Thương mại điện tử B2B: Mỏ vàng không còn bỏ ngỏ

Thương mại điện tử B2B: Mỏ vàng không còn bỏ ngỏ

Mô hình thương mại điện tử B2B (Business to Business – giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) đang là xu hướng mới được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.

Thương mại điện tử tăng vọt kể từ khi Covid-19 bùng phát, đặc biệt là với mô hình B2B.

Mô hình “bán sỉ online” đang là xu hướng

Báo cáo mới nhất của Hãng Statista cho biết, doanh thu thị trường thương mại điện tử mô hình B2C (doanh nghiệp bán trực tiếp cho người tiêu dùng) tại Việt Nam được dự đoán đạt 14,8 tỷ USD trong năm 2022, tăng 16,48%. Trong khi đó, với quy mô lớn hơn, thương mại điện tử B2B cao hơn 5 lần, được dự báo đạt 80 tỷ USD trong năm nay.

Trong mô hình B2B, các nhà sản xuất sẽ bán hàng cho nhà phân phối và nhà bán lẻ, hoặc nhà phân phối bán cho nhiều nhà bán lẻ khác nhau. Số lượng hàng hóa thường ở quy mô lớn, thay vì chỉ một vài sản phẩm như mô hình B2C bán cho khách hàng cuối.

Thống kê từ Innovative Hub cho thấy, thương mại điện tử B2B đã tăng hơn 20% kể từ khi Covid-19 bùng phát. Các công ty bán hàng kỹ thuật số có mức tăng trưởng doanh thu cao hơn 5 lần so với trước dịch.

“Nhờ B2B, chúng tôi đã tăng gấp đôi số lượng đơn hàng của mình, từ 20 lên 46 sau 3 tháng. Hiện doanh nghiệp có 22 khách hàng thường xuyên, giúp đảm bảo hoạt động sản xuất ngay cả trong Covid-19”, bà Phạm Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát Tân Đô chia sẻ.

Còn theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade, chuyên gia tiếp thị và marketing online, tại Việt Nam, việc bán hàng trực tuyến đối với doanh nghiệp B2C dễ dàng hơn doanh nghiệp B2B, bởi doanh nghiệp B2B trước kia chủ yếu bán hàng thông qua tiếp xúc trực tiếp, không chú trọng phát triển các kênh online, nên rất khó khăn trong đại dịch.

Ông David Sopuch, CEO và nhà sáng lập của Avetti Commerce Corporation cho hay, xu hướng thương mại điện tử B2B đang nở rộ trên thế giới. Mô hình này giúp giản lược hệ thống phân phối truyền thống vốn tốn nhiều chi phí và nhân lực. Như Avetti đã cung cấp nền tảng thương mại điện tử B2B cho các đối tác lớn ở Canada, Bắc Mỹ, Trung Đông.

“Mô hình sàn giao dịch cho doanh nghiệp không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn xây dựng được cơ sở dữ liệu kênh phân phối, giảm bớt công việc cho nhiều bộ phận. Ngoài ra, mô hình này còn giúp kết nối các nhà cung cấp, tự động hóa chuỗi cung ứng hay kênh phân phối của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp gia tăng doanh số”, ông David phân tích.

Những tập đoàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba, Amazon rất chú trọng thị trường Việt Nam. Riêng Alibaba đang nhắm tới mục tiêu phát triển 10.000 đối tác là doanh nghiệp tại Việt Nam.

“Chúng tôi tin rằng, thương mại toàn cầu thông qua nền tảng thương mại điện tử B2B có khả năng mang đến cơ hội và giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, qua đó góp phần phục hồi kinh tế và phát triển một cách bền vững”, ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Việt Nam của Alibaba.com chia sẻ.

Doanh nghiệp Việt trong làn sóng mới

Thương mại điện tử theo mô hình B2B đang trở thành xu hướng. Mô hình này giúp chuyển đổi số mạnh mẽ cho hệ thống phân phối và giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm rộng hơn, gia tăng doanh số, tiết kiệm chi phí.

Theo Vantage Market Research, thị trường thương mại điện tử B2B toàn cầu dự báo đạt 18.970 tỷ USD vào năm 2028, tăng từ 6.920 tỷ USD năm 2021, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 18,3%.

Ông Nguyễn Hà Đức Minh, CEO của Lava Digital Group nhận xét, một trong những khó khăn lớn của hệ thống phân phối tại Việt Nam là doanh nghiệp không nắm rõ được lượng hàng còn tồn ở các kênh phân phối. Sàn giao dịch B2B giúp doanh nghiệp nắm rất rõ hàng hóa đang ở kênh nào, số lượng bao nhiêu, để từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp. Không chỉ vậy, khi hàng hóa được đưa lên sàn giao dịch, doanh nghiệp sẽ tinh giản bộ máy phân phối, giúp tự động hoá các quy trình đặt hàng. Sàn thương mại dành cho doanh nghiệp sẽ góp phần thay đổi cách vận hành kênh phân phối truyền thống như hiện nay.

Để doanh nghiệp xây dựng, vận hành, khai thác B2B hiệu quả, ông Bùi Quang Cường, CEO iViet khuyến nghị, doanh nghiệp nên bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, là website, Facebook, địa chỉ trên Google Map hay kênh Youtube. Sau đó, cần làm sao cho “ngôi nhà online” hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp B2B nên tổ chức các sự kiện như hội thảo trực tuyến, hội chợ trực tuyến, đưa gian hàng ảo lên online để kéo khách hàng về “ngôi nhà online” của mình.

Còn theo bà Trần Như An, cố vấn năng lực cạnh tranh và quản lý dự án của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), dù có tiềm năng lớn, nhưng thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn có một số khó khăn do hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, chưa thể cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu, chưa đáp ứng nhu cầu người dùng về chất lượng, thiết kế sản phẩm, chưa tạo sự khác biệt trong sản phẩm.

“Việt Nam cần đầu tư vào việc đào tạo để nâng cao kiến thức và kỹ năng số, nâng cao năng lực cho các đơn vị, đầu tư hệ thống, năng lực kho bãi, giao thông – vận tải, hệ thống thanh toán, bảo mật thông tin”, bà An nhấn mạnh.

Bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh Khu vực Hà Nội của Tiki cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt khi “lên sàn” B2B cần hiểu rõ đối thủ, phân tích thị trường, xây dựng chiến lược dài hạn. Tiếp theo là kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm, tư vấn và chăm sóc sau bán hàng… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng tập khách hàng mới, có thể là từ khách hàng truyền thống chuyển sang khách hàng trực tuyến, đồng thời tiếp cận tập khách hàng sẵn có của các sàn thương mại điện tử để biến họ thành khách hàng tiềm năng.

Có thể thấy, bán sỉ online là một xu hướng đang lan rộng. Các quỹ đầu tư lớn cũng đang rót vốn cho các mô hình này ở Việt Nam. Chính vì vậy, bên cạnh mô hình bán hàng truyền thống, doanh nghiệp cần có kế hoạch “lên sàn” B2B để nắm bắt cơ hội, tăng kênh tiêu thụ, phân phối trong bối cảnh mới.