Thực đơn toàn món ngon hao cơm ngày mưa lạnh
Thực đơn đầy ắp món ngon cho ngày mưa
1. Thịt giả cầy
Nguyên liệu:
– Thịt ba chỉ, hoặc chân giò (Tùy vào lượng người ăn)
– Sả: 5 nhánh
– Riềng: 1 củ
– Ớt: 2, 3 quả
– Mật mía
– Muối, bột nghệ, nước mắm, mẻ, mắm tôm và những gia vị hàng ngày
Cách làm:
Sơ chế nguyên liệu:
– Băm nhỏ sả, thái miếng riềng và ớt
– Thịt ba chỉ mua về rửa sạch, nướng xém phần da. Sau đó, rửa lại lần nữa và cắt thành tiếng từng miếng vừa ăn. Nếu là chân giò thì thui bằng rơm, nướng. Hãy lấy giấy trắng tinh cuộn bó chặt vào xung quanh chân giò, mang đốt cho tới khi bì ngả màu nâu sậm. Nếu không dùng lửa, bạn có thể dùng lò vi sóng nướng vàng, không nướng chín.
– Sau đó, đem rửa, cạo sạch, chặt miếng bằng bao diêm, ướp riềng xay, nghệ xay, mẻ, mắm tôm,1 chút bột canh trong vòng 45 phút.
Chế biến:
– Trước tiên bạn chờ dầu sôi trên bếp rồi cho thịt, hoặc chân giò đã ướp vào chảo, đảo qua cho hơi săn mặt thịt, thêm nước vào khoảng ngập khoảng 2/3 thịt, ninh đến khi thịt vừa chín mềm.
– Bạn vặn lửa nhỏ lại cho thịt ngấm đủ gia vị mà không bị chín nhũn. Cứ như thế bạn đã có một nồi giả cầy thơm ngon đúng vị rồi.
Lưu ý:
– Nếu nấu bằng nồi áp suất: không nên cho thêm nước, đun sôi lửa rất nhỏ khoảng 15 phút rồi bắc ra, không xì hơi, để tự nguội.
– Nếu nấu nồi thường: có bỏ thêm ít nước, nấu tới khi thịt mềm.
– Khi nước sôi, phải vặn nhỏ lửa cho đến khi nước sệt sệt và thịt mềm tới là được, tránh để da thịt nhũn.
– Với món thịt giả cầy các bạn nên dùng lúc nóng là ngon nhất.
2. Canh kim chi củ cải nấu sườn
Nguyên liệu:
– Kim chi củ cải: 1 bát con
– Sườn lợn: 400gr
– Hành boa rô: 1 cây nhỏ
– Lá hẹ: 1 ít
– Gừng, tỏi, gia vị, hạt nêm, mắm.
Thực hiện:
Sơ chế nguyên liệu:
– Sườn mua về chặt miếng vừa ăn, rửa sạch, luộc sơ qua cho bớt mùi hôi.
– Ướp sườn với chút gia vị, hạt nêm.
– Gừng, tỏi bóc bỏ vỏ, băm nhỏ.
– Hàn, hẹ rửa sạch, thái khúc ngắn.
Chế biến:
Bước 1: Sau khi các nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn bạn lấy chảo cho một phần tỏi, gừng đã băm nhỏ và phi thơm.
Bước 2: Sườn sau khi đã được rửa sạch, bạn cho sườn vào xào qua với chút mắm. Sau đó đổ lượng nước vừa ăn vào nồi.
Bước 3: Trút sườn đã xào qua vào nồi ninh cho sườn chín mềm. Tiếp đến bạn cho kim chi củ cải vào (cho thêm một phần nước kim chi đỏ vào để có độ cay, đậm đà). Đun sôi canh trong khoảng 2-3 phút. Cho tiếp hẹ và hành vào.
Bước 4: Nêm lại gia vị một lần cuối cho canh vừa vặn rồi tắt bếp. Cuối cùng bạn nhấc nồi xuống và trút canh ra tô.
3. Rau muống luộc
Chuẩn bị:
– 1 mớ rau muống
– 1 quả chanh, 1 thìa nhỏ muối, một chút đá
Cách làm:
Bước 1: Rau muống nhặt sạch gốc già, lá sâu vàng, (có thể bỏ bớt lá hoặc không là tuỳ sở thích) sau đó rửa nhiều lần và rửa dưới vòi nước.
Tiếp theo, ngâm rau cùng với 1 thìa muối cho rau thật sạch. (Đây cũng là cách tự nhiên để loại bỏ phần nào đi các chất kích thích trong quá trình trồng rau). Sau đó ta vớt rau lên để cho khô ráo.
Bước 2: Chuẩn bị 1 nồi nước đun sôi, khi nước sôi già, bắt đầu thả rau vào và thêm 1 thìa ngọt muối (hoặc nửa thìa nhỏ đường cũng giúp rau luộc thêm xanh). Luộc đến khi nước sôi lại thêm 5 phút.
Chú ý: Để rau muống luộc được xanh giòn cần cho rau ngập nước, luộc rau đúng độ chín vừa vì luộc chưa chín kỹ rau muống còn nhựa sẽ bị thâm đen, mà luộc kỹ quá rau muống luộc xong sẽ bị màu vàng úa.
Bước 3: Chỉ thêm một bước đơn giản dưới đây bạn sẽ có món rau muống luộc xanh rì đến 4-5 tiếng sau rau vẫn còn màu xanh tươi.
Chuẩn bị 1 âu nước lạnh có đá (có thể cắt vài miếng vỏ chanh vào cùng để rau thơm hơn) để rau sau khi luộc xong, ngâm luôn vào âu nước lạnh này và ngâm đến khi nước hết lạnh, vớt rau ra để cho ráo nước.
Nhìn đĩa rau muống luộc, giòn xanh thật sự hấp dẫn. Rau chấm kèm với bát tương hoặc mắm ớt và thêm vài quả cà muối nữa là bạn có bữa cơm ngon mà không cần thịt cá ăn kèm.
Bạn có thể áp dụng cách luộc rau này với cách loại rau khác.
4. Bưởi tráng miệng