Thực trạng sử dụng công nghệ thông tin của sinh viên: Nghiên cứu trường hợp tại Bồ Đào Nha

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều sinh viên truy cập Internet thông qua các thiết bị di động, các trường đại học đang có xu hướng chấp nhận và triển khai các công nghệ truyền thông, liên lạc mới trong dạy học, góp phần gia tăng tốc độ chuyển đổi số. Nghiên cứu của nhóm tác giả Helena Santos và cộng sự phân tích mục đích và kì vọng của sinh viên khi sử dụng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Sự phát triển của các công nghệ truyền thông trực tuyến đã làm thay đổi môi trường giáo dục và đóng góp vào quá trình chuyển đổi số tại các trường đại học. Đặc biệt, công nghệ đã cho thấy tính hữu dụng trong việc gia tăng mức độ thông tin liên lạc giữa sinh viên và giảng viên tại các trường đại học. Do đó, các trường cần cải thiện hạ tầng công nghệ liên lạc, mở rộng các kênh giao tiếp trực tuyến cho người dạy và người học. Các tác giả đã tiến hành một nghiên cứu lớn, trong đó mục tiêu chung là phân tích hành vi sử dụng công nghệ thông tin liên lạc giữa giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học, tại Đại học Aveiro, Bồ Đào Nha. Trong bài nghiên cứu này, nhóm tác giả chỉ tập trung trả lời hai câu hỏi nghiên cứu cụ thể: (i) Để liên lạc với giảng viên, sinh viên đại học đã sử dụng công nghệ thông tin với mục tiêu và chức năng gì?, và (ii) Sinh viên có những kỳ vọng gì trong việc sử dụng công nghệ thông tin để liên lạc với giảng viên?

Nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát trực tuyến, ứng dụng cách tiếp cận mô tả dựa trên các dữ liệu thu được từ kết quả khảo sát của sinh viên Đại học Aveiro. Phần đầu tiên của bảng hỏi gồm các câu hỏi về các đặc điểm nhân khẩu học của sinh viên như giới tính, tuổi, chuyên ngành và khoa đang theo học. Phần thứ hai bao gồm những câu hỏi về các công nghệ liên lạc mà sinh viên sử dụng để giao tiếp với giảng viên, mức độ chấp nhận, hài lòng và kỳ vọng của các sinh viên đối với những công nghệ này. Các nhóm công nghệ thông tin, liên lạc được chia ra gồm: Các nền tảng xuất bản và chia sẻ (YouTube, Moodle, Flickr, các dịch vụ blog,…), các công cụ cộng tác nội dung (Google Drive, Slack, các trang wiki…), Thư điện tử (Gmail, Hotmail…), các dịch vụ nhắn tin tức thời (Messenger, WhatsApp, SMS…), các hệ thống hội họp video trực tuyến (Skype, Google Hangouts…) và các mạng xã hội (Facebook, Twitter, LinkedIn…)

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng công nghệ được sinh viên chủ yếu sử dụng để liên hệ với giảng viên là thư điện tử (được đề cập bởi 96,5% số sinh viên trả lời khảo sát), trong đó 76,6% cho biết thường xuyên sử dụng hình thức này. Bên cạnh đó, 38,1% sinh viên cho biết đã sử dụng các công nghệ xuất bản và chia sẻ nội dung để liên lạc với giảng viên (59,9% trong số đó cho biết thường xuyên sử dụng). Điều này có thể là do Đại học Aveiro đã triển khai sử dụng hệ thống phần mềm quản lý học tập (LMS) Moodle trên quy mô toàn trường. Các công nghệ còn lại đều chỉ có dưới 20% sinh viên sử dụng. Điều thú vị nhất là các hệ thống hội họp video trực tuyến và mạng xã hội rất ít (hoặc thậm chí không) được sử dụng bởi hơn 30% số sinh viên tham gia trả lời khảo sát. Tóm lại, các hệ thống thư điện tử và cac công nghệ xuất bản và chia sẻ trực tuyến là những công cụ liên lạc được sử dụng nhiều nhất bởi sinh viên.

Bên cạnh đó, đa số sinh viên cho biết thư điện tử và các hệ thống nhắn tin tức thời là các công nghệ liên lạc được sinh viên đánh giá là hữu ích và dễ sử dụng – các công cụ này dễ sử dụng, mang lại sự hài lòng cho sinh viên và các sinh viên cho biết sẽ tiếp tục sử dụng chúng trong tương lai. Ngoài ra, ở khía cạnh này, mạng xã hội và các hệ thống hội họp video trực tuyến tiếp tục được đánh giá ở mức thấp qua các chỉ báo, cho thấy sinh viên không mấy hứng thú với việc sử dụng các phương tiện này trong việc liên lạc với giảng viên.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Helena Santos et al. (2021). Digital transformation in higher education: the use of communication technologies by students. Procedia Computer Science, 164, 123-130.

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.