Thuyết minh về một giống vật nuôi hay nhất (dàn ý – 8 mẫu) – Ngữ văn lớp 8 – Trường THPT Kiến Thụy
Đề bài: Thuyết minh về một giống vật nuôi
Nội Dung Chính
Dàn ý Thuyết minh về một giống vật nuôi
I. Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu đối tượng thuyết minh: con lợn (theo cách gọi miền Bắc) hoặc con heo (theo cách gọi miền Nam).
II. Thân bài
1. Nguồn gốc
– Có nguồn gốc từ lục địa Á – Âu.
– Lợn nhà ngày nay xuất phát từ lợn rừng được thuần hóa.
2. Đặc điểm
– Hình dáng đặc trưng:
+ Có bốn chân, chân thấp, có móng guốc
+ Toàn thân phủ một lớp lông cứng bên ngoài
+ Có mõm to, mũi to.
+ Hai tai to và vểnh.
– Tập tính vốn có của lợn (heo):
+ Là loài ăn tạp.
+ Có khứu giác phát triển, thích đào, bới.
+ Thích sống nơi râm mát, ẩm ướt.
+ Sinh nhiều con, nhiều lứa.
3. Vai trò trong cuộc sống
– Một số giống lợn được nuôi làm kiểng, thú cưng.
– Cung cấp thịt, da làm thực phẩm.
– Dùng để trao đổi, mua bán tăng nguồn thu nhập cho người chăn nuôi.
– Lợn và thịt lợn thường được dùng trong các buổi lễ, tế, thờ cúng.
– Lợn còn là nguồn cảm hứng cho sáng tác nghệ thuật (nó xuất hiện trong thơ ca, mỹ thuật, văn học…)
III. Kết bài
– Khẳng định lại vai trò của lợn đối với cuộc sống con người và cảm nhận của em đối với con vần vô cùng quen thuộc và có ích này.
Thuyết minh về một giống vật nuôi – con chó
Chó là giống vật nuôi đầu tiên được con người thuần hóa cách đây mười ngàn năm vào cuối kỉ băng hà. Tổ tiên của loài chó bao gồm cả cáo và chó sói, là một loài động vật có vú. Loài chó mà chúng ta thấy ngày nay được tiến hóa từ một loài chó nhỏ, màu xám. Vào cuối kỉ băng hà, cách đây 40.000 năm, chó sói và người sống chung với nhau thành nhóm săn mồi theo bầy. Sau đó, con người đã thuần hóa chúng trở thành chó nhà. Trong Tiếng Việt, cho được nhiều người gọi là cầy. Có những tên gọi quen thuộc đặt cho nó như Cún, Ki Ki, nhưng cũng có nhiều người đặt cho nó nhiều tên kiểu cách. Nó thuộc động vật bốn chân, ăn tạp.
Chó có bốn chi: hai chân trước và hai chân sau: ngực nỏ, bụng thon, chân nó thường có bốn ngón và một ngón treo, móng con. Chó ăn uống rất dễ, thức ăn nhiều khi lại là cơm thừa, canh cặn của chủ. Một số chó Nhật, hoặc béc giê được cưng chiều, lại ăn những thứ như lá lách heo, thịt bò vụn… Những con chó nào có bốn móng treo thường được gọi là “tứ túc huyền đề” đó là dấu hiệu của giống chó khôn. Xa xưa có câu:
“Chó khôn tứ túc huyền đề
Tai thì hơi cúp, đuôi thì hơi cong”.
Chó có những loài rất nhỏ như chó phốc (chỉ lớn hơn mèo một chút), có những loài rất to như chó béc giê. Lúc mới ra đời, chó không có răng, nhưng sau bốn tuần tuổi, chúng được 28 răng. Khi mọc đầy đủ là 42 chiếc. Mắt chó có đến ba mí. Tai của chúng có thể nhận được 35.000 âm rung chỉ trong một giây. Đặc biệt: Khứu giác của chúng cũng nhạy bén tuyệt vời; nó có tài đnahs hơi rất xa, phân biệt và ghi nhận được mùi của từng loại, có thể phân biệt gần 220 triệu mùi. Vì tai nó rất thính, nghe ngóng được, nhận rõ tiếng động rất nhẹ nên người ta thường nuôi nó để canh trộm, săn bắt cướp. Xưa nya có nhiều câu chuyện, phim ảnh kể về những khả năng săn bắt cướp tài tình của chó. Nó đã cũng với các chiến sĩ vượt nguy hiểm để săn lùng cho kì được những tên cướp dã man. Nhưng không chỉ thế, đặc tính nổi bật của nó là lòng trung thành. Nhiều câu chuyện có thật kể về con chó đi tìm chủ nửa vòng trái đất trong cả chục năm trời để được trở lại với chủ nghèo nàn ngày xưa. Khi nó về đến nơi thì nó đã già yếu lắm, bộ lông xơ xác, thân hình gầy gò. Còn ông chủ thì bệnh tật, vậy mà nó mừng rỡ, quấn quýt bên ông còn hơn cả lúc ở với ông chủ nhà giàu. Khi ông chủ đau bệnh rồi chết, mọi người chôn ông ngoài nghĩa trang, nó cũng ra nằm ở mồ mà nhịn ăn mà chết. Những năm gần đây, chuyện lạ quốc tế còn kể về một người tuyên bố đám cưới với chó. Điều đó có nhiều điều khiến ta suy nghĩ: một là người ấy bất bình thường, hai là người ấy muốn cho thế giới biết rằng loài chó rất đáng yêu, đức tính trung thành của nó có thể kết bạn trăm năm với loài người, xứng đáng làm bạn tri ân tri kỉ với loài người.
Trong văn học Việt Nam, có những hình ảnh con chó nổi tiếng như con Vàng của Lão Hạc, trong văn học nước ngoài có con chó Buck của Jack London.
Gần đây trong nhiều phim ảnh Đông Tây, nó là nhân vật chính trong những cuốn phim nhiều tập, làm say mê bao nhiêu khán giả. Ở nước ta hiện nay đã nhập khẩu nhiều giống chó rất xinh xắn như chó xù Trung Quốc, chó xù Nhật Bản, chó béc giê Anh – Pháp – Mỹ – Đức. Việt Nam có một giống chó rất khôn, sức vóc cũng gần bằng béc giê xuất xứ từ đảo Phú Quốc, gọi là chó Phú Quốc. Đời sống hiện nay văn minh, nước ta đã mở ra nhiều lớp huấn luyện chó để săn bắt cướp, đánh trộm, giữ nhà.
Ở một số nước kinh tế cao, người ta làm giàu bằng những dịch vụ chăm sóc chó như: làm nhà cho chó, thẩm mĩ viện chăm sóc cho chó, đồ hộp cho chó, tổ chức tang lễ cho chó….
Chó là một loài có ích hầu như không thể thiếu được trong đời sống con người. Dù nhà giàu hay nhà nghèo, dù cá nhân hay tập thể cơ quan luôn luôn có những người nuôi nấng, bảo vệ loài vật đáng yêu này.
Nhưng thỉnh thoảng có những con chó không may nhiễm phải vi rút lây bệnh dại sẽ trở nên vô cùng hung tợn hung hăng cắn người, người nào bị cắn cũng điên và chết… Cho nên nuôi chó phải có trách nhiệm chích ngừa bệnh dại cho nó. Một số người thiếu lòng nhân đạo chuyên làm nghề bán thịt chó, ăn thịt chó. Ở Việt Nam điều đó là bình thường, nhưng đối với các nước phương Tây thì đó là một sự tàn nhẫn.
Nếu ai có lòng thương yêu chó, nuôi nấng nó, sẽ hiểu hết được sự tinh khôn, tính trung thành của nó thì hãy có trách nhiệm chăm sóc nó cho chu đáo, để nó có thể sống trọn đời hạnh phúc với chúng ta.
Thuyết minh về một giống vật nuôi – con lợn
Cuộc sống của con người sẽ trôi đi tẻ nhạt và buồn chán biết bao nếu như không có những con vật để bầu bạn. Nếu như những chú mèo nhỏ xinh là con vật cưng của nhiều người, chú chó là người canh dữ dũng cảm thì chú lợn hiền lành, đáng yêu luôn đem lại cho người ta những giây phút thư giãn và yêu đời.
Chắc hẳn là ai cũng nhận biết được loài vật này, lợn đã trở thành một con vật nuôi quen thuộc với chúng ta. Lợn nhà có nguồn gốc từ lợn rừng, đầu tiên do con người săn bắn và hái lượm, họ bắt được lợn rừng và đem về nuôi. Dần dần con người ý thức và chọn lựa những con lợn tốt để nuôi còn những con kém chất lượng có thể giết thịt nhằm cung cấp thực phẩm. Tổ tiên của lợn chính là lợn rừng, cho rằng lợn nhà được tạo ra từ các giống lợn rừng châu Âu và châu Á.
Các giống lợn được phân thành các giống lợn chính và các giống lợn phụ. Ở rừng châu Á và châu Âu có tới bốn giống lợn chính và hai mươi lăm giống lợn phụ. Lợn ngày nay được tạo thành ba giống lợn phụ của châu Á là Sus orientalis, Sus vitatus, một giống lợn châu Âu Sus crofa. Lợn rừng và lợn hoang dã cũng là những giống lợn khác nhau ở vùng nhiệt đới và ôn đới. Lợn nước hoặc lợn đầm lầy là giống lợn thích nghi như các động vật bán thủy sinh.
Lợn thuộc vào thứ có guốc. Kích cỡ và hình dạng của lợn thường thay đổi khác nhau tùy theo từng giống. Đầu và toàn thân lợn có thể dài đến 190.500mm, đuôi dài từ 35 – 450mm. Lợn trưởng thành cơ thể nặng tới 350kg. Mắt của chúng nhỏ và dẹt, nằm cao trên hộp sọ. Tai của lợn khá dài và rủ xuống với một nhúm lông nằm gần đầu mút. Hộp sọ của lợn thường dài và có một điểm chấm khá bằng phẳng. Mũi của lợn to bằng bàn tay nắm lại và khá linh động. Cả bốn chân của lợn đều có móng nhưng nó chỉ thể hiện chức năng trong vận động ở các ngón giữa. Những chú lợn khoác lên mình bộ áo màu trắng phớt hồng, điểm xuyết một vài chiếc lông trắng.
Lợn được nuôi để lấy thịt có chất lượng thịt thơm ngon, tỷ lệ thịt xẻ và tỉ lệ mỡ cao trong thân thịt. Lợn có thể sản xuất một lượng mỡ đáng kể. Mỡ là một nguồn dự trữ năng lượng lớn, giúp cho thịt có mùi và vị ngon hơn. Ngoài ra thịt lợn vốn là loại thực phẩm có giá cao, ổn định trên thị trường. Lợn có rất nhiều đóng góp giá trị cho đời sống của con người. Hầu hết thân thịt lợn đều sử dụng để chế biến hoặc làm thức ăn cho con người. Da của lợn có thể làm thức ăn hoặc cung cấp cho ngành thuộc da, lông có thể được dùng để làm bàn chải, bút vẽ. Sự phát triển của công nghệ chế biến thịt hun khói, lên men đã tạo nên một số lượng sản phẩm rất đa dạng từ thịt lợn, các công nghệ này đã giúp cho quá trình bảo quản, nâng cao tính đa dạng, hương vị và nâng cao phẩm chất khẩu phần ăn cho con người.
Sau khi được thuần hóa, lợn sớm trở thành một món hàng có giá trị cho việc kinh doanh và buôn bán. Trước khi tiền tệ xuất hiện, con người đã tiến hành trao đổi lợn để lấy các loại hàng hóa khác. Quá trình thương mại diễn ra cũng có nghĩa là con lợn bắt đầu có giá trị kinh tế. Việc bán lợn và các sản phẩm lợn cung cấp một nguồn thu nhập cho hàng triệu gia đình nông dân trên thế giới. Các sản phẩm này đã ảnh hưởng rộng đến các hoạt động kinh doanh khác như: thương mại, vận chuyển, thị trường, giết mổ, chế biến thức ăn và nhiều lĩnh vực khác nữa. Ngoài ra nó còn có tác dụng kích cầu đối với các ngành chế biến thức ăn, sản xuất con giống, tinh dịch, thuốc thú y và các thiết bị khác. Khi lợn có giá trị kinh tế, chúng là một hình thức tiết kiệm cho người dân.
Lợn đã được xem là một loài vật nuôi có tầm quan trọng không chỉ vì giá trị thức ăn mà còn có các giá trị văn hoá độc đáo. Điều này được thể hiện trong các bài hát, thơ ca, tranh ảnh hội hoạ, sách. Lợn được xem là có các đặc tính của con người. Nó được thể hiện là các đấng anh hùng hay là kẻ hung dữ trong các truyện ngụ ngôn.
Những con lợn đem lại nguồn lợi không hề nhỏ cho người dân và mang những giá trị tinh thần to lớn. Vì vậy, ta cần chăm sóc và yêu quý loài vật này.
Thuyết minh về một giống vật nuôi – con trâu
Bao đời nay, hình ảnh con trâu lầm lũi kéo cày trên đồng ruộng là hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi đối với người nông dân Việt Nam. Vì thế, đôi khi con trâu đã trở thành người bạn tâm tình của người nông dân:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công…
Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Trâu rừng là tổ tiên của các loài trâu nhà, sinh ở vùng Đông Nam Á nhiệt đới gió mùa thấp ẩm, hiện còn tồn tại ở miền Trung nước ta. Khoảng 5 – 6 ngàn năm trước, trâu đã thuần hóa cùng với sự ra đời nền văn minh lúa nước. Người Việt cổ đã biết săn bắt trâu, thần hóa chúng để giúp con người trong việc cày cấy.
Trâu là động vật thuộc lớp thú, màu da thường là màu đen với lớp lông mao bao phủ toàn thân. Da trâu rất dày, có lông tơ như chiếc áo choàng. Thấp thoáng trong bộ áo đẹp đẽ là một làn da căng bóng mỡ. Trâu có một cái đuôi dài, thường xuyên phe phẩy như cái quạt của con người để đuổi ruồi và muỗi. Hai tai dài giúp nó nghe ngóng được những tiếng động xung quanh. Người nông dân có thể nhận biết sự lành, dữ ở loài trâu một phần nhờ đôi sừng trên đầu. Trâu có đôi sừng dài, uốn cong hình lưỡi liềm, giúp trâu làm dáng và tự vệ chống lại kẻ thù. Trâu có một đặc điểm rất nổi bật là không có hàm răng trên, có thể vì vậy mà trâu phải nhai lại thức ăn. Không như các động vật khác, nó có một kiểu ngủ rất đặc biệt. Hai chân trước gập vào trong, đầu ghé lên đó để ngủ.
Mỗi năm chúng chỉ đẻ từ một đến hai lứa, mỗi lứa một con. Trâu nuôi con bằng sữa tiết ra từ tuyến vũ. Trâu con gọi là nghé, nghé sơ sinh nặng khoảng 22 – 25kg. Khi mới sinh ra khoảng vài giờ đến một ngày, nghé có thể đứng thẳng, vài hôm sau có thể mở mắt, đi lại theo mẹ. Nghé lớn rất nhanh và chưa có sừng, lớn lên sừng mới nhú dần ra nhưng các bộ phận bên ngoài.
Trâu là một động vật rất có ích, là người bạn của nông dân: “Con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Ngày xưa không có máy cày, trâu phải làm việc nặng nhọc, Trên con đường làng sáng tinh mơ hay giữa trưa hè nắng lửa, trâu vẫn cần cù nhẫn nại, mải miết làm việc cùng với người nông dân làm ra hạt lúa, hạt gạo. Trâu không chỉ kéo cày giúp con người trồng lúa, trồng hoa màu, mà còn là gia sản của người nông dân. Chẳng phải các cụ ta đã nói : “Con trâu là đầu cơ nghiệp” đó sao? Thật vậy, trâu có tầm quan trọng không nhỏ trong đời sống người nông dân. Điều đó cũng đã đi vào văn học dân gian với những câu ca dao quen thuộc:
Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay
Trâu cũng có thể cung cấp sữa cho con người. Mỗi con trâu có thể cho 400 – 500 lít sữa trong một chu kỳ vắt. Da trâu tuy không tham gia vào việc làm ra những sản phẩm độc đáo như giày dép, túi xách như một số loại da khác vì đặc điểm da trâu cứng nhưng có thể làm mặt trống. Những chiếc trống gắn bó thân thiết với học sinh, với nhà trường và các lễ hội. Sừng trâu cũng có thể làm tù và, đồ thủ công mỹ nghệ. Phân trâu là phân bón rất tốt.
Không chỉ gắn bó với người nông dân, trâu còn góp phần tạo nên những kỉ niệm đẹp tuổi thơ ở khắp mọi vùng quê đất Việt. Trâu là người bạn thân thiết với trẻ em nông thôn một buổi đi học, một buổi đi chăn trâu. Nhà thơ Giang Nam trong bài “Quê hương” đã là người trong cuộc để nói với lũ trẻ chăn trâu:
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường,
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.
Trong lúc các chú trâu thong thả gặm cỏ hay đầm mình trong dòng mương mát rượi, thì lũ trẻ bày trò chơi trận giả. Cũng có lúc ta gặp cảnh thật yên bình, yên ả: các cậu bé, cô bé chăn trâu nằm nghỉ ngơi trên lưng trâu ngắm cảnh diều sáo vi vu trên bầu trời. Hình ảnh tuyệt vời của trẻ thơ chăn trâu được các nghệ nhân đưa vào tranh Đông Hồ. Nhìn tranh, ta lại nhớ câu thơ của nhà vua Trần Nhân Tông trong “Thiên trường vãn vọng”: “Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết”. Và cũng có thể, trên cánh đồng lúa, ta còn bắt gặp những em bé nông thôn vừa chăn trâu, vừa học bài. Thời thơ ấu ở làng quê thật đẹp biết bao!
Ngày nay, khi nông thôn đổi mới, máy móc nhiều cũng là lúc trâu được nghỉ ngơi. Còn nhớ những ngày người nông dân phải kéo cày thay trâu thì mới thấy cái giá trị khi có trâu. Đặc biệt, trâu còn trở thành biểu tượng của SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam. Biểu tượng “trâu vàng” mặc quần áo cầu thủ đón các vận động viên là sự tôn vinh trâu Việt Nam, tôn vinh người nông dân lao động.
Biết bao thế kỉ đã trôi qua, có lẽ từ khi nền văn minh lúa nước của người Việt khởi nguồn thì loài trâu cũng đã trở thành báu vật của người nông dân. Trên nền bức tranh thiên nhiên của làng quê Việt, bên những cánh đồng xanh tốt, thẳng cánh cò bay, dưới lũy tre làng luôn có hình ảnh quen thuộc của con trâu hiện diện. Chúng ta chăm sóc và bảo vệ trâu chính là ta đã giữ gìn một biểu tượng văn hóa truyền thống của người Việt.
Thuyết minh về một giống vật nuôi – con chim bồ câu
Hệ thống sinh thái đa dạng và phong phú là nơi sinh sống của rất nhiều các loài động, thực vật và cả con người. Sự đa dạng ấy khiến cuộc sống trở nên thú vị, cuốn hút và thôi thúc con người tìm hiểu, khám phá. Một trong số những loài động vật gắn bó và thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu nhất là chim bồ câu, giống chim quen thuộc được nuôi trong gia đình như một loại thú cưng.
Chim bồ câu sinh sống phổ biến khắp nơi trên thế giới, trừ sa mạc Sahara và châu Nam Cực, nhưng có sự đa dạng lớn nhất tại các khu vực châu Á như Indonesia, Malaysia và Australia. Tổ tiên bồ câu hiện nay là giống bồ câu núi, sống hoang dã tại châu u, châu Á và Bắc Phi. Chim bồ câu được loài người thuần hóa cách đây 5000 năm. Trên thế giới hiện có khoảng 150 loại bồ câu, tại Việt Nam, bồ câu hầu hết là bồ câu nhà đã được thuần hóa.
Thân chim hình thoi, da khổ, phủ lông vũ mềm mại bao phủ toàn thân. Lông tơ mọc áp sát vào thân, tạo thành lớp xốp giữ nhiệt và làm thân chim nhẹ. Khi bay, cánh chim dang rộng tạo sức đẩy lại gió, giúp thân chim tiến lên phía trước. Khi chim ngủ thường rúc đầu vào cánh để tự vệ, tránh va đập, chấn thương. Chân chim bồ câu ngắn, gồm bón ngón, ba ngón trước, một ngón sau giúp chim đứng vững và có khả năng bám chặt vào cành cây. Cấu tạo hàm không có răng, mỏ sừng, cứng giúp chim thuận lợi trong việc xử lý con nồi cũng như rỉa lông, cánh vệ sinh cơ thể.
Bồ câu ăn chủ yếu là lương thực như đậu, lúa, gạo, ngô, cám gạo và uống nước sạch. Tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng, chim bồ câu có chế độ ăn khác nhau. Chim bồ câu được nuôi nhốt thường được cho ăn thêm thức ăn công nghiệp, bổ sung khoáng chất và vitamin.
Chim bồ câu được nuôi để làm cảnh hoặc nuôi lấy thịt theo phương pháp công nghiệp. Thịt chim bồ câu mang hàm lượng dinh dưỡng cao, thường được chế biến thành cháo. Về vai trò tinh thần, chim bồ câu là biểu tượng hòa bình, tượng trưng cho sự trong sáng, hòa thuận và niềm hi vọng. Ngoài ra, bồ câu còn biểu thị cho sự thăng hoa của ái tình.
Trong khi nhiều loài bồ câu được nhân giống và hưởng lợi từ con người, một số loài khác đang bị đe dọa về số lượng hoặc thậm chí đã tuyệt chủng như bồ câu viễn khách và bồ câu dodo. Đứng trước nguy cơ này, con người cần quan tâm và áp dụng kĩ thuật bảo tồn để ngăn chặn sử tuyệt chủng. Pháp luật và các quy định cần được ban hành nhằm thắt chặt áp lực săn bắn. Việc thành lập các khu bảo tồn để ngăn ngừa mất môi trường là việc làm hữu ích để bảo vệ số lượng bồ câu trên thế giới.
Chim bồ câu gắn bó với đời sống tinh thần của con người, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Chúng ta nên sử dụng và khai thác một cách hợp lý, đồng thời có kế hoạch phát triển dài lâu để đảm bảo số lượng và chất lượng sinh thái cân bằng, hài hòa với nhu cầu của con người.
Thuyết minh về một giống vật nuôi – con mèo
Mèo – một loại vật nuôi phổ biến đối với con người. Từ lâu, chúng đã trở thành người bạn gắn bó thân thiết trong cuộc sống của chúng ta.
Mèo là một loài động vật có vú, nhỏ bé và ăn thịt. Nguồn gốc của loài mèo được cho là mèo rừng châu Phi. Khoảng 9500 năm trước, mèo nhà đã bắt đầu sống gần gũi với con người. Cho đến ngày hôm nay chúng là một trong những thú cưng của con người.
Chiều dài cơ thể của một con mèo là 25 – 30 cm và cân nặng từ 2,5kg đến 7kg. Thân hình của một chú mèo khá nhỏ, với một chiếc đầu nhỏ và cử động linh hoạt. Mắt mèo rất tinh, có thể nhìn khoảng cách rất xa và phát sáng trong bóng tối. Chúng cũng có đôi tai mèo rất thính. Đa số những chú mèo đều có đôi tai thẳng và vểnh lên cao. Nhờ tính năng động cao của cơ tai mà mèo có thể quay người về một hướng nhưng vểnh tai theo hướng khác. Mũi mèo đen, ươn ướt, rất thính. Chân mèo nhỏ và thon dài, có vuốt và đệm thịt ở phần tiếp xúc với mặt đất giúp đi tốt trên những bề mặt gồ ghề. Da mèo khá dày, nhiều lông. Bộ lông của chúng khá mềm, với màu sắc phổ biến của mèo là trắng, vàng, xám tro hay… Đuôi mèo dài và uyển chuyển, chúng được dùng để xua đuổi ruồi muỗi. Nhưng chức năng chủ yếu của nó là giữ thăng bằng cho mèo trong khi chạy nhảy, leo trèo.
Ngày nay, mèo cũng được phân thành nhiều loại vô cùng đa dạng. Một số loài mèo khá phổ biến được nuôi như mèo Mun, mèo tam thể, mèo mướp, mèo Vàng, mèo Xiêm, có một số loài mèo quý hiếm như: mèo Anh lông ngắn, mèo Anh lông dài, mèo tai cụp… Để kể hết các giống mèo thì không xuể.
Mèo được nuôi trong nhà với điều kiện cơ sở, vật chất, chế độ ăn uống tốt, được kiểm soát, mèo thường sống trung bình khá lâu từ mười bốn đến hai mươi năm. Loài mèo là động vật sinh sản đơn tính, chúng mang thai trong ba tháng và đẻ rất nhiều lứa, mỗi lứa đẻ từ khoảng ba đến bốn con. Mèo con khi được một tháng tuổi đã phải học các động tác săn mồi như: chạy, nhảy, leo trèo, rình và vồ mồi. Thức ăn chính của mèo là những loài vật nhỏ như chuột, cóc, nhái… Đặc biệt cá và chuột được coi là món ăn khoái khẩu nhất của chúng.
Loài mèo thường sống ở những nơi có khí hậu ấm áp, và thường không chịu được lạnh giá. Chúng cũng thường tránh nơi ẩm ướt và ở rất sạch sẽ. Để làm vệ sinh cho cơ thể, nó thường thè lưỡi ra, tiết nước bọt vào chân của nó rồi bôi lên mặt và toàn thân thể.
Ngày nay, mèo đã trở thành một trong những thú cưng phổ biến được con người nuôi. Chúng được chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Loài mèo còn được sử dụng để sáng tạo ra những nhân vật đã vô cùng quen thuộc như chú mèo máy Doraemon, Hello Kitty… với con người, đặc biệt là trẻ em. Trong văn hóa dân gian, loài mèo được đưa vào tranh Đông Hồ với bức tranh nổi tiếng “Đám cưới chuột”.
Như vậy, dù thời gian có qua đi, nhưng loài mèo vẫn vô cùng gắn bó trong cuộc sống của con người. Chúng là loài vật nhanh nhẹn và có ích.
Thuyết minh về một giống vật nuôi – con vịt
Vịt là loài gia cầm được người nông dân chăn nuôi từ lâu đời bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích. Hình ảnh từng đàn vịt khoảng vài chục con thong dong bơi lội trên mặt ao, mặt đầm hay hàng ngàn con sục sạo kiếm mồi, kêu ồn ã cả một quãng đồng là hình ảnh quen thuộc ở làng quê.
Các giống vịt chủ yếu của nước ta gồm vịt đàn hay còn gọi là vịt tàu, vịt cỏ. Loài này thân nhỏ, đầu và mỏ thanh tú, lông có nhiều màu: Đen, nâu, xám, xanh đen pha trắng trọng lượng chỉ độ 1kg đến 1,5 kg. Vịt đàn thường được nuôi thành từng đàn lớn, hàng trăm hay hàng ngàn con. Chúng có sức chịu đựng kham khổ và ít mắc bệnh, kiếm mồi rất giỏi trên đồng ruộng. Vịt đàn đẻ nhiều, trứng nhỏ nhưng ngon. Thịt vịt đàn được nhiều người ưa thích vì có vị ngọt đậm và thơm. Nông dân ở các vùng đồng bằng miền Bắc, miền Nam thường nuôi vịt đàn theo lối chăn thả tự nhiên từ trước đến nay.
Bên cạnh giống vịt đàn còn có giống vịt bầu. Vịt bầu lớn con hơn vịt đàn, cổ ngắn, chân thấp, lông nhiều màu, dáng đi lạch bạch. Thịt vịt bầu cũng mềm và ngọt nhưng nhiều mỡ hơn vịt đàn. Các gia đình nuôi vịt bầu vừa phục vụ cho nhu cầu sử dụng ngày giỗ, ngày Tết, vừa bán để tạo nguồn thu nhập quanh năm. Đồng bào miền Nam trước đây nuôi rất nhiều giống vịt cổ lùn, có những đặc điểm tương tự như vịt bầu ngoài Bắc, để tận dụng nguồn thức ăn phong phú từ kênh rạch và đồng ruộng.
Hiện nay, các trại chăn nuôi quốc doanh và tư nhân đầu tư khá lớn về mặt vật chất để nuôi giống vịt nhập từ nước ngoài vào, gọi là vịt siêu thịt. Vịt siêu thịt được nuôi theo kiểu công nghiệp trong chuồng trại, ăn cám hỗn hợp, được theo dõi và tiêm chủng thường xuyên. Trọng lượng của giống vịt này khá lớn, sau 3 tháng có thể đạt tới trên 3kg một con. Đặc điểm vượt trội của nó là chất lượng thịt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, chế biến thành nhiều món ăn cao cấp.
Để việc chăn nuôi vịt ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả cao, người nông dân phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, từ khâu chọn giống đến chế độ dinh dưỡng, chuồng trại, vệ sinh phòng bệnh. Vịt là loài thủy cầm ăn tạp. Thức ăn của chúng gồm nhiều loại. Loại cung cấp nhiều protein có thóc, ngô, khoai, sắn, cám. Loại cung cấp chất khoáng có bột vỏ sò, bột xương. Thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cho vịt khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh, đẻ nhiều và chất lượng thịt cao.
Trong giai đoạn hiện nay, ngành chăn nuôi trong đó có chăn nuôi vịt đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Vịt là loài gia cầm đem lại nhiều lợi ích cho đời sống của con người, là nguồn thu nhập thường xuyên của nông dân.
Thuyết minh về một giống vật nuôi – con gà
Bức tranh thôn quê Việt Nam là một bức tranh tràn ngập sắc màu rực rỡ nhưng cũng rất yên bình, ở đó chứa đựng mơ ước của người nông dân, có cây đa, giếng nước, mái đình, con trâu,… nhưng gần gũi với mỗi gia đình nhất có lẽ là đàn gà chạy rộn rã trước sân nhà.
Đối với người nông dân Việt Nam thì gà nhà luôn là con vật gần gũi và thân thuộc nhất trong số rất nhiều các loài gà khác nhau. Gà là vật nuôi quan trọng nhất của con người để lấy thịt và trứng. Đặc điểm chung của gà là cánh tròn, ngắn, toàn thân phủ lông. Để thích nghi với cuộc sống bới đất tìm mồi, từ thuở xưa, gà đã được tạo hóa ban cho một đôi chân to móng cùn và cứng, phủ vảy sừng mỏng màu vàng và còn một cái mỏ ngắn khỏe nữa. Không phải từ thuở ban đầu gà sinh ra đã là gã nhà mà tổ tiên của chúng là gà rừng đã trải qua thuần hóa liên chúng không có khả năng bay lượn. Đại đa số thời gian chúng dùng chân nâng đỡ cơ thể đi lại trên mặt đất. Vì vậy, cơ hồng của gà đa số tập trung ở chân, cơ ngực và các bộ phận khác lại là cơ trắng.
Các em thiếu nhi vẫn có bài hát rất dễ thương về loài động vật này: Gà không biết gáy là mẹ gà con. Gà mà không gáy là vợ gà cha. Đi lang thang trong sân có con gà có con gà”. Chỉ mấy câu hát đơn giản như vậy thôi đã cho ta thấy một gia đình gà. Gà trống được coi là gà bố, đúng như một ông bố có dáng bệ vệ, chân có cựa sắc, bộ lông óng mượt rực rỡ, nổi bật bởi bông hoa đỏ rực trên đầu mà người ta vẫn gọi là mào gà. Gà trống có tiếng gáy âm vang, từ lâu đã được coi như là đồng hồ báo thức của người nông dân. Gà mái hay là gà mẹ, cũng giống với một người mẹ, hiền lành và có dáng vẻ chậm chạp hơn, bộ lông không sặc sỡ như gà trống. Nhưng bù lại, với “thiên chức” của một người mẹ, gà mái có khả năng ấp trứng và nở ra những chú gà con rất đáng yêu: Gà mái đẻ mỗi lứa từ 10 đến 20 trứng. Đa số gà mái sau khi đẻ trứng thường kêu “cục tác”. Đó là biểu hiện sự hưng phấn của gà mái, hay có thể nói đó là niềm vui của gà mẹ, một “người mẹ” có tình mẫu tử mãnh liệt. Gà con vừa chui ra khỏi vỏ trứng giống như một nắm nhưng có sự sống, bé nhỏ trong bộ lông vàng tơ óng mượt. Gà con mới nở có thể theo mẹ đi kiếm mồi ngay.
Đối với gà thì hạt thóc hạt mạch… có thể được coi là sơn hào hải vị của chúng. Nhưng cho dù được ăn những thứ đó hàng ngày thì chúng vẫn thích mổ đông bới tây, đề tìm ăn những hạt sỏi, hạt cát. Thật ra vì không có răng nên gà cần dựa vào thứ khác để nghiền thức ăn và chúng đã lợi dụng sỏi để tiêu hóa thức ăn. Thịt gà và trứng gà là những thức ăn bổ dưỡng rất tốt cho con người.
Không những từ xưa mà đến bây giờ vẫn vậy và không chỉ đối với người nông dân mà đối với hết thảy mọi người dân Việt Nam, con gà đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá ẩm thực. Có thể nói, con gà đã đi vào tín ngưỡng, vào đời sống tâm linh văn hóa của người dân Việt Nam. Nó là một trong mười hai con giáp, vẫn được gọi bằng cái tên thân mật là “Dậu”. Con “Dậu” là tượng trưng cho một tuổi đời. Ai đã từng đến Việt Nam, từng tìm hiểu và yêu nền văn hóa dân tộc Việt thì chắc hẳn không thể nào quên được những bức tranh Đông Hồ đậm đà bản sắc Việt với hình ảnh phong phú về thể loại, màu sắc cách điệu nhưng cũng giản dị vô cùng, nổi bật với những bức tranh như: “Vinh hoa”, “Gà trống hoa hồng”, “Gà dạ xương”… Dưới con mắt của người Việt Nam, con gà đáng trân trọng và thân thương như vậy đó. Từ lâu đã thành lệ, con gà là thứ không thể thiếu trong bất kì lễ tết truyền thống hay ngày cúng giỗ nào của người Việt Nam. Đêm giao thừa, vào giờ khắc chuyển giao, nhà nhà lại cùng nhau bày một mâm cỗ đặt trước cửa nhà để cầu mong tốt lành, hạnh phúc cho năm mới. Lẽ dĩ nhiên, mâm cỗ không thể thiếu con gà. Con gà luộc được đặt trong một,cái đĩa lớn đặt giữa mâm, miệng ngậm một bông hồng. Đó là tượng trưng cho sự an lành, may mắn mà nhà nhà đều mong đợi. Tự nhiên như thế, con gà trống như linh vật của người dân Việt Nam, tượng trưng cho sự may mắn yên bình, hạnh phúc, luôn luôn rất linh thiêng đối với nhân dân.Con gà còn đi vào văn học, vào ca dao, tục ngữ của dân tộc. Có câu chỉ nói đến kinh nghiệm trong văn hóa ẩm thực như: “Con gà cục tác lá chanh” nhưng có câu còn để răn dạy con người như:
Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Gần đây, dịch cúm gà hoành hành đã làm cho bữa cơm Việt Nam thưa vắng món thịt gà. Người ta cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó, nhất là mỗi độ Tết đến.
Con gà là biểu tượng sự sống, của hi vọng, an lành đối với người dân Việt Nam. Mong rằng nạn dịch cúm sẽ nhanh chóng được đẩy lùi để con gà lại được hồi sinh, lại trở về bên người nông dân, trở về với bữa-cơm thường ngày và luôn gần gũi gắn bó với người dân Việt.
Thuyết minh về một giống vật nuôi – con thỏ
Với thị hiếu và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của con người ngày nay, nhiều loại động vật tự nhiên được đưa vào nuôi nhốt và khai thác. Không ngoại lệ, loài thỏ đã và đang được con người sử dụng để phục vụ đời sống của mình bởi những đặc điểm hữu ích, thông dụng.
Thỏ là loài động vật có vú phổ biến, được nuôi nhốt, nuôi thả hoặc sống tự do trong rừng. Thỏ có lông mao dày, phù hợp sống ở khí hậu hàn đới, ôn đới. Loài thỏ lần đầu được con người biết đến ở châu u, khoảng 1000 năm trước công nguyên. Thỏ được phân thành bảy loại, điển hình như thỏ rừng châu u, thỏ đuôi bông, thỏ cộc,… Tuổi thọ của thỏ kéo dài từ bốn đến mười năm, thời kỳ mang thai kéo dài 31 ngày. Thỏ nhà thường yếu hơn thỏ rừng, được thuần hóa và được nuôi trong các lồng lớn tránh bị đuổi bắt bởi thú ăn thịt.
Về cấu tạo, thỏ là động vật có tứ chi, chạy nhanh, lông dày, mềm, ấm, thường có màu trắng, đen hoặc nâu vàng. Hai tai thỏ dài, bắt tín hiệu rất tốt. Khi săn mồi, thỏ thường dựng tai để lắng nghe chuyển động âm thanh. Khi nghỉ ngơi, tai thỏ cụp lại theo chiều dọc thân. Mắt thỏ thường có màu đỏ, đen hoặc nâu, nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng thường, có tuyến lệ hoạt động, phù hợp với việc sinh tồn trên cạn. Mũi thỏ nhỏ và có khả năng đánh hơi. Hàm răng sắc với hai răng cửa là răng chính, nhọn, bén và dài do tập tính gặm nhấm. Thỏ thường có tập tính đào hang làm tổ để đẻ con và sinh sống.
Thỏ thuộc giống động vật ăn cỏ. Nhu cầu dinh dưỡng của thỏ gồm nước sạch và thực vật như bắp cải, cải xanh và các hoa quả có màu xanh lục khác.Trái với suy nghĩ của nhiều người, thỏ không thường xuyên hay thích ăn cà rốt do thực phẩm này có nhiều đường và quá cứng. Chúng thường sử dụng cà rốt như một công cụ mài răng cửa. Thỏ là loại ưa lạnh, sống trong nhiệt độ mát mẻ, từ 10 – 25 độ là nhiệt độ thích hợp nhất để thỏ phát triển và sinh hoạt.
Thỏ đóng vai trò to lớn trong cả công nghiệp chế biến và ngành thời trang, dược phẩm. Thỏ được săn bắn hoặc nuôi lấy thịt. Da thỏ dùng để làm áo hoặc phụ kiện như mũ, khăn. Lông thỏ được đính lên quần áo làm tăng vẻ sang trọng cho người mặc. Chất thải của thỏ cũng là loại phân bón tốt cho cây trồng. Sữa thỏ dùng làm thuốc hoặc chế biến thành thực phẩm giàu dinh dưỡng. Thịt thỏ được dùng làm thức ăn hoặc ngâm rượu. Những món ăn được chế biến từ thịt thỏ rất hấp dẫn và bổ dưỡng, có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, trong y khoa, thỏ được dùng làm vật thí nghiệm cho các loại vắc – xin hay mẫu thử mỹ phẩm. Tuy nhiên, hành động thử nghiệm trên động vật này đang bị lên án vì quá vô nhân đạo và gây hại tới số lượng thỏ sinh sản tự nhiên trong môi trường.
Về giá trị tinh thần, thỏ là loài vật có vẻ ngoài đáng yêu với bộ lông mềm mại nên thường được nuôi làm cảnh trong vườn bách thú hoặc làm vật nuôi trong gia đình. Trong văn hóa Trung Quốc, thỏ là một trong số mười hai con giáp tượng trưng cho mười hai năm tuổi. Thỏ biểu hiện cho sự nữ tính, mềm mại, đáng yêu nên thường được lấy hình tượng cách điệu làm quà tặng hay đồ trang trí cho các cô gái. Tuy nhiên, thỏ là một loài gây dịch bệnh cũng như phá hoại mùa màng do tập tính gặm nhấm. Tại Úc, người ta đánh bẫy và tiêu diệt thỏ để tránh ảnh hưởng xấu tới môi trường
Thỏ vẫn đang là loại động vật quen thuộc được khai thác phục vụ nhu cầu của con người. Nuôi nhốt, kiểm soát số lượng thỏ là cách tốt nhất để duy trì sự sống của loài vật này, đồng thời giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của thỏ tới môi trường tự nhiên.
Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:
Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:
Các loạt bài lớp 8 khác
Bạn thấy bài viết Thuyết minh về một giống vật nuôi hay nhất (dàn ý – 8 mẫu) – Ngữ văn lớp 8 có khắc phục đươc vấn đề bạn tìm hiểu ko?, nếu ko hãy comment góp ý thêm về Thuyết minh về một giống vật nuôi hay nhất (dàn ý – 8 mẫu) – Ngữ văn lớp 8 bên dưới để Trường THPT Kiến Thụy có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: c3kienthuyhp.edu.vn của Trường THPT Kiến Thụy
Nhớ để nguồn bài viết này: Thuyết minh về một giống vật nuôi hay nhất (dàn ý – 8 mẫu) – Ngữ văn lớp 8 của website c3kienthuyhp.edu.vn
Chuyên mục: Văn học