Tiêm thuốc kháng sinh: Cảnh giác sốc phản vệ
Thuốc kháng sinh được nhiều người tin rằng sẽ điều trị bệnh hiệu quả và nhanh hơn. Nhưng khi nào thực sự cần thiết sử dụng uống hoặc tiêm kháng sinh và dấu hiệu nhận biết người bệnh bị sốc phản vệ thì không phải ai cũng biết.
1. Trong trường hợp nào thì tiêm hoặc uống thuốc kháng sinh?
Tiêm thuốc kháng sinh vẫn được các thầy thuốc đánh giá cao vì tác dụng nhanh và hiệu quả cao, do ưu điểm là thuốc sẽ được hấp thụ trực tiếp và trọn vẹn vào máu, như vậy, thuốc không qua hệ tiêu hóa nên không bị dịch tiêu hóa và gan chuyển hóa. Thuốc sẽ càng có tác dụng hơn khi tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch thuốc kháng sinh sẽ nhanh chóng đến ổ nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiêm thuốc kháng sinh, ví dụ đối với bệnh nhân không thể đưa thuốc vào đường tiêu hóa được, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn quá nặng (nhiễm khuẩn máu có choáng chẳng hạn), có rối loạn hấp thu tại đường tiêu hóa, cần khống chế ngay tình trạng nhiễm khuẩn tiến triển nhanh như trong nhiễm khuẩn máu do não mô cầu (đây là tình trạng rất nặng và tiến triển chớp nhoáng nhưng cũng may mắn là rất hiếm gặp).
Một lưu ý vô cùng quan trọng với mỗi trường hợp bệnh nhân cần tiêm kháng sinh đó là tình trạng sốc phản vệ có thể xảy ra ngay ở liều nhỏ hoặc xảy ra chậm tức là có khi đến mũi tiêm thứ hai, thứ ba phản ứng sốc phản vệ mới xảy ra.
Nhược điểm của tiêm kháng sinh là dễ gây phản ứng toàn thân hay tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc. Khi tiến hành tiêm thì cần có các dụng cụ thích hợp (ống tiêm, kim tiêm…). Truyền dịch kháng sinh phải có bộ dây truyền và phải tuyệt đối vô trùng, nếu không sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng (như áp-xe, nhiễm virus viêm gan B, C). Việc tiêm kháng sinh yêu cầu kĩ thuật và trình độ cao với các nhân viên ý tế, để tiêm đúng cách và tránh các hiện tượng sốc đối với người bệnh.
Như vậy, chỉ trong các trường hợp cụ thể, tiêm kháng sinh mới được sử dụng. Ngoài ra, kháng sinh đều có thể dùng đường uống với liều lượng thích hợp sẽ có tác dụng chữa bệnh y hệt đường tiêm. Dùng đường uống còn tránh được đau đớn cho bệnh nhân nhất là trẻ em, ít có tác dụng phụ và tai biến hơn tiêm, dễ dùng và giá thành hợp lý.
2. Dấu hiệu của sốc phản vệ khi tiêm thuốc kháng sinh
Mặc dù không bác sĩ hay người bệnh nào mong muốn bị tác dụng phụ khi tiêm thuốc kháng sinh, nhưng rủi ro đến chúng ta vẫn phải chấp nhận và có những hiểu biết cơ bản để hạn chế các nguy hiểm. Trước tiên, mỗi người cần phải nắm bắt những dấu hiệu của sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc kháng sinh và đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Bởi không ít các trường hợp chỉ vì coi nhẹ sốc phản vệ có nhiều triệu chứng mà người bệnh không thể nào biết, như uống thuốc xong bị rối loạn tiền đình, suy thận, mất tế bào máu… phải theo dõi nhiều ngày sau dùng thuốc mới nhận biết được bởi những cán bộ có chuyên môn.
Các phản ứng nhẹ ngay sau khi tiêm thuốc kháng sinh là tình trạng dị ứng trên da như: nổi mẩn đỏ da (có thể khu trú tại chỗ hoặc lan ra toàn thân). Phản ứng chậm hơn ở ngoài da sau vài giờ đến vài ngày như hội chứng Stevens – Johnson, hội chứng Lyell – bong da, tróc niêm mạc toàn thân, bệnh nhân cũng có thể tử vong sau đó vì nhiễm trùng da và nhiễm trùng huyết. Nặng nhất là phản ứng phản vệ mà biểu hiện lâm sàng thường gặp là sốc phản vệ.
Đặc biệt, người bệnh không sử dụng các biện pháp dân gian hay truyền miệng như uống nước đậu xanh, uống nước chanh, lòng trắng trứng… Bởi những biện pháp đều không có cơ sở khoa học và không cấp cứu được dị ứng thuốc. Nó không những không điều trị được bệnh mà còn khiến tình trạng bệnh trở nên nguy hiểm hơn.
Để hạn chế những tác dụng phụ của kháng sinh, người bệnh không nên lạm dụng thuốc kháng sinh và đặc biệt không tự mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt, bôi ngoài da có chứa kháng sinh cũng phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc.