Thực đơn cho bé với loạt công thức đơn giản “chống ngán” trong dịp Tết

Thi thoảng, các mẹ nên đổi thực đơn cho con để bé ăn ngon hơn nhé.

Ngày Tết, trẻ sẽ được ăn uống thả ga hoặc ăn thất thường, không đúng bữa. Cùng vì vậy mà các món ăn chưa đáp ứng được về mặt cân bằng dinh dưỡng. Các chuyên gia khuyến cáo, dù ngày Tết hay ngày thường thì trẻ cũng cần hấp thu đủ dinh dưỡng, năng lượng để hoạt động, vui chơi và phát triển thể chất.

Do đó, bố mẹ cần lưu ý các món ăn ngày Tết cho bé phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất cơ bản:

– Chất béo: Cá, thịt gà, trứng, phô mai, sôcôla, các loại hạt (hạt chia, hạnh nhân, óc chó, mắc ca).

– Chất đạm: Các loại thịt, các loại đậu, cá, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa.

– Chất bột đường: Ngũ cốc, khoai tây, bánh mì, bún, phở, cơm trắng.  

– Vitamin và khoáng chất: Sữa, thịt bò, các loại rau lá xanh (bông cải xanh, rau chân vịt…), trái cây (đu đủ, xoài, cam, quýt, bưởi…).

Dưới đây là một số gợi ý đổi thực đơn cho bé từ chị Võ Diễm Phương (sống tại TP HCM), các mẹ tham khảo nhé.

1. Sữa chua 

Tết ăn nhiều món dầu mỡ nhanh ngán, đổi thực đơn cho bé với loạt công thức đơn giản này - Ảnh 1.

Nguyên liệu:

– Sữa tươi không đường: 400ml.

– Sữa chua không đường làm men cái: 1 hũ.

– Phômai: 1 viên.

– Sữa đặc: 2 muỗng cafe (Các bé nhỏ cân nhắc vì ngọt và chứa nhiều đường).

Với nguyên liệu trên làm được thành phẩm 6 hũ sữa chua phô mai. 

Cách làm:

– Hũ thủy tinh tiệt trùng và để khô ráo, sạch sẽ.

– Sữa chua không đường làm men cái phải để ở nhiệt độ phòng lỏng hoàn toàn.

– Cho phô mai vào chén nhỏ. Thêm vài muỗng sữa tươi tán nhuyễn.

– Cho sữa tươi, phô mai, sữa đặc vào nồi nhỏ. Bắc bếp khuấy đều.

– Khuấy một lát thấy hơi nóng bốc lên thì tắt bếp.

– Chờ hỗn hợp sữa nguội tầm 50-70 độ. Cho sữa chua không đường vào khuấy đều. Hớt bớt bọt.

– Chia đều các hũ thủy tinh. Đậy nắp hoặc bọc màng bọc thực phẩm.

– Xếp các hũ sữa chua vào nồi cơm điện (hoặc thùng xốp, máy ủ sữa chua tùy ý).

– Đổ nước ấm tầm 50 độ (nước không quá nóng sẽ làm chết men cái hoặc nguội quá không đủ kích hoạt men).

– Đậy nắp nồi cơm. Ủ tầm 8-12h. Không ủ quá 12h.

2. Xôi xoài hoa đậu biếc

Tết ăn nhiều món dầu mỡ nhanh ngán, đổi thực đơn cho bé với loạt công thức đơn giản này - Ảnh 2.

Nguyên liệu:

– 2 chén nếp thơm.

– 1 trái xoài chín.

– 10 hoa đậu biếc khô.

– Dừa tươi nạo.

– 150ml nước cốt dừa.

– 2 muỗng cafe đường dừa.

– 3 nhánh lá dứa.

– 1 xíu muối.

– Mè trắng hoặc đậu phộng rang.

Cách làm:

– Nếp đổ ngập nước, ngâm 5-6h. Khuya ngâm thì sáng ra nấu là vừa.

– Bắc nồi nhỏ cho 2 chén nước lọc. Cho hoa đậu biếc vào nấu sôi. Chờ hoa ra hết màu chắt lấy nước.

– Sau đó dùng nước hoa đậu biếc để ngâm nếp 30 phút. 

– Nếp sau khi ngâm xong. Vớt ra tô. Trộn nếp với dừa tươi nạo hoặc bào nhuyễn, 50ml nước cốt dừa, 1 xíu muối, 1 muỗng cafe đường dừa. 

– Trộn đều rồi đổ thêm 1 chén nhỏ nước hoa đậu biếc. Sau đó cho vào xửng có lót lá chuối. Đổ phần nếp lên trên. Thêm lá dứa cho thơm. Hấp chín xôi tầm 30 phút. 

– Xoài gọt vỏ. Cắt tạo hình tuỳ ý.

– Bắc nồi nhỏ cho 100ml nước cốt dừa, 1 muỗng cafe đường, 1 xíu muối. Thêm 1 nhánh lá dứa nấu sẽ thơm hơn. Hơi sôi lăn tăn thì tắt bếp. Sau đó để nguội làm sốt cốt dừa lát rưới lên xôi.

– Xôi chín cho ra chén nhỏ nén chặt. Úp xuống đĩa. Trang trí thêm xoài. Mix cốt dừa, dừa tươi nạo, mè trắng hoặc đậu phộng rang tuỳ ý.

3. Mì spaghetti bò bằm

Tết ăn nhiều món dầu mỡ nhanh ngán, đổi thực đơn cho bé với loạt công thức đơn giản này - Ảnh 3.

Nguyên liệu:

– Mì spaghetti hữu cơ.

– Thịt bò băm.

– Hành tây.

– Đậu cove.

– Cà chua.

– Sốt cà chua hữu cơ.

– Nước mắm, hạt nêm bé ăn dặm (dưới 1 tuổi bỏ qua).

Cách làm:

– Bắc nồi nước cho tí dầu ăn dặm, củ hành tím cắt làm 4. Nước sôi thả mì vào luộc chín. Sau đó xả nước lạnh để ráo.

– Hành tây, đậu cove cắt hạt lựu.

– Bò băm ướp với chút xíu: dầu ăn, hành tỏi băm, 1 vài giọt nước mắm hoặc hạt nêm em bé, ít tinh bột bắp (hoặc bột năng), 1 muỗng cafe nước sốt cà. Trộn đều để 15 phút ngăn mát tủ lạnh đợi thấm vị.

– Sau đó đem phần bò ướp ra. Trộn chung hành tây và đậu cove vào. Trộn đều. Hấp nhỏ lửa 15 phút.

– Cà chua chần sơ nước sôi. Lột bỏ vỏ, băm nhuyễn.

– Bắc chảo phi thơm dầu ăn với xíu hành tím băm. Cho cà chua vào xào nhanh tay. Thêm 2-3 muỗng nước sốt cà vào đảo đều. Cho phần mì luộc vào. Trộn đều. Thêm phần bò đã hấp vào. Đảo mì thấm vị thì tắt bếp cho ra dĩa. Mix chút hành ngò tăng hương vị.

Hoặc:

– Bắc chảo phi thơm hành tím băm. Cho cà chua vào xào nhanh tay. Thêm bò đã hấp vào đảo đều.

– Cho mì spaghetti ra đĩa. Cho phần sốt bò bằm lên trên.

4. Smoothie bơ cải kale

Con lười ăn rau, mẹ đảm biến tấu rau củ thành loạt món ngon khiến bé mê tít  - Ảnh 4.

 Nguyên liệu:

– 1 nhánh cải kale.

– 1/4 quả bơ.

– 1/2 hủ sữa chua (hoặc 50ml sữa tươi. Bé dưới 1 tuổi dùng sữa công thức).

– 1 muỗng cafe hạt lanh xay.

 Cách làm:

– Cải kale rửa sạch. Trùng sơ nước sôi hoặc luộc chín.

– Xay cải kale, bơ, sữa chua thành hỗn hợp sánh mịn.

– Cho ra ly. Mix thêm hạt lanh xay là xong.

5. Bánh cá nhân mứt mận

Tết ăn nhiều món dầu mỡ nhanh ngán, đổi thực đơn cho bé với loạt công thức đơn giản này - Ảnh 5.

Nguyên liệu:

– 80ml bột hotcake hoặc pancake.

– 60ml sữa tươi không đường (các bé dưới 1 tuổi dùng sữa công thức).

– 20ml bơ Ghee đun chảy (hoặc dầu ăn).

– 1 lòng đỏ trứng gà.

– vài giọt vanilla.

– 4 muỗng cafe mứt mận homemade.

Cách làm:

– Mix hỗn hợp: sữa tươi, bơ ghee, lòng đỏ, vanilla với nhau.

– Sau đó rây bột hotcake (hoặc bột pancake) vào. Trộn đều, hỗn hợp bột mịn là được.

– Lắp khuôn cá vào máy. Cắm điện.

– Dùng cọ silicon quét 1 lớp bơ ghee (hoặc dầu ăn) lên khuôn.

– Múc từng muỗng bột cho vào khuôn. Dàn mỏng bột đều khuôn. Cho mứt mận vào giữa khuôn. Múc thêm ít bột đổ lên trên.

– Dập máy, nướng tầm 5-7 phút. Thấy đèn tắt để thêm vài giây mở ra thấy bánh chín vàng là được.

– Tiếp tục đổ bánh với số bột còn lại.

– Công thức trên làm được 4 chiếc bánh cá xinh cho bé.

Giữ sức khỏe cho trẻ ngày Tết qua chế độ ăn uống

– Cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và tiêu hóa.

– Đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, không cho trẻ ăn thức ăn cũ hâm nóng nhiều lần nhằm đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

– Liên tục đổi món/thực đơn cho trẻ, không cho trẻ ăn đi ăn lại mãi một món dễ gây ngán khiến trẻ biếng/chán ăn.

– Tuyệt đối không để trẻ bỏ bữa, nên cho trẻ ăn đúng giờ. Nếu không thể đúng giờ vì lý do nào đó, hãy cho trẻ ăn các món ăn nhẹ như bánh flan, uống sữa và các chế phẩm từ sữa, trái cây, các loại hạt… hoặc có thể cho trẻ ăn trước khi đi chơi, đi chúc Tết.

– Tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt… đặc biệt trước những bữa ăn chính vì có thể khiến trẻ no và bỏ bữa.