Thực trạng đời sống công nhân khu công nghiệp
Ðời sống của hơn 1,6 triệu lao động tại các KCN vốn chẳng dư dả thì nay càng bộn bề gian khó khi giá cả ngày càng tăng cao, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm, nhà trọ leo thang hằng ngày. Ðòi hỏi những biện pháp đồng bộ, thiết thực nhằm bảo đảm đời sống người lao động (NLÐ), là điều cấp thiết hiện nay.
Nhà trọ và cuộc sống ‘bốn không’
Ði từ nam ra bắc, ghé qua nhiều khu nhà trọ công nhân, gặp nhiều người lao động từ những miền quê khác nhau, chúng tôi nhận thấy, họ đều có chung một cảnh nghèo, sống trong những căn phòng lợp mái prô-xi-măng tuềnh toàng, chật chội và bức bối. Một buổi chiều mưa xối xả cuối tháng bảy, chúng tôi có mặt tại ấp 4, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức (Long An), nơi có khoảng hơn sáu nghìn công nhân đang sinh sống và làm việc. Mới năm giờ chiều nhưng không gian bên trong khu nhà trọ đã tối đen và ướt át. Mùi thức ăn gia súc bốc lên từ phía nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi nồng nặc suốt ngày đêm khiến không gian trở nên ngột ngạt. Khu nhà trọ của bà Nguyễn Thị Yến Oanh có 32 phòng, cho thuê với giá 350 nghìn đồng/phòng/tháng (trước Tết Nguyên đán là 300 nghìn đồng/phòng với diện tích khoảng mười mét vuông bao gồm cả khu vệ sinh). Chỉ một vài cánh cửa đang mở, bà Oanh cho biết, chủ nhân các phòng trọ là công nhân mất việc nên mới ở nhà.
Căn phòng cuối cùng của dãy nhà là đôi vợ chồng Huỳnh Thanh Hằng, công nhân Công ty may Han Eunvina (Hàn Quốc), quê ở huyện An Biên (Kiên Giang) trọ. Một tháng nay, Hằng ở nhà vì công ty không có hàng sản xuất. Thi thoảng, công ty gọi tới rồi lại về không, bởi thế, Hằng cùng hơn chục công nhân khác đang trọ ở đây luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, đợi chờ. Một số công nhân đi làm thuê công nhật lấy tiền sinh sống qua ngày, số khác về quê. Dù đứa con trai bốn tuổi đang gửi dưới quê nhưng Hằng không dám về, sợ tốn kém tiền đi lại. Khi được hỏi những vấn đề liên quan tới hợp đồng lao động cũng như quyền lợi của NLÐ, Hằng đều không biết, mặc dù cô làm việc cho công ty hơn một năm. Cô cho biết: ‘Cách đây vài ngày, công ty gọi em lên nói ký vào một tờ giấy gì đó (do Hằng không biết chữ – PV), và đưa cho em mảnh giấy này’. Nói rồi, Hằng lấy tờ giấy từ chiếc túi treo trên tường đưa chúng tôi xem. Hóa ra là thẻ bảo hiểm y tế, thời hạn 15-7-2011 đến 31-12-2011. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) huyện Bến Lức Nguyễn Văn Thành giải thích với Hằng: Như vậy, em đã được công ty ký hợp đồng lao động. Em cần giữ thẻ này bên người phòng lúc ốm đau tới bệnh viện để được khám và cấp thuốc miễn phí. Chuyện của Hằng là câu chuyện điển hình cho rất nhiều công nhân lao động trong các KCN, nhất là tại khu vực phía nam. Xuất thân từ nông thôn, hầu hết NLÐ chưa học hết phổ thông cơ sở, mù chữ hoặc tái mù, khiến họ không thể đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Lát sau, chồng Hằng, anh Nguyễn Thanh Tuấn làm công nhân bốc vác cho Công ty Vina Agri chế biến thức ăn gia súc trở về. Người đàn ông với dáng người gầy guộc, xanh xao, ai có thể ngờ hằng ngày, anh thường xuyên bốc vác số lượng thức ăn gia súc hơn 31 tấn, với mức lương từ 70 đến 80 nghìn đồng/ngày. Hôm nào bốc vác được nhiều hàng hơn, anh nhận được thêm hai, ba chục nghìn. Anh Tuấn cho biết, dù công việc khá cực nhọc nhưng bù lại, bán sức lao động kiếm trên dưới 100 nghìn đồng một ngày là mơ ước của nhiều NLÐ khác.
Tại căn nhà trọ khác, chúng tôi gặp hai công nhân Trần Thị Thẩm và Lê Kim Giác, cũng quê Kiên Giang. Thẩm cho biết, năm 2010, công ty cho công nhân nghỉ việc khoảng một tuần, trả 70% lương cho những ai đã được ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, năm nay, công ty chưa có thông báo gì về việc chi trả lương. Mười năm trước, rời quê, cô Thẩm lên thành phố Hồ Chí Minh. Mười năm trôi qua, ngày nào cũng vậy, cặm cụi với chiếc máy may công nghiệp suốt 12 tiếng, đến lúc ngẩng đầu lên, giật mình vì đã ba mươi tuổi, về quê mong kiếm tấm chồng thì đã quá lứa, nhỡ thì. Khi hỏi Thẩm và Giác có ước mơ gì không, chúng tôi nhận được câu trả lời thật đắng lòng: ‘Một cuộc sống ổn định còn khó khăn, làm sao dám mơ ước gì, chúng em chỉ mong được làm tăng ca thật nhiều, mới có ít tiền gửi về phụ giúp cha mẹ. Ở quê, mẹ em cứ nghĩ làm công nhân trên thành phố sướng hơn làm ruộng nhiều’. Phó Chủ tịch LÐLÐ Việt Nam Nguyễn Thị Hồng từng thốt lên: ‘Một cuộc sống thiếu thốn và không mơ ước, đó là tình trạng chung của người lao động trong các khu công nghiệp, lao động nữ càng thiệt thòi hơn khi họ đang tồn tại cùng ‘bốn không’: Không nhà cửa (dân ngoại tỉnh chiếm tới hơn 70%); không gia đình (công nhân lao động nữ không lập được gia đình do phải làm tăng ca mới có tiền trang trải cuộc sống, không có thời gian giao lưu, tìm hiểu bạn trai); không được hưởng thụ các hoạt động văn hóa và không quan tâm chính trị’. Chứng kiến cuộc sống của Giác, Thẩm và biết bao số phận nữ công nhân chỉ coi những căn phòng trọ tồi tàn như chỗ ngả lưng tạm thời sau một ngày làm việc vất vả, càng thấy đau xót hơn khi nghe Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Long An Nguyễn Văn Vân cho biết: Tại một số KCN phía nam, xuất hiện tình trạng nhóm đối tượng xã hội đen cho vay nặng lãi. Công nhân thất nghiệp hoặc đồng lương không đủ trang trải nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, chấp nhận vay tiền của số đối tượng này với lãi suất cao. Khi lãi mẹ đẻ lãi con, NLÐ không có tiền trả, chúng ép nữ công nhân nghỉ việc và đi ‘làm thêm’ tại các quán cà-phê đèn mờ, khống chế nam công nhân. Bên cạnh đó, rời quê lên thành phố làm công nhân, NLÐ nói chung và công nhân nữ nói riêng chưa hề có kỹ năng và kinh nghiệm sống để tự ‘phòng vệ’ bản thân, dễ choáng ngợp trước cuộc sống đô thị trong khi điều kiện sống còn nhiều vất vả, lo toan; thiếu sự quan tâm và hỗ trợ của các đoàn thể, chính quyền địa phương… Trong hoàn cảnh đó, không ít lao động nữ rơi vào cám dỗ, cạm bẫy cuộc sống…
Công nhân – vốn quý nhất của doanh nghiệp
So với các khu công nghiệp chung quanh nội thành Hà Nội, xã Kim Chung, huyện Ðông Anh (Hà Nội) có vị trí thuận tiện về giao thông hơn cả, vì vậy thu hút nhiều lao động tới đây thuê trọ. Nếu vài năm trước, giá thuê phòng chỉ dừng lại 400 nghìn đồng/tháng cho khoảng tám đến mười mét vuông, thì trước Tết Nguyên đán vừa qua, giá thuê phòng đồng loạt lên
500 nghìn đồng/căn, khiến điều kiện sinh hoạt của công nhân nơi đây càng thiếu thốn. Có một nghịch lý ở Ðông Anh, Bến Lức, hay bất kỳ khu nhà trọ khác, đó là việc ngày càng có nhiều cuộc đình công, ngừng việc tập thể xảy ra do NLÐ không đồng tình với việc DN chậm trả lương hoặc thưởng Tết, trong khi giá nhà trọ tăng mỗi năm vài lần, dù ấm ức, không đồng tình, nhưng chưa thấy công nhân nào dám ‘đình công’, phản ứng với chủ trọ và bỏ đi thuê nơi khác. Bởi, nếu ai thắc mắc chủ nhà lập tức chấm dứt hợp đồng, họ sẽ phải đối mặt với cảnh ‘màn trời chiếu đất’.
Căn phòng của bốn nữ công nhân ở đội 7, thôn Bầu, xã Kim Chung chẳng có gì đáng giá ngoài hai chiếc giường 1,2 m nằm song song, hai chiếc bếp ga du lịch chỏng chơ trong xó nhà, nền nhà còn vương vài sợi mì tôm còng queo. Nguyễn Thị Kim Hoa, quê Thái Nguyên tay nhặt rau muống, cười bẽn lẽn: ‘Chiều qua làm tăng ca, 9 giờ tối mới về, chẳng còn hơi sức đâu nấu cơm, mỗi đứa úp hai gói mì tôm ăn rồi lăn ra ngủ cho lại sức. Suốt từ Tết ra, giá cả tăng chóng mặt. Công thức chung cho bữa ăn là đậu – rau, rồi lại cá khô – rau. Ngày đầu tiên nhận lương mới dám mua bữa thịt cá cải thiện, không dám mua nhiều, sợ ‘ăn ngon quen miệng mất’. Ðồng lương ít ỏi ảnh hưởng không chỉ từ bữa ăn đạm bạc của Hoa, nó còn hiện hữu từng xóm trọ, lan tỏa ra ngoài những khu chợ công nhân. 5 giờ 30 phút chiều, thời điểm tấp nập nhất ở ‘làng công nhân’ thuộc thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Ðông Anh. Dường như, thực đơn bữa cơm càng ít độ đạm, thì khu chợ càng ồn ào bởi tiếng kỳ kèo, thêm bớt giá. Theo quan sát của chúng tôi, đông khách nhất là mấy hàng rau, đậu, cá khô. Chỉ có vài phản thịt nhưng có chung tình trạng ế ẩm. Mấy bà chủ quầy thịt nhìn nhau than thở: ‘Ở đây, thịt là thứ thực phẩm xa xỉ’.
Ai cũng biết, người lao động là vốn quý nhất của DN, nhưng những giờ tăng ca quá sức và những bữa ăn đạm bạc kéo dài triền miên khiến sức khỏe, vốn quý nhất của NLÐ ngày càng suy giảm. Ngọc Anh, 23 tuổi có ba năm kinh nghiệm tại nhà máy chuyên sản xuất linh kiện tại KCN Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) dù đang tuổi sung sức nhưng nhiều lúc cũng phải nằm bẹp. ‘Vào thời kỳ cao điểm, chúng em đứng dây chuyền 12 tiếng/ngày. Ốm xoàng không dám nghỉ vì nghỉ một ngày sẽ bị trừ tiền chuyên cần cả tháng. Chỉ một trăm nghìn đồng nhưng ai cũng phải cố’. Một quy định chung được áp dụng khá rộng rãi tại một số nhà máy là muốn nghỉ ốm theo đúng chế độ của Luật Lao động, NLÐ phải báo trước từ 1 đến 3 ngày, bắt buộc phải có giấy của bệnh viện. ‘Ốm có báo trước đâu mà chúng em biết để xin nghỉ. Oái oăm thế mà họ vẫn áp dụng, công nhân chỉ biết nghe’- Ngọc Anh nói như mếu.
Tại các khu nhà trọ gia đình được đánh giá là ổn định hơn các phòng trọ tập thể, do thâm niên làm việc nhiều, tiền lương bảo đảm hơn. Tuy nhiên, họ lại gặp những khó khăn trong vấn đề gửi con nhỏ và thật sự khó khăn mỗi khi con ốm đau, đi bệnh viện. Vợ chồng Hoàng Lệ Tuyết, công nhân Công ty Kishiro và Nguyễn Thành Trung, công nhân Công ty Zamin, bìu ríu nhau từ Thái Nguyên xuống thuê trọ tại thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn trong một phòng rộng chưa đầy
4 m2, giá 300 nghìn đồng/tháng. Từ khi có thêm đứa con, hai vợ chồng đưa bà ngoại xuống trông cháu, phải thuê thêm phòng. Sống được một thời gian trong cảnh chật chội, mẹ Tuyết sinh ốm đau, không chịu nổi, bà cháu đành đưa nhau về quê. Xa mẹ, đứa trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, bị suy dinh dưỡng, xót con, Tuyết đón xuống, đi gửi nhà trẻ tư nhân, mất đứt nửa tháng lương. Hôm gặp chúng tôi, thằng bé được bốn tuổi nhưng trông chỉ như đứa bé hai tuổi. Tuyết nói: ‘Tháng nào con không ốm đau, hai vợ chồng còn có trên dưới một triệu dắt lưng, lỡ nó ốm coi như thâm hụt vào số tiền tiết kiệm ít ỏi’. Câu chuyện đang dở, chúng tôi nghe có tiếng cãi vã nhau, tiếng đứa trẻ khóc ngằn ngặt. Tuyết bảo đó là cặp vợ chồng đầu dãy gặp khó khăn do có hai đứa con. Tháng qua, hai vợ chồng làm không đủ tiền mua sữa cho đứa nhỏ, đóng tiền học cho đứa lớn. Ði làm cả ngày quần quật, về nhà gặp nhau lại tiếng bấc, tiếng chì. Có cặp vợ chồng khác tận Na Rì, Bắc Cạn, khi bố chồng mất, chị vợ nhất định không cho chồng về quê với lý do đằng nào ông cũng mất rồi, đi lại tốn kém. Thế là cãi nhau, đánh nhau, anh chồng bỏ về quê, người vợ bế đứa con nhỏ, ngày đêm khóc đỏ mắt. Những lời qua tiếng lại, những câu chuyện cãi vã vì cuộc sống quá túng bấn giữa các đôi vợ chồng công nhân khiến khu trọ thi thoảng lại chìm trong não nề, ảm đạm.