Thuyết minh về hoa đào lớp 9 (hay và đầy đủ nhất) – Edison Schools

Hoa đào là biểu tượng của ngày Tết Việt Nam, đặc biệt là Tết ở miền Bắc. Hoa đào quen thuộc và mang nhiều ý nghĩa. Với các em học sinh, thuyết minh về hoa đào cũng là chủ đề thường gặp. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về loài hoa của mùa xuân này nhé!

       I.  Hướng dẫn làm bài:

1.  Mở bài:

Các em có thể mở bài theo nhiều cách:

+ dẫn dắt từ ngày Tết Việt Nam để nói về hoa đào

+ dẫn dắt từ các loài hoa đẹp

+ trích dẫn một ý thơ viết về hoa đào

2. Thân bài:

– Nguồn gốc: Từ Ba Tư nhưng được trồng nhiều ở các nước Châu Á. Ở Việt Nam, đào thường được trồng ở miền Bắc.

– Phân loại: Đào bích, đào phai và đào bạch. Trong đó phổ biến nhất là đào bích.

– Sự sinh trưởng và phát triển:

Từ 20 – 30 độ C là khoảng nhiệt độ đào có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Để cây đào ra hoa, cây cần ở trong môi trường có nhiệt độ thấp. Tuy nhiên không thấp quá -5 độ C vì nhiệt độ quá thấp chồi hoa dễ bị chết, hoa nở chậm hoặc không thể nở.

– Đặc điểm: Lá nhọn có viền răng cưa, không chịu ngập, sinh trưởng tốt trên đất mùn.

– Ý nghĩa trong văn hóa: Biểu tượng ngày Tết, trừ tà ma.

– Cách chăm sóc đào: Đào ưa khô, không chịu được ngập úng nên cần đắp cao gốc. Muốn đào nở đúng dịp cần chăm sóc kỹ lưỡng.  Cần tuốt lá, tưới nước lạnh (nếu trời nóng) hoặc tưới nước ấm, chong đèn sưởi (nếu trời lạnh).

3. Kết bài:

Nêu cảm nghĩ của bản thân về ý nghĩa và vẻ đẹp của hoa đào.

    II. Bài văn chi tiết: Thuyết minh về hoa đào lớp 9

 

Bài 1:

“Một đóa hoa đào khoe tốt tươi

Tướng xuân mơn mởn thấy xuân cười…”

Hoa đào từ xưa đến nay luôn là đề tài yêu thích của các thi sĩ. Dường như trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, hoa đào là biểu tượng của ngày Tết. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, hoa đào đua nhau khoe sắc tỏa hương, đem đến nhiều sức sống mới cho con người. Hoa đào nở là biểu tượng khởi đầu cho một năm mới luôn an khang, thịnh vượng. Trong làn sương sớm quẩn quanh, hoa đào thắm tươi, dịu dàng khoe sắc bên tà áo dài thiếu nữ đã trở thành hình ảnh thơ mộng khiến ai cũng không khỏi nhớ thương.

Cây hoa đào có nguồn gốc từ Ba Tư nhưng nay lại được trồng nhiều ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản hay Việt Nam… Ở Việt Nam, đào được trồng nhiều ở vùng có khí hậu ôn hoà, ưa rét như miền Bắc.

Hoa đào đã có mặt ở Việt Nam từ lâu đời. Khi nhắc đến hoa đào, người ta thường nghĩ ngay đến làng đào Nhật Tân hay Ngọc Hà. Đây là hai làng đào nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến xuân về, đất Nhật Tân lại đông vui như trảy hội. Một số tỉnh miền núi phía Bắc cũng có nhiều hoa đào. Hoa đào ở đây chủ yếu là đào rừng, dáng đào mang vẻ đẹp hoang dã của núi đồi, được rất nhiều người miền xuôi tìm mua. Qua thời gian phát triển, một số tỉnh phía Nam cũng trồng được đào, tuy nhiên dáng cây và hoa không đẹp như đào miền Bắc. Đào Nhật Tân vẫn giữ được vị thế của mình trong suốt thời gian dài.

Hoa đào được chia thành nhiều loại nhưng giống đẹp nhất có lẽ là bích đào. Đây là giống hoa có màu hồng thẫm, các cánh hoa xếp chồng lên nhau. Loại đào này được trồng để chuyên lấy hoa, đây cũng chính là giống hoa đào được nhiều người ưa chuộng, xuất hiện trong ngôi nhà của nhiều người miền Bắc. Có một loại khác nữa là giống đào phai, hoa có khoảng năm cánh, cánh màu phớt hồng nhẹ. Đặc biệt, đào phai sai hoa sai quả được trồng nhiều chủ yếu để lấy quả. Nhiều người cũng chuộng đào phai vì vẻ đẹp nhẹ nhàng, dịu dàng như đôi má ửng hồng của người thiếu nữ. Ngoài ra còn có đào bạch, loại đào có màu trắng, ít hoa, tuy nhiên loại này tương đối khó trồng nên ít người trưng đào bạch.

Cây đào có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất khi ở trong khoảng nhiệt độ 20 – 30 độ C. Môi trường có nhiệt độ thấp sẽ giúp cây ra hoa đẹp, tuy nhiên không thấp quá -5 độ C vì nhiệt độ quá thấp khiến chồi hoa dễ bị chết, hoa nở chậm hoặc thậm chí hoa không thể nở.

Cây hoa đào thường ưa được trồng trên đất thịt, đất phù sa và đặc biệt là đất có phân mùn. Đào không chịu được ngập úng, chỉ cần ngâm nước một thời gian ngắn cũng có thể khiến cây bị chết. Nhiều nhà trồng đào thường phải đắp đất dưới gốc cây lên cao để tránh ngập. Cây này rụng lá về mùa đông và đến mùa xuân thì nảy lộc ra hoa. Thân cây dạng xù xì, có màu nâu, lá đào nhọn, rìa lá có hình răng cưa. Nếu để mọc tự nhiên thì dáng cây sẽ khá thô. Vì vậy nhiều nhà vườn thường uốn cây theo khuôn dáng từ khi cây còn nhỏ để khi lớn lên sẽ cho ra cây đào dáng đẹp, được nhiều người ưa chuộng.

Từ xa xưa, hoa đào đã mang theo vẻ đẹp của mùa xuân. Hoa đào như một tín hiệu, thấy hoa đào nở là biết xuân sắp về. Người ta chuộng chơi hoa này trong ngày Tết vì hoa đào có màu hồng đỏ sẽ đem lại sự may mắn, phát tài phát lộc cho gia đình. Hoa đào còn là biểu tượng của bình an, xua tan tà khí.

Theo truyền thuyết, cây đào là nơi trú ngụ của thần Trà và thần Uất Lũy. Đây là hai vị thần che chở, phù hộ cho dân chúng tránh được ma quỷ, yên ổn làm ăn. Vì vậy mỗi dịp Tết đến xuân về cành đào lại xuất hiện trên bàn thờ hoặc ở một vị trí đẹp nhất trong nhà. Hoa đào cùng bánh chưng, câu đối đã làm cho ngày Tết thêm đẹp và ý nghĩa. Trong quan niệm của người Việt, có lẽ Tết sẽ chưa được trọn vẹn nếu thiếu một nhành đào. Bên cạnh đó, trong lịch sử dược học ở Á Đông hoa đào còn được dùng để làm các loại thuốc thuốc chữa bệnh.

Cánh hoa đào nhỏ bé, mong manh là thế nhưng để ra được hoa đẹp, nở đúng dịp Tết là cả quá trình dài chăm sóc tỉ mỉ và công phu. Các nhà vườn sẽ ươm đào giống từ hạt trước, sau đó mới đem cây giống đi trồng. Ngoài cách trồng bằng cây giống thì còn có thể chiết cành để trồng. Cây cũng sẽ phát triển tốt nhưng lúc chăm sóc sẽ tốn nhiều công sức hơn. Trồng đào trong khoảng 6 – 7 tháng thì người trồng sẽ vặt toàn bộ lá của cây để đào phát triển nụ. Tùy thuộc vào thời tiết thì người ta sẽ có cách chăm sóc cây để cho hoa nở đúng dịp chơi Tết.

Nếu như thời tiết nắng ấm nhiều, trời nồm thì hoa có thể nở sớm hơn. Người trồng muốn hãm độ nở của hoa thì phải ngưng tưới nước cho đào để đất hơi khô lại. Hoặc có cách khác là tưới nước mát để cây phát triển chậm lại hơn so với thời tiết. Ngược lại nếu như trời lạnh thì hoa sẽ nở muộn, không kịp dịp Tết. Người trồng phải dùng nước ấm để tưới cây, dùng ni lông chăng kín vườn đào hoặc thắp bóng điện sưởi.

Ngày tết cổ truyền Việt Nam, bên cạnh thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ và bánh chưng xanh… thì cây hoa đào miền Bắc hay hoa mai miền Nam vẫn mãi không thể thiếu. Hoa đào mang đến nhiều ý nghĩa từ vật chất đến tinh thần. Nghề trồng đào đã có từ thời cha ông để lại và ngày càng được phát triển hơn. Mỗi người Việt cần có ý thức lưu giữ những nét đẹp cổ truyền của dân tộc ta, biết yêu và quý trọng hoa đào.

BÀI MẪU SỐ 2

Như một vòng tuần hoàn của cuộc sống, đông qua, xuân đến. Chúa xuân mang đến cho vạn vật những tia nắng ấm áp sau một mùa giá lạnh, thổi vào cuộc sống hương vị ngọt ngào của mùa xuân. Nếu như hoa mai tượng trưng cho một cái Tết sung túc ở phương Nam thì hoa đào là biểu tượng cho một mùa xuân bất diệt ở miền Bắc. 

Tuy có nguồn gốc xa xôi ở xứ Ba Tư, thế nhưng ngày nay hoa đào có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam đặc biệt là ở miền Bắc và mỗi khi Tết đến Xuân về. 

Cây đào thuộc họ hoa hồng, thân gỗ nhỏ, cao khoảng từ năm đến mười mét, lá có hình mũi mác. Hoa mọc đơn độc, có màu hồng hoặc màu trắng, năm cánh mềm mại, mịn màng như nhung. Khi cây ra hoa ngắn, hầu như không có cuống, đài có ống hình chuông, thùy hình trứng, có nhiều nhị. Dòng họ của hoa đào rất đa dạng và phong phú. 

Nếu xếp theo số cánh thì có thể chia đào thành hai loại là đào đơn và đào kép. Còn xếp theo màu sắc thì có thể chia đào thành đào phai, đào bích, đào bạch, đào thất thốn. Nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là đào bích. Đào bích cánh hoa màu hồng thắm, tán tròn nhiều cành cân đối. Đào phai màu nhạt, hồng tươi, trang nhã mà hấp dẫn như đôi má ửng hồng của người thiếu nữ khi thẹn thùng. Đào bạch ít hoa tương đối khó trồng. Đào thất thốn dáng nhỏ, hoa nhỏ, có màu đỏ thẫm. 

Hoa đào chỉ trồng được ở miền Bắc và nở đúng vào mùa xuân. Nhưng muốn hoa nở đúng thời vụ thì đòi hỏi nhiều kinh nghiệm ở người trồng hoa. Và thi sĩ Xuân Sách đã dùng những lời thơ để nêu ra cách làm cho hoa nở đúng ngày Tết: 

“Vặt trụi lá, bè trơ cành 

Đê cây tức giận nở thành trăm hoa” 

Vì vậy, muốn có đào chơi vào ngày Tết thì tháng mười một âm lịch người ta thường ngắt hết lá để nhựa cây tích tụ lên thân làm nụ. Rồi tùy theo thời tiết nóng hay rét nhiều mà người trồng đào phải thúc hay hãm hoa. 

Nếu ở miền Nam, xuân về phải có mai vàng, một biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý, hạnh phúc và sum vầy thì ở miền Bắc có hoa đào mới có mùa xuân. Người miền Bắc ưa chuộng chơi đào vào ngày Tết có lẽ vì màu hồng mang lại sự may mắn và phúc lộc đầu năm. Các cụ ngày xưa thường bảo, cắm một cành đào trong nhà là cản được gió độc và đuổi được tà khí. Và sân nhà ai có trồng đào thì đó là sân nhà phú quý. 

Những nhà có điều kiện thường sắm cả một cây đào ghép ba tầng, những nhà nghèo hơn cũng có mua một vài nhánh đào chưng trong nhà. Đón xuân mà không có hoa đào cũng tẻ nhạt như thiếu bánh chưng xanh, câu đối đó, tràng pháo hồng. Vì vậy, Tết đến, dù bận việc đến mấy thì người dân miền Bắc cũng phải mua cho gia đình mình một vài nhánh đào. 

Hoa đào không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn mang nét đẹp văn hóa đồng thời còn là một dược phẩm, mỹ phẩm độc đáo. Từ xưa, hình ảnh của hoa đào đã được đưa vào thơ ca làm xúc động lòng người. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có nhắc đến hình ảnh của hoa đào trong sự luyến tiếc khi cảnh cũ còn mà người xưa không thấy: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Và vẻ đẹp mơn mởn của hoa đào trong ngày Tết còn thể hiện qua câu thơ: 

 “Một đóa đào hoa khoe tốt tươi, 

Tướng xuân mơn mởn thấy xuân cười”. 

Mùa xuân năm Kỉ Dậu, vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh, đã mang một cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân để tặng cho công chúa Ngọc Hân – người vợ yêu quý của người – để báo tin thắng trận. Trong lịch sử y học Á Đông, danh y Tuệ Tĩnh đã ghi lại nhiều phương pháp chăm sóc da mặt cho phụ nữ bằng hoa đào. 

Cây đào không dễ trồng như cây mai. Nó là một loại cây ưa đất thịt, phân bón vừa phải, cần nhiều ánh sáng, thoáng và thông gió. Ở miền Bắc Việt Nam, người ta trồng đào để lấy hoa chơi    Tết, sau ngày Tết, người ta tiếp tục trồng đào trở lại. 

Xuân về mang đến bao nhiêu điều kì diệu. Đúng là muôn hồng, nghìn tía, cái đẹp đi đến từng người, từng nhà và hoa đào là một món quà mà thiên nhiên ưu ái dành tặng cho con người. Xuân đến rồi xuân đi, hoa đào nở rồi lại tàn, thế nhưng hình ảnh của hoa đào vẫn Còn sống mãi với thời gian như lời thơ của Chế Lan Viên: 

“Một cành đào ứa nhựa 

Nặng bàn tay anh cầm, 

Nghe hương thầm lan tỏa 

Qua màn sương thời gian” 

 

BÀI MẪU SỐ 3

Vào dịp Tết Nguyên Đán, nếu hoa mai là đặc trưng của mùa xuân phương Nam thì hoa đào lại tiêu biểu cho mùa xuân phương Bắc. Tết đến, chắc chắn các bạn sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mê hồn của những cành đào, cây đào được bàn tay con người chăm chút kĩ lưỡng và trân trọng. 

Cây hoa đào xuất hiện ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… Trước kia, ở Việt Nam, cây đào chỉ trồng được từ vùng Nghệ – Tĩnh trở ra. Làng Nhật Tân, ngoại thành Hà Nội là xứ sở của hoa đào. Ngày nay, ở Đà Lạt (miền Nam) cũng đã trồng được loại đào ghép nhưng không đẹp bằng đào Hà Nội. 

Cây hoa đào có nhiều giống, phổ biến nhất là đào bích, bông hoa nhiều cánh màu hồng thẫm, phủ từ gốc tới ngọn. Đào phai hoa màu hồng nhạt, đào bạch hoa màu trắng, tương đối khó trồng. Đào thất thốn cây thấp, hoa nhỏ màu độ thắm, thường được trồng vào chậu và uốn thành các dáng thế theo ý muốn. Các giống đào này đều chỉ cho hoa chứ không cho quả. 

Cây đào ưa đất thịt, đất phù sa, phân mùn và cần nhất là không gian thoáng đãng, nhiều ánh sáng. Cây đào rụng lá hàng năm vào mùa đông, đến mùa xuân lại nảy lộc, ra hoa. Vì vậy, người trồng phải có kinh nghiệm và hiểu biết kỹ thuật để làm cho cây đào nở hoa đúng vào dịp Tết. Giữa tháng Chạp (12 Âm lịch), nụ hoa hé là vừa. Nếu trời trở gió nồm, thời tiết ấm lên thì hoa có thể nở sớm. Muốn hãm thì phải ngưng tưới để đất hơi khô. 

Cách Tết độ vài ngày, hoa đào bắt đầu nở lác đác. Những cánh hoa hồng thắm chi chít khắp cành. Từng chùm lá non xanh như ngọc bích rung rinh trước gió. Sáng mồng Một Tết, hoa đào nở rộ, hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng. Một màu hồng rực bao phủ khắp cây đào, tạo ngôn vẻ đẹp có sức quyến rũ lạ lùng. Nhìn hoa đào nở, lòng người hân hoan xúc động trước linh hồn của mùa xuân. 

Trong hàng trăm ngàn loài hoa, hoa nào cũng có vẻ đẹp riêng, nhưng đặc biệt hơn cả là hoa đào mang tới cho con người sức sống rạo rực của mùa xuân. Màu hồng của hoa đào như một lời chúc tốt lành, đem lại sự may mắn trong năm mới. Cùng với hoa mai miền Nam, hoa đào miền Bắc đã góp phần tô điểm cho sắc xuân tuyệt vời của đất nước Việt Nam yêu dấu. 

BÀI MẪU SỐ 4

Hà Nội vào xuân náo nức lòng người. Ngày Tết không thể thiếu hoa đào – một loài hoa biểu tượng cho mùa xuân và sức sống bất diệt của miền Bắc. 

“Một đóa đào hoa khoe tốt tươi 

Tường xuân mơn mởn, thấy xuân cười”. 

Tiết xuân se lạnh, những hạt mưa xuân giăng nhè nhẹ tô thắm cho hoa, làm cho chồi non lộc biếc nở rộ trong các vườn hoa Nhật Tân, Quảng Bá, Thụy Khuê, Ngọc Hà. Hoa theo các cô hàng hoa tràn vào ba sáu phố phường Thủ đô. 

Người ta chuộng chơi đào ngày Tết có lẽ vì hoa đào có màu hồng đỏ mang lại may mắn, phúc lộc đầu năm. Các cụ ngày xưa thường bảo cắm cành đào trong nhà là cản được gió độc, đuổi tà khí ra ngoài. Cây đào chỉ trồng được ở miền Bắc, hoa nở vào mùa xuân nhưng muốn cho hoa nở đúng thời vụ thì lại là một vấn đề phức tạp. 

Nó đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của người trồng hoa. Muốn có hoa đào chơi Tết, tháng mười một, cây đào đã phải chịu đớn đau, bị bỏ đi hết lá, để nhựa cây tích tụ vào thân làm nụ. Tùy theo thời tiết nóng hay rét nhiều mà người trồng đào phải thúc hay hãm (Thúc là bón cho cây phát triển nhanh hơn. Hãm là khía nhiều vòng quanh thân cho nó phát triển chậm lại). 

Thường hoa đào là một trong các thú chơi dân gian của người Hà Nội. Người chơi đào thích đào Sa Pa vì cái vẻ xù xì rêu mốc của cành, loáng thoáng nụ và hoa được ăn trong lá thể hiện một sức sống mãnh liệt chiến thắng mọi thử thách. Từ xưa, hoa đào đã đi vào thơ ca làm xúc động lòng người. Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhiều lần nói tới hoa đào, như: 

“Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” 

Mùa xuân năm Kỉ Dậu, vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh đã mang cành đào từ Thăng Long vào Phú Xuân tặng công chúa Lê Ngọc Hân – vợ yêu của mình để báo tin chiến thắng. 

Trong lịch sử dược học Á Đông, hoa đào được dùng sắc uống lấy làm thuốc chữa bệnh thủy thủng và bí đại tiện. Nhân hạt đào có chứa dầu béo amydalin và men amusing. Danh y Tuệ Tĩnh đã nhiều lần nhắc đến tên các vị thuốc có hoa đào trong cuốn sách nổi tiếng “Tam dược thần hiệu”. 

Tết miền Bắc có hoa đào mới là Tết. Cành đào là vẻ đẹp mùa xuân giống như trong Nam có mai vàng. Nhiều nhà có điều kiện có thể chơi một cành đào ghép mận ba tầng, giá trị bằng vài năm tiền lương, không thì một vài cành đào cũng xong nhưng không thể thiếu. Thiếu hoa đào cũng tẻ nhạt như thiếu bánh chưng xanh, câu đối đỏ, tràng pháo hồng. 

Hoa đào không chỉ là vật trang trí, làm cảnh bình thường. Nó còn tượng trưng cho sự may mắn, phúc lộc. Người Việt Nam quan niệm có cành đào trong nhà thì sẽ xua đuổi được tà ma, ám khí. Vì thế, trong những ngày Tết, dù bận đến mấy, ai cũng cố mua cho gia đình một cành đào. 

Mùa xuân thật kì lạ! Đúng là muôn hồng nghìn tía, cái đẹp đến từng nhà, từng người và hoa đào chính là phần thưởng xứng đáng của thiên nhiên, đất trời, ai cũng có thể hưởng và chắc chắn hoa đào sẽ còn lại mãi với thời gian như lời thơ của Chế Lan Viên: 

“Một cành đào ứa nhựa 

Nặng bàn tay anh nắm 

Nghe hương thầm lan tỏa 

Qua màn sương thời gian.”