Thuế thu nhập cá nhân không thể cao hơn thuế thu nhập doanh nghiệp
Hiện các bậc cha mẹ chưa được khấu trừ tiền đóng học phí khi nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong ảnh: phụ huynh đóng học phí cho học sinh tại một trường tiểu học tại TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhiều kiến nghị đề nghị lần sửa này cần thực sự mạnh mẽ, công bằng.
Nên giảm thuế như với doanh nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo lũy tiến, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35% đang được áp dụng hiện nay làm tỉ lệ thuế trên thu nhập là khá cao. “Cần điều tiết thuế TNCN nên tương đương với điều tiết thuế thu nhập DN”, bà Cúc nói.
Cụ thể, thuế thu nhập DN trước đây là 32% doanh thu, sau các lần điều chỉnh, đã giảm dần xuống lần lượt còn 28%, 25% và hiện nay là 20%.
Trong khi đó thuế TNCN từ khi có biểu thuế hiện nay cao nhất vẫn là 35%. Khoảng cách điều tiết biểu thuế cũng rất dày, chỉ cần thu nhập nhích một chút là lên bậc thuế cao hơn. Tiền thuế tăng có khi còn nhiều hơn tiền được nhận thêm.
Bà Trần Nguyễn Minh Hải, giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng chính sách thuế TNCN cần thiết kế theo hướng tạo được sự lan tỏa sang các chính sách khác.
Ví dụ người tham gia bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện… tại các quốc gia khác, phần thu nhập được miễn thuế thường được quy định ở mức tối thiểu bằng GDP bình quân đầu người.
“Nếu đối chiếu với GDP bình quân đầu người của VN trung bình khoảng 4 triệu đồng/tháng” – bà Hải nói và cho rằng cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tạo động lực cho người dân tham gia quỹ hưu trí tự nguyện.
Cũng theo các chuyên gia hiện nay, ngoài kéo giãn khoảng cách bậc thuế, thuế TNCN cần xét thêm các khoản giảm trừ.
Ở một số nước, trong thu thuế TNCN chính phủ cũng giảm trừ dựa trên hóa đơn mua hàng rồi đưa vào chi phí.
Trong khi DN được trừ những khoản chi phí trước khi xác định doanh thu chịu thuế thì với thuế TNCN, người dân lại không hề được giảm trừ.
Hiện nay, hóa đơn điện tử đã rất phát triển, việc lấy hóa đơn để ghi nhận chi phí như DN là không quá phức tạp.
Đây cũng là lợi ích đối với cơ quan thuế vì người dân phải buộc DN xuất hóa đơn khi bán hàng, họ sẽ khó giấu doanh thu để trốn thuế.
Trước mắt cơ quan chức năng có thể bổ sung danh sách các khoản chi phí được khấu trừ trước khi xác định thu nhập chịu thuế, trong đó có thể bắt đầu từ học phí cho trẻ.
Theo bà Cúc, hiện nay, ngay cả người nước ngoài đến VN sinh sống, làm việc nếu có con nhỏ học từ mầm non đến THPT mà học phí do người sử dụng lao động trả hộ thì khoản học phí này sẽ được trừ, không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Đã đến lúc phải điều chỉnh
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về tài chính của Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội cho biết đến thời điểm này, Chính phủ chưa trình phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo biến động giá.
Theo tính toán, đến hết tháng 7-2019, chỉ số giá tiêu dùng từ ngày 1-7-2013 đã vượt 20% là điều kiện để trình mức điều chỉnh.
Ngay cả khi muốn giữ mức giảm trừ gia cảnh hiện hành thì phía Chính phủ cũng phải có giải trình lý do không điều chỉnh với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chia sẻ quan điểm cá nhân, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng bộ này cần phải có báo cáo lên Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Còn về mức giảm trừ gia cảnh, theo ông này, VN nên theo nguyên lý thuế TNCN của nhiều nước đang làm và rất hiệu quả. Tức là việc tính thuế phải đảm bảo theo mức thu nhập của hộ gia đình.
Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh của hai người phụ thuộc được tính bằng mức giảm trừ của một người có thu nhập tính thuế. Đó là cách tính đảm bảo công bằng cho người nộp thuế mà nhiều nước đang áp dụng.
Vị chuyên gia tài chính của Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội cũng cho hay số thu từ sắc thuế TNCN đã tăng đáng kể trong mấy năm gần đây.
Như dự toán năm 2019, số thu là hơn 113.000 tỉ đồng, bằng 10% tổng thu ngân sách.
So với số thu từ các nguồn khác, tổng thu từ thuế TNCN gấp 2,5 lần số thu từ dầu thô, bằng 60% tổng số thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Điều này trái ngược với lo ngại của nhiều người rằng số thu từ thuế TNCN sẽ giảm, gây hụt thu ngân sách vào thời điểm cách đây 6 năm khi sửa đổi Luật thuế TNCN – khi mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế nâng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng.
“Thu nhập tăng lên nhưng chi phí cho nhu cầu tối thiểu như nhà ở, ăn uống, đi lại, học hành… cũng tăng lên. Vì vậy, mức giảm trừ gia cảnh cần thiết xem xét để có điều chỉnh phù hợp” – vị này nhấn mạnh.
Chính phủ chưa trình
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 22-8, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế TNCN.
Thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội cũng chưa nhận được sự liên hệ của cơ quan tham mưu của Chính phủ liên quan đến vấn đề này.
Theo quy định của Luật thuế TNCN, “trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Tổng thư ký Quốc hội khẳng định khi nào Chính phủ trình thì cơ quan chuyên môn của Quốc hội sẽ thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định.
LÊ KIÊN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Sẽ sòng phẳng với người nộp thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đã nắm được việc chỉ số giá biến động đến mức phải xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Phía Bộ Tài chính đang rà soát để tính toán, đánh giá đầy đủ để báo cáo Chính phủ về vấn đề này.
Tinh thần là “không phải vì thu thêm mấy đồng mà phải làm theo luật và đảm bảo công bằng, sòng phẳng với người nộp thuế”.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân: giải đáp nhiều ‘ca khó’