Thưởng thức 10 món ngon nức tiếng xứ Quảng

Xứ Quảng không chỉ nổi tiếng với vùng đất nhiều giá trị văn hóa mà còn là nơi có những món ngon nức tiếng du khách gần xa.

Cá chuồn xanh nướng Núi Thành

Trong tất cả các loại cá chuồn, cá chuồn xanh được cho là ngon nhất bởi thịt ngọt đậm và dai. Những con cá tươi rói, vảy bạc óng ánh trên những chiếc thuyền được chở về từ biển chính là niềm tự hào của người dân xứ Quảng. Loài cá chuồn sống nhiều ở miền biển Nam Trung Bộ nhưng thơm ngon nhất phải kể tới khu vực Núi Thành. Cá chuồn là món phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người dân Quảng Nam mỗi độ hè về.

Cá chuồn xanh nướng Núi Thành (Ảnh: Du lịch)

Mùa cá chuồn thường bắt đầu độ tháng ba, tháng tư với rất nhiều chủng loại: cá chuồn xanh, cá chuồn khơi, cá chuồn cánh gián, cá chuồn lộng, cá chuồn gành… Cá chuồn xanh nướng có mùi vị đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ loại cá nào. Khi ăn cá chuồn xanh nướng cũng không cần quá cầu kỳ, cứ cầm trên tay, bẻ đôi, chấm vào nước mắm nguyên chất hoặc muối sống ớt xanh thì không gì thú vị bằng, vừa ăn vừa xuýt xoa, mằn mặn đầu môi vị muối của đại dương…

Bê thui Cầu Mống

Bê thui Cầu mống là đặc sản nổi tiếng của xứ Quảng, món ăn mà bất cứ du khách nào khi đến Quảng Nam – Đà Nẵng cũng muốn thử một lần. Cầu Mống là một ngôi làng nhỏ nằm ở phía Bắc cầu Câu Lâu, cây cầu bắt qua sông Thu Bồn, trên tuyến quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Bê thui Cầu Mống (Ảnh: Du lịch)

Nơi đây có rất nhiều quán ăn phục vụ món bê thui ngon nổi tiếng, chất lượng mà không nơi nào có thể sánh được bởi mang đậm hương vị xứ Quảng. Rất nhiều nơi như Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ đều  phục vụ món bê thui nhưng chỉ có ở những hàng quán bán bê thui tại Cầu Mống là nơi khách sành ăn tìm đến nhiều nhất.

Bánh tráng thịt heo

Đến Quảng Nam, bạn không nên bỏ lỡ món ăn nổi tiếng của vùng quê Đại Lộc – bánh tráng thịt heo. Thịt heo được luộc chín vừa phải, thái mỏng, ăn kèm các loại rau sống tươi ngon. Để cuốn thịt, bạn phải sử dụng bánh tráng có nguồn gốc từ Đại Lộc thì cuốn bánh mới dẻo ngon.

Bánh tráng thịt heo (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Bánh dùng để cuốn thịt gồm hai loại bánh tráng khô đã được nhúng nước cùng lá mỳ mới được tráng ra ăn liền. Và một bí quyết cuối cùng là bát mắm đậm đà của xứ Quảng. Bát nước chấm phải hội tụ ba vị chua, cay, ngọt đậm đà. Đặc biệt ớt dầm vào chén nước mắm phải là ớt xanh thì nước mắm mới thơm nồng và còn nguyên màu vàng sóng sánh.

Bánh đập

Bánh tráng đập là món ăn dân dã mà người con xứ Quảng nào cũng biết và ưa thích. Bánh đập gồm hai lớp: lớp ngoài là bánh tráng giòn và phần trong là bánh ướt dẻo. Bánh tráng ngoài được nướng vàng đều hai mặt trên lửa than. Phần bánh ướt mềm và dẻo, được kẹp giữa hai lớp bánh tráng giòn.

Bánh đập (Ảnh: Du lịch)

Khi ăn, bạn ép sao cho các lớp bánh dính vào nhau rồi ăn kèm với mắm nêm. Phần bánh tráng nướng khi đập nhẹ sẽ vỡ ra và dính vào lá mì ướt… bạn chỉ cần bẻ miếng bánh khoảng 2 ngón tay, chấm mắm đưa vào miệng nhai vừa dòn, vừa dẻo, vừa thơm. Mắm nêm ngon là phải kèm hành phi giòn cùng một ít dứa và dầu ăn. Vỏ bánh giòn tan, ăn kèm lớp bánh ướt mềm rồi chấm với mắm nêm. Vị thanh dân dã của bánh tráng và vị mặn đậm đà của mắm nêm rất hợp nhau.

Mì Quảng

Ở miền Trung có “ngũ Quảng” nhưng món mì lại định danh riêng cho xứ Quảng Nam. Món dân dã ấy đã “vinh dự” được xếp vào 12 món ăn Việt Nam được công nhận giá trị ẩm thực châu Á. Nếu ai một lần đến với Quảng Nam hẳn không thể nào quên được món ăn Mì Quảng rất dân dã và bình dị ấy. Được chế biến từ gạo, tuy nhiên hương vị và sắc thái lại có nét riêng biệt. Mì được làm từ lá bánh tráng thái thành sợi. Nhân mì thì khá đa dạng thường được chế biến từ nhiều nguyên liệu như: thịt gà, thịt heo, thịt bò, tôm, cua, cá…

Mì Quảng (Ảnh: Tiêu dùng plus)

Ăn mì Quảng không thể thiếu rau sống, mà rau sống để ăn cùng mì Quảng cũng phải được chuẩn bị rất cầu kì. Nếu với những món ăn bình thường khác chỉ cần một dĩa rau với ít cọng bạc hà, xà lách để ăn kèm thì rau sống cho món ăn này cần tới 9 loại: bắp chuối, rau muống chẻ, giá, cải cay…Cũng có lẽ vì thế mà mì Quảng ăn không bị ngán hay cảm giác khô dù ít nước dùng. Một đĩa rau sống đủ loại, tươi non mát mắt góp phần không nhỏ làm nên vị ngon cho bát mì.

Gỏi bòn bon Tiên Phước

Qua năm tháng, với bàn tay khéo léo của người dân nơi đây, trái bòn bon được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, thậm chí là cả ngâm rượu để bồi bổ sức khỏe. Đặc biệt, có một món ăn dân giã, trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của huyện Tiên Phước đó là gỏi bòn bon.

Gỏi bòn bon Tiên Phước (Ảnh: Làng Việt)

Để làm gỏi bòn bon, người dân phải chọn loại quả to đều, chín mềm có màu vàng tươi, đó là lúc bòn bon chín cây thơm nức, cùi dày và giòn để làm gỏi. Một số nguyên liệu đi kèm để làm nên món gỏi bòn bon là: thịt ba chỉ, tôm, ớt, tỏi, hành phi và một bắt nước mắm ngon. Gỏi bòn bon đúng điệu Quảng Nam phải có vị chua chua, ngọt ngọt và vị cay ấm nồng. Làm bạn với món gỏi bòn bon này sẽ là bánh phồng tôm giòn tan hoặc bánh tráng nướng.

Măng núi trộn Quảng Nam

Mùa hái măng từ tháng 5 đến tháng 9 (âm lịch), những phụ nữ, cô gái Cơ tu vào rừng từ sáng sớm để hái măng. Nguyên liệu làm món ăn này đương nhiên là những búp măng to bằng cổ chân được hái ở những vùng đồi núi, sau đó bóc vỏ, chỉ còn lại lớp thân trắng ngần. Đặc điểm của măng núi là mùi rất thơm, không đắng và luộc qua nước sôi vẫn không ngả sang màu vàng.

Măng núi trộn (Ảnh: Tự hào Việt)

Điều đặc biệt ở món măng núi trộn này là không cần nước xốt, nước tương, tôm, thịt hay bất cứ thứ gì khác. Chỉ cần làm một bát nước mắm tỏi, ớt xiêm (loại ớt trái nhỏ, hạt nhiều, thường có ở vùng đồi núi Quảng Nam) thật cay nồng là đã đủ sức hấp dẫn. Để món ăn thêm mùi thơm và vị béo, lấy ít dầu phộng phi thơm với củ nén giã dập, đến khi nén ngả sang màu vàng là được. Măng trộn là thực phẩm ưa thích của người dân Đông Giang (Quảng Nam). Bữa cơm dân dã cùng với đĩa măng trộn mang đầy hương vị quê nhà mà ai đã được thưởng thức một lần thì nhớ mãi không quên.

Gà đèo Le

Trong các loại gà được xếp vào bậc ngon có tiếng của Việt Nam, người sành ăn không thể không nhắc tới gà đèo Le. Muốn ăn gà đèo Le đúng chuẩn, chắc chắn bạn phải đến đèo Le (gần suối Nước Mát – huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) để thưởng thức.

Gà đèo Le (Ảnh: Cửa sổ tình yêu)

Gà đèo Le là giống gà tre, nuôi thả bộ tự nhiên hoàn toàn, mỗi con chỉ nặng khoảng 0,6 – 0,8 kg. Các món ăn từ gà khá đa dạng như nướng, hấp hành và rô ti… nhưng phổ biến nhất vẫn là luộc bởi món này nấu nhanh và đơn giản. Việc tự mình cắt hoặc xé gà thành từng miếng, trộn cùng rau răm rồi chấm muối tiêu và thưởng thức chắc chắn sẽ khiến món gà trở nên ngon hơn.

Bánh tổ

Bánh tổ được làm từ 2 nguyên liệu chính là gạo nếp và đường. Nguyên liệu ban đầu được chọn lọc phải là loại hảo hạng nhất để làm được món bánh vừa dai vừa dẻo, vị ngọt thanh chứ không phải ngọt lịm. Bánh có hình chiếc bát được bọc bởi một lớp lá chuối. Không gọi là chiếc bánh tổ mà gọi là ổ bánh tổ.

Bánh tổ (Ảnh: CAND)

Bánh có màu trắng, ngà, cà phê sữa hay đen tùy vào lượng và loại đường dùng để chế biến. Bên trên bánh được rắc một lớp vừng (mè), khi cầm bánh  sẽ cảm nhận ngay được mùi thơm của vừng quyện với bánh. Có nhiều cách để thưởng thức món bánh hấp dẫn này. Có thể cắt ra ăn sống, nướng hoặc chiên giòn. Khi ăn sống có thể cảm nhận vị ngọt của đường, vị cay của gừng cùng vị dẻo của gạo nếp.

Cao lầu

Cao Lầu là sự kết hợp giữa sợi cao lầu vàng ruộm cùng với nạc đùi heo xá xíu, da heo hay sợi cao lầu chiên giòn, bánh tráng, đậu phộng rang và một ít rau thơm trà quế. Hương vị chính định vị cho món ăn này phải kể đến phần nước dùng, có vị mặn ngọt đậm đà và bùi béo. Đây chính là nước tẩm gia vị khi làm thịt xá xíu ướp cùng với ngũ vị hương.

Cao lầu (Ảnh: Vnexpress)

Vì thế, nếu thịt xíu và nước sốt càng đậm đà chuẩn vị, món Cao Lầu càng trở nên hấp dẫn. Cao Lầu cần được thưởng thức  lúc còn đang nóng, trộn đều tất cả mọi thứ lên và cảm nhận được vị dai dai sật sật của sợi cao lầu kết hợp với hương vị thơm ngon từ thịt xíu và nước dùng.

Nguyễn Trang/ thoidai.com.vn