Thua lỗ cũng phải đóng thuế thu nhập
Lỗ nặng cũng phải đóng thuế thu nhập
Chị Nguyễn Vân (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay tính từ đầu năm 2022 đến nay, chị nói riêng và dân chứng khoán nói chung thua lỗ nặng nề, tài khoản bốc hơi 40 – 50%. Thế nhưng họ vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đều đều. Cứ giao dịch 100 triệu đồng đóng thuế 100.000 đồng, cắt lỗ cũng đóng thuế. “Thuế thu nhập mà không có thu nhập, kinh doanh lỗ cũng phải đóng thuế 0,1% thì không thể hiểu nổi”, chị Vân bức xúc.
Ngọc Thắng
Không những chứng khoán mà các nhà đầu tư bán bất động sản thua lỗ cũng phải nộp thuế thu nhập. Ông Nguyễn Thái (Q.2, TP.HCM) cho biết vừa rồi ông bán đất ở Đà Lạt 1,4 ha với giá 30 tỉ đồng, trong đó phí môi giới hết 600 triệu đồng, thuế nộp cũng vài trăm triệu đồng. Miếng đất này ông Thái mua cách đây hơn 1 năm, trong đó có một phần từ tiền vay ngân hàng. Do công việc kinh doanh chính bị ảnh hưởng bởi thị trường khó khăn, gồng lãi không nổi, ông Thái rao bán nhưng không có khách hỏi mua. Gồng trả lãi suốt gần năm qua, chịu không nổi, ông chấp nhận bán lỗ gần một nửa. “Cắn răng bán cho nhẹ đầu chứ áp lực trả lãi ngân hàng thấy mệt quá. Dù vậy, tôi vẫn phải đóng thuế thu nhập tính sơ bộ vài trăm triệu đồng”, ông Thái rầu rĩ.
Mặc dù tình hình giao dịch của thị trường bất động sản trong năm 2022 thấp nhưng Bộ Tài chính cho biết số thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản lũy kế 8 tháng 2022 đạt hơn 26.860 tỉ đồng, tăng hơn 13.200 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 96,4% so với cùng kỳ năm 2021. Số thuế TNCN trong 10 tháng qua thu vượt 118,1% dự toán ngân sách. Như vậy chỉ 10 tháng, số thu thuế TNCN đã vượt 21.371 tỉ đồng, lên 139.446 tỉ đồng. Đây là số thu thuế cao nhất từ 10 năm trở lại đây.
Quy định lạc hậu
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á, nhận xét: Nếu xét trên giá trị bình quân giao dịch tháng 10 ở mức 9.300 tỉ đồng/phiên thì số thu thuế từ chứng khoán đã giảm đi một nửa bởi giá trị bình quân của năm 2021 lên hơn 22.000 tỉ đồng. Đó là chưa kể giá trị giao dịch tháng 11 sụt giảm nhiều. “Số thuế thu được từ chứng khoán hiện nay có thể giảm đi rất nhiều so với năm 2021 khi giá trị giao dịch sụt giảm. Nhà đầu tư thua lỗ nên cũng chẳng còn tiền để lướt sóng. Thế nhưng thuế vẫn thu trên doanh thu bán chứng khoán của nhà đầu tư. Trong khi theo đúng tinh thần thuế thu nhập, có thu nhập thì mới nộp thuế. Kinh doanh lỗ mà vẫn đóng thuế thì đi ngược với tinh thần của luật. Nhiều nhà đầu tư cảm thấy không công bằng”, ông Tuấn nói.
Phương pháp tính thuế trên doanh thu dù giúp việc thực hiện thuế thuận lợi hơn nhưng rõ ràng chưa đúng bản chất của loại thuế thu nhập. Tương tự với quy định những cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trên 100 triệu đồng cũng phải nộp thuế TNCN. Như vậy, cá nhân bình quân mỗi tháng bán hàng chỉ trên 8,3 triệu đồng đã phải đóng thuế TNCN.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng quy định mức doanh thu của cá nhân kinh doanh dưới 100 triệu đồng/năm không nộp thuế TNCN được áp dụng từ năm 2013. Từ năm 2013 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế đã được điều chỉnh tăng lên 11 triệu đồng/người/tháng, tương đương 132 triệu đồng/năm. Trong khi mức 100 triệu đồng thấp hơn 32% so với mức giảm trừ gia cảnh, chưa đủ nuôi sống bản thân và gia đình đã phải nộp thuế. Gần 10 năm trôi qua mà cứ quy định cá nhân kinh doanh trên 100 triệu đồng nộp thuế là quá lạc hậu. Đó là chưa kể giá cả leo thang, người kinh doanh cũng phải bỏ ra nhiều chi phí hơn. Bộ Tài chính cần sớm điều chỉnh quy định tính thuế doanh thu trên 100 triệu đồng/năm để giảm gánh nặng cho người kinh doanh. Bởi nếu chờ đến năm 2025 mới sửa đổi luật thuế TNCN theo lộ trình vừa đề ra thì “không những lạc hậu mà rất rất lạc hậu”, theo ông Trần Xoa.