Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi – mẹ nấu nhanh, con ăn ngoan
Các bà mẹ luôn muốn sưu tầm các kiểu thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi để đa dạng bữa ăn cho con yêu nhà mình.
Nội Dung Chính
Khi nào bé bắt đầu có thể ăn dặm?
Theo khuyến cáo từ tổ chức y tế thế giới WHO và nhiều bác sĩ nhi khoa, trẻ đủ 6 tháng tuổi mới nên cho ăn dặm. Lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã dần được hoàn thiện. Trẻ cũng cần làm quen với các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ, đặc biệt khi mẹ chuẩn bị quay trở lại làm việc sau khoảng thời gian dài nghỉ chế độ thai sản. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết, học ăn thô cũng đánh dấu mốc phát triển quan trọng của trẻ.
Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ có thể ăn dặm khi 5 tháng tuổi nhưng mẹ nên hỏi ý kiến của các bác sĩ nhi khoa trước khi cho con ăn dặm ở độ tuổi này.
5 tháng tuổi trở đi, bé có thể bắt đầu học ăn dặm được rồi các mẹ nhé! (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu bé muốn ăn dặm
– Bé bắt đầu học ngồi và đang dần ngồi vững.
– Bé thường nhai tóp tép trong miệng mỗi khi rảnh rỗi.
– Bé tỏ ra thích thú mắt mỗi khi thấy mọi người xung quanh ăn uống, mắt nhìn không rời miệng người lớn nhai.
– Bé đùn lưỡi liên tục.
– Bé đòi bú mẹ liên tục chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ đã tăng lên nhanh chóng.
– Bé thường tỉnh giấc giữa đêm hoặc ngủ giấc ngắn để đòi ăn.
Bé 5 tháng tuổi có thể ăn được những gì?
Dù cho bé đã sẵn sàng bắt đầu quá trình ăn dặm, thế nhưng không phải loại thực phẩm nào cũng phù hợp cho bé và khiến bé có thể ăn được. Các mẹ có thể tham khảo danh sách các loại thực phẩm dành cho bé 5 tháng tuổi ăn dặm như sau:
1. Các loại ngũ cốc
Đây là những thực phẩm cơ bản nhất mà các mẹ nên bắt đầu tập cho bé ăn dặm khi bé đã đủ 5 tháng tuổi. Ngũ cốc rất dễ chế biến và có thể tùy ý điều chỉnh độ đặc, loãng sao cho phù hợp với khẩu vị của bé. Đặc biệt, nhóm ngũ cốc chứa nhiều chất sắt được khuyến nghị là cần thiết cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này. Có thể kể đến như: yến mạch, gạo, lúa mạch, kiều mạch,… tất cả phải còn nguyên cám mới giúp bổ sung lượng sắt dồi dào cho trẻ.
Khi mới cho bé tập ăn dặm bằng ngũ cốc, các mẹ nên cho bé ăn từng loại riêng biệt để phát hiện xem bé thích ăn loại ngũ cốc nào nhất. Khoảng cách cho mỗi lần thử cho bé ăn mỗi loại ngũ cốc khác nhau nên cách nhau từ 3-5 ngày. Nếu phát hiện trẻ bị dị ứng với ngũ cốc thì các mẹ cần lập tức dừng ngay việc ăn dặm lại, tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn thực đơn khác phù hợp cho bé.
2. Rau củ, trái cây
Các loại rau củ và trái cây nói chung sẽ giúp bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu mà cơ thể của các bé cần. Vậy loại trái cây và rau củ nào sẽ phù hợp với trẻ trong giai đoạn ăn dặm gian nan này? Câu trả lời đó chính là các loại rau củ chứa nhiều sắt, kẽm và vitamin, có thể kể đến như: bí đỏ, cà rốt, bông cải, cải bó xôi,…
Yêu cầu quan trọng trong việc chế biến các loại rau củ này, đó là chúng phải được nấu chín nhừ, sau đó được nghiền nhỏ hoặc xay nhuyễn cho bé ăn. Bé 5 tháng tuổi sẽ không thể ăn được các loại rau củ, trái cây cứng khi chưa được nghiền kỹ.
3. Thực phẩm giàu protein
Protein trong thịt, cá, trứng là nguồn thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hữu ích cho bé 5 tháng tuổi bắt đầu ăn dặm. Trong đó, các loại thịt chứa nhiều kẽm, sắt được khuyến khích đưa vào trong bữa ăn hàng ngày của bé. Có thể kể đến như: Thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cá hồi,… tất cả đều phải được chế biến kỹ lưỡng và xay thật nhuyễn mới cho bé sử dụng.
Liều lượng ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi
Ăn dặm với bé 5 tháng tuổi chỉ là bữa ăn phụ. Bé chỉ cần ăn 1 bữa/ngày. Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ đến 12 tháng tuổi.
Bé đang tập làm quen với thức ăn thô, các loại mùi vị thức ăn vì vậy liều lượng ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi trong 1 bữa thích hợp nhất là:
– Bột ăn dặm: 80ml/bữa
– Thịt lợn/bò: 25g/bữa
– Rau/củ: 20g/bữa
Mẹ có thể tham khảo thêm lượng thức ăn dặm của bé theo từng tháng tuổi.
Với món mới, mẹ cho bé ăn với lượng 1 thìa (5ml). Tăng dần theo nhu cầu và sự yêu thích của trẻ. Tối đa một lần ăn của trẻ, mẹ chỉ nên cho bé ăn 7-10 thìa.
Bé 5 tháng tuổi ăn dặm mẹ chỉ nên cho con ăn thức ăn loãng, dần dần mới tăng độ đặc.
Giai đoạn ăn dặm chỉ nên tập cho bé ăn, chứ các mẹ không nên ép bé phải ăn cho bằng hết.
Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi của Viện Dinh Dưỡng
Nếu bé nhà bạn đang chuẩn bị ăn dặm, hãy tham khảo lịch ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi dưới đây theo Viện Dinh Dưỡng khuyến nghị:
1. Tuần đầu tiên: Cháo trắng
Đối với các bé 5 tháng tuổi mới bắt đầu tập ăn dặm, trong tuần đầu tiên các mẹ chỉ nên cho con ăn cháo trắng mà thôi. Cách thực hiện như sau:
– Cho 1 thìa gạo nấu cùng 10 thìa nước. Vì dung tích nấu rất ít, mẹ có thể cho gạo vào bát ăn cơm, đặt vào nồi cơm điện của gia đình để nấu sẽ nhanh gọn và tiết kiệm hơn.
– Khi cháo chín, đem rây nhuyễn cháo. Lấy phần hỗn hợp sệt khoảng 10-15 ml. Tuy nhiên trong tuần đầu ăn dặm của bé 5 tháng tuổi, các mẹ chỉ cần cho bé ăn từ 1-2 thìa cháo rây (5-10ml) để bé làm quen với thực phẩm mới.
Nấu cháo ăn dặm cho bé trong nồi cơm điện khi nấu cơm cho cả nhà sẽ giúp mẹ tiết kiệm thời gian chế biến hơn. (Ảnh minh họa)
Sau đây là chi tiết lịch ăn dặm cho bé 5 tháng của tuần thứ nhất:
– Ngày thứ 1: 1 thìa cháo trắng.
– Ngày thứ 2: 1 thìa cháo trắng.
– Ngày thứ 3: 1 thìa cháo trắng.
– Ngày thứ 4: 1 thìa cháo trắng.
– Ngày thứ 5: 1-2 thìa cháo trắng.
– Ngày thứ 6: 1-2 thìa cháo trắng.
– Ngày thứ 7: 1-2 thìa cháo trắng.
2. Tuần thứ hai: Cháo trắng và rau củ quả
Ngoài cháo trắng đã rây (15ml – 25ml), các mẹ tiếp tục lần lượt giới thiệu với bé các loại củ quả như cà rốt, bí đỏ, khoai tây, cà chua, táo vào thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi theo từng ngày. Các loại củ quả này chỉ cần luộc chín rồi rây lấy khoảng 5ml cho trẻ ăn. Việc ăn riêng lẻ từng thực phẩm giúp mẹ đánh giá sở thích của trẻ, còn trẻ thì được cảm nhận mùi vị của từng loại đồ ăn.
Sau đây là chi tiết lịch ăn dặm cho bé 5 tháng của tuần thứ hai:
– Ngày thứ 8: 3 thìa cháo trắng + 1/2 thìa bí đỏ nghiền.
– Ngày thứ 9: 3 thìa cháo trắng + 1/2 thìa cà rốt nghiền.
– Ngày thứ 10: 4 thìa cháo trắng + 1 thìa bí đỏ nghiền.
– Ngày thứ 11: 4 thìa cháo trắng + 1 thìa cà rốt nghiền.
– Ngày thứ 12: 4 thìa cháo trắng + 1/2 thìa bí đỏ nghiền + 1/2 thìa cà rốt nghiền.
– Ngày thứ 13: 4 thìa cháo trắng + 1/2 thìa bí đỏ nghiền + 1 thìa khoai tây nghiền.
– Ngày thứ 14: 5 thìa cháo trắng + 2 thìa bí đỏ nghiền + 1 thìa bắp cải nghiền.
3. Tuần thứ ba: Cháo trắng trộn rau củ quả
Khi bước sang tuần thứ ba của việc ăn dặm, khi này bé đã bắt đầu quen với nhiều loại thực phẩm mới. Các mẹ sẽ bắt đầu cho bé ăn nhiều hơn, chia thành từng ngày với mỗi món khác nhau theo hướng dẫn dưới đây:
Ngày thứ 15: Cháo cà rốt
– Nguyên liệu:
+ 20g cà rốt
+ Cháo trắng đã rây mịn
– Cách làm:
+ Cà rốt thái lát mỏng đem hấp chín nhừ sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cho mẹ. Bỏ cà rốt vào cái rây, dùng thìa miết kỹ, lọc lấy phần cà rốt mịn.
+ Trộn đều hỗn hợp 15-20ml cà rốt với khoảng 30 ml cháo trắng đã rây.
Trong tháng đầu tiên ăn dặm, mẹ nên để bé thưởng thức hương vị của từng loại đồ ăn riêng biệt. (Ảnh minh họa)
Ngày thứ 16: Cháo cà chua
– Nguyên liệu:
+ Cháo trắng đã nấu chín
+ 1 quả cà chua loại vừa
– Cách làm:
+ Cà chua rửa sạch, bỏ núm, luộc sơ. Bóc vỏ và bỏ hạt. Thái nhỏ cà chua cho vào bát con đem hấp chín nhừ. Sau khi cà chua chín, đem rây nhuyễn lấy khoảng 10ml cà chua.
+ Cháo trắng nấu chín, lấy 1 thìa canh đem rây nhuyễn được 30 ml. Trộn đều 2 phần cháo và cà chua đã rây thành hỗn hợp sền sệt cho bé ăn. Cháo cà chua giàu vitamin A, C rất tốt cho thị lực và trí tuệ của trẻ.
Ngày thứ 17: Cháo khoai tây
– Nguyên liệu:
+ Cháo trắng
+ 1/2 củ khoai tây. Lưu ý, mẹ phải chọn khoai tây tươi, không mọc mầm, thâm đen.
– Cách làm:
+ Khoai tây thái mỏng hấp chín đều. Dùng thìa dầm nhuyễn hoặc dùng máy xay xay nhuyễn.
+ Lấy 30-40 ml cháo trắng đã rây trộn đều với khoai tây.
Ngày thứ 18: Cháo bí đỏ
– Nguyên liệu:
+ Cháo trắng đã nấu chín
+ 20 g bí đỏ đã được bỏ ruột
– Cách làm:
+ Bí đỏ hấp chín, đem rây nhuyễn được thành phẩm 10 ml.
+ Cháo trắng nấu chín, lấy 1 thìa canh đem rây nhuyễn được khoảng 30-40 ml. Trộn đều 2 phần cháo và bí đỏ đã rây thành hỗn hợp sền sệt cho bé ăn.
Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng với cháo bí đỏ
Ngày thứ 19: Cháo táo
– Nguyên liệu:
+ 1/4 quả táo. Nên chọn táo hữu cơ loại ngọt tại các cửa hàng nhập khẩu để món ăn ngon hơn.
+ Cháo trắng
– Cách làm:
+ Táo thái hạt lựu, cho vào máy xay xay nhuyễn. Có 2 lựa chọn. Thứ nhất, mẹ có thể lọc bỏ bã táo, chỉ lấy nước cốt chọn cùng cháo trắng đã rây mịn. Thứ hai, mẹ để cả bã và nước cốt trộn chung với cháo và cho bé ăn thử.
+ Mẹ có thể thử cả 2 cách xem bé nhà mình thích kiểu nào hơn. Cháo táo có hương vị thơm ngon, mới mẻ giúp tăng khẩu vị cho bé yêu.
Ngày thứ 20: Cháo khoai lang và táo
– Nguyên liệu:
+ 20g khoai lang
+ 30g táo
– Cách làm:
+ Khoai lang bỏ vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng đem hấp hoặc luộc chín.
+ Táo thái nhỏ xay nhuyễn lấy nước ép.
+ Trộn 2 thìa khoai lang và 5 thìa nước táo để tạo thành một hỗn hợp sánh mịn cho bé ăn.
Ngày thứ 21: Cháo sữa bánh mì
– Nguyên liệu:
+ 1 lát bánh mì sandwich
+ 15-20 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức
– Cách làm:
+ Bỏ hết phần viền của bánh mì, xé thật nhỏ phần ruột trắng. Đổ khoảng 15 ml nước sôi để nguội, đun chín nhừ bánh mì. Sau đó rây mịn bánh mì.
+ Hòa bánh mì với sữa mẹ hoặc sữa công thức thành hỗn hợp lỏng cho bé ăn. Món cháo bánh mỳ với nguyên liệu mới sẽ giúp mẹ thay đổi thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi trong ngày cuối tuần thêm thú vị.
4. Tuần thứ tư: Cháo trắng với thịt, cá
Ở tuần thứ 4, các mẹ có thể áp dụng thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng rưỡi với nguyên liệu thịt cá để bé làm quen với hương vị đạm động vật.
Ngày thứ 22: Cháo thịt lợn rau ngót
– Nguyên liệu:
+ 30ml cháo trắng
+ 30g rau ngót
+ 15g thịt lợn
– Cách làm:
+ Rau ngót rửa sạch, vẩy ráo nước. Thái nhỏ hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
+ Thịt lợn rửa sạch, thái mỏng rồi băm nhuyễn. Mẹ nên dùng máy xay để xay thịt để thịt được nhuyễn đều. Đun chín thịt.
+ Cho cháo vào nồi, tiếp đó là thịt lợn, rồi mới đến rau ngót. Khuấy đều tay hỗn hợp cháo, đảm bảo các nguyên liệu đều đã chín. Nếu mẹ cảm thấy cháo quá đặc, có thể cho thêm chút nước vì thời gian này bé chỉ nên ăn cháo lỏng.
+ Khi cháo đã chín, cho 1 vài giọt dầu ăn trẻ em vào cháo rồi đổ cháo ra bát, để cháo bớt nóng rồi cho bé ăn dần.
Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng với cháo rau ngót và thịt lợn xay
Ngày thứ 23: Cháo trứng gà
– Nguyên liệu:
+ 1 quả trứng gà. Chỉ lấy 2/3 lòng đỏ trứng.
+ Cháo trắng: 40ml
– Cách làm:
+ Cho cháo vào nồi, đun cháo nóng rồi mới bỏ phần lòng đỏ trứng vào quấy đều. Nấu chín cháo, rồi cho 1 vài giọt dầu ăn vào cháo.
+ Cháo trứng rất dễ hỏng nếu để lâu, mẹ nên để nguội và cho bé ăn ngay sau khi nấu.
Ngày thứ 24: Cháo thịt bò
– Nguyên liệu:
+ 15g thịt bò
+ 40 ml cháo trắng
– Cách làm:
+ Thịt bò rửa sạch, thái vụn đem xay nhuyễn. Bỏ thịt vào nồi, cho chút nước để không bén nồi rồi đun chín thịt.
+ Bỏ phần thịt bò đã làm chín cho vào cháo trắng. Bắc lên bếp đun nóng hỗn hợp cháo và thịt bò, cho 1 thìa dầu ăn vào cháo trước khi tắt bếp.
Ngày thứ 25: Cháo thịt lợn – cà rốt
– Nguyên liệu:
+ Gạo: 25g
+ Thịt heo: 40g
+ Hành tím băm
+ Cà rốt: 20g
– Cách làm:
+ Thịt heo rửa sạch, thái nhỏ sau đó xay nhuyễn.
+ Cho hành tím băm vào phi thơm, sau đó cho thịt heo vào xào cho chín.
+ Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch sau đó thái hạt lựu rồi băm nhỏ.
+ Vo gạo cho sạch rồi đem nấu thành cháo, đến khi cháo gần chín thì cho thịt heo, cà rốt vào nấu đến khi chín nhừ hoàn toàn.
+ Cho cháo thịt lợn và cà rốt vào máy xay để xay nhuyễn, sau đó lọc qua rây rồi mới cho bé ăn.
Ngày thứ 26: Cháo thịt bò – cải bó xôi
– Nguyên liệu:
+ Gạo: 25g
+ Thịt bò: 30g
+ Cải bó xôi: 20g
+ Hành tím băm
– Cách làm:
+ Thịt bò khử mùi hôi, sau đó rửa sạch và xay nhuyễn.
+ Cải bó xôi rửa sạch, sau đó băm thật nhỏ.
+ Phi hành tím băm cho thơm, sau đó cho thịt bò vào đảo đều cho đến khi thịt săn lại.
+ Gạo vo sạch, sau đó đem nấu cháo. Đến khi cháo sôi lăn tăn thì cho thịt bò và cải bó xôi vào. Tiếp tục nấu đến khi cháo chín nhừ.
Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng với thịt bò, cải bó xôi
Ngày thứ 27: Cháo thịt bò – bí đỏ
– Nguyên liệu:
+ Cháo trắng đã nấu chín
+ 20g bí đỏ đã được bỏ ruột
+ Thịt bò: 50g đã rửa sạch và xay nhuyễn
– Cách làm:
+ Thịt bò đem xào với một ít hành tím băm cho săn lại.
+ Bí đỏ hấp chín, đem rây nhuyễn được thành phẩm 10 ml.
+ Cháo trắng nấu chín, lấy 1 thìa canh đem rây nhuyễn được khoảng 30-40 ml. Trộn đều phần cháo, bí đỏ và thịt bò đã rây thành hỗn hợp sền sệt cho bé ăn.
Ngày thứ 28: Cháo chim câu
– Nguyên liệu:
+ Thịt chim câu: 50g
+ Gạo: 30g
+ Hành tím băm
+ Gia vị
– Cách làm:
+ Làm sạch thịt chim câu, lọc bỏ hết xương, chỉ giữ lại thịt. Sau đó cho vào máy để xay nhuyễn.
+ Cho hành tím phi thơm, sau đó cho thịt chim câu vào xào chín tới.
+ Gạo vo sạch, sau đó đem nấu thành cháo. Đến khi cháo sôi lăn tăn, cho thịt chim câu vào nấu cùng cho chín nhừ hoàn toàn.
+ Nêm thêm gia vị cho vừa khẩu vị của bé, cho bé ăn khi còn nóng ấm.
Ở tuần thứ 4, mẹ vẫn cần áp dụng lịch ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi một cách khoa học, kết hợp cho bé ăn các loại rau củ, thịt động vật và cháo với lượng 40-50 ml/ngày. Trong 1 tháng ăn dặm vừa qua, các mẹ sẽ có những đánh giá về tình hình ăn dặm của con mình và đưa ra những thay đổi trong việc thiết kế thực đơn của bé trong tương lai.
Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi kiểu Nhật
Ngoài việc sử dụng thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi theo Viện Dinh Dưỡng khuyến nghị, các mẹ có thể cho bé sử dụng thêm thực đơn ăn dặm theo kiểu của Nhật.
1. Liều lượng ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi kiểu Nhật
– Số lượng bữa ăn trong ngày: Chỉ cho bé ăn 1 bữa/ngày.
– Thời gian cho bé ăn: Nên cho bé ăn dặm vào bữa sáng lúc 10 giờ.
– Độ đặc, loãng của cháo: Tỷ lệ gạo – nước là 1:10.
– Protein: 5 – 10g
– Tinh bột: 5g – 30g
– Rau củ: 5g – 20g (bao gồm cà rốt, bí đỏ, cải bó xôi, cà chua, bắp cải, bông cải xanh, chuối, táo,…)
– Chỉ cho bé ăn với liều lượng là 1 thìa (5ml) của tất cả các loại thực phẩm khi đưa cho bé tập ăn dặm. Sau này khi bé được 6-7 tháng tuổi thì mới tăng dần liều lượng.
2. Một số loại thực phẩm cho bé ăn dặm theo kiểu Nhật
– Tinh bột: Gạo, bánh mì, cháo, khoai tây, khoai lang,…
– Protein: Đậu phụ, cá, lòng đỏ trứng gà, phô mai, sữa tươi,…
– Vitamin: Bí đỏ, cà rốt, cà chua, bắp cải, bông cải xanh, củ cải, cải bó xôi, táo, chuối,…
3. Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 5 tháng chi tiết
– Tuần thứ nhất: Các mẹ nên cho bé 5 tháng tuổi ăn cháo trắng với số lượng khoảng từ 1-2 thìa (5ml – 10ml).
– Tuần thứ hai: Ngoài cháo trắng, các mẹ có thể bổ sung thêm cà rốt, bí đỏ, và cà chua (mỗi loại 1 thìa) vào thực đơn ăn dặm của trẻ.
– Tuần thứ ba: Khi bé đã quen với nhiều thực phẩm khác nhau, các mẹ có thể tăng liều lượng cho con ăn dặm mỗi ngày. Cháo trắng (30 – 40ml) có thể kết hợp với các loại rau củ như rau ngót (10ml), su hào (10ml), cải bó xôi (10ml). Tổng số lượng mà các bé sẽ hấp thụ mỗi ngày là khoảng 40ml đến 50ml.
– Tuần thứ tư: Các mẹ vẫn duy trì thực đơn và liều lượng cho các bé ăn dặm giống như ở tuần thứ 3.
Những lưu ý khi cho bé bắt đầu ăn dặm
Để giúp quá trình ăn dặm là một trải nghiệm khám phá hoàn toàn mới và thú vị cho bé từ 5 tuổi trở đi, các mẹ cần nắm rõ những lưu ý sau đây:
1. Độ tuổi ăn dặm tối thiểu
Không cho bé tập ăn dặm khi bé mới được ít hơn 4 tháng tuổi và phải đảm bảo việc ăn dặm sẽ được kết thúc ở tháng thứ 24. Bởi vì khi bé còn quá nhỏ, có thể làm tăng nguy cơ bị sặc thức ăn, ngạt thở, khó chịu. Hơn nữa, hệ men tiêu hóa của bé lúc này chưa hoàn thiện, không thể tiêu hóa được nhiều loại thực phẩm khác nhau mà mẹ cho bé ăn.
Sau 24 tháng tuổi, các mẹ nên kết thúc giai đoạn ăn dặm cho bé, để từ đó giúp bé rèn luyện khả năng nhai, nuốt, bắt đầu ăn uống các loại thực phẩm như người lớn. Nhờ đó mà bé sẽ trưởng thành hơn, có thể hòa nhập môi trường mẫu giáo và trường lớp sau này.
2. Mức độ ăn dặm đề nghị
Các mẹ chỉ nên cho bé tập ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc. Dần dần sau này khi các bé đã quen với việc ăn dặm thì mới gia tăng khẩu phần ăn lên. Khi tập cho bé ăn từ ít đến nhiều, bé sẽ có thể phát triển cơ thể một cách từ từ và khỏe mạnh.
3. Thực phẩm phù hợp cho bé ăn dặm
Các mẹ nên cho bé ăn các loại thực phẩm từ thực vật đến động vật. Đó là bởi khi này hệ tiêu hóa vẫn còn non nớt của các bé chưa có khả năng tiêu hóa quá nhiều chất đạm đến từ động vật. Vậy nên trong giai đoạn tập ăn dặm, các mẹ chỉ nên chế biến thức ăn hoàn toàn từ thực vật thôi nhé. Về sau này, các mẹ có thể bổ sung chất đạm từ động vật bằng cách cho bé ăn thịt, trứng và cá với liều lượng khoảng 1 thìa canh mỗi bữa.
4. Khẩu vị của bé khi ăn dặm
Các mẹ nên cho bé ăn từ ngọt đến mặn. Hãy cho bé bắt đầu ăn dặm khi mới 5 tháng tuổi bằng các loại thực phẩm có vị ngọt như bột gạo, bột yến mạch,… nấu cùng một số loại rau củ và tuyệt đối không được nêm gia vị mặn khi nấu. Sau khoảng từ 2 đến 4 tuần thì các mẹ mới nên thêm gia vị mặn vào món ăn dặm cho bé. Không được thêm quá nhiều gia vị mặn cho bé ăn, bởi chúng sẽ khiến thận của bé hoạt động quá mức.