Thương mại Công nghệ cao phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020 – WIPO TISC – CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Theo báo cáo của WIPO, Việt Nam vươn lên dẫn đầu các nước châu Á khác. Trong 11 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 36,8 tỷ USD hàng công nghệ cao từ Việt Nam, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2019, bao gồm hàng tỷ USD bán điện thoại, bộ định tuyến, bộ vi xử lý, vi mạch và chất bán dẫn. Nhìn chung, các đối tác thương mại của Việt Nam đã thông báo là nhập khẩu 95,7 tỷ USD hàng hóa công nghệ cao trong chín tháng đầu năm 2020, tăng so với 70,5 tỷ USD năm 2016.

Ngày 15 tháng 3 năm 2021

John Miller, Phụ trách Dữ liệu Thương mại (TDM) và Sacha Wunsch-Vincent, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO)

Vào năm 2020, thương mại toàn cầu phải đối mặt với những khó khăn chủ yếu gây ra bởi sự bế tắc kinh tế liên quan đến COVID-19. Vào tháng 9 năm 2020, Chỉ số Đổi mới Toàn cầu của WIPO đã ghi nhận nguy cơ tác động giảm mạnh của cuộc khủng hoảng đại dịch đến đầu tư và thương mại liên quan tới công nghệ.

Như ước tính mới của chúng tôi cho thấy, năm 2020 thương mại hàng hóa công nghệ cao vượt trội so với thương mại hàng hóa, nhờ sự bùng nổ của thiết bị truyền thông, máy tính, xử lý và lưu trữ dữ liệu hướng tới làm việc từ xa và di động. Ngoài ra, xu hướng này đang tiếp tục vào đầu năm 2021.

Theo dự báo của Trade Data Monitor, nhờ vào nửa cuối năm mạnh mẽ sau một mùa xuân khó khăn, tổng thương mại công nghệ cao dự kiến sẽ chỉ giảm khoảng 1% so với năm 2019 và xuống còn 3,36 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

Để so sánh, tổng thương mại hàng hóa giảm 9,2% xuống 17,1 nghìn tỷ USD vào năm 2020 từ 18,9 nghìn tỷ USD vào năm 2019, do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là lĩnh vực vận tải và xây dựng.

Nguồn: WIPO

Về cơ bản, khả năng phục hồi của thương mại công nghệ năm 2020 được thúc đẩy bởi những thay đổi rộng rãi về hành vi của người tiêu dùng trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhìn chung, thương mại công nghệ cao phản ánh xu hướng của các mặt hàng khác, được định hình bởi nhiều người làm việc tại nhà hơn. Vì lý do đó, hoạt động buôn bán giày dép, hành lý và xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi các lô hàng nội thất, thiết bị tập thể dục và đồ chơi phục hồi nhanh chóng vào năm 2020.

Ví dụ, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (US) đã tăng nhập khẩu máy tính bảng và máy tính xách tay 20,9% lên 45,2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020. Hoa Kỳ tăng cường nhập khẩu các thiết bị lưu trữ bán dẫn thể rắn dùng cho điện toán đám mây 38,4% lên 12,3 tỷ USD.

Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng công nghệ cao hàng đầu thế giới trong 10 tháng đầu năm 2020, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) (330,1 tỷ USD), Mỹ (207,4 tỷ USD) và Hàn Quốc (137,8 tỷ USD.

 

Nguồn: WIPO

 

Các doanh nghiệp đã điều chỉnh để hoạt động vượt qua COVID-19

Đại dịch COVID-19 tàn phá thế giới vào năm 2020 đã phá hủy chuỗi cung ứng công nghệ cao vào mùa xuân bằng cách buộc đóng cửa nhà máy, làm chậm các hãng tàu và ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng. Có vẻ như hoạt động kinh doanh toàn cầu đang đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu.

Tuy nhiên, khi năm ngoái trôi qua, các nhà sản xuất và quản lý hậu cần đã tìm ra cách thức hoạt động của doanh nghiệp mình. Doanh số bán hàng tăng trở lại vào mùa hè và mùa thu khi nhu cầu tăng lên, cũng nhờ doanh số bán hàng mạnh mẽ của công nghệ làm việc tại nhà.

Trong tháng 3, xuất khẩu của nhà sản xuất công nghệ cao hàng đầu thế giới, Trung Quốc, đã giảm xuống 54,5 tỷ USD, giảm 8,1% so với 59,3 tỷ USD trong tháng 3 năm 2019. Các lô hàng đến Mỹ từ Trung Quốc giảm 21,7% xuống 7,5 tỷ USD trong Tháng Ba. Sự sụp đổ trên diện rộng: Trong tháng 3, xuất khẩu điện thoại giảm 7,8% xuống 8,4 tỷ USD, máy xử lý dữ liệu giảm 14,3% xuống 6,9 tỷ USD và bộ định tuyến giảm 12,9% xuống 3,2 tỷ USD.

Sau đó, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên hấp thụ tác động của virut COVID-19 và thúc đẩy xuất khẩu công nghệ cao tăng trở lại.

 

Nguồn: WIPO

 

COVID-19 thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc

Đến tháng 4, xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc đã tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 59,7 tỷ USD. Động lực tiếp tục: Vào tháng 11, xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc tăng mạnh 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 86,1 tỷ USD tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu thương mại công nghệ cao của nước này

Năm 2000, Mỹ là nhà xuất khẩu công nghệ số một thế giới, xuất khẩu 156,9 tỷ USD. Trung Quốc bị bỏ xa, ở vị trí thứ 8 với 31,9 tỷ USD. Đến năm 2010, Trung Quốc đứng đầu thế giới, với 742,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Vào năm 2020, xuất khẩu thương mại công nghệ cao của Trung Quốc dự kiến sẽ lên tới 733,4 tỷ USD, tăng 2,3% so với 716,6 tỷ USD năm 2019 và gấp hơn 20 lần giá trị các lô hàng của nước này vào năm 2000, 31,9 tỷ USD.

Các mặt hàng công nghệ cao xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2020 là điện thoại (111,7 tỷ USD), máy xử lý dữ liệu (102,7 tỷ USD), mạch tích hợp (50,3 tỷ USD), bộ định tuyến (43,1 tỷ USD), linh kiện và công nghệ điện thoại (40,2 tỷ USD).

Nguồn: WIPO

 

Người tiêu dùng Hoa Kỳ thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa công nghệ cao

Mỹ là quốc gia nhập khẩu hàng công nghệ cao lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu một lượng lớn các bộ phận cho chuỗi cung ứng. Trong năm 2019, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 505,2 tỷ USD hàng hóa công nghệ cao, tăng so với 473,5 tỷ USD năm 2018.

Nhu cầu của Hoa Kỳ đã bị tổn hại bởi đại dịch virut COVID. Trong tháng 4, nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm 9,7% so với tháng trước xuống 36 tỷ USD từ 39,8 tỷ USD vào tháng 4 năm 2019. Nhưng lượng mua vào đã tăng lên trong thời gian còn lại của năm: Trong 11 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu 457,3 tỷ USD , tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu thương mại từ năm 2020 cho thấy rằng người mua hàng Hoa Kỳ đang thay đổi nơi họ tìm nguồn cung cấp thiết bị công nghệ cao. Trong 11 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 3,6% xuống 126,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng 24,1% lên 24,7 tỷ USD và từ Hàn Quốc tăng 9% lên 18,2 tỷ USD.

 

Việt Nam vươn lên dẫn đầu các nước châu Á khác

Bên cạnh Trung Quốc, và do nhiều yếu tố khác nhau, các nước châu Á khác đang chiếm vị trí là nguồn cung cấp hàng hóa công nghệ sản xuất chủ chốt, một xu hướng sẽ tiếp tục vào năm 2021. Xu hướng này có lợi cho Malaysia, Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc, nhưng thực tế hưởng lợi của sự phục hưng châu Á này là Việt Nam.

Trong 11 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 36,8 tỷ USD hàng công nghệ cao từ Việt Nam, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2019, bao gồm hàng tỷ USD bán điện thoại, bộ định tuyến, bộ vi xử lý, vi mạch và chất bán dẫn.

Nhìn chung, các đối tác thương mại của Việt Nam đã thông báo là nhập khẩu 95,7 tỷ USD hàng hóa công nghệ cao trong chín tháng đầu năm 2020, tăng so với 70,5 tỷ USD của năm 2016.

 

Triển vọng cho năm 2021

Tổ chức Thương mại Thế giới đã dự đoán sự phục hồi 7,2% trong thương mại toàn cầu vào năm 2021. Dựa trên sự gia tăng trong nửa cuối năm 2020, người ta ước tính rằng thương mại công nghệ cao toàn cầu sẽ một lần nữa bắt kịp hoặc tốt hơn thương mại hàng hóa nói chung vào năm 2021.

 

 

Phạm Phi Anh (Dịch và Biên soạn)

Nguồn: https://www.wipo.int/pressroom/en/news/2021/news_0001.html