Tiềm năng phát triển cực lớn của ngành Khoa học vật liệu

Ngành học

Tiềm năng phát triển cực lớn của ngành Khoa học vật liệu

Để hiểu rõ hơn vì sao Khoa học vật liệu quan trọng cũng như nắm rõ thông tin để ra quyết định chọn nghề thì bạn hãy cùng Rightpath.edu.vn tham khảo bài viết sau.

Khoa học vật liệu là ngành học nền tảng, cung cấp đầu vào cho lĩnh vực sản xuất tiêu dùng. Với vai trò quan trọng nhưng chưa được phát triển đúng mức này, Khoa học vật liệu sẽ sớm được mở đường rót vốn đầu tư trong tương lai. 

Tổng quan về ngành Khoa học vật liệu

Bạn từng nghe đến thuật giả kim chưa? Hay bí quyết chế tạo vàng từ các kim loại khác? Đâu đó đây chính là Khoa học vật liệu thuở sơ khai. Ngành Khoa học vật liệu là toàn bộ các hoạt động liên quan đến nghiên cứu về mối quan hệ giữa thành phần, công nghệ xử lý và tính chất của các vật liệu cũng như chế tạo vật liệu mới. Đối tượng nghiên cứu chính là chất rắn sau đó mới đến chất lỏng, chất khí.

Khoa học vật liệu nhắm tới nghiên cứu các tính chất cơ bản nhất để hiểu được bản chất vật liệu và từ đó tạo ra vật liệu mới như mong muốn. Chủ yếu là nghiên cứu cấu trúc, tính chất nhiệt, quang, cơ, điện, từ hoặc tổ hợp các tính chất đó.

Nhiều vấn đề khoa học cấp bách mà con người đang vướng phải thực chất là do giới hạn của vật liệu có sẵn và công nghệ sử dụng chúng. Những đột phá trong Khoa học vật liệu có ảnh hưởng sâu rộng tới tương lai công nghệ. Ngành khoa học này thúc đẩy đủ mọi lĩnh vực từ nghiên cứu đến công nghiệp ,hàng không, vũ trụ, quân sự và cả y học.

 

Khoa học vật liệu là ngành mũi nhọn của Đại học Quốc gia TP.HCM

PGS.TS. Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM – cho biết trong giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030, bên cạnh Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ sinh học, Y sinh, ngành Khoa học vật liệu, đặc biệt Khoa học vật liệu tiên tiến là một trong ba mũi đột phá của Đại học Quốc gia TP.HCM.

“Trong những năm qua, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tiên phong trong việc triển khai thí điểm đào tạo và nghiên cứu, trong đó quy mô đào tạo ngành Khoa học vật liệu bậc đại học và sau đại học khoảng 500 người/năm. Tuy nhiên, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển đất nước và chưa tương xứng với tiềm năng của Đại học Quốc gia”, ông Quân nhận định.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – nhiệm vụ của các trường đại học chính là đào tạo ra nguồn nhân lực khoa học và công nghệ vật liệu của Việt Nam sao cho tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Chương trình học có gì?

Chương trình đào tạo cung cấp kiến thức từ cơ bản đến chuyên ngành để phục vụ cho công việc lẫn nghiên cứu. Các môn học tiêu biểu có thể kể tới gồm: Khoa học vật liệu đại cương, Vật lý hạt nhân và nguyên tử, Cấu trúc thấp chiều và công nghệ vật liệu nano, Phương pháp phân tích cấu trúc vật liệu…

Bạn cũng được giới thiệu tìm hiểu các vật liệu tiên tiến khác như hợp kim đặc chủng, vật liệu tổ hợp, vật liệu nano, vật liệu quang điện tử… đây đều là vật liệu nền tảng của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật thế kỷ 21.

Chương trình bao gồm cả lý thuyết lẫn thực nghiệm cũng như cơ hội tham gia dự án nghiên cứu thực tế. Ngoài ra, sinh viên được trau dồi kỹ năng mềm quan trọng để tự tin gia nhập thị trường lao động trong nước lẫn quốc tế như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quản lý dự án… 

 

Các chuyên ngành phụ:

  • Vật liệu và linh kiện màng mỏng.

  • Vật liệu polymer & composite.

  • Vật liệu từ và y sinh.

Điểm chuẩn, khối thi và trường đại học đào tạo

Mã ngành Khoa học vật liệu: 7440122. Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, A02, B00, D07, C01, C02 và kỳ thi đánh giá năng lực. Hiện nay, không có nhiều cơ sở đào tạo ngành Khoa học vật liệu, bạn có thể đăng ký nguyện vọng tại:

  • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.

  • Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

  • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM.

  • Đại học Quy Nhơn.

Điểm chuẩn dao động từ 15 – 23,25. Trong đó, riêng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano với điểm chuẩn 23 năm 2021.

 

Tố chất để theo học Khoa học vật liệu

Nếu muốn trở thành sinh viên Khoa học vật liệu, các sĩ tử cần học tốt các môn tự nhiên như Toán học, Lý học, Hóa học. Trong đó, Toán học ứng dụng vào việc tính toán cấu trúc, kết cấu, đo lường kỹ thuật. Vật lý là môn cơ sở giúp bạn có thể hiểu được bản chất và đặc tính của từng loại vật liệu. Sau cùng Hóa học giúp người học nắm vững cấu trúc vật liệu, từ đó biết cách cần làm thế nào trong công tác gia công, sản xuất và sử dụng vật liệu. 

Tố chất quan trọng để theo đuổi ngành học này là tư duy logic và tư duy sáng tạo. Bạn cũng phải cẩn thận, kiên nhẫn và có khả năng tập trung cao, đặc biệt nếu có dự định phát triển nghề nghiệp theo hướng nghiên cứu.

Hiển nhiên, bên cạnh các năng khiếu sẵn có này, để có thể tiến xa hơn với ngành và đi xa hơn với nghề, bạn phải ham học hỏi, cập nhật kiến thức mới và có trình độ ngoại ngữ lẫn tin học cao.

Tags:

Tin liên quan

Bất động sản – Ngành “hot” nhất của người muốn làm giàu nhanh nhất

Những tố chất phù hợp với ngành Bất động sản bạn cần biết

Cơ hội việc làm hấp dẫn với sinh viên ngành Bất động sản

Những điều cần biết về ngành Công nghệ Thông tin

Kỹ năng người làm IT cần có để phát triển nghề nghiệp là gì?

Web Hướng Nghiệp

Địa chỉ: Đường 60 CL, Khu đô thị Cát Lái, P. Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP.HCM