Thủy ngân là gì? Có độc không? Ứng dụng trong đời sống?
Thủy ngân là một nguyên tố kim loại, tồn tại ở tự nhiên và có nhiều trong đồ dùng xung quanh chúng ta như nhiệt kế, bóng đèn,… Nó được biết là một kim loại độc. Vậy thực sự thủy ngân có độc không? Ứng dụng của nó như thế nào?
1. Thủy ngân là gì?
Thủy ngân là nguyên tố kim loại có trong tự nhiên với ký hiệu hóa học Hg, số nguyên tử 80. Hg là tên viết tắt của Hydrargyrum là sự kết hợp của 2 từ nước và bạc bởi vì nó di động như nước và có màu ánh bạc. Theo ngôn ngữ châu Âu, nguyên tố này có tên gọi là Mercury, lấy theo tên của vị thần Mercury thể hiện tính linh động và tốc độ.
Trong tự nhiên, nó có thể tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau như nguyên tố kim loại, dạng vô cơ, hữu cơ,… Ngoài ra, thủy ngân trong tự nhiên cũng có thể bị vi khuẩn tác động để chuyển thành hợp chất methylmercury, tích lũy trong cơ thể cá và động vật giác xác khi các sinh vật này sống trong môi trường có nồng độ thủy ngân cao. Tùy vào từng hình dạng mà
2. Tính chất lý hóa của thủy ngân
2.1. Tính chất vật lý
– Trạng thái: Thủy ngân thường tồn tại dưới dạng chất lỏng kim loại màu bạc, không mùi, di động được, và độc khi nuốt phải, hấp thụ hay hít phải khói. Ở trạng thái rắn: Thủy ngân mềm và dễ uốn và có thể dùng dao cắt được.
– Khối lượng riêng là 13,546 g/cm3.
– Độ hòa tan: Không tan trong nước.
– Điểm sôi: 356,73 °C tương ứng với 675 ° F ở 760mmHg.
– Điểm đóng băng: – 38,83 °C. Khi đóng băng, khối lượng thủy ngân giảm 3,59%. Trong khi đó, mật độ của nó lại tăng từ 13,69 g/cm3 (trạng thái lỏng) lên 14,184 g/cm3 (trạng thái rắn).
– Ở nhiệt độ 0 °C, hệ số giãn nở thể tích của thủy ngân là 181,59 × 10^6. Còn ở nhiệt độ 20 °C và 100 °C, hệ số giãn nở thể tích lần lượt là 181,71 × 10^6 và 182,50 × 10^6.
– Mặc dù thủy ngân có tính dẫn nhiệt kém nhưng lại có tính dẫn điện tốt.
2.2. Tính chất hóa học
– Thủy ngân là kim loại thể hiện tính khử yếu.
– Số oxi hóa: +1, +2.
2.2.1. Tác dụng với phi kim
Trong điều kiện nhiệt độ cao, Hg tác dụng với một số phi kim như oxi, halogen,… Riêng lưu huỳnh phản ứng xảy ra luôn trong điều kiện thường (sử dụng để thu hồi thủy ngân). Một số phương trình phản ứng:
Hg + S → HgS
2Hg + O2 → 2HgO
Hg + Cl2 → HgCl2
2.2.2. Tác dụng với axit
– Không phải loại axit nào thủy ngân cũng phản ứng. Nó chỉ tác dụng với những axit có tính oxi hóa mạnh, đặc. Ví dụ:
2Hg + 2H2SO4 (đặc, nóng) → Hg2SO4 + SO2 + 2H2O
Hg + 4HNO3 (đặc, nóng) → Hg(NO3)2 + 2NO2 + 2H2O.
– Nước cường toan có thể hòa tan được Hg để tạo ra muối
3Hg + 2HNO3 (đặc) + 6HCl (đặc) → 3HgCl2 + 2NO + 4H2O
– Tác dụng với H2S trong khí quyển.
Lưu ý:
– Có khả năng ăn mòn với nhiều kim loại để tạo thành hỗn hống (lỏng hoặc rắn). Một số kim loại như Na, K, Ca, Ba, Cu, Ag, Au, Zn, Cd, Pb,…
3. Thủy ngân có độc không?
Thủy ngân có độc không?
– Thủy ngân là một kim loại ít độc. Nhưng nếu nó ở dạng hơi, các dạng hợp chất và muối thì lại vô cùng độc hại, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và các cơ quan khác trong cơ thể.
– Nếu vô tình uống hoặc hít phải có thể gây ngộ độc thủy ngân, có thể gây ra một số căn bệnh sau:
+ Bệnh da hồng (acrodynia).
+ Nhiễm độc thần kinh do thủy ngân (Minamata). Căn bệnh này được lấy theo tên của thảm họa môi trường do xả thải thủy ngân ở Nhật Bản.
+ Hội chứng Hunter-Russell làm rối loạn di truyền gây khuyết tật ở trẻ, làm giảm trí thông minh của trẻ. Trường hợp nặng có thể khiến trí tuệ kém phát triển, biến dạng xương,…
– Tùy thuộc vào loại, liều lượng, cách thức và thời gian tiếp xúc mà người bị nhiễm độc có những triệu chứng khác nhau. Triệu chứng thường gặp bao gồm: Yếu cơ, tê bì chân tay, nổi mẩn, suy giảm cảm giác, rối loạn ngôn ngữ… Những người tiếp xúc với hơi thủy ngân trong thời gian dài còn có biểu hiện run rẩy, suy giảm nhận thức và rối loạn giấc ngủ.
– Các nghiên cứu đã chỉ ra nhiễm độc thủy ngân cấp tính từ 4-8 giờ với liều 1,1 – 44mg/m3 có thể gây ra các cơn đau ngực, khó thở, ho ra máu, suy giảm chức năng hô hấp.
– Hơi thủy ngân sau khi tiếp xúc, có nguy cơ gây ra các phản ứng tâm thần, điển hình là triệu chứng mê sảng, áo giác, tạo thiên hướng muốn tự tử ở người bệnh.
– Trẻ em khi nhiễm độc thủy ngân sẽ có triệu chứng mũi, má đỏ hồng, tóc, răng, móng gãy rụng, cơ thể phát ban, yếu cơ, nhạy cảm với ánh sáng.
4. Ứng dụng của thủy ngân
– Hiện nay, thủy ngân được dùng chủ yếu để sản xuất các hóa chất, kỹ thuật điện và điện tử. Chẳng hạn như: Nhiệt kế thủy ngân, phong vũ kế thủy ngân, bơm khuếch tán và nhiều thiết bị khác dùng trong phòng thí nghiệm.
– Sử dụng trong máy đo huyết áp chứa thủy ngân nhưng hiện nay một số nước đã cấm dùng.
– Hợp chất thủy ngân hữu cơ – Thiomersal được dùng để khử trùng trong vacxin và mực xăm.
– Sử dụng để lấp đầy các lỗ hổng các chi tiết chuyển động của máy khuấy trong kỹ thuật hóa học.
– Trước đây, Hg là thành phần của thuốc diệt cỏ nhưng đã ngưng sử dụng vào năm 1995.
– Ứng dụng trong bào chế ra các thuốc trừ sâu, hỗn hống nha khoa, pha chế thuốc,…
Hỗn hống nha khoa Almagam
– Điểm đóng băng của thủy ngân (-38,83 °C) được dùng để làm tiêu chuẩn cho thang đo nhiệt độ quốc tế.
– Hơi thủy ngân được sử dụng trong các loại đèn hơi thủy ngân và một số loại đèn huỳnh quang.
– Sử dụng để tách vàng và bạc trong các quặng sa khoáng.
– Ngoài ra, nó còn được dùng để chuyển mạch điện, sản xuất NaOH và clo, pin,…
Hy vọng bài viết trên cung cấp được thông tin hữu ích cho bạn đọc, nếu muốn tìm hiểu thêm sản phẩm chứa thủy ngân, bạn có thể tham khảo Tại đây.