Thủy sản là gì? Có nên đầu tư nuôi trồng thủy sản không?
Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi cả về tự nhiên và xã hội cho các loài thủy sản sinh sống cũng như hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản phát triển, mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế. Vậy thủy sản là gì? Tất cả những thông tin cần biết về thủy sản sẽ có trong bài viết. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mang tới cho quý vị nội dung quan trọng liên quan đến thực trạng nguồn lợi thủy sản và hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam hiện nay.
Nội dung bài viết
I. Tổng quan về thủy sản
1. Thủy sản là gì?
Thủy sản là những nguồn lợi, sản vật từ môi trường nước (nước ngọt, nước lợ và nước mặn) được con người khai thác, đánh bắt, nuôi trồng và sử dụng làm thực phẩm, nguyên liệu hoặc phục vụ cho hoạt động kinh doanh, thương mại trên thị trường.
Trong đó, nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên có giá trị kinh tế, khoa học, du lịch, giải trí. Việc khai thác các nguồn lợi thủy sản bao gồm cả hoạt động đánh bắt và hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản bao gồm thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ và vận chuyển nguồn lợi thủy sản đánh bắt trong vùng nước tự nhiên.
2. Phân loại thủy sản
Thủy sản được phân loại thành 5 nhóm riêng biệt: Nhóm cá, nhóm giáp xác, nhóm động vật thân mềm, nhóm rong và nhóm bò sát lưỡng cư. Đặc điểm nổi bật của từng nhóm thủy sản như sau:
a. Nhóm cá (Fish)
Đây là nhóm thủy sản phổ biến nhất, chiếm sản lượng khai thác và nuôi trồng lớn nhất hiện nay. Chúng có thể là cá nước ngọt hoặc cá nước lợ, ví dụ như cá tra, cá cơm, cá hồi, cá chình, cá bống tượng,….
b. Nhóm giáp xác (Crustaceans)
Điển hình cho nhóm thủy sản này là các loài giáp xác mười chân như tôm, cua,… Trong đó, tôm càng xanh, tôm xú, tôm đất,… là những loại thủy sản được ưa chuộng trên thị trường.
c. Nhóm động vật thân mềm (Molluscs)
Nhóm này bao gồm các loài có vỏ đá vôi, chủ yếu là vỏ 2 mảnh và sinh sống ở vùng biển như ngao, sò huyết , ốc hương, hàu,… và một số ít sống ở môi trường nước ngọt như trai, hến,…
d. Nhóm rong (Seaweeds)
Nhóm này bao gồm các loài thực vật bậc thấp, cả đơn bào và đa bào như rong biển, tảo, rau câu,…
e. Nhóm bò sát (Reptilies) và lưỡng cư (Amphibians)
Bò sát là các loài động vật 4 chân có mang ối, thở bằng phổi và chuyển dịch bằng cách bò sát đất. Lưỡng cư có thể sống được ở cả trên cạn và dưới nước. Ví dụ tiêu biểu cho nhóm thủy sản bò sát và lưỡng cư như cá sấu, ba ba, ếch, rắn,…
3. Thủy sản và hải sản khác nhau như thế nào?
Như đã trình bày ở trên, thủy sản là nguồn lợi, sản vật từ môi trường nước, bao gồm cả môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Trong khi đó, hải sản là những loài sinh vật sống dưới biển, được sử dụng và chế biến làm thực phẩm cho con người, bao gồm: Các loại cá biển, động vật giáp xác (tôm, cua), động vật thân mềm (bạch tuộc, mực, hàu,…), động vật da gai (nhím biển) và các loài thực vật ăn được như rong, tảo biển…
Như vậy, hải sản được sử dụng để chỉ một bộ phận thủy sản sống ở môi trường biển và được khai thác để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của con người. Thủy sản bao gồm hải sản và những nguồn lợi từ môi trường nước khác. Hy vọng rằng nội dung này giúp các bạn nắm được sự khác biệt rõ rệt giữa thủy sản và hải sản.
4. Vai trò của ngành thủy sản đối với nền kinh tế
Thủy sản là một trong những ngàng chủ chốt cung cấp sản phẩm cho tiêu thụ trực tiếp của con người với sản lượng sản xuất ngày càng tăng cao. Từ năm 1995 – 2020, sản lượng thủy sản tăng gấp 6 lần, từ 1,3 triệu tấn năm 1995 lên 8,4 triệu tấn năm 2020, tăng trưởng trung bình hàng năm 8%. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 54%, khai thác thủy sản chiếm 46%.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản còn giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Với tỷ trọng 4-5% GDP và 9-10% tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm, ngành thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Năm 2021, ngành thủy sản xuất khẩu hơn 8,9 tỷ USD, đứng thứ 5 (sau các ngành: điện tử, may mặc, dầu thô, giày dép) về giá trị xuất khẩu và đóng góp lớn vào thặng dư cán cân thương mại quốc gia.
Hơn thế nữa, với lực lượng lao động lên tới hơn 4 triệu người, ngành thủy sản tác động trực tiếp và cả gián tiếp tới đời sống của một bộ phận lớn người dân. Chính vì vậy, đây là một ngành khai thác, sản xuất lớn, giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.
5. Thực trạng nguồn lợi thủy sản Việt Nam hiện nay
Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước khi tạo việc làm cho hơn 4 triệu lao động và chiếm 4 – 5% GDP. Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu, điều tra của Tổng cục Thủy sản những năm gần đây cho thấy nguồn lợi thủy sản của nước ta đang suy giảm với tốc độ rất nhanh. Trữ lượng các nhóm nguồn lợi chủ yếu cũng đang có xu hướng suy giảm.
Cụ thể, nhóm nguồn lợi hải sản tầng đáy giảm 18,4%; nhóm cá nổi nhỏ giảm 7,3% và nhóm cá nổi xa bờ giảm 8,8%. Trong vùng biển Việt Nam có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào sách đỏ, nguồn lợi hải sản suy giảm cả về trữ lượng (giảm 16%), sản lượng và kích thước hải sản đánh bắt.
Một minh chứng cụ thể khác cho vấn đề suy thoái nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam như sau: Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200 kg/hecta/vụ (năm 1980) xuống chỉ còn 80 kg/hecta/vụ (năm 2021). Đáng nói, 1 hecta rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thuỷ sản thì hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm về khai thác nguồn lợi thủy sản như đánh bắt cá con, đánh bắt ở vùng biển ven bờ, thủy vực nội đồng vẫn diễn ra phổ bến khiến tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường sống cho các loài thủy sinh còn chậm và tồn tại nhiều hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do môi trường sống của các loài thủy sản bị suy giảm, ô nhiễm. Vấn đề xả thải từ hoạt động kinh tế làm biến đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường, mất đường di cư sinh sản và nơi cư trú của nhiều loài thủy sinh, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, cả nước có trên 100 con sông nhưng trong đó có tới 10 con sông đang ở mức ô nhiễm nặng, điển hình như sông Thị Vải, sông Cầu, sông Đáy,… kéo theo nguồn ô nhiễm đổ ra biển, suy thoái môi trường biển không ngừng gia tăng.
Nguồn lợi thủy sản giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên cũng như đảm bảo cung cấp thực phẩm cho đời sống con người và góp phần phát triển kinh tế quốc gia. Vì vậy, việc kịp thời bảo vệ, phục hồi, tái tạo các nguồn lợi thủy sản và giữ gìn môi trường thủy sinh là hết sức cần thiết và mang ý nghĩa lớn. Việc phát triển nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để kịp thời bù đắp vào sự suy giảm nguồn lợi cũng như công tác phục hồi, tái tạo.
II. Nuôi trồng thủy sản là gì? Có nên đầu tư nuôi trồng thủy sản không?
Nuôi trồng thủy sản góp phần bù đắp vào thực trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản, đồng thời góp phần quan trọng trong việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi này.
1. Nuôi trồng thủy sản là gì?
Nuôi trồng thủy sản là hoạt động đem con giống thủy sản đã được chọn lọc kỹ càng (có thể là giống tự nhiên hoặc con giống nhân tạo) thả vào môi trường đã chuẩn bị trước đó (ví dụ như lồng, bè, bể nhân tạo, hồ, đầm,…), kết hợp với các kỹ thuật sản xuất tiên tiến để chăm sóc, nuôi dưỡng các loài thủy sản. Nhờ đó, nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường so với việc khai thác thủy sản từ tự nhiên.
Sản phẩm của nuôi trồng thủy sản bao gồm:
- Con giống nhân tạo phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp theo.
- Thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của con người.
- Thức ăn cho các loài thủy sản lớn hơn.
- Cá mồi phục vụ cho công tác khai thác thủy hải sản.
2. Tiềm năng, lợi thế nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản trong và ngoài nước tăng không ngừng theo xu hướng gia tăng dân số trong điều kiện nguồn lợi thủy sản từ tự nhiên ngày càng giảm sút. Chính vì vậy, sản phẩm thủy sản từ hoạt động nuôi trồng là nguồn cung thay thế lí tưởng nhất để đáp ứng lượng cầu ở hiện tại và trong tương lai. Hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam gặp nhiều thuận lợi nhờ những điều kiện tự nhiên tốt cũng như những chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi hấp dẫn của Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan.
a. Tiềm năng, lợi thế về mặt tự nhiên
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn về mặt tự nhiên cho nuôi trồng thủy sản:
- Bờ biển dài, lên tới 3.260 km với 112 cửa sông, lạch cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch đa dạng và chăng chịt, có khả năng nuôi trồng phong phú các loài thủy sản nước lợ và nước mặn.
- Hơn 4000 đảo lớn nhỏ nằm rải rác dọc theo đường bờ biển, nhiều vịnh, vũng, eo ngách, các dòng hải lưu,… là những khu vực phát triển nuôi trồng thủy sản quanh năm, vừa là ngư trường khai thác hải sản thuận lợi, vừa có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển nuôi trồng thủy sản biển và xây dựng các khu hậu cần nghề cá.
- Nguồn lợi thuỷ sản nước ngọt ở 2.860 con sông lớn nhỏ, nhiều triệu hecta đất ngập nước, ao hồ, ruộng trũng, rừng ngập mặn, đặc biệt là ở lưu vực sông Hồng và sông Cửu Long.
- Việt Nam có khoảng 544 loài cá nước ngọt; trong đó có 243 loài cá ở các sông miền Bắc, 134 loài ở miền Trung và 255 loài ở miền Nam và 700 loài động vật không xương sống. Điều này cho thấy tiềm năng thủy sản tự nhiên rất lớn để phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản và tạo sinh kế cho người dân.
b. Tiềm năng, lợi thế về mặt chính sách
Chính bởi vai trò ngày càng lớn đối với nền kinh tế quốc gia, ngành thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng ngày càng được chính phủ quan tâm, tạo điều kiện và động lực phát triển thông qua nhiều chính sách hỗ trợ cũng như nỗ lực tìm kiếm đầu ra bền vững và đa dạng cho thủy sản xuất khẩu:
1. Nghị định số 58/VBHN-BTC ngày 22/11/2019 về Một số chính sách phát triển thủy sản mang đến những ưu đãi lớn cho các doanh nghiệp và ngư dân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản về chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác như miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, miễn thuế giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng bán ra thị trường, miễn thuế môn bài đối với cá nhân, tổ chức, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản…
2. Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/08/2022 về việc ban hành Chương trình quốc gia Phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1664/Qđ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia vào hoạt động nuôi trồng thủy sản. Mục tiêu của các chương trình, đề án này là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, tạo sản phẩm có giá trị, có thương hiệu, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
3. Dự thảo Nghị định của chính phủ về Một số chính sách phát triển thủy sản năm 2021 có nhiều chính sách đầu tư và ưu đãi cho hoạt động nuôi trồng thủy sản như: Hỗ trợ 30% giá trị đầu tư mới nhưng không quá 10 tỷ đồng/cơ sở hoặc nâng cấp nhưng không quá 05 tỷ đồng/cơ sở; Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho cá nhân làm việc trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với thiết bị của các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, hỗ trợ 20% hoặc 50% kinh phí mua bảo hiểm vật nuôi đối với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển…
4. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (các FTA, CPTPP) do Việt Nam ký kết đã có hiệu lực và đi vào thực thi mang đến nhiều ưu đãi về thuế quan cũng như các hàng rào phi thuế quan, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, góp phần tạo lập thị trường đầu ra ổn định và đa dạng cho khai thác và nuôi trồng thủy sản. Cho đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản sang 160 quốc gia trên thế giới, trong đó 10 thị trường lớn nhất chiếm khoảng 92 – 93% tổng giá trị xuất khẩu.
Mặc dù nguồn lợi thủy sản tự nhiên của Việt Nam đang gặp phải tình trạng suy giảm nhưng hoạt động nuôi trồng thủy sản lại rất được Chính phủ khuyến khích và tạo động lực phát triển lớn. Cùng với đó là những điều kiện tự nhiên thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư, gia nhập ngành nuôi trồng thủy sản và thu về những kết quả đáng mong đợi.
3. Một số loại hình nuôi trồng thủy sản phổ biến
Hoạt động nuôi trồng thủy sản được tiến hành dựa trên tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm. Để thực hiện được điều đó, người nuôi trồng thủy sản phả thực hiện nhiều công việc thủy công kết hợp với sử dụng các loại máy móc, công nghệ hiện đại. Tuy vậy, hoạt động này tuân theo quy trình tương ứng với từng loại mô hình nuôi trồng cụ thể. Một số mô hình nuôi trồng thủy sản phổ biến như sau:
a. Nuôi trồng thủy sản nước lợ
Đây là hình thức nuôi thủy sản trên vùng nước lợ – loại nước có độ mặn cao hơn nước ngọt những thấp hơn nước mặn. Thông thường sản phẩm của loại hình này thường có giá thành thấp. Ở nước ta, hình thức nuôi trồng thủy sản nước lợ phát triển thuận lợi ở các vùng bãi triều, đàm phá, rừng ngập mặn, cửa sông, bãi triều,…
b. Nuôi trồng thủy sản quảng canh
Đây là hình thức nuôi trồng thủy sản với quy mô nhỏ, có mức độ kiểm soát thấp và phụ thuộc nhiều vào khí hậu và chất lượng nước địa phương. Thông thường, người áp dụng mô hình này thường nuôi trồng theo sở thích để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của gia đình hoặc một bộ phận người dân cụ thể.
c. Nuôi trồng thủy sản thương mại
Loại hình nuôi trồng thủy sản thương mại có quy mô lớn với máy móc, công nghệ hiện đại, người nuôi trồng được phổ cập và đào tạo kiến thức nuôi trồng. Mục đích của loại hình nuôi trồng này là thu được lợi nhuận tối đa nhưng vẫn đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng cụ thể. Sản phẩm sau thu hoạch được bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
d. Nuôi trồng thủy sản bằng nguồn giống khai thác tự nhiên
Là hình thức thu gom giống hải sản ngoài tự nhiên từ giai đoạn con non đến con trường thành, sau đó tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng bằng các kỹ thuật nuôi trồng đến cỡ thương phẩm trong các ao hồ, lồng bè,… Cuối cùng là bán ra thị trường.
e. Nuôi trồng thủy sản cao sản
Là hình thức nuôi thâm cạnh, có năng suất cao, sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp theo nhu cầu của loài. Quá trình nuôi trong lồng hoặc bể nuôi nhân tạo, được áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại như máy sục khí, bơm nước tự động, hệ thống kiểm soát chất lượng nước, tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản bằng năng lượng tái tạo,…
f. Nuôi trồng thủy sản trên biển
Là hình thức nuôi trông thủy sản được thực hiện hoàn toàn trên biển từ khi bắt đầu thả giống đến khi thu hoạch sản phẩm. Ở giai đoạn sớm trong vòng đời của các loài thủy sản nuôi này có thể ở nước ngọt hoặc nước mặn.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, dân số thế giới năm 2050 sẽ tăng lên 10 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ protein động vật tăng lên 52% kéo theo nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ thủy sản tăng lên. Tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản là vô cùng rộng mở và thực tế đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nghề này. Đi cùng với đó là nhu cầu sử dụng thiết bị nâng hạ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản tăng cao.
Nếu có nhu cầu tìm hiểu và chọn mua các dòng sản phẩm xe nâng hàng hóa, xe nâng kho lạnh phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 0869 285 225 để các chuyên gia của chúng tôi tư vấn tận tình và chu đáo nhất. Là đơn vị ủy quyền nhập khẩu chính hãng và duy nhất các sản phẩm xe nâng dầu, xe nâng điện, xe nâng tay,… thương hiệu Hangcha hàng đầu thế giới, chúng tôi luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất với giá thành tối ưu nhất.