Thuyết minh về cây lúa Việt Nam

Thuyết minh về cây lúa Việt Nam

BÀI LÀM 1

Trần Thị Tâm Thanh

Lớp: 9A. Năm học: 2012-2013

Sinh ra từ đất mẹ thấm bao thâm trầm, từ người cha sương gió ôm ấp từng cánh đồng ngát mộc hương, tôi luôn là đứa con đáng tự hào nhất cho cuộc sống bao người, là nơi tạo ra những hạt ngọc quý của Trời. Các bạn biết tôi là ai rồi phải không? Và tôi, loài cây gần gũi nhất với các bạn đây, nhà lúa chúng tôi xin ra mắt mọi người. Hôm nay, thật hạnh phúc khi được trò chuyện với các bạn về họ lúa chúng tôi.

Ngày xưa, từ khi con người xuất hiện sự sống thì chúng tôi đã ở bên cạnh các bạn rồi. Ở các nước phương Đông nói chung và Việt Nam thân thiết nói riêng, từ những loài lúa dại – thủy tổ vững chắc của gia phả họ lúa, con người đã biết tận dụng và phát triển chúng tôi, tạo ra những giống lúa kinh tế và hoàn hảo như bây giờ. Chắc hẳn ai cũng biết họ nhà lúa chúng tôi luôn có mặt trong từng bữa cơm của người dân, xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần làm cho kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển.

Nói về gia phả họ lúa thì xin bạn chớ ngạc nhiên. Từ họ lúa nước lúa trời, lúa nếp dẻo dai,… cho đến những loại lúa đang được con người nghiên cứu, chúng tôi đều mang đến cho bạn những hạt cơm dẻo thơm. Chúng tôi thuộc loại rễ chùm, chiếc chân nhiều nhánh luôn giữ cho tấm thân mềm mại đứng vững. Chúng tôi luôn tự hào về “mái tóc” lá xanh mướt dài và những hạt vàng múp xinh tươi. Chúng tôi kiêu sa với vẻ đẹp và tầm quan trọng trong năm loại ngũ cốc. Để ý nhé, quốc hiệu Việt Nam, đất nước nông nghiệp, lúa sao có thể thiếu.

Ấy thế nhưng bạn ạ chẳng dễ dàng gì để tạo nên vẻ đẹp thôn quê đậm chất Việt như chúng tôi. Cứ một năm hai mùa vụ: Đông Xuân và Hè Thu, chúng tôi lớn lên từ những giọt mồ hôi và cả tình yêu thương chăm đỡ của những người nông dân Việt Nam chất phác, cần cù. Một đời thóc, họ ủ chúng tôi cho những “em bé” thóc nảy mầm. Rồi các em bé lại lần lượt được đem đi gieo, ngấm mình quen với mẹ Đất cha Trời. Lớn ti tí nữa, chúng tôi trở thành cây mạ, giai đoạn đang trưởng thành mà, cần bao nhiêu sự chăm bẵm: bón phân, phun thuốc, tưới nước…. Những người nông dân chăm bẵm cho chúng tôi như những người cha người mẹ lo cho con vậy. Rồi chúng tôi làm đòng một thời gian và trổ bông khoe sắc chuẩn bị ra hạt. Đây là giai đoạn quan trọng nhưng cũng đầy gian nan thử thách đối với chúng tôi. Cứ đến lúc gần thu hoạch, cậu Thiên Nhiên lại nổi giận (tháng 8-tháng 9), lại gây bão và lũ lụt khắp nơi, cả cha Sương Gió cũng về theo nên bầy con thóc lúa phải bám níu mẹ bảo toàn sự sống. Phù… mưa tạnh gió hoà, bà con nhà nông trút bỏ lo âu vì chúng tôi vẫn bảo toàn “mạng sống”. Họ vui mừng đón chúng tôi về nhà. Và đời này cho đến đời khác, dòng họ lúa luôn nối tiếp nhau từ những hạt thóc nảy mầm, một số khác thì vun ấm bữa cơm cho các gia đình, số kia “xuất ngoại không hộ chiếu” cho các nước bạn, xây dựng mối liên kết, tình hữu nghị dài lâu. Thật đáng tự hào!

Chắc bạn nghĩ, chúng tôi bị đập bị giã đau lắm, nhưng không đâu, đó là nhiệm vụ, là mục đích chính chúng tôi sinh ra và cũng là niềm tự hào được góp công sức xây dựng đất nước Việt Nam này. Thân chúng tôi cũng có ích lắm đấy. Chúng tôi được phơi khô bện thành dây, quấn quít buộc chặt mái nhà, còn làm tranh lợp mái, làm nguyên liệu đốt giúp những người bà người mẹ nấu bữa cơm gia đình, còn cho anh bò, bác trâu lót dạ nữa. Hạt thóc thì có vỏ cũng làm chất đốt này, cám làm thức ăn cho lợn và quan trọng nhất là hạt gạo trắng tinh tươm, một thành phần không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình người Việt nói riêng và hầu hết các nước Châu Á nói chung. Ngoài ra, chúng tôi còn được chế biến thành các loại mì sợi, bún, bánh. Không phải muốn khoe khoang gì, nhưng chúng tôi còn nhiều công dụng đáng ngưỡng mộ nữa đấy. Thơ ca tục ngữ Việt Nam cũng không thể thiếu họ nhà lúa chúng tôi, chắc các bạn cũng đã từng nghe:

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.”

Hay:

“Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về.”

Chúng tôi đây luôn gắn bó với các bạn từ các trang lịch sử đến bây giờ, luôn mang lại lợi ích tốt đẹp cho con người, đặc biệt là người dân Việt Nam. Và tôi tin chắc rằng các bạn cũng quý trọng chúng tôi hơn bất cứ thứ gì, đúng không? Chà, tôi đã ngửi thấy hương đông đang ùa vào từng ngọn lúa, tạm biệt các bạn, tôi đi chuẩn bị cho ngày hội thu hoạch đây.

BÀI LÀM 2

Mặt trời lên cao dần, thế là những chị nắng lại được dịp sà xuống mặt đất đánh thức mọi vật, chị ấy chiếu những tia nắng ban mai vào cửa sổ mọi nhà, lẩn trốn trong từng chiếc lá, vui đùa cùng lũ chim muông và ghé qua đôi mắt còn lim dim ngủ của tôi. Tôi cọ quậy mình, thức dậy. Thế là một ngày mới của lũ trẻ nhà Lúa chúng tôi bắt đầu!

Tôi vươn vai, ngáp ngắn ngáp dài, tập bài thể dục buổi sáng cùng các bạn trong tiếng nhạc du dương “Con cò là cò bay lả lả bay la” của các bác nông dân xuống thăm đồng. Chúng tôi, ai nấy đều hớn hở múa lượn như đang hoà vào điệu nhạc. Lúc bấy giờ, trông ngôi nhà của chúng tôi chẳng khác gì một tấm thảm khổng lồ đang nhấp nhô, uốn lượn trong gió, chúng tôi trêu chọc, xô đẩy nhau tạo thành những miền sóng chạy ra xa mãi. Trong thời tiết mát mẻ của buổi sáng, chúng tôi không thể không tận hưởng. Thế là chị Gió bèn gợi ý tiếp tục hội thi “Niềm tự hào nòi giống” mà hôm trước chúng tôi đang bỏ dở và hôm nay là đến lượt thi của tôi, đại diện cho họ nhà Lúa tham dự. Ban đầu, tôi hơi lo nhưng được bác Trâu động viên nên tôi bình tĩnh trở lại. Tôi dõng dạc cất lời:

– Xin chào tất cả các bạn, các cụ Trâu, chào chị Nắng, chị Gió, và toàn thể các bạn hàng xóm của tôi. Mọi người cũng đã biết rồi, tôi là một cây lúa

Nếp cái hoa vàng của họ nhà lúa nước Việt Nam. Các anh chị em chúng tôi đều thuộc họ thân thảo và là loại cây có một lá mầm, rễ chùm và thân rỗng.

Chị nắng tò mò hỏi:

-Thế các em có thể nói đôi chút cho mọi người biết về họ hàng nhà mình được không?

– Vâng, chúng em rất hãnh diện khi nói rằng mình có nguồn gốc là cây lúa hoang. Chúng em cũng không biết rõ là lúa nước đã xuất hiện trên Trái Đất từ bao giờ, chỉ được nghe bố mẹ kể rằng dòng giống nhà ta đã theo suốt bề dày lịch sử của nước nhà. Lúa đã theo sát người dân Việt Nam, trở thành những người bạn, cùng nhau trải qua sự thay đổi của đất nước.

Ai nấy đều trố mắt mà trầm trò khen ngợi, cô Bù Nhìn thắc mắc:

– Thế các em có mấy anh chị em?

Tôi cười tủm tìm khoe với mọi người:

– Nhà em đông vui lắm, cả thảy chúng em có 627 loài khác nhau, phân bố khắp mọi miền đất nước. Từ lúa tẻ, lúa nếp, lúa nàng phệt, lúa bàu, tám thơm, tám râu, cẩm đen, áo dài, tất cả đều thuộc loài Oryta Sativa cả. Mọi người có thấy nhiều không ạ?

Các bạn, các cô, các bác vỗ tay tán thưởng. Bé Ốc Bươu nghe có tiếng ồn ào cũng ngẩng đầu lên xem. Bé đứng ngay cạnh chỗ tôi, hỏi:

– Em cũng muốn biết cơ thể chị có những đặc điểm gì?

– Như mọi người thấy, tôi cũng là một loại cây lương thực; thế nhưng quả thực tôi không cao như các bạn ngô, khoai sắn. Chúng tôi chỉ đạt tầm 20-60 cm thôi. Tôi cũng thấy mình duyên dáng trong tấm áo choàng đa sắc màu, lúc thì xanh non, khi thì vàng thuộm. Lá lúa chúng tôi cong vút, phiến lá dài, mỏng, có các đường gân chạy song song. Tùy theo từng giống lúa thì số lượng lá cũng có sự khác nhau, lúa ngắn ngày thì có 12-15 lá, lúa dài ngày thì có 18-20 lá. Dù chỉ là những chiếc lá nhỏ nhưng nó giúp tôi dự trữ các chất dinh dưỡng quang hợp cho cây. Một bộ phận mà chúng tôi vô cùng biết ơn là bộ rễ, nhờ nó chúng tôi mới có thể duy trì sự sống và phát triển. Bộ rễ của chúng tôi trông chẳng khác nào chòm râu của các cụ già, khi cây còn non, rễ có màu trắng như sữa tươi, càng già rễ chuyển sang màu nâu rồi đen dần. Và rễ, lá chính là những phần góp vào sự phát triển của hạt lúa- hạt ngọc của trời. Thế các bác có biết không, để ra được những hạt lúa như vậy là nhờ sự hỗ trợ của các bộ phận trên cơ thể tôi. Lá có khỏe mạnh thì mới giúp dự trữ các chất dinh dưỡng, những gì tính tuý của trời đất, nó còn giúp chúng tôi quang hợp tốt. Còn rễ thì sao? Nó giúp chúng tôi sinh trưởng tốt, tránh sâu bệnh, và nhờ có sự hợp tác của toàn thân, tôi mới cho ra những hạt lúa thơm ngon.

Mọi người trầm trồ khen ngợi còn bác Trâu thì tiến lại gần, bác nhìn tôi hỏi:

– Thế cháu đã lớn lên như thế nào?

– Vâng, thưa bác Nhà Lúa chúng cháu chủ yếu có hai vụ là vụ Chiêm và vụ Mùa ạ. Các hạt giống như chúng cháu được lựa chọn rất kĩ lưỡng, hạt phải to, tròn, chắc, có khả năng chịu đựng tốt. Sau đó, chúng cháu sẽ được bà con ngâm vào nước khoảng 3 ngày 3 đêm để hút nước căng bụng. Rồi bà con đãi sạch, ủ một vài hôm cho đến khi đã ra mầm thì chúng cháu được ra đồng. Những hạt thóc được gieo xuống lớp bùn tơi xốp trở thành cây mạ non xanh mơn mởn trải dài đến tận chân trời. Mạ non trông chẳng khác gì những đứa trẻ non nớt mới chập chững lớn khôn nhưng lại vô cùng tươi mới, tràn đầy sức sống. Nhìn cả cánh đồng lúc bấy giờ, ta cảm nhận cái màu của sự tươi mát, màu của sức sống trong từng chiếc lá. Được sự chăm bẳm của các bác nông dân, chúng cháu càng ngày càng lớn khôn, cao hơn, đẻ nhiều nhánh hơn, trải đều ra các phía, ôm chặt lấy thân, phổng phao, phơi phới, yểu điệu của lúa thì con gái. Cả cánh đồng xanh biếc. Chúng cháu giờ đã dày hơn, cứng cáp hơn. Mọi người dường như ngửi thấy hương thơm thoáng thoảng trong từng nhánh lúa non mới trổ. Cái mùi ngọt ngào như sữa mẹ, dù chỉ dịu nhẹ, phảng phất trong gió nhưng cũng đủ làm xao xuyến lòng người. Bông cũng đã ngả dần về một bên, nặng trĩu, cong cong hình lưỡi liềm, thế là chúng cháu bắt đầu ra đồng, trổ bông, hình thành nên các hạt lúa và dần chín. Lúc này đây, các chất dịch trong hạt đặc lại, hạt cứng, tròn mẩy. Điều đặc biệt hơn nữa là chị em nhà lúa chúng cháu lại được dịp sắm sửa, khoác lên mình bộ váy mới vô cùng lộng lẫy. Lúc này, cả cánh đồng nhuộm một màu vành óng ánh, vô cùng đẹp. Đứng trước không gian bao và vô cùng nên thơ ấy, người nông dân sẽ cảm nhận rõ hơn, đậm hơn cái vị ngọt, thanh mát đang được cất giấu trong từng lớp vỏ, cái xót xót của hương đồng gió nội khiến ai nấy đều bị mê hoặc.

Chị cò bay ngang qua cánh đồng nơi tôi đang ở, thấy mọi người tập trung đông, rì rào nói chuyện nên cũng gác việc lại, ghé xuống chơi. Biết được chúng tôi đang tổ chức thi nên chị cũng muốn phỏng vấn tôi chút ít, chị hỏi:

– Vậy sau khi mấy đứa đã chín thì các bác nông dân sẽ làm gì để cho ra những hạt gạo?

– Vâng, khi cả cánh đồng đã chín vàng tức là báo hiệu một mùa thu hoạch mới bắt đầu. Các bác nông dân hớn hở ra đồng gặt, họ cùng làm việc, cùng vui đùa, nói chuyện. Trên bầu trời, những đàn cò đua nhau chao lượn còn giữa cánh đồng là những chiếc nón trắng nhấp nhô của các bà, các mẹ. Quang cảnh thơ mộng vô cùng! Cả làng đã vào mùa gặt, ai nấy đều hối hả ra đồng, trên nét mặt ai nấy đều hớn hở, hạnh phúc vô cùng. Có lẽ đó là một mùa bội thu, ấm no! Những bông lúa xô nhau ra mãi, cả cánh đồng hiện lên những ô bàn cờ khổng lồ. Sau khi gặt xong, các bác nông dân sẽ chất lên lưng trâu chở về, những chú trâu khỏe, chắc nịch thủng thẳng về nhà. Chúng em sẽ được cho vào máy tuốt để tách rơm và thóc, rồi đem đi xay xát để cho ra những hạt gạo thơm ngon. Những hạt gạo ấy mang trong mình mùi hương của quê hương, mùi của những con người lao động, lam lũ mà đầy vinh quang.

– Thế thì các bác nông dân vất vả vì các em lắm nhỉ?

Chị nắng hỏi: Nghe tới đây tôi cũng rơm rớm nước mắt.

– Chị có biết không, các bác ấy đã cần mẩn sớm khuya, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Khi chúng em ra đòng là lúc mà các bác ấy phải mệt nhọc nhất, cái lũ sâu, óc… thường xuyên lui tới phá hoại. Các bác phải phun thuốc trừ sâu, bổ sung chất dinh dưỡng cho chúng em. Vì tốn nhiều công sức, tâm huyết đến vậy nên họ trân quý, lo cho chúng em như những đứa con, coi chúng em như những “hạt ngọc” mà trời đã ban cho họ.

Tất cả mọi người đều vỗ tay khen ngợi, họ cũng như tôi vô cùng biết ơn công sức mà người nông dân đã bỏ ra. Chị Gió ghé sát đến bên tôi, hỏi:

– Theo chị được biết thì công dụng chính của cháu là lấy gạo nấu cơm, vậy ngoài ra còn gì nữa không?

– Vâng chúng em vô cùng tự hào về bản thân khi đem đến cho mọi nhà những bát cơm trắng thơm phức, bổ dưỡng. Trong từng hạt cơm, chứa đầy đủ các chất như tinh bột , canxi, chất đạm, nước,…. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong bữa cơm của mỗi gia đình Việt Nam và một số nước trong khu vực. Ngoài ra qua bàn tay chế biến của con người, từ những hạt gạo thô nó trở thành những cặp bánh chưng, bánh giầy, xôi,…. Đó là những thứ không thể thiếu trong các dịp tết cổ truyền của nước ta. Gạo còn được chế biến thành bánh mì, bánh gạo, bánh trôi… tạo nên sự phong phú trong văn hóa ẩm thực nước ta để mỗi người Việt xa quê luôn nhớ về. Đó cũng là một thứ quà dân dã nhưng vô cùng thanh tao của dân tộc với bạn bè quốc tế, đặc biệt là cốm làng Vòng được làm từ lúa nếp non.

– Ngoài ra em còn đóng vai trò gì trong đời sống của con người Việt Nam?

– Chị biết không, đất nước ta ngày xưa đã từng phải nhập khẩu gạo của nước khác để cứu đói nghèo. Thế nhưng giờ đây, nước ta đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Đó quả là niềm tự hào to lớn của họ hàng nhà lúa chúng em. Không những thế, từ khi nằm trong nôi, những đứa trẻ đã được nghe câu ca dao, câu hò của bà, mẹ:

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn…”

Hay:

“Cần thơ gạo trắng nước trong

Ai ai đến đó lòng không muốn về”

Dường như hình ảnh cánh đồng lúa đã in sâu vào trái tim của mỗi con người Việt Nam, nó trở thành tình yêu quê hương, đất nước vô cùng mãnh liệt. Không những thế, hình ảnh bông lúa được đưa vào quốc huy nước ta, biểu tượng của ASEAN. Bó lúa đó thể hiện cho nghị lực, sự kiên cường, bất khuất, cần cù, đoàn kết của con người Việt Nam, đồng thời nó thể hiện ước mơ ấm no, hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Mọi người vỗ tay, reo hò cho bài giới thiệu xuất sắc của tôi bởi phải chăng ai nấy đều biết rằng cây lúa là một phần không thể thiếu của con người Việt Nam, nó gắn bó cùng quá trình phát triển đất nước. Cây lúa là nét đẹp văn hoá riêng của con người Việt Nam ta trong mắt bạn bè quốc tế, là niềm tự hào sâu sắc, ăn vào tiềm thức của tất cả mọi người.