hành hương, thưởng ngoạn. Chùa Vĩnh Tràng hay còn gọi là chùa Vĩnh Trường, là một công trình kiến trúc ghi nhận những thăng trầm của lịch sử. Chùa được xây dựng từ những năm đầu thế kỉ 19, theo lối kiến trúc tổng hợp Á – Âu (kiến trúc Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chăm).

Chùa Vĩnh Tràng - Tiền GiangChùa Vĩnh Tràng - Tiền Giang

Tổng thể chùa được xây dựng theo hình dáng chữ Quốc của Hán tự, gồm 4 gian nối tiếp nhau là Tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ và nhà Hậu… Các gian nhà đều được làm bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao và xung quanh xây tường vững chắc. Phía trước chùa Vĩnh Tràng có hai cổng tam quan được tạo nên từ ghép những mảnh sành sứ có để minh họa cho lịch sử nhà Phật với đủ hình dáng của long, lân, quy, phượng, ngư, tiều, canh, mục… rất ấn tượng và đặc sắc. Chùa Vĩnh Tràng có tổng diện tích khoảng 2 ha gồm nhiều khu vực như Phật đài A Di Đà cùng với khoảng 60 bức tượng Phật đặc sắc được làm bằng gỗ, đồng hoặc đất nung, chánh điện chính, tượng đài quan âm, vườn tháp, phòng phát hành kinh sách…

Là điểm đến chỉ cách trung tâm thành phố Mỹ Tho hơn 4km, mất khoảng 10 phút để di chuyển. Việc tìm đường đến chùa Vĩnh Tràng tương đối khá dễ dàng, chỉ cần đi theo cung đường Ấp Bắc – Nguyễn Trãi – Nguyễn Văn Giác – Nguyễn Trung Trực là đến. Cụ thể, đầu tiên bạn xuất phát từ trung tâm thành phố Mỹ Tho (ngã tư Ấp Bắc) di chuyển theo đường Ấp Bắc qua vòng xoay vào vào đường Nguyễn Trãi (qua cầu Nguyễn Trãi). Tiếp tục trên cầu Nguyễn Trãi bạn đi thẳng đường Nguyễn Văn Giác đến ngã ba giao đường Nguyễn Trung Trực. Rẽ trái đường Nguyễn Trung Trực đi khoảng 200m nữa là đến chùa Vĩnh Tràng.

Khi đến viếng thăm tại chùa bạn cần lưu ý các điều sau: Đi nhẹ, nói khẽ, không cười nói to nơi tôn nghiêm. Đây cũng là không gian sống và sinh hoạt của các vị sư nên bạn cần tôn trọng không gian riêng tư và không làm xáo trộn nếp sinh hoạt trong chùa. Mặc trang phục lịch sự khi vào chùa.

10

Chùa Bửu Lâm – Tiền Giang

Bửu Lâm – ngôi chùa cổ tọa lạc tại đường Anh Giác, phường 3, thành phố Mỹ Tho. Chùa là một trong bốn tổ đình dòng Lâm tế Chánh tông. Giữa tán cây xanh mát, ngôi chùa được cất xây dựng năm 1742 theo kiểu Nội công ngoại quốc, có diện tích 987 m2.

Chùa Bửu Lâm - Tiền Giang-min (3)Chùa Bửu Lâm - Tiền Giang-min (3)

Trải qua hơn 200 năm với 10 đời truyền thừa, trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Từ Lâm, chùa đã nhiều lần trùng tu nhưng đến nay chùa vẫn còn giữ lại nét kiến trúc ban đầu lúc mới xây dựng, gồm 3 phần: Tiền đường, Chánh điện và Hậu tổ. Trong chùa có nhiều bức tượng cổ trong đó có tượng Bồ đề Đạt Ma được đúc từ năm 1802, ba tấm hoành phi được các Phật tử cúng hiến vào năm 1909, 40 câu đối chữ Nho được khắc trên gỗ từ đầu thế kỷ 20…

Khuôn viên rộng rãi, nhiều cây cảnh đẹp, du khách tham quan ngắm cảnh dưới những hàng dừa xanh cao vút, bên cạnh là những vườn cây ăn trái trĩu quả. Chắc chắn rằng, sau khi chiêm bái, vãng cảnh tại chùa, du khách sẽ thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn.

11

Chùa Linh Thứu – Tiền Giang

Chùa Linh Thứu có tên đầy đủ là Sắc Tứ Linh Thứu, cũng thường được gọi là chùa Sắc Tứ, là một ngôi chùa cổ nổi tiếng và đã từng được vua Gia Long ban sắc của tỉnh Tiền Giang. Bên ngoài chùa với hình ảnh và màu sắc mang đầy nét cũ kỹ của thời gian. Điện Phật được bày trí trang nghiêm, khuôn viên chùa là nơi bảo tồn nhiều pho tượng cổ, đại hồng chung (năm 1745), nhiều bao lam chạm trổ cầu kỳ và mang ý nghĩa lớn trong đạo Phật.

Chùa Linh Thứu - Tiền Giang-minChùa Linh Thứu - Tiền Giang-min

Bạn có thể đến đây để vãn cảnh, tham gia tuổi sinh hoạt của Phật tử vào buổi chiều mỗi ngày. Hoặc thong thả cảm nhận không gian yên tĩnh, thành kính và nhẹ nhõm sau chuỗi ngày làm việc vất vả. Thả lỏng thân tâm để nạp thật nhiều hạt giống thiện lành.

Bạn có thể di chuyển đến đây một cách dể dàng bằng ô tô hoặc xe máy. Bắt đầu xuất phát từ trung tâm thành phố Mỹ Tho (vòng xoay đường Ấp Bắc giao đường Nguyễn Quân). Bạn đi đường Ấp Bắc đến vòng xoay QL1A đi QL1A về huyện Châu Thành. Đến ngã tư Đồng Tâm, bạn rẽ trái đi đường tỉnh lộ DT870 đến ngã ba đường Ấp Chợ (qua trạm y tế xã Phước Thạnh). Bạn rẽ trái là đến chùa Linh Thứu.

12

Chùa Phật Ân – Tiền Giang

Hấp dẫn du khách bởi chùa là một trong số ít những ngôi chùa có kiến trúc đậm nét Phật Giáo, chùa là trường trung cấp Phật Học đào tạo tăng ni phật tử. Đến đây, du khách được ngắm cảnh chùa, chiêm bái, phúng viếng cầu bình an cho gia đình đồng thời có dịp được tìm hiểu nhiều thông tin về Phật Giáo. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho Phật Giáo.

Chùa Phật Ân - Tiền GiangChùa Phật Ân - Tiền Giang

Bao trùm chùa Phật Ân là không khí thanh tịnh và uy nghiêm khác với sự ồn áo, náo nhiệt bên ngoài chùa. Chính cái không khí thanh tịnh và bình yên đó kết hợp với vẻ đẹp kiến trúc đẹp mắt, chùa Phật Ân trở thành một trong những địa điểm du lịch Tiền Giang được nhiều khách du lịch tìm đến tham quan, ngắm cảnh.

13

Nhà thờ Cái Bè – Tiền Giang

Nằm nổi bật bên dòng sông Tiền êm đềm, mặt hướng ra chợ Cái Bè sầm uất, Nhà thờ Cái Bè uy nghiêm nhìn ngắm những hoạt động thường ngày diễn ra. Điểm đặc biệt của nhà thờ đó là được xây dựng trên kiến trúc Roman của phương Tây những năm 1930 bằng bê tông cốt thép đúc đá từ năm 1929 đến 1932 với khuôn viên rộng và mát mẻ.

Nhà thờ Cái Bè - Tiền Giang-minNhà thờ Cái Bè - Tiền Giang-min

Người dân theo đạo Thiên Chúa ở đây cũng rất đông nên có khá nhiều con chiên về dự lễ mỗi dịp cuối tuần hay những ngày lễ lớn, những ngày kỉ niệm. Ngoài mang giá trị tôn giáo, nhà thờ Cái Bè còn được nhiều người biết đến là điểm du lịch Tiền Giang được đông đảo du khách đến tham quan và chụp ảnh.

14

Nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho – Tiền Giang

Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở Mỹ Tho là nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê, do các linh mục thừa sai dựng nên. Kế đó vào năm 1866, Giám mục Miche đã cho xây dựng một nhà thờ mới có tên gọi Nhà thờ Vĩnh Tường được dâng kính Thánh Tâm. Nhà thờ này được xây dựng theo lối kiến trúc Hy Lạp – Rôma thời Phục Hưng tuy nhiên hiện nay do xuống cấp nên không còn được sử dụng

Nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho - Tiền Giang-minNhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho - Tiền Giang-min

Ngôi nhà thờ thứ ba được khởi công xây dựng ngày 11 tháng 8 năm 1906 bởi linh mục Régnier (Gẫm), bên kia đại lộ Bourdais, nay là đại lộ Hùng Vương và hoàn thành vào năm 1910. Về cơ bản, nhà thờ này giữ lại lối kiến trúc của Nhà thờ Vĩnh Tường. Do xây dựng trên nền đất sình nên chiều cao của nhà thờ phải hạ thấp để đảm bảo an toàn. Ngôi nhà thờ có chiều cao 24m, chiều dài 53m, chiều rộng hơn 17m, một gian chính và hai gian phụ hai bên. Kết cấu chính của tòa nhà được xây theo lối cột tròn chống đỡ, mái vòm được trang trí bằng nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo.

15

Nhà Bạch công tử Lê Công Phước – Tiền Giang

Nhà Bạch công tử Lê Công Phước được xây dựng vào năm 1925 – 1926 với tổng diện tích 322 m2 trên một khu đất rộng hơn 4.000 m2, tọa lạc tại làng Mỹ Chánh, quận Kiến Hưng, tỉnh Định Tường nay là số 62, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 3, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Năm 1909 ông du học tại Pháp và có tên là George Phước. Ông được đi du học bên Pháp nên rất “sính” chất Tây. Căn nhà cũng được xây theo kiến trúc phương Tây đặc trưng của những gia đình giàu có vào đầu thế kỷ XX.

Nhà Bạch công tử Lê Công Phước - Tiền Giang-minNhà Bạch công tử Lê Công Phước - Tiền Giang-min

Toàn bộ hệ thống kèo đều làm bằng gỗ quý, đặc biệt nhà có tới 8 mái lợp bằng ngói vảy cá. Tường dày 20 cm, bó nền bằng gạch thẻ, ốp đá da quy, nền lót gạch bông. Trên vòm cửa chính và các vòm cửa bên trái, bên phải đều được chạm nổi, chạm lọng các đề tài rồng, phượng, chim, thú và hoa lá tinh xảo.

Ngày 27.1.2016, tỉnh Tiền Giang có quyết định xếp hạng nhà Bạch Công tử là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. TP Mỹ Tho đã sưu tầm và phục dựng lại các đồ vật trang trí trong nhà như bàn ghế, đèn chùm, bộ trường kỷ.. phục dựng lại các tiểu cảnh, trồng thêm cây xanh ở hai bên và phía trước nhà để phục vụ khách tham quan du lịch Tiền Giang.

Trải qua gần 100 năm tồn tại, ngôi nhà Bạch công tử vẫn nguyên nét đẹp xưa và được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ độc đáo tại TP Mỹ Tho trở thành điểm đến thú vị hấp dẫn thu hút du khách gần xa.

16

Nhà Đốc Phủ Hải – Tiền Giang

Vùng đất Gò Công không lớn lắm nhưng lại có khá nhiều Di tích cấp Quốc gia đã được xếp hạng: Cụm di tích Đền thờ – Lăng mộ – Tượng dài Anh hùng dân tộc Trương Định, Đền thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng – Lăng Hoàng gia, Nhà Đốc Phủ Hải

Nhà Đốc Phủ Hải - Tiền Giang-min (1)Nhà Đốc Phủ Hải - Tiền Giang-min (1)

Nhà Đốc Phủ Hải tọa lạc ở phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang là một ngôi nhà cổ có lối kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông – Tây độc đáo. Mặc dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, ngày càng được nhiều du khách đến tham quan chụp hình mỗi khi có dịp du lịch Tiền Giang. Về xứ Gò Dông ghé thăm nhà cổ, tận mắt chứng kiến những cổ vật, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc bạn có thể cảm nhận cuộc sống vương giả của một gia đình Đốc phủ.

Ngôi nhà do bà Trần Thị Sanh con của Bá hộ Trần Văn Đồ dựng năm 1890. Nhà được xây cất theo dạng chữ Đinh (lúc ban đầu), qua nhiều lần tu bổ và xây dựng, toàn bộ ngôi nhà ngày nay gồm ba phần: nhà chánh, hai nhà vuông-nơi ở của những người giúp việc và lẫm lúa (kho thóc của địa chủ).

Trong nhà còn có các đồ dùng quý như tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam thế kỷ 17-18. Nổi bật là giường Thất Bảo lát những tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau, chân chạm nổi hoa lá, khảm xà cừ và hai bộ đi văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen. Đặc biệt các bức tranh vẽ trên kính, hai bộ tranh hạt cườm bằng nhung đỏ, 8 tấm thêu mai – lan – cúc – trúc, xuân – hạ – thu – đông.

Ngoài những điểm độc đáo trong kiến trúc xây dựng thì nhà cổ Đốc Phú Hải được nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu đó là những câu chuyện xoay quanh ngôi nhà. Nhà Đốc Phủ Hải đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994.

17

Đình cổ Tân Đông – Tiền Giang

Đình Tân Đông hay còn gọi là Đình Gò Táo nằm ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang được biết đến là một ngôi đình độc nhất vô nhị bởi lịch sử, kiến trúc và chính sự bí ẩn sức hấp dẫn từ những điều cỗ xưa, cũ kỹ.

Đình cổ Tân Đông - Tiền GiangĐình cổ Tân Đông - Tiền Giang

Chính những búi trễ của hai cây bồ đề (một cây đã bị trộm) đã len lỏi chằng chịt bó kín các bức tường quanh đình, nhất là 5 vòm cửa mặt tiền ngôi đình khiến cảnh tượng trở nên ngoạn mục, lôi cuốn các du khách hiếu kỳ. Với khung cảnh kỳ bí, độc đáo, nơi đây hẳn thu hút nhiều du khách phương xa đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh khi đến địa điểm du lịch Tiền Giang nổi tiếng này.

18

Bảo tàng Tiền Giang – Tiền Giang

Bảo tàng tỉnh Tiền Giang được thành lập năm 1980, tọa lạc ngay Trung tâm TP. Mỹ Tho, là nơi nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày giới thiệu giá trị của di sản văn hóa địa phương và dân tộc. Với khuôn viên thoáng mát, cạnh bờ sông Bảo Định, Bảo tàng có nhiều khu trưng bày các hình ảnh, hiện vật về các nền văn hóa cổ, các cuộc kháng chiến, văn minh miệt vườn và văn hóa phi vật thể. Đến với Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, chúng ta sẽ có cái nhìn khái quát về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tiền Giang, về tính cách và sinh hoạt của người Tiền Giang. Đây là điểm du lịch lý tưởng cho mục đích tham quan, nghiên cứu và học tập.

Bảo tàng Tiền Giang - Tiền Giang-minBảo tàng Tiền Giang - Tiền Giang-min

Bảo tàng tỉnh Tiền Giang hiện đang lưu giữ trên 37.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu về địa phương Tiền Giang, trong đó đặc biệt là bộ sưu tập những hiện vật có giá trị như: Tiền cổ, đồ gia dụng bằng đồng và hình ảnh, hiện vật thời kháng chiến.

Bảo tàng gồm 2 khu trưng bày: Khu trưng bày thứ nhất là nơi lưu giữ những hiện vật tái hiện văn hóa Óc Eo (thế kỷ IV – VIII), chiến trận Rạch Gầm – Xoài Mút (1/1785), cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, bốn ông ở Cai Lậy…), những hiện vật gốm sứ, đồ gia dụng thế kỷ XIX và XX thể hiện hoàn cảnh lịch sử của địa phương lúc bấy giờ. Khu trưng bày thứ hai là nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật thể hiện hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của quân dân hai tỉnh Mỹ Tho – Gò Công đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, “Chương trình Ngọt Hóa Gò Công”.

Khi ghé thăm nơi đây các cán bộ thuyết minh của Bảo tàng tỉnh hướng dẫn tham quan, giới thiệu khái quát về vị trí địa lý tự nhiên, cảnh quan, các di tích lịch sử – văn hóa trên đất Tiền Giang. Từ đó, giúp du khách hiểu sâu sắc về giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất này.

19

Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút – Tiền Giang

Một trong những địa điểm du lịch được giới trẻ Tiền Giang quan tâm và thường xuyên ghé thăm vào những dịp lễ hay ngày cuối tuần đó chính là Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút. Đây cũng là khu di tích thu hút nhiều sự quan tâm của khách ngoài tỉnh bởi đây là nơi từng diễn ra trận thủy chiến đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược năm 1785.

Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút - Tiền Giang-minKhu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút - Tiền Giang-min

Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút được khởi công xây dựng và khánh thành vào ngày 20 tháng 1 năm 2005. Nơi đây có tổng diện tích hơn 02 ha, khu di tích gồm tượng anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của di tích. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 mét, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền. Nhà trưng bày số 1 là trưng bày dãy tranh ghép gốm và nhiều hiện vật liên quan đến trận đánh. Nhà trưng bày số 2 nơi trưng bày bộ sưu tập hiện vật về Rạch Gầm – Xoài Mút, có khoảng 546 hiện vật lớn nhỏ bao gồm những phương tiện sử dụng và vũ khí của cả hai bên. Nhà cổ Nam Bộ gồm 3 gian, 2 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái ngói âm dương, có diện tích 225 m2. Trong nhà các vật dụng được xếp đặt nhằm tái hiện cuộc sống của những người dân phú nông của đất Nam Bộ xưa. Ngôi nhà cổ này được phục chế lại và chuyển nguyên vẹn từ huyện Gò Công về.

Khi đến đây các bạn sẽ có dịp tìm hiểu về chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút lừng danh một thời, hồi tưởng lại trần chiến lịch sử của ông cha và thêm tự hào về vùng đất đầy oai hùng. Ngoài việc tham quan, ngắm nhìn những di sản lịch sử bạn còn được dạo mát dưới bóng cây của khuôn viên, thưởng thức ly trà chanh mát rượi và ngồi nhấm nháp món bánh tráng chấm dẻo thơm.

20

Giếng nước – Tiền Giang

Được đào cách đây hàng trăm năm, một “giếng nước” ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang có kích cỡ khủng với chiều rộng miệng giếng lên đến hàng trăm mét là điểm nhấn của thành phố cổ xưa nhất Miền Tây.

Giếng nước - Tiền GiangGiếng nước - Tiền Giang

Không phải bất cứ cái hồ nào cũng “bị” gọi là giếng, ở Mỹ Tho chỉ có hai cái giếng bất đắc dĩ, đó là Giếng Nước Lớn và Giếng Nước Nhỏ. Hai anh em nhà Giếng nằm cạnh nhau, ngăn cách bởi con đường Lý Thường Kiệt, tạo nên quần thể Công viên Giếng Nước (nay là Công viên Tết Mậu Thân), nơi điều hòa nhiệt độ và là lá phổi xanh cho cả thành phố.

Giếng Nước Nhỏ nằm phía gần bờ sông Tiền, hình vuông, mỗi cạnh khoảng 150 mét. Tại đây có dịch vụ đạp vịt trên hồ, chiều chiều người dân ngồi câu cá ven bờ. Giếng Nước Lớn hình chữ nhật, dài 800 mét, rộng 150 mét, nằm gần chợ Thạnh Trị và bờ rạch Bảo Định.

Lòng hồ yên ả, có những mảng phủ đầy lục bình xanh ngắt. Với những mảng cây xanh được chăm tỉa tốt, đây là nơi tập thể dục lý tưởng của người dân, là nơi trai gái hẹn hò nhau. Và một khu vực dành riêng cho những trò chơi trẻ em.

21

Công viên Lạc Hồng – Tiền Giang

Công viên Lạc Hồng nhỏ xinh tọa lạc ven con sông Tiền, là nơi người dân thành phố Mỹ Tho thường đi dạo hóng gió, tập thể dục, cà phê. Từ công viên, bạn có thể ngắm nhìn cây cầu Rạch Miễu xinh đẹp bắc ngang qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Công viên Lạc Hồng - Tiền Giang-minCông viên Lạc Hồng - Tiền Giang-min

Hiên ngang đứng ngay đầu công viên là tượng đài một thủ lĩnh nghĩa quân yêu nước, một tấm gương anh hùng chống ngoại xâm từ thế kỷ XIX thời triều Nguyễn: tượng Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân. Bức tượng hoàn thành vào ngày 30/4/1985, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng miền Nam và tròn 110 năm ông ngã xuống. Một bên chân tượng có khắc 4 câu trích thơ ứng khẩu của Nguyễn Hữu Huân trên đường ra pháp trường thuở xa xưa ấy:

Hai bên thiên hạ thấy hay không?
Một gánh cương thường há phải gông
Oằn oại đôi vai quân tử trúc
Nghênh ngang một cổ trượng phu tòng

Một bên khắc 8 câu thơ điếu Nguyễn Hữu Huân (khuyết danh tác giả):

Hạn mã nan kham vị quốc cừu
Chỉ nhân binh bãi trí thân hưu
Anh hùng mạc bả doanh thâu luận
Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu
Vô bố dĩ kinh hồ lỗ phách
Bất hàng cam đoạn tướng quân đầu
Đương Kim Tho thủy ba lưu huyết
Long đảo thu phong khởi mộ sầu!

22

Vườn hoa Mãn Đình Hồng – Tiền Giang

Với diện tích 1,1 ha, vườn hoa Mãn Đình Hồng gồm nhiều chủng loại hoa khác nhau như hoa hướng dương, hoa cải, cosmos… được trồng theo từng luống, xen kẽ với nhau, tạo thành một cánh đồng hoa đầy màu sắc. Không gian rộng lớn của vườn hoa giúp đây là một địa điểm hoàn hảo cho các cặp đôi muốn tìm một địa điểm chụp ảnh cưới gần gũi với thiên nhiên. Ngày càng có nhiều bạn trẻ cũng muốn tới đây thăm thú và ghi lại những khoảnh khắc đẹp của tuổi thanh xuân. Không những vậy, chủ vườn còn có phòng thay quần áo miễn phí, dịch vụ cho thuê đồ để bạn thỏa thích “biến hóa” với nhiều kiểu ảnh.

Vườn hoa Mãn Đình Hồng - Tiền Giang-minVườn hoa Mãn Đình Hồng - Tiền Giang-min

Vườn hoa Mãn Đình Hồng nằm cách ngã ba Trung Lương hơn 3 km theo hướng Mỹ Tho đi Mỹ Thuận, nằm gọn giữa những vườn cây ăn trái của ấp Phước Thuận, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho. Trước đây vườn hoa chỉ mở phục vụ khách từ dịp tết Nguyên Đán tới kì nghỉ lễ 30/4, 1/ 5, tuy nhiên, ngày càng có nhiều loài hoa mới được chủ vườn thử nghiệm theo mùa và thu được kết quả khả quan. Vì thế, vườn hoa Mãn Đình Hồng đang dần chứng minh khả năng hút khách lớn bên cạnh các địa điểm du lịch khác tại Tiền Giang.

Đến đây bạn cũng có thể thuê các loại trang phục mình yêu thích như áo dài, áo bà ba và các trang phục mình yêu thich để giúp bộ ảnh của mình thêm lung linh và phù hợp hơn với khung cảnh nơi đây. Ngoài ra tại đây cũng phục vụ nước uống và đồ ăn vặt cùng bãi xe rộng rãi thuận tiện cho việc đỗ xe.

23

Bách Nhật Hoa Viên – Tiền Giang

Bách Nhật Hoa Viên tọa lạc tại ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nằm gần Quốc lộ 1A và vòng xoay ngã 4 Đồng Tâm. Vườn hoa Bách Nhật Hoa Viên là nơi tích hợp rất nhiều điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam. Với tổng diện tích hơn 5000 m2, vườn hoa này đầu tư thành rất nhiều hạng mục khác nhau. Đứng vào bất kỳ góc nào ở đây, bạn cũng đều có những bức hình lung linh.

Bách Nhật Hoa Viên - Tiền GiangBách Nhật Hoa Viên - Tiền Giang

Đầu tiên là khung cảnh làng quê miệt vườn miền Tây với những cánh đồng hoa rực nở trong nắng sớm. Ở Bách Nhật Hoa Viên có nhiều loài hoa như cánh bướm, hoa cúc, hoa hướng dương, hoa sen,…bạn có thể đi dạo trong những luống hoa, có thể tạo dáng bên ao sen với trang phục phù hợp. Và dĩ nhiên, nhớ mang theo nhiều váy áo đẹp để có những bộ ảnh chất lừ nhất. Không chỉ có những vườn hoa đậm chất làng quê mà ở phim trường Bách Nhật Hoa Viên còn có một phim trường mang vẻ đẹp cổ điển, yên bình của Hội An, hay ngôi nhà gỗ đậm chất vùng cao, góc cảnh Nhật Bản.

Ngoài một loạt góc đẹp để sống ảo, phim trường đẹp ở Tiền Giang này còn liên tục cập nhật những tiểu cảnh check đang làm mưa làm gió thời gian qua. Tiêu biểu là nấc thang lên thiêng đường lãng mạn, cối xay gió, thác núi hay cây cầu gỗ uốn lượn nằm giữa hồ sen,… Tất cả tiểu cảnh được bày trí công phu và chỉn chu, lúc nào cũng sẵn sàng để cùng du khách tạo ra những bộ hình tuyệt sắc.

24

Chợ đêm Mỹ Tho – Tiền Giang

Chợ đêm là một nét văn hóa độc đáo của người dân sinh sống ở miền Tây sông nước. Chợ đêm không chỉ là nơi giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là địa chỉ du lịch yêu thích của khách du lịch miền Tây vào buổi tối. Ở miền Tây có nhiều ngôi chợ đêm nổi tiếng hấp dẫn du khách như chợ đêm Hà Tiên, chợ đêm Tây Đô, chợ đêm Cần Thơ… nhưng hấp dẫn du khách đến mua sắm nhiều nhất lại là chợ đêm Mỹ Tho ở Tiền Giang.

Chợ đêm Mỹ Tho - Tiền Giang-minChợ đêm Mỹ Tho - Tiền Giang-min

Nằm ở số 8 đường 30/4 thuộc TP.Mỹ Tho, chợ đêm Mỹ Tho là một trong những địa điểm du lịch Mỹ Tho vào buổi tối thu hút đông đảo khách du lịch đến vui chơi, mua sắm và ăn uống. Chợ đêm Mỹ Tho chỉ mở cửa vào buổi tối cho đến tận đêm khuya nên mới được gọi là chợ đêm. Mỗi ngày, bắt đầu từ 18h, chủ những gian hàng trong chợ đêm Mỹ Tho lại mở cửa buôn bán khiến không gian chợ đêm trở nên ồn ào và náo nhiệt. Chợ đêm Mỹ Tho thường mở cửa vào lúc 18h mỗi ngày. Tuy nhiên, du khách nên đến chợ đêm Mỹ Tho vào lúc 19h vì đây mới là khoảng thời gian mà chợ đêm Mỹ Tho sôi động nhất. Từ 19h – 22h, cả con đường 30/4 đều sáng trưng ánh đèn. Các gian hàng trong chợ đêm lúc này đã mở cửa đầy đủ và các hoạt động mua bán diễn ra vô cùng tấp nập.

Các gian hàng ở chợ đêm Mỹ Tho bán rất nhiều mặt hàng tiêu dùng, quần áo, giày dép… đủ kiểu dáng, từ cao cấp đến bình dân, cái gì cũng có. Nếu là một tín đồ mua sắm thì du khách chắc chắn sẽ thích mê các món hàng thời trang trẻ trung, đa dạng được bày bán tại các gian hàng trong chợ. Đặc biệt, giá cả của những mặt hàng được bày bán trong chợ đêm Mỹ Tho còn thấp hơn giá cửa hàng bên ngoài, mẫu mã và chất lượng lại tương đồng nên khách du lịch thích trải nghiệm mua sắm ở chợ đêm Mỹ Tho hơn các trung tâm thương mại trong thành phố.

Bên cạnh những gian hàng quần áo và giày dép thì khách du lịch còn thích ghé lại những gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức. Những món đồ được các nghệ nhân Bến Tre chế tác bằng trái dừa tinh xảo, nhiều kiểu dáng bắt mắt, cùng những chiếc vòng cổ, vòng tay được làm từ vỏ sò, vỏ ốc… vô cùng độc đáo là những mặt hàng được khách du lịch chọn mua nhiều nhất ở chợ đêm Mỹ Tho.

25

Trại rắn Đồng Tâm – Tiền Giang

Tọa lạc tại ấp Bình Đức, xã Tân Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trại rắn Đồng Tâm được ví như vương quốc của các loài rắn với hơn 400 loài rắn các loại. Trại rắn Đồng Tâm được thành lập từ năm 1979 theo sáng kiến của trung tá Trần văn Được, nhằm mục đích xây dựng một trại rắn đa dạng để thu thập các huyết thanh kháng nọc rắn và góp phần vào việc xuất khẩu nọc rắn. Đối với những ai muốn trải nghiệm cảm giác mạo hiểm thì đến nơi này sẽ mang lại cảm giác của một khu du lịch sinh thái đầy bí ẩn như một “mê cung rùng rợn”, trong một không gian khoảng 30 ha với những cây cổ thụ cao vút, xung quanh đều là “rắn và rắn”.

Trại rắn Đồng Tâm - Tiền Giang-minTrại rắn Đồng Tâm - Tiền Giang-min

Trại rắn Đồng Tâm được phân chia thành các khu vực sinh sống của các loài rắn khác nhau, gồm có: Khu nuôi rắn theo kiểu đảo hồ nước, với bốn bề xây tường cao ngang ngực, có một cửa ra vào. Bên trong đáy hồ sâu khoảng 30 – 40 cm, xăm xắp nước. Giữa hồ là một tiểu đảo, cỏ mọc um tùm, là nơi trú ẩn của các loài cóc, ếch, nhái, ễnh ương… là nguồn thức ăn cho các loài rắn. Khu nuôi các loài rắn độc như rắn hổ ngựa, rắn hổ cạp nong, rắn hổ mái gầm… Đặc biệt nhất ở đây có nuôi loài rắn hổ mang chúa, đó là một loài rắn cực độc, xếp vào bậc nguy hiểm “E”, được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra tại đây còn có khu nuôi dưỡng các loại như cá sấu, ba ba, cáo, gấu, công, đà điểu, nhím, kỳ đà, vượn má vàng…

Để đi đến trại rắn Đồng Tâm nếu xuất phát từ trung tâm TP.HCM, các bạn đi theo Quốc Lộ 1A chạy xe theo hướng miền Tây. Sau đó đi qua Long An rồi tiếp tục đi thẳng thêm khoảng 20km nữa thì sẽ tới ngã ba Trung Lương. Đến đây, bạn rẽ trái là đến với Mỹ Tho. Từ thành phố Mỹ Tho, bạn đi theo đường Lê thị Hồng Gấm về hướng cầu Rạch Miễu sẽ thấy bảng chỉ dẫn cụ thể đến trại rắn Đồng Tâm.

26

Làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp – Tiền Giang

Làng nhà cổ tọa lạc tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, với các ngôi nhà cổ nằm rải rác trong 6 ấp cùng huyện. Căn nhà có tuổi đời cổ nhất là 200 năm tuổi, còn lại khoảng 30 căn nhà có tuổi đời trong khoảng 100 năm, mang đậm nét kiến trúc nhà ở của người miền Tây xưa, được xây dựng giữa vườn cây trái xum xuê, vừa bí ẩn vừa cũ kỹ nhưng vẫn mang dáng dấp phương Tây quyền quý sẽ khiến bạn ấn tượng mãi về sau. Ngoài kiến trúc cổ, các cột chạm trổ, phản gỗ quý, trong các ngôi nhà vẫn lưu giữ được nhiều đồ dụng quý và đẹp, cho thấy thú chơi phong lưu của những gia đình giàu có chức quyền ở Nam bộ thời xưa.

Làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp - Tiền Giang-minLàng nhà cổ Đông Hòa Hiệp - Tiền Giang-min

Để đến làng nhà cổ bạn có thể di chuyển theo quốc lộ 1A đến ngã ba Cái Bè, rẽ vào tỉnh lộ 875 tầm 4 km đến trung tâm thị trấn Cái Bè, đi thêm 2 km nữa đến cầu số 2, bạn sẽ nhìn thấy bảng chỉ đường vào các nhà cổ: Ba Đức, ông Xoát, ông Tòng…

Đến thăm làng nhà cổ tại Đông Hòa Hiệp bạn sẽ được dạo bước trên con đường rợp bóng cây xanh, hít thở bầu không khí trong lành của miền quê yên bình và ngắm nhìn vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ có niên đại trên 150 năm.

27

Cánh đồng khóm Tân Phước – Tiền Giang

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích khóm (dứa) với hơn 15.000 ha. Đây là loại khóm nổi tiếng khắp cả nước nhờ hương vị ngon đặc trưng. Cánh đồng khóm bạt ngàn, màu xanh hút mắt trải dài đến tận chân trời, cảnh sắc vô cùng bình yên trở thành bối cảnh chụp ảnh tuyệt đẹp và ấn tượng. Ngoài ra, các bạn có thể hỏi mua khóm và thưởng thức trái khóm chín vàng ươm ngọt thanh ngay tại vườn.

Cánh đồng khóm Tân Phước - Tiền Giang-minCánh đồng khóm Tân Phước - Tiền Giang-min

Ở vùng đất này đã cho ra đời một loại đặc sản đó là kẹo khóm. Hiện kẹo khóm Tân Phước là một trong những đặc sản nổi tiếng thơm ngon, mang tính chất làng nghề mới nổi lên của tỉnh Tiền Giang nói chung, của huyện Tân Phước nói riêng. Kẹo khóm Tân Phước có vị chua chua, ngọt ngọt, có vị thơm béo của đậu phộng, mè, vỏ tắc, vị the the của gừng là món ăn vặt hay món ăn nhâm nhi uống trà lý tưởng cho tất cả mọi người.

28

Vườn trái cây – Tiền Giang

Đến với Tiền Giang mà bạn bỏ lỡ những chuyến đi vào những khu vườn trái cây đầy mê hoặc thì quả là một điều thiếu sót. Vì nơi đây được mệnh danh là vùng đất trái cây ngọt lành với những quả vang danh khắp chốn như: quýt Cái Bè; chôm chôm, nhãn Tân Phong, sầu riêng Ngũ Hiệp, sapoche Tam Bình, vú sữa Vĩnh Kim và còn nhiều loại trái cây khác nữa.

Vườn trái cây - Tiền GiangVườn trái cây - Tiền Giang

Đến với nơi được mệnh danh là “Thiên đường” trái cây Nam Bộ thì vừa đặt chân đến mảnh đất này bạn đã thấy đâu đâu cũng là vườn trái cây trĩu quả. Thế nhưng để được vào tận vườn bạn phải tìm đến những khu vườn được khai thách dành cho du lịch. Bạn có thể ghé qua các vườn trái cây sau:

  • Vườn trái cây Đinh Văn Sơn tại Mỹ Hạnh Trung, Cai Lậy, Tiền Giang
  • Du lịch Chính Thương (vườn trái cây) tại Tân Phong, Cai Lậy, Tiền Giang
  • Vườn trái cây A LinhHuyện Lộ 94C, Thới Sơn, Châu Thành, Tiền Giang
  • Vườn trái cây Thầy Tuấn tại tại Tân Phong, Cai Lậy, Tiền Giang
  • Vườn Sầu Riêng Tiền Giang tại Mỹ Long, Cai Lậy, Tiền Giang

Khi đến với những vườn trái cây này bạn sẽ được tận tay hái và thưởng thức những loại trái cây có trong vườn. Thỏa thích ăn đến căng da bụng với trọn gói phí vào cổng và tham quan và chắc chắn sau chuyến đi bạn sẽ có một bộ ảnh thật xin với khung cảnh miệt vườn cây trái. Bên cạnh đó bạn cũng có thể mua những quả mình thích để về làm quà cho người thân, gia đình. Được thưởng thức những quả chín mọng, ngọt lành ngay tại vườn thì không còn gì tuyệt vời hơn đúng không nào?

Đến đây, chắc hẳn bạn đã hết thắc mắc “Tiền Giang có gì chơi” rồi phải không? Nếu bạn đến với Tiền Giang thì hãy ghé thăm những địa điểm du lịch trên đây để khám phá vẻ đẹp của mảnh đất này nhé. Bạn sẽ không phải thất vọng đâu. Chúc các bạn có một chuyến đi du lịch tại Tiền Giang thật vui vẻ và nhiều ý nghĩa.