Thuyết minh về cây dừa trong đời sống Việt Nam (bài làm của học sinh giỏi) – Thế giới văn mẫu
Nội Dung Chính
Thuyết minh về cây dừa trong đời sống Việt Nam (bài làm của học sinh giỏi)
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài :
– Giới thiệu khái quát về cây dừa và mối quan hệ của nó với đời sống của người dân Việt Nam
– Đánh giá chung
2. Thân bài:
* Thuyết minh về cây dừa:
– Nguồn gốc xuất xứ: Từ xa xưa đã có cây dừa.
– Điều kiện sống: là loài cây ưa nước, phổ biến ở ven sông, kênh,…và chủ yếu là ở miền Nam
– Phân loại: dựa vào màu sắc, đặc điểm để phân thành một số loại
– Quá trình sinh trưởng: phải trải qua quá trình lâu dài.
– Đặc điểm cấu tạo:
+ Rễ: màu nâu, thuộc loại rễ chùm
+ Thân: thẳng, thon dần về phía ngọn, sần sùi
+ Lá: mọc tập trung ở trên cùng
+ Hoa: mọc xen kẽ với lá dừa
+ Quả: từng chùm quả nhỏ xíu màu xanh non mọc sát nhau
* Cây dừa trong đời sống:
– Nước dừa là loại nước giải khát bổ dưỡng
– Cùi dừa non nạo ra uống với nước hay để nấu xôi
– Thân dừa to có thể làm cầu bắc qua kênh
– Lá dừa lợp mái nhà
– Cọng dừa làm rễ quét sân
– Gáo dừa làm gáo múc nước, chậu cây cảnh
– Cây dừa trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình
– Các sản phẩm không chỉ được bán trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị trường thế giới
3. Kết bài:
– Khẳng định lại ý nghĩa, tầm quan trọng của cây dừa
– Cần phải trồng và chăm sóc cây dừa
Thuyết minh về cây dừa
Bài làm tham khảo
Mỗi một vùng quê lại có những nét đẹp văn hóa riêng, có những đặc sản riêng,… Chính bởi lẽ đó mà mỗi vùng miền lại có một loại trái riêng biệt với những hương vị hoàn toàn khác biệt. Trong số muôn vàn lựa chọn hoa quả thì có lẽ trái dừa đã trở thành một loại quả, một loài cây có ý nghĩa vô cùng to lớn với đời sống của nhân dân Việt Nam:
“Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu
Dang tay đón gió gật đầu gọi trăng”
Từ xa xưa, trong thiên nhiên đã có cây dừa. Bởi lẽ đó mà cũng như cây tre, cây chuối,…. cây dừa đã gắn bó khăng khít với đời sống của người dân Việt Nam.
Dừa là một loại cây ưa nước, nó được trồng phổ biến ở ven các con sông, kênh, rạch, ao, hồ… Đi khắp Việt Nam nơi đâu cũng có cây dừa nhưng phổ biến hơn cả vẫn là ở dải đất miền Nam của Tổ quốc như Bến Tre, Bình Định, An Giang,…
Khi phân loại dừa, người ta có thể dựa vào nhiều đặc điểm của nó mà chia. Chủ yếu dựa vào môi trường sống mà dừa được chia thành hai loại là dừa cạn và dừa nước. Dừa cạn là loại dừa được trồng trên cạn còn dừa nước là loại ưa nước, chúng thường đan sát vào nhau tạo thành rừng chắn gió. Bên cạnh đó còn là cách dựa vào những đặc điểm về màu sắc mà có tên gọi dừa xiêm, dừa sáp, dừa lửa,….
Còn trong quá trình sinh trưởng, để có một cây dừa trưởng thành cần trải qua quá trình khá dài. Từ một cây dừa nhỏ bé, vượt lên gian khó của điều kiện thời tiết, gặp cơ hội phát triển chúng sẽ trở thành những cây cao lớn, có cây cao hơn chục mét.
Cấu tạo của cây dừa cũng không quá phức tạp. Chúng thuộc loại rễ chùm, có màu nâu, bám sâu vào lòng đất giúp cây đứng vững và hút chất dinh dưỡng để nuôi cây. Thân dừa thẳng, phình to ở gốc nhưng càng về phía ngọn lại càng thon lại và cũng có màu nâu gần giống với màu của rễ. Trên thân cây là những đường gân được chia tương đối đều nhau nhưng rất sần sùi. Khác với các loài cây khác, lá của thân mọc ở phía trên cùng của cây, tỏa ra xung quanh thân. Tàu lá có màu xanh thẫm, có đường gân từ cuống đến ngọn lá. Mỗi tàu dừa trông như “một chiếc lược chải vào mây xanh”. Tùy vào từng loại, từng cây mà mỗi tàu lá có những kích cỡ khác nhau. Giữa những chùm lá xanh là từng chùm hoa trắng sữa, chúng lấp ló, xen kẽ nhau trong những chiếc lá dừa. Hết mùa hoa, những “đàn lợn con” xuất hiện. Quả dừa mọc thành chùm, quả nhỏ xíu, màu xanh, mọc san sát nhau. Quả trưởng thành khá to, nặng từ 1kg trở lên.
Trong đời sống của con người cây dừa đóng vai trò khá quan trọng. Nước dừa là một loại nước giải khát bổ dưỡng, nếu được nạo thêm một ít dừa non thì hương vị càng thêm đậm đà. Hơn nữa, nước dừa, cùi dừa còn được dùng để nấu xôi, kho thịt,…Thân dừa to, dẻo dai có thể trở thành nhịp cầu nối đôi bờ sông hay còn có thể chẻ nhỏ, đem phơi khô làm vật liệu đun bếp. Trong đời sống tinh thần của trẻ nhỏ, chúng thường sử dụng những chiếc lá dừa để biến tấu thành đồ chơi. Lá dừa còn có thể dùng để lợp mái nhà. Từ một cây dừa, không biết bao nhiêu sản phẩm mỹ nghệ đã được bày bán trên thị trường và còn cả bánh kẹo. Chính vẻ đẹp ấy đã giúp nó trở nên gắn bó sâu sắc hơn với đời sống của nhân dân Nam Bộ nói riêng và của dải đất hình chữ S nói chung. Như trong tác phẩm “Hòn đất”, chị Sứ từ khi sinh ra và lớn lên cho đến cả khi qua đời chị vẫn gắn bó cùng cây dừa thôn quê.
Thực sự cây dừa đã trở thành người bạn thân thiết với con người. Và có lẽ hình ảnh của những cây dừa xanh tỏa nhiều tàu sẽ mãi hằn sâu, in dấu trong lòng mỗi người con đất Việt. Quan trọng là thế nên con người cũng cần có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc chu đáo để dọc miền Tổ quốc nơi đâu cũng có màu xanh của dừa.
Lê Quỳnh Chúc
Lớp 9B – Trường THCS Thái Nguyên, Thái Bình
Từ khóa từ Google
- https://thegioivanmau com/thuyet-minh-ve-cay-dua-trong-doi-song-viet-nam-bai-lam-cua-hoc-sinh-gioi