“Thương con voi”
Năm 2017, Ksor Duk – một chàng trai trẻ người Gia-Lai đã đứng trên sân khấu Smithfield RSL Club – Sydney (Úc), tự đệm guitar và thể hiện ca khúc “Thương con voi” của nhạc sĩ Văn Tuấn Anh. Tiết mục giúp anh giành giải Xuất sắc trong cuộc thi “Viet Song Contest” diễn ra tại Úc.
Ba năm sau, vẫn là Ksor Duk và tiếng hát ấy đã làm thổn thức trái tim của Nguyễn Việt Hùng (Hùng Lekima) – một nhiếp ảnh gia, một nhà hoạt động vì môi trường, trong lần anh trở lại với núi rừng Tây Nguyên. Tiếng hát và lời ca ấy đồng thời thôi thúc anh, một lần nữa, lên tiếng kêu gọi cộng đồng hãy cùng thương lấy những con voi.
Nội Dung Chính
Ảnh: Nguyễn Việt Hùng
Những con voi không có ngà, cũng chẳng còn đuôi
Từ xa xưa, lông đuôi voi luôn được quan niệm rằng có khả năng trừ ma quỷ và đem lại phước lành cho chủ nhân, còn ngà voi sẽ là một tấm bùa hộ mệnh có khả năng phục hồi sức khoẻ và gia tăng quyền lực. Trải qua hàng ngàn năm, những niềm tin đó ngày càng được củng cố, đồng nghĩa với việc tình trạng săn bắt, giết hại voi hoang dã chiếm ngà, bứt lông đuôi ngày một gia tăng. Để sinh tồn, loài voi hoang dã phải tự đẩy nhanh quá trình tiến hoá của chúng một cách khó tin. Nếu như trước đây số lượng voi cái sinh ra không có ngà ở châu Phi chỉ dừng ở mức 2-4% thì hiện con số đó đã lên tới hơn 30%.
Hình ảnh những chú voi châu Phi không có ngà
Tương tự như vậy, giống voi châu Á khi được tìm thấy trong rừng luôn trong tình trạng đuôi lơ thơ hoặc thậm chí là những chiếc đuôi cụt lủn. Những con voi được thuần hoá nuôi trong nhà hay những khu du lịch cũng không tránh khỏi tình trạng mất ngà, cụt đuôi. Thông thường, khi bị kẻ trộm cưỡng chế vặt lông đuôi, cưa ngà, voi không đứng yên mà sẽ phản kháng lại khiến cho các bộ phận khác trên cơ thể cũng bị thương. Do đó, người quản tượng hoặc chủ voi phải đích thân cưa ngà và chặt đuôi những con vật mà họ luôn coi trọng để bảo đảm an toàn cho chúng.
Những chú voi cụt đuôi
Nếu như hiện tượng này lan rộng ra và kéo dài liên tục, có thể một ngày nào đó, con người chỉ có thể được chiêm ngưỡng ngà và lông đuôi voi trong viện bảo tàng.
Voi có thể sẽ biến mất hoàn toàn ở Việt Nam
Voi châu Á là một trong ba loài voi còn sót lại trên Trái đất. Chúng được xếp ở bậc nguy cấp (EN) trong Danh lục Đỏ IUCN với nguy cơ tuyệt chủng luôn ở mức báo động. Theo báo cáo của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam vào tháng 3/2015, số lượng voi trên toàn lãnh thổ Việt Nam được ước tính còn khoảng 100-120 cá thể. Trung bình mỗi năm có ít nhất 4 cá thể voi hoang dã bị giết hoặc gặp nạn, vậy nên tính đến năm 2020, rất có thể số lượng voi chỉ còn khoảng 80-100 con.
Các đàn voi này phần lớn sống tách biệt nhau thành những quần thể nhỏ với tỷ lệ đực cái không đều, cấu trúc tuổi không đảm bảo cho sự phát triển lâu dài. Bởi vậy, loài voi hoang dã châu Á đang bị đe doạ sẽ biến mất hoàn toàn tại Việt Nam trong tương lai không xa.
Những cá thể voi Việt Nam còn lại
Để ngăn chặn sự tuyệt chủng này, ngoài việc gây giống voi, ngăn chặn săn bắn bất hợp pháp thì việc cần làm ngay lúc này là hạn chế xâm lấn môi trường sống của chúng đến mức tối đa. Trung bình, một con voi trưởng thành tiêu thụ hơn 100 kg lá cây và 160-300 lít nước mỗi ngày. Song diện tích rừng đang ngày càng thu hẹp, sông hồ trở nên ô nhiễm hơn, nguồn thức ăn và nước uống cho voi không đảm bảo dẫn đến tình trạng giảm tuổi thọ của voi, khiến chúng chết dần chết mòn, giống như trong lời hát của Ksor Duk.
Năm xưa trên non đàn voi vui đùa
Năm xưa muôn chim còn về đây
Lê thân hằn bao vết đau – voi lang thang mãi đi tìm màu xanh đã xa
Nơi đâu dòng sông mát trong, đâu thiên nhiên, nơi đâu con tim hiền hòa
Trên lưng đồi không bóng cây, mây thôi bay, xác voi ngã gục bên suối khô
Thương cho đàn voi dấu yêu, đi về đâu, thần linh trời xa đau buồn
Không chỉ có voi hoang dã, những con voi nhà cũng có nguy cơ biến mất tương tự, thậm chí sớm hơn. Theo Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, hiện nay số voi nhà của tỉnh là khoảng 40 con, trong đó có gần một nửa là những con voi già trên 40 tuổi, không còn khả năng sinh sản. Trong khi đó, vào năm 1980 số lượng voi nhà của tỉnh này lên tới 500 con, và hầu hết là voi khỏe mạnh. Điều gì dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng này?
Theo đại diện Tổ chức Động vật châu Á, chính việc lạm dụng voi làm vật cưỡi trong du lịch đã khiến chúng suy giảm sức khoẻ và khả năng sinh sản. Nếu tình trạng này kéo dài khoảng hơn 10 năm nữa, chắc chắn voi nhà sẽ biến mất.
hãy là khách du lịch nhân đạo
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng kêu gọi mọi người, kể từ giờ, khi ghé những vườn quốc gia hãy tích cực hưởng ứng chiến dịch “Du lịch nhân đạo không cưỡi voi”. Thay vì ngồi trên lưng voi, chúng ta có thể lựa chọn đạp xe, thăm rừng khộp, ngắm nhìn những sinh vật to lớn này tự do vui chơi, tìm kiếm thức ăn, sinh hoạt bầy đàn… Chắc chắn những trải nghiệm đó sẽ thú vị hơn, tự nhiên hơn và cũng chỉ bằng cách đó chúng ta mới được quan sát cuộc sống thực thụ của những chú voi – thay vì coi chúng là phương tiện di chuyển hay thú mua vui tiêu khiển.
Chiến dịch này đã có những kết quả tích cực ban đầu, khi áp lực lao động đặt lên những con voi nhà giảm đi phần nào. Trong năm 2019, hai con voi cái P’Lú (60 tuổi) và Bun Kon (37 tuổi) được đưa vào Vườn Quốc gia Yok Đôn để tự do kiếm ăn, sinh sống.
Những chú voi vui vẻ khi sống giữa thiên nhiên
Hy vọng trong tương lai, những con voi nhà khác cũng được chuyển tới một môi trường sống phù hợp. Loài voi lại trở nên dũng mãnh như nó đã từng, và khi hát về quê hương mình, Ksor Duk sẽ thôi thổn thức: “Ai ăn mất cái ngà con voi rồi?”.